Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
(1) Khi tôi lên tám hay chín tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một buổi tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng mà lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chủ động ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.
(2) Đêm đó, tôi đến bên chúc cha ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy không. Cha khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc vất vả cả ngày và rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”. Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được ngày sinh nhật hay ngày kỉ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua những năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó”.
(Theo quatang.ync.vn)
Câu 1: Xác định và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích (1)
Câu 2: Theo người cha, điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác?
Câu 3: Xét trong ngữ cảnh văn bản, câu nói của người cha: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà” đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Việc vi phạm ấy nhằm mục đích gì?
Câu 4: Em có đồng ý với quan điểm: “Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu không? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày ý nghĩa của việc chấp nhận sai sót của người khác.
Câu 2: (5,0 điểm)
Cảm nhậnveề vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe qua hai đoạn thơ sau:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Và:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, SGK Ngữ văn 9, tập 1)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1
Xác định và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích (1) |
Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Các thành phần biệt lập”
Cách giải:
Thành phần gọi đáp: “Em à”
Câu 2
Theo người cha, điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác? |
Phương pháp: Căn cứ nội dung đoạn trích và tìm ý
Cách giải:
Theo người cha, điều thực sự gây tổn thương cho người khác đó chính là những lời chê bai, trách móc cay nghiệt.
Câu 3
Xét trong ngữ cảnh văn bản, câu nói của người cha: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà” đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Việc vi phạm ấy nhằm mục đích gì? |
Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Các phương châm hội thoại”
Cách giải:
- Câu nói “Em àn, anh thích bánh mì cháy mà” vi phạm phương châm về chất.
- Người cha nói như vậy nhằm tránh gây sự tổn thương cho người vợ. Ông hiểu rằng người vợ của mình đã làm việc vất vả cả ngày dài nên không thể chuẩn bị tốt cho gia đình.
Câu 4
Em có đồng ý với quan điểm: “Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu không? Vì sao? |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Gợi ý:
- Đồng ý với quan điểm trên
- Giải thích: Cuộc đời mỗi con người đều có giới hạn, lựa chọn cách sống, thái độ sống như thế nào là do bản thân ta tự quyết định. Nếu cứ sống với những hối tiếc, sự khó chịu, hận thù thì cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa, bản thân sẽ luôn sống trong những dằn vặt, đau khổ.
Phần II
Câu 1
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày ý nghĩa của việc chấp nhận sai sót của người khác. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: biết chấp nhận sai sót của người khác là một trong những phẩm chất quý giá, cần có ở mỗi con người.
2. Giải thích vấn đề
- Biết chấp nhận sai sót của người khác: là sự đồng cảm, bao dung, chấp nhận những sai sót, lỗi lầm của người khác và rộng lượng tha thứ cho những thiếu sót ấy.
=> Biết chấp nhận sai sót của người khác sẽ khiến cuộc sống dễ chịu và các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Biểu hiện của việc chấp nhận sai sót của người khác:
+ Chấp nhận những điều thiếu sót của người khác.
+ Không khó chịu khi người khác lỡ may sai sót, chưa làm tốt công việc.
+ …
- Ý nghĩa của việc chấp nhận sai sót của người khác:
+ Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phạm phải sai lầm, nên việc bao dung, tha thứ và chấp nhận là điều cần thiết đối với con người.
+ Chấp nhận những thiếu sót của người khác sẽ khiến cho mối quan hệ giữa con người trở nên tốt đẹp hơn.
+ Biết bỏ qua sai sót cho người khác sẽ tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa lỗi lầm.
+ Nếu không biết tha thứ, bỏ qua cho người khác và hẹp hòi, con người sẽ luôn sống trong sự hận thù, mối quan hệ giữa con người sẽ trở nên áp lực, căng thẳng.
- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, luôn soi mói, không chấp nhận những sai lầm, thiếu sót của người khác.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác.
+ Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2
Cảm nhậnveề vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe qua hai đoạn thơ sau: Không có kính, ừ thì ướt áo Và: Không có kính, rồi xe không có đèn, (Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, SGK Ngữ văn 9, tập 1) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Phạm Tiến Duật là nhà thơ được rèn luyện, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ và oanh liệt của dân tộc.
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khắc họa hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ với tư thế, tinh thần hiên ngang bất khuất.
- Tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính và hiện thực chiến tranh khốc liệt qua hình ảnh những chiếc xe không kính tiêu biểu trong khổ thơ thứ tư và khổ thơ cuối cùng của tác phẩm.
2. Phân tích, cảm nhận
Phân tích hai khổ thơ để thấy được những đặc sắc nội dung và nghệ thuật:
a, Tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan tích cực coi thường hiểm nguy
- Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo là hình ảnh tươi đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:
+ Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính độc đáo
+ Họ với tư thế hiên ngang vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về vật chất
+ Họ phải đối mặt với hiểm nguy “ướt áo”, “mưa tuôn mưa xối”...
+ Hiện thực khốc liệt nhưng người lính cảm nhận và thể hiện bằng sự ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn
- Họ tự tin, hiên ngang đối diện với gian khói lửa chiến tranh
- Giọng nói ngang tàng, bất chấp hiểm nguy thể hiện rõ trong cấu trúc: “không có... ừ thì” cứng cỏi, biến khó khăn thành điều thú vị
→ Khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn không làm nhụt chí người lính lái xe Trường Sơn. Ngược lại, ở họ là bản lĩnh, nghị lực phi thường hơn.
b. Ý chí chiến đấu vì miền Nam, thống nhất đất nước
- Bài thơ khép lại với bốn câu thơ thể hiện ý chí sắt đá của những người lính.
- Miền Nam chính là động lực mạnh mẽ nhất, sâu xa nhất tạo nên sức mạnh phi thường của người lính cách mạng
- Với biện pháp liệt kê, điệp từ “không có” diễn tả mức độ khốc liệt ngàng càng tăng của chiến trường.
- Đối lập với những cái “không có” chỉ cần “có một trái tim” đã làm nổi bật sức mạnh, ý chí ngoan cường của người lính lái xe.
- Hình ảnh trái tim là một hoán dụ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy sáng tạo, khẳng định phẩm chất cao quý của các chiến sĩ lái xe trên đường ra tiền tuyến lớn. Các anh xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam; tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước của thế hệ.
c. Nghệ thuật:
- Những biện pháp tu từ điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê đã làm nổi bật chiến tranh khốc liệt và sự hiên ngang của người lính.
- Những hình ảnh đậm chất hiện thực, giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, ngang tàng chính là những yếu tố thổi hồn cho bài thơ sống mãi.
3. Tổng kết vấn đề
- Hai khổ thơ tiêu biểu đã khắc hoạ hình ảnh các chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành.
- Vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.
CHƯƠNG I. CĂN BẬC HAI - CĂN BẬC BA
Bài 10: Lí tưởng sống của thanh niên
Âm nhạc
SỰ PHÂN HÓA LÃNH THỔ
QUYỂN 4. LẮP ĐẶT MẠNG ĐIỆN TRONG NHÀ