Bài 14A: Những tấm lòng cao đẹp
Bài 14B: Hạt vàng làng ta
Bài 14C: Làm biên bản cuộc họp
Bài 15A: Buôn làng đón cô giáo mới
Bài 15B: Những công trình mới
Bài 15C: Những người lao động
Bài 16A: Tấm lòng người thầy thuốc
Bài 16B: Thầy cúng đi viện
Bài 16C: Từ ngữ miêu tả
Bài 17A: Người dời núi mở đường
Bài 17B: Những bài ca lao động
Bài 17C: Ôn tập về câu
Câu 1
Quan sát bức tranh và cho biết tranh vẽ cảnh gì?
Phương pháp giải:
Em quan sát kĩ tranh và xem các nhân vật trong tranh họ đang làm gì? khung cảnh xung quanh có gì đặc biệt?
Lời giải chi tiết:
Bức tranh vẽ cảnh ở một làng quê Việt Nam vào vụ mùa, trên những đồng lúa chín vàng, các bác nông dân đang hối hả thu hoạch lúa đem về.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài văn sau:
Quang cảnh làng mạc ngày mùa
Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.
Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đóm con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ. Ngày không nắng, không mưa, hồ như không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.
TÔ HOÀI
Câu 3
Ghép mỗi từ dưới đây với lời giải nghĩa phù hợp
a. Kéo đá b. Hợp tác xã c. Lụi
(1) …..: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.
(2) ……: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.
(3) ……: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ phần bên phải sau dấu hai chấm rồi lựa chọn từ phù hợp điền vào chỗ trống.
Lời giải chi tiết:
(1) – c Lụi: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.
(2) – a Kéo đá: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.
(3) – b: Hợp tác xã: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.
Câu 4
Cùng luyện đọc
Ba em đọc tiếp nối đến hết bài. Em thứ nhất đọc đoạn 1, 2. Em thứ hai đọc đoạn 3. Em thứ ba đọc đoạn cuối. Đọc với giọng chậm rãi, chú ý nhấn giọng ở các từ ngữ miêu tả màu vàng khác nhau của cảnh vật.
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Kể tên những sự vật trong bài có màu vàng và từ chỉ màu vàng đó
M: lúa – vàng xuộm
2) Những chi tiết nào về thời tiết và con người đã làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động?
3) Bài văn thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương?
Phương pháp giải:
1) Em đọc kĩ lại bài văn.
2) Em đọc kĩ đoạn “Tất cả đượm một màu vàng…” đến “… cứ trở dậy là ra đồng ngay”
3) Qua việc miêu tả một cách vô cùng chi tiết, tỉ mỉ và tinh tế quang cảnh làng mạc trong ngày mùa cho em có suy nghĩ gì về tình cảm của tác giả đối với quê hương? Vì sao tác giả lại có thể quan sát tỉ mỉ, tinh tế và chi tiết đến thế?
Lời giải chi tiết:
1)
- Các sự vật trong bài có màu vàng
+ Lúa – Vàng xuộm
+ Nắng – Vàng hoe
+ Xoan – Vàng lịm
+ Lá mít – Vàng ối
+ Tàu đu đủ, lá sắn héo – Vàng tươi
+ Quả chuối – Chín vàng
+ Tàu lá chuối – Vàng ối
+ Bụi mía – Vàng xọng
+ Rơm, thóc – Vàng giòn
+ Gà, chó – Vàng mượt
+ Mái nhà rơm – Vàng mới
+ Tất cả - Một màu vàng tươi, trù phú
2)
- Chi tiết về thời tiết làm cho bức tranh làng quê thêm sinh động
+ Quang cảnh không có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông.
+ Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.
+ Ngày không nắng, không mưa.
Nhận xét về thiên nhiên: Thời tiết ngày mùa trong bài được miêu tả rất đẹp.
- Chi tiết về con người làm cho bức tranh làng quê thêm sinh động
+ Không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã.
+ Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa là đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.
Nhận xét về con người: Con người chăm chỉ, mải miết, say mê với công việc. Hoạt động của con người làm cho bức tranh quê sinh động hơn.
3) Thể hiện tình yêu tha thiết của người viết đối với cảnh, với quê hương.
Câu 6
Tìm hiểu cấu tạo của bài văn tả cảnh
1) Đọc bài văn tả cảnh sau
Buổi sáng trên quê em
Buổi sáng mùa xuân, phong cảnh thị xã Sơn La của em thật đẹp.
Đứng trên đồi Khau Cả, em có thể nhìn thấy toàn cảnh thị xã. Ông mặt trời hồng rực vừa thức dậy ló qua khỏi ngọn cây. Ánh nắng ban mai toả xuống mặt đất xua đi cái lạnh của đêm. Cảnh vật như bừng tỉnh, tràn đầy sức sống. Những dãy núi đồi trùng trùng điệp điệp dần dần hiện ra giữa màn sương mờ ảo. Từng dải mây trắng sà xuống quấn quanh sườn núi hoà với sắc hoa ban trắng xoá cả núi rừng.
Xa xa, dòng suối Nậm La uốn lượn như một dải lụa. Nước suối trong xanh in bóng mây trời. Có chỗ nước suối tràn qua đập, tung bọt trắng xoá rồi đổ xuống như một màn thác…
Ai đã đứng ngắm thị xã Sơn La một lần vào buổi sáng thì khó lòng dứt bước ra đi.
(Theo Nguyễn Hoàng Long)
2) Xác định các đoạn của bài văn trên.
3) Nội dung chính của mỗi đoạn văn là gì?
4) Dựa vào bài văn trên, em hãy nhận xét về cấu tạo của bài văn tả cảnh: Bài văn tả cảnh gồm những phần nào? Mỗi phần có nội dung gì?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài văn rồi làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
2) Xác định các đoạn của bài văn:
- Đoạn 1: Từ “Buổi sáng…” đến “…thật đẹp”.
- Đoạn 2: Từ “Đứng trên …” đến “… một màn thác”
- Đoạn 3: Từ “Ai đã đứng…” đến “… khó lòng dứt bước ra đi”
3) Nội dung chính của mỗi đoạn văn trên:
- Đoạn 1: Từ “Buổi sáng…” đến “…thật đẹp”: Giới thiệu chung về cảnh đẹp một sáng mùa mùa xuân ở Sơn La
- Đoạn 2: Từ “Đứng trên …” đến “… một màn thác”: Tả chi tiết từng cảnh đẹp ở Sơn La vào buổi sáng.
- Đoạn 3: Từ “Ai đã đứng…” đến “… khó lòng dứt bước ra đi”: Cảm xúc trước cảnh đẹp buổi sáng ở Sơn La
Ghi nhớ
Bài văn tả cảnh thường có ba phần: 1. Mở bài: Giới thiệu cảnh sẽ tả 2. Thân bài: Tả từng bộ phận của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian 3. Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết. |
Bài tập cuối tuần 30
Bài tập cuối tuần 15
Bài 1: Em làm học sinh lớp 5
Bài tập cuối tuần 16
Môi trường và tài nguyên