6.1
Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Tất cả các nguyên tố khí hiếm đều có 8 electron ở lớp electron ngoài cùng.
B. Vỏ nguyên tử của các nguyên tố khí hiếm đều có cùng số lớp electron,
C. Các nguyên tố khí hiếm đều rất khó hoặc không kết hợp với nguyên tố khác hợp thành hợp chất.
D. Hợp chất tạo bởi các nguyên tố khí hiếm đều ở thể khí.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A sai vì các nguyên tố khí hiếm có 8 electron ở lớp ngoại cùng trừ helium ở lớp ngoài cùng có 2 electron.
Phát biểu B sai vì vỏ nguyên tử của các nguyên tố khí hiếm không có cùng số lớp electron.
Phát biểu C đúng vì lớp electron ngoài cùng bền vững của khí hiếm là 8 electron (trừ helium) nên các nguyên tố khí hiếm đều rất khó hoặc không kết hợp với nguyên tố khác hợp thành hợp chất.
Phát biểu D sai vì ở điều kiện thường, các nguyên tử khí hiếm thường trơ, bền và chỉ tồn tại độc lập, không kết hợp với các nguyên tử của nguyên tố khác để tạo hợp chất.
⇨ Chọn C.
6.2
Hãy chọn phát biểu đúng để hoàn thành câu sau: Để có số electron ở lớp ngoài cùng giống nguyên tử của nguyên tố khí hiếm, các nguyên tử của các nguyên tố có khuynh hướng
A. nhường các electron ở lớp ngoài cùng.
B. nhận thêm electron vào lớp electron ngoài cùng.
C. nhường electron hoặc nhận electron để lớp electron ngoài cùng đạt trạng thái bền (8 electron).
D. nhường electron hoặc nhận electron hoặc góp chung electron.
Lời giải chi tiết:
Nguyên tử của các nguyên tố có khuynh hướng nhường electron, nhận electron hoặc góp chung electron để có lớp electron ngoài cùng bền vững như các khí hiếm.
⇨ Chọn D.
6.3
Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Để tạo ion dương thì nguyên tử của nguyên tố phi kim sẽ nhường các electron ở lớp ngoài cùng.
B. Để tạo ion dương thì nguyên tử của nguyên tố phi kim sẽ nhận thêm electron để có đủ 8 electron ở lớp electron ngoài cùng.
C. Để tạo ion dương thì nguyên tử của nguyên tố kim loại sẽ nhận thêm electron để có đủ 8 electron ở lớp electron ngoài cùng.
D. Để tạo ion dương thì nguyên tử của nguyên tố hóa học sẽ nhường các electron ở lớp ngoài cùng.
Phương pháp giải:
- Liên kết ion được hình thành giữa các nguyên tử kim loại và nguyên tử phi kim, nguyên tử kim loại nhường electron, trở thành ion dương, nguyên tử phi kim nhận electron từ kim loại, trở thành ion âm. Các ion trái dấu hút nhau tạo thành liên kết trong hợp chất ion.
⇨ Liên kết ion được hình thành bởi lực hút giữa các ion mang điện tích trái dấu.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A và B sai vì nguyên tố phi kim nhận thêm electron để tạo ion âm.
Phát biểu C sai vì nguyên tố kim loại nhường electron ở lớp ngoài cùng.
Phát biểu D đúng vì nguyên tử của nguyên tố hóa học tạo ion dương bằng cách nhường electron ở lớp ngoài cùng.
⇨ Chọn D.
6.4
Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Nguyên tố tạo ion âm đều là nguyên tố phi kim.
B. Nguyên tố tạo ion dương có thể là nguyên tố kim loại hoặc nguyên tố phi kim.
C. Để tạo ion dương thì nguyên tố phi kim sẽ nhường electron.
D. Để tạo ion âm thì nguyên tố kim loại sẽ nhận electron.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A đúng, nguyên tố phi kim nhận thêm electron để tạo ion âm.
Phát biểu B và D sai vì nguyên tố kim loại nhường electron ở lớp ngoài cùng tạo ion dương.
Phát biểu C sai vì nguyên tử của nguyên tố kim loại tạo ion dương bằng cách nhường electron ở lớp ngoài cùng.
⇨ Chọn A.
6.5
Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố phi kim sẽ nhường các electron lớp ngoài cùng.
