Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về vị anh hùng dân tộc mà em đã được nghe, được đọc
- Câu chuyện em được nghe kể hay đọc qua sách báo?
- Câu chuyện kể về vị anh hùng dân tộc nào?
Thân bài:
- Khái quát về tiểu sử của vị anh hùng dân tộc:
+ Tên
+ Tuổi
+ Quê quán
- Khái quát cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc
+ Những hoạt động và đóng góp
+ Vinh danh anh hùng dân tộc
- Kể lại câu chuyện nổi bật về vị anh hùng dân tộc
Kết bài: Cảm nghĩ của em về câu chuyện đó
- Em cảm thấy vị anh hùng đó như thế nào?
- