Sách là một môn giải trí, xưa nay người ta vẫn nói thế, không sai. Nhưng quả là một môn giải trí kì lạ: khác mọi thú vui khác ở đời, nó giải trí bằng cách, không để cho ta được yên.
Trong trăm nghìn lời bàn bất tận về sách và về hành vi đọc sách của con người xưa nay, hãy nghe chẳng hạn một cách nghĩ về sách của Linda Lê, một nhà văn gốc Việt hiện đang sống ở Pháp. Chị ấy viết: “Chalamov nói: Sách là sự bất tử của chúng ta. Chúng rì rào bao nhiều điềm báo đến mức cuối cùng chúng ta quyết định phải lắng nghe, chúng thổi ngọn gió tranh biện và làm xáo động niềm yên tĩnh của chúng ta. Kẻ nào chiếm lĩnh được một cơn lốc những từ mang đầy những câu hỏi sẽ được lôi kéo vào một vận động ở đó sự tự tháo lui lại đưa đến một cuộc tái chiếm; anh tự rứt ra khỏi chính mình để có thể học được cách tái tạo lại mình tốt hơn, bởi món chiến lợi phẩm có được bằng cách này chỉ có thể là một tài sản nếu nó được dùng để trả giá trong các cuộc du hành vào bên trong những điều kì lạ. Ở đây ta đem những niềm tin chắc của mình đổi lấy những chóng mặt và phân vân”.
Còn Marie Darrieussecq, một nhà văn nữ khác thì nói bằng thơ:
Đọc là biến đi khỏi thế giới Đọc là tìm lại được thế giới
Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay...
Quả vậy, sách và hành vi đọc chứa trong nó một mâu thuẫn kì lạ và kì diệu. Khi đã quyết định cầm một cuốn sách lên và bắt đầu đọc, là ta đã rút lui khỏi thế giới này, để tìm đến một thế giới khác. Là rút lui vào cô đơn đến chỉ còn lại mỗi một mình, mà kì thay lại một mình với cả một thế giới khác, mênh mông nhưng nén chặt trong lòng bàn tay. Thế giới nào vậy? Thế giới rì rào của những điềm báo. Định nghĩa của Linda Lê thật hay: sách là nơi chứa đầy những điềm báo.
Cầm một cuốn sách lên cũng giống như ta bắt đầu xóc một ống thẻ bói vậy. Không gì bí mật và nguy hiểm, đe dọa bằng một ống thẻ bói, nó chứa đựng vô số dự báo may và rủi, được và mất, hạnh phúc và đau khổ, thành công và thất bại, thậm chí tử và sinh... đến nỗi cuối cùng không dừng được nữa ta quyết định lắng nghe, lắng nghe tiếng nói của số phận, của định mệnh. Để mong tìm được một câu trả lời, cho lòng lắng đi, yên tĩnh lại. Nhưng mà nào có được. Sách thổi vào đầu óc, vào tâm hồn chúng ta ngọn gió của sự tranh biện, nhiệm vụ của một cuốn sách, cái mục đích cốt yếu vì đó mà nó được viết ra, sứ mệnh của nó, nghịch lí thay, lại là lay chuyển, đánh giật, phá tan những niềm tin đinh ninh đến tưởng chừng tất yếu, đến ngỡ đã là cuối cùng của chúng ta. Một cuốn sách hay không mang đến những câu trả lời mà đổ ra trước mắt ta, vào trong đầu, trong lòng ta một mớ những câu hỏi, một cơn lốc những câu hỏi, ồ ạt, dồn dập, cả những câu hỏi ta chưa từng ngờ, xáo tung tất cả lên, đặt lại tất cả. Và diễn ra điều kì diệu này: ta tự tháo lui Linda Lê nói - tháo lui khỏi gì? Khỏi chính mình, khỏi những chân lí đinh ninh của mình, tự làm trống rỗng chính mình - có lẽ có chút nào đó giống như trong hành vi thiền vậy – để tạo điều kiện cho một cuộc tái chiếm, cuộc tái chiếm của những sự thật mới, những chân lí và niềm tin mới, một cuộc tự tái tạo lại mình. Đọc một cuốn sách là được sinh ra lần nữa. Cho ra đời một “mình” mới. Tự sáng tạo lại mình... Cho đến cuốn sách sau. Mỗi lần đọc là một lần tự phá hoại, tự phá hủy, và tự xây lại, mãi mãi không ngừng. Chính vì vậy mà Linda Lê bảo rằng đọc sách là phiêu lưu vào thế giới của những điều kì lạ, nơi ấy người ta đem niềm tin chắc và sự yên tĩnh an lành của mình đổi lấy những cơn chóng mặt và phân vân.
Đọc sách, vậy đó, bạn nên biết, là một hành vi nguy hiểm. Bởi sự sáng tạo mới, sự tái tạo nào cũng chất đầy hiểm nguy. Hay nói cách khác, không chấp nhận hiểm nguy thì chẳng bao giờ có sáng tạo. Sẽ là yên tĩnh chết. Sách sinh ra là để phá vỡ sự yên tĩnh đó. Để cho con người và thế giới này được tái tạo lại không ngừng. Chính vì thế mà Chalamov mới nói: Sách là sự bất tử của chúng ta. Nó tái tạo con người và thế giới, từng ngày. Khai thiên lập địa lại mỗi ngày. Bạn có muốn được tham gia và hưởng thụ cuộc khai thiên lập địa bất tận ấy không? Xin hãy cầm cuốn sách lên. Và đọc Hành vi đẹp nhất của sinh vật được gọi là con người.
Unit 6. Future Jobs
CHƯƠNG VIII. SƠ LƯỢC VỀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI HẸP
CHƯƠNG 1. CƠ CHẾ DI TRUYỀN VÀ BIẾN DỊ
Câu hỏi tự luyện Sử 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Vật lí lớp 12