B. Để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố phi kim sẽ nhận thêm electron để có đủ 8 electron ở lớp electron ngoài cùng.
C. Để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố kim loại sẽ nhận thêm electron để có đủ 8 electron ở lớp ngoài cùng.
D. Để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố hóa học sẽ nhường các electron ở lớp ngoài cùng.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A sai, nguyên tử của nguyên tố phi kim nhận thêm electron để tạo ion âm.
Phát biểu B đúng, để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố phi kim sẽ nhận thêm electron để có đủ 8 electron ở lớp electron ngoài cùng.
Phát biểu C sai vì nguyên tử của nguyên tố kim loại tạo ion dương bằng cách nhường electron ở lớp ngoài cùng, nguyên tử của nguyên tố kim loại không tạo ion âm.
Phát biểu D sai vì để tạo ion âm thì nguyên tử của nguyên tố hóa học sẽ nhận thêm electron.
⇨ Chọn B
6.6
Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Liên kết trong các phân tử đơn chất thường là liên kết cộng hóa trị.
B. Sau khi các nguyên tử liên kết với nhau, số electron lớp ngoài cùng sẽ giống nguyên tố khí hiếm.
C. Liên kết giữa các nguyên tố phi kim thường là liên kết cộng hóa trị.
D. Liên kết giữa nguyên tố kim loại và nguyên tố phi kim đều là liên kết ion.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A đúng vì các đơn chất phi kim ở thể khí trong tự nhiên tồn tại ở dạng phân tử gồm 2 nguyên tử liên kết với nhau bằng liên kết cộng hóa trị.
Phát biểu B đúng vì nguyên tử của nguyên tố có xu hướng tham gia liên kết hóa học để đạt được lớp electron ngoài cùng giống khí hiếm gần nó nhất trong bảng tuần hoàn.
Phát biểu C đúng vì liên kết cộng hóa trị thường là liên kết giữa hai nguyên tử của nguyên tố phi kim với phi kim.
Phát biểu D sai vì có một số hợp chất của nguyên tố kim loại và nguyên tố phi kim liên kết với nhau bằng liên kết cộng hóa trị.
⇨ Chọn D.
6.7
Ở điều kiện thường, phát biểu nào sau đây đúng?
A. Tất cả các hợp chất ở thể rắn đều là chất ion.
B. Chất cộng hóa trị luôn ở thể rắn.
C. Chất chỉ có liến kết cộng hóa trị là chất cộng hóa trị và luôn ở thể khí.
D. Hợp chất có chứa kim loại thường là chất ion.
Phương pháp giải:
- Chất được tạo bởi các ion dương và ion âm được gọi là chất ion.
- Chất được tạo thành nhờ liên kết cộng hóa trị được gọi là chất cộng hóa trị.
- Ở điều kiện thường, chất ion thường ở thể rắn, chất cộng hóa trị có thể ở thể rắn, thể lỏng hoặc thể khí.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A sai vì các hợp chất ở thể rắn có thể là hợp chất cộng hóa trị.
Phát biểu B và C sai vì chất cộng hóa trị có thể ở thể rắn, thể lỏng hoặc thể khí.
Phát biểu D đúng vì hợp chất ion chứa liên kết ion được hình thành giữa các nguyên tử kim loại và nguyên tử phi kim
⇨ Chọn D.
6.8
Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Hợp chất chỉ có liên kết cộng hóa trị là chất cộng hóa trị.
B. Hợp chất chỉ có liên kết ion là chất ion.
C. Một số hợp chất có cả liên kết ion và liên kết cộng hóa trị.
D. Ở điều kiện thường, hợp chất ở thể rắn là chất ion.
Phương pháp giải:
- Chất được tạo bởi các ion dương và ion âm được gọi là chất ion.
- Chất được tạo thành nhờ liên kết cộng hóa trị được gọi là chất cộng hóa trị.
- Ở điều kiện thường, chất ion thường ở thể rắn, chất cộng hóa trị có thể ở thể rắn, thể lỏng hoặc thể khí.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A đúng, chất cộng hóa trị là chất chỉ có liên kết cộng hóa trị.
Phát biểu B đúng, chất ion là chất chỉ có liên kết ion.
Phát biểu C đúng, một số hợp chất vừa có liên kết cộng hóa trị, vừa có liên kết ion chẳng hạn như sodium carbonate.
