Câu 1
Câu 1 (trang 40 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Hãy tìm hiểu kết cấu của đoạn thơ và nhận xét kết cấu ấy có liên quan như thế nào với trình tự miêu tả nhân vật của tác giả?
Phương pháp giải:
Đọc đoạn trích, chú ý: số lượng các câu của mỗi phần, nội dung và trình tự miêu tả của tác giả (giới thiệu chung về vẻ đẹp của 2 chị em; giới thiệu vẻ đẹp Thúy Vân; giới thiệu vẻ đẹp và tài năng Thúy Kiều).
Lời giải chi tiết:
- Kết cấu đoạn thơ:
+ Bốn câu đầu: giới thiệu chị em Thúy Kiều
+ Bốn câu tiếp: nhan sắc Thúy Vân
+ Mười hai câu tiếp: nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều
+ Bốn câu cuối: cuộc sống của hai chị em Kiều
- Kết cấu này có liên quan đến trình tự miêu tả nhân vật:
+ Tác giả giới thiệu Thúy Vân trước, sau đó giới thiệu Thúy Kiều.
+ Tác giả đã cố ý đảo trật tự: nhân vật trung tâm, quan trọng hơn thì Nguyễn Du dành để giới thiệu sau, với số câu nhiều hơn.
Câu 2
Câu 2 (trang 40 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Những hình tượng nghệ thuật nào mang tính ước lệ khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân? Qua những hình tượng ấy, em cảm nhận Thúy Vân có nét riêng về nhan sắc và tính cách như thế nào?
Phương pháp giải:
Em chú ý đoạn thơ tả Thúy Vân "Vân xem... Tuyết nhường màu da". Vẻ đẹp Thúy Vân là vẻ đẹp của người phúc hậu, tính cách Thúy Vân: hiền lành, đơn giản.
Lời giải chi tiết:
- Những hình tượng nghệ thuật gợi vẻ đẹp của Thúy Vân: trăng, hoa, ngọc, mây và tuyết.
- Vẻ đẹp của Thúy Vân phúc hậu, đoan trang, quý phái.
- Vẻ đẹp ấy mang tính cách và như dự báo trước số phận: vẻ đẹp của Thúy Vân gợi ra sự hòa hợp, thân thiện với xung quanh: mây thua, tuyết nhường => Số phận của nàng sẽ bình lặng, suôn sẻ.
Câu 3
Câu 3 (trang 41 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Khi gợi tả nhan sắc Thúy Kiều, tác giả đã sử dụng hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, theo em, có những điểm nào giống và khác Thúy Vân?
Phương pháp giải:
Chú ý đến đối tượng được miêu tả ở mỗi nhân vật, cách miêu tả trực tiếp và gián tiếp, cách so sánh với các hình ảnh thiên nhiên.
Lời giải chi tiết:
* Điểm giống:
- Gợi tả vẻ đẹp của Kiều, tác giả cũng dùng những hình tượng nghệ thuật ước lệ: thu thủy, xuân sơn.
- Chân dung Thúy Kiều cũng là chân dung mang tính cách, số phận: vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hóa phải ghét ghen, đố kị => dự cảm một số phận éo le, đau khổ, truân chuyên.
* Điểm khác:
- Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy, miêu tả Thúy Vân trước để làm nổi bật chân dung Thúy Kiều.
- Nguyễn Du chỉ dành bốn câu thơ để gợi tả Vân, trong khi đó dành tới mười hai câu thơ để cực tả vẻ đẹp của Kiều.
- Vẻ đẹp của Vân chủ yếu là ngoại hình, còn vẻ đẹp của Kiều là cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn.
Câu 4
Câu 4 (trang 41 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, tác giả còn nhấn mạnh những vẻ đẹp nào ở Thúy Kiều? Những vẻ đẹp ấy cho thấy Thúy Kiều là người như thế nào?
Phương pháp giải:
Chú ý phần cuối đoạn trích tả Thúy Kiều. Tác giả đã dành bao nhiêu câu để tả tài năng? Kiều có những tài gì? Ngoài tài, tình cảm của Kiều còn được bộc lộ như thế nào? Từ đó, em đánh giá Kiều là người như thế nào?
Lời giải chi tiết:
- Tác giả nhấn mạnh vẻ đẹp về tài năng, về tâm hồn của Thúy Kiều:
+ Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), họa (vẽ).
+ Tài đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng), vượt lên trên mọi người (ăn đứt). Cực tả cái tài của Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn “Bạc mệnh” mà Kiều tự sáng tác chính là ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.
Câu 5
Câu 5 (trang 42 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Người ta thường nói: sắc đẹp của Thúy Vân "mây thua nước tóc tuyết nhường màu da", còn sắc đẹp của Thúy Kiều "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" là dự báo số phận hai người. Theo em có đúng không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Xem gợi ý về sắc thái biểu cảm của các từ thua, nhường (tả Thúy Vân) và ghen, hờn (tả Thúy Kiều). Chú ý thêm quan niệm dân gian mà Nguyễn Du chịu ảnh hưởng (Tài tình chi lắm cho trời đất ghen; Chữ tài liền với chữ tai một vần).
Lời giải chi tiết:
- Khi miêu tả, Nguyễn Du đã dự báo số phận của hai người:
+ Vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp hiền lành chính vì vậy mà “mây thua, tuyết nhường” => cuộc đời bình yên, suôn sẻ.
+ Vẻ đẹp của Thúy Kiều làm cho “nghiêng nước, nghiêng thành”, “hoa ghen, liễn hờn” => cuộc đời nhiều sóng gió.
Câu 6
Câu 6 (trang 42 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Trong hai bức chân dung Thúy Kiều và Thúy Vân, em thấy bức chân dung nào nổi bật hơn, vì sao?
Phương pháp giải:
Xem gợi ý trong SGK, chú ý đến hai vẻ đẹp khác nhau "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Vẻ đẹp của Thúy Vân dễ hình dung hơn, còn vẻ đẹp của Thúy Kiều khó hình dung. Hơn nữa, tài năng lại không bộc lộ rõ nét trên khuôn mặt, nên tuy nhiều tài nhưng gương mặt của Thúy Kiều không rõ ngoài đôi mắt được miêu tả ước lệ.
Lời giải chi tiết:
- Nguyễn Du đã tập trung cho bức chân dung của Thúy Kiều (vì nàng là nhân vật chính): số câu dành cho Thúy Vân là 4, trong khi số câu dành cho Thúy Kiều là 16. Thúy Vân cũng được nói đến là có sắc, có tài, nhưng Nguyễn Du dành nhiều câu thơ để tả về tài năng của Thúy Kiều.
- Nói về ấn tượng thì chân dung của Thúy Kiều gây ấn tượng mạnh hơn về sắc, về tài, về tình. Nhưng về hình dáng bên ngoài thì bức chân dung của Thúy Vân cụ thể hơn, giúp người đọc hình dung ra nhân vật rõ nét hơn.
Mĩ thuật
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9
Bài 39. Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường Biển - Đảo (tiếp theo)
Đề thi giữa kì 2 - Sinh 9
Bài 3. Phân bố dân cư và các loại hình quần cư