Phát biểu D sai vì ở điều kiện thường, các hợp chất ở thể rắn cũng có thể là hợp chất cộng hóa trị.
⇨ Chọn D.
6.9
Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Hợp chất ion và chất cộng hóa trị đều bền với nhiệt.
B. Hợp chất ion và chất cộng hóa trị đều tan tốt trong nước.
C. Khi các chất ion và chất cộng hóa trị tan trong nước đều tạo dung dịch có khả năng dẫn điện được.
D. Các chất ion luôn ở thể rắn.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu A sai, vì hợp chất ion bền với nhiệt nhưng hợp chất cộng hóa trị kém bền với nhiệt.
Phát biểu B sai, vì hợp chất ion và một số hợp chất cộng hóa trị (ví dụ như ammonia) dễ tan trong nước nhưng cũng có hợp chất cộng hóa trị khó tan trong nước.
Phát biểu C sai, chất ion khi tan vào nước tạo dung dịch dẫn được điện còn hợp chất cộng hóa trị khi tan trong nước mà dung dịch thu được có thể dẫn điện hoặc không dẫn điện.
Phát biểu D đúng vì ở điều kiện thường, chất ion ở thể rắn.
⇨ Chọn D.
6.10
Có các phát biểu sau:
(a) Tất cả các chất ion đều ở thể rắn.
(b) Tất cả các chất ion đều tan trong nước tạo thành dung dịch có khả năng dẫn điện.
(c) Khi đun sodium chloride rắn ở nhiệt độ cao sẽ được sodium chloride lỏng dẫn điện.
(d) Đường tinh luyện và muối ăn đều là chất rắn tan được trong nước tạo dung dịch dẫn điện.
Số phát biểu đúng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu a đúng vì ở điều kiện thường, chất ion ở thể rắn.
Phát biểu b đúng, chất ion khi tan vào nước tạo dung dịch dẫn được điện.
Phát biểu c đúng, sodium chloride là hợp chất ion, ở nhiệt độ thường sodium ở thể rắn, sodium chloride bị nóng chảy ở nhiệt độ cao. Ở trạng thái nóng chảy sodium chloride vẫn dẫn điện.
Phát biểu d sai vì đường tinh luyện là hợp chất cộng hóa trị khi trong nước không dẫn được điện.
⇨ Có ba phát biểu đúng.
⇨ Chọn C.
6.11
Có các phát biểu sau:
(a) Ở điều kiện thường, các chất ion ở thể rắn.
(b) Ở điều kiện thường, các hợp chất ở thể lỏng đều là chất cộng hóa trị.
(c) Hợp chất của kim loại khó bay hơi, khó nóng chảy, dễ tan trong nước tạo dung dịch dẫn được điện.
(d) Hợp chất chỉ gồm các nguyên tố phi kim thường dễ bay hơi, kém bền với nhiệt.
(e) Hợp chất tan được trong nước thành dung dịch không dẫn điện thường là chất cộng hóa trị
Số phát biểu đúng là
A. 5.
B. 4.
C. 3.
D. 2.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu a đúng, ở điều kiện thường, chất ion ở thể rắn.
Phát biểu b đúng, trong điều kiện thường, các hợp chất ở thể lỏng đều là chất cộng hóa trị.
Phát biểu c đúng, hợp chất của kim loại thường là chất ion nên hợp chất của chúng khó bay hơi, khó nóng chảy, dễ tan trong nước tạo dung dịch dẫn được điện.
Phát biểu d đúng, hợp chất chỉ gồm các nguyên tố phi kim thường là chất cộng hóa trị nên hợp chất của chúng dễ bay hơi và kém bền nhiệt.
Phát biểu e đúng, hợp chất tan trong nước thành dung dịch không dẫn được điện chắc chắn là chất cộng hóa trị, còn chất ion khi tan trong nước luôn tạo được dung dịch dẫn được điện.
⇨ Có 5 phát biểu đúng.
⇨ Chọn A.
6.12
Có các phát biểu sau:
(a) Trong hợp chất, kim loại luôn nhường electron, phi kim luôn nhận electron.
(b) Để có 8 electron ở lớp vỏ ngoài cùng thì nguyên tử aluminium hoặc nhường 3 electron hoặc nhận 5 electron.
(c) Liên kết trong hợp chất tạo bởi magnesium và chlorine là liên kết ion.
(d) Trong phân tử, hợp chất gồm các nguyên tố C, H, O chỉ có liên kết cộng hóa trị.
(e) Khi tạo liên kết hóa học, nguyên tử chlorine chỉ tạo ion âm bằng cách nhận thêm 1 electron.
Số phát biểu đúng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Lời giải chi tiết:
Phát biểu a sai, để tạo thành liên kết ion, kim loại luôn nhường electron, phi kim luôn nhận electron còn để tạo liên kết cộng hóa trị, các nguyên tử của nguyên tố phi kim góp chung electron.
Phát biểu b sai vì aluminium là kim loại, để có 8 electron ở lớp ngoài cùng, nguyên tử của nguyên tố aluminium nhường 3 electron lớp ngoài cùng.
Phát biểu c đúng vì magnesium là kim loại, chlorine là phi kim điển hình liên kết trong hợp chất của chúng là liến kết ion.
Phát biểu d đúng vì các nguyên tố C, H, O là phi kim, liên kết giữa chúng là liên kết cộng hóa trị.
Phát biểu e sai vì nguyên tử chlorine ngoài tạo liên kết ion với nguyên tử kim loại bằng cách nhận 1 electron thì nguyên tử này còn có thể tạo liên kết cộng hóa trị bằng cách góp chung 1 electron với nguyên tử phi kim.
⇨ Có 2 phát biểu đúng.
⇨ Chọn B.
6.13
Điền đầy đủ các từ hoặc các cụm từ thích hợp vào các câu dưới đây:
a) Để tạo ion dương thì (1) … sẽ (2) … Số electron (3) … bằng (4) …
b) Để tạo ion âm thì (5) … sẽ (6) … Số electron (7) … bằng (8) …
Lời giải chi tiết:
a) Để tạo ion dương thì (1) kim loại sẽ (2) nhường electron. Số electron (3) nhường bằng (4) số electron lớp ngoài cùng của kim loại.
b) Để tạo ion âm thì (5) phi kim sẽ (6) nhận electron. Số electron (7) nhận bằng (8) 8 trừ đi số electron lớp ngoài cùng.
6.14
Điền đầy đủ các từ hoặc các cụm từ thích hợp vào các câu dưới đây:
a) Chất ion luôn chứa nguyên tố (1) … ở điều kiện thường luôn ở (2) …
b) Ở điều kiện thường, chất ở thể khí luôn là (3) … Chất này có thể (4) … tạo dung dịch có khả năng (5) …
Lời giải chi tiết:
a) Chất ion luôn chứa nguyên tố (1) kim loại ở điều kiện thường luôn ở (2) trạng thái rắn.
b) Ở điều kiện thường, chất ở thể khí luôn là (3) chất cộng hóa trị. Chất này có thể (4) tan trong nước tạo dung dịch có khả năng (5) dẫn được điện hoặc không dẫn được điện.
6.15
Magnesium oxide (gồm 1 nguyên tử magnesium và 1 nguyên tử oxygen) có nhiều ứng dụng trong đời sống. Nó là thành phần chính trong các lò sản xuất sắt, thép, các kim loại màu, thủy tinh hay xi măng,… Em hãy cho biết thêm các ứng dụng khác của magnesium oxide. Vẽ sơ đồ hình thành phân tử magnesium oxide và tính khối lượng phân tử của nó.
Lời giải chi tiết:
- Các ứng dụng khác của magnesium oxide:
+ xử lý nước thải, nước sinh hoạt, xử lý đất, xử lý nước ngầm,… để ổn định pH.
+ giúp cơ thể cải thiện chứng khó tiêu, ổn định acid trong dạ dạy,…
+ dùng làm lõi cửa chống cháy,…
- Sự hình thành phân tử magnesium oxide:
+ Nguyên tử của nguyên tố magnesium nhường 2 electron lớp ngoài cùng để tạo thành ion dương có 8 electron lớp ngoài cùng bền vững.
+ Nguyên tử của nguyên tố oxygen nhận 2 electron để tạo ion âm có 8 electron lớp ngoài cùng bền vững.
+ Hai ion trái dấu hút nhau bằng lực hút tĩnh điện và tạo thành liên kết ion.
- Phân tử magnesium oxide được tạo bởi một nguyên tử của nguyên tố Mg và một nguyên tử của nguyên tố O.
KLPT (MgO) = 1.24 + 1.16 = 40 (amu)
6.16
Hãy liệt kê 2 chất khó bay hơi, khó nóng chảy, dễ tan trong nước tạo dung dịch dẫn điện.
Phương pháp giải:
- Chất được tạo bởi các ion dương và ion âm được gọi là chất ion.
- Ở điều kiện thường, chất ion thường ở thể rắn.
- Chất ion khó bay hơi, khó nóng chảy, khi tan vào nước tạo dung dịch dẫn được điện
Lời giải chi tiết:
Chất khó bay hơi, khó nóng chảy, dễ tan trong nước tạo dung dịch dẫn điện là chất ion.
Ví dụ: 2 chất có trong “muối I - ốt”: sodium chloride và potassium iodide.
6.17
Trong giấm gạo có chứa 7% đến 20% acetic acid (phân tử gồm 2 nguyên tử carbon, 4 nguyên tử hydrogen và 2 nguyên tử oxygen). Theo em, acetic acid là chất ion hay chất cộng hóa trị? Tính khối lượng phân tử của hợp chất này.
Lời giải chi tiết:
- Phân tử acetic acid được tạo bởi nguyên tử của các nguyên tố C, H, O – chúng là những nguyên tử của nguyên tố phi kim nên liên kết trong phân tử này là liên kết cộng hóa trị. Do đó acetic acid là chất cộng hóa trị.
- Phân tử acetic acid (gồm 2 nguyên tử carbon, 4 nguyên tử hydrogen và 2 nguyên tử oxygen)
⇨ Khối lượng phân tử acetic acid là: 2.12 + 4.1 + 2.16 = 60 (amu).
6.18
Phân tử (A) có khối lượng phân tử > 30 amu, thể khí, là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính. Trong phân tử (A) có loại liên kết gì? Vẽ sơ đồ hình thành liên kết trong phân tử (A).
Lời giải chi tiết:
- Phân tử (A) có khối lượng phân tử > 30 amu, thể khí, là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính.
⇨ Phân tử (A) là khí carbon dioxide (gồm 1 nguyên tử của nguyên tố carbon liên kết cộng hóa trị với 2 nguyên tử của nguyên tố oxygen).
⇨ Khối lượng phân tử carbon dioxide là: 1.12 + 2.16 = 44 (amu).
- Sự hình thành liên kết cộng hóa trị của phân tử carbon dioxide:
+ Nguyên tử carbon có 4 electron ở lớp ngoài cùng. Để có 8 electron lớp ngoài cùng bền vững giống khí hiếm neon, nguyên tử carbon góp chung 4 electron.
+ Nguyên tử oxygen có 6 electron ở lớp ngoài cùng. Để có 8 electron lớp ngoài cùng bền vững giống khí hiếm neon, nguyên tử oxygen góp chung 2 electron.
⇨ Nguyên tử carbon góp chung 4 electron, 2 nguyên tử oxygen góp chung 4 electron.
6.19
Hãy liệt kê 3 phân tử đều tạo từ một nguyên tố T và đều có khối lượng phân tử nhỏ hơn 50 amu. Trong đó gồm: 1 phân tử đơn chất, 1 phân tử hợp chất có liên kết ion và 1 phân tử hợp chất có liên kết cộng hóa trị. Tính khối lượng các phân tử trên.
Lời giải chi tiết:
Vì T tạo được phân tử có liên kết cộng hóa trị và phân tử có liên kết ion nên T là nguyên tử của nguyên tố phi kim.
Chọn T là nguyên tử của nguyên tố oxygen.
- Phân tử đơn chất của oxygen là khí oxygen (gồm 2 nguyên tử của nguyên tố oxygen).
⇨ KLPT (khí oxygen): 2.16 = 32 (amu) < 50 amu.
- Phân tử hợp chất có liên kết ion: lithium oxide (gồm 2 nguyên tử của nguyên tố lithium và 1 nguyên tử của nguyên tố oxygen).
⇨ KLPT (lithium oxide): 2.7 + 1.16 = 30 (amu) < 50 amu.
- Phân tử hợp chất có liên kết cộng hóa trị: nước (gồm 2 nguyên tử của nguyên tố hydrogen và 1 nguyên tử của nguyên tố oxygen).
⇨ KLPT (nước): 2.1 + 1.16 = 18 (amu) < 50 amu.
6.20
Trong quả nho chín có chứa nhiều glucose. Phân tử glucose gồm có 6 nguyên tử carbon, 12 nguyên tử hydrogen và 6 nguyên tử oxygen. Theo em, trong phân tử glucose có liên kết ion hay liên kết cộng hóa trị? Giải thích và tính khối lượng phân tử glucose.
Lời giải chi tiết:
- Phân tử glucose được tạo bởi nguyên tử của các nguyên tố C, H, O – chúng là những nguyên tử của nguyên tố phi kim nên liên kết trong phân tử này là liên kết cộng hóa trị. Do đó glucose là chất cộng hóa trị.
- Phân tử glucose (gồm 6 nguyên tử carbon, 12 nguyên tử hydrogen và 6 nguyên tử oxygen)
⇨ Khối lượng phân tử glucose là: 6.12 + 12.1 + 6.16 = 180 (amu).
6.21
Hợp chất B có trong “muối i-ốt” được sử dụng trong thuốc điều trị bệnh cường giáp, nấm da và dùng làm thực phẩm chức năng,… Vậy B là chất ion hay chất cộng hóa trị? Cho biết khối lượng phân tử của B.
Lời giải chi tiết:
- Hợp chất B là potassium iodide (gồm 1 nguyên tử của nguyên tố potassium và 1 nguyên tử của nguyên tố iodine). Ta thấy B được tạo bởi nguyên tử của nguyên tố kim loại và nguyên tử của nguyên tố phi kim, do đó liên kết trong phân tử này là liên kết ion.
⇨ B là chất ion.
- Khối lượng phân tử potassium iodide là: 1.39 + 1.127 = 166 (amu).
6.22
Để pháo hoa có nhiều màu sắc khác nhau, người ta sẽ cho vào thuốc pháo các chất phụ gia tạo màu. Các chất phụ gia này thường là các muối của một số kim loại, trong đó có muối D gồm 1 nguyên tử kim loại M và 2 nguyên tử Cl; biết D có khối lượng phân tử là 135 amu. Tra bảng tuần hoàn, hãy xác định kim loại M. Trong phân tử muối D có loại liên kết gì? Giải thích.
Phương pháp giải:
- Liên kết ion được hình thành giữa các nguyên tử kim loại và nguyên tử phi kim, nguyên tử kim loại nhường electron, trở thành ion dương, nguyên tử phi kim nhận electron từ kim loại, trở thành ion âm. Các ion trái dấu hút nhau tạo thành liên kết trong hợp chất ion.
Lời giải chi tiết:
Muối D (gồm 1 nguyên tử kim loại M, 2 nguyên Cl)
KLPT (D) = 1.M + 2.35.5
⬄ 135 = M + 71
⇨ M = 135 – 71 = 64 (amu)
⇨ M là kim loại copper (Cu).
- Hợp chất D gồm 1 nguyên tử kim loại M và 2 nguyên tử Cl. Ta thấy D được tạo bởi nguyên tử của nguyên tố kim loại và nguyên tử của nguyên tố phi kim, do đó liên kết trong phân tử này là liên kết ion.
Unit 9. Future transport
Vở thực hành Khoa học tự nhiên 7 - Tập 2
Chủ đề 4: Chia sẻ trách nhiệm trong gia đình
Chương 10: Một số hình khối trong thực tiễn
Chủ đề 2. Chăn nuôi và thủy sản
Lý thuyết Khoa học tự nhiên Lớp 7
Đề thi, đề kiểm tra KHTN - Kết nối tri thức
Đề thi, đề kiểm tra KHTN - Chân trời sáng tạo
Đề thi, đề kiểm tra KHTN - Cánh Diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Khoa học tự nhiên lớp 7
SBT KHTN - Cánh diều Lớp 7
SBT KHTN - Kết nối tri thức Lớp 7
SGK Khoa học tự nhiên - Cánh diều Lớp 7
SGK Khoa học tự nhiên - Chân trời sáng tạo Lớp 7
SGK Khoa học tự nhiên - Kết nối tri thức Lớp 7
Vở thực hành Khoa học tự nhiên Lớp 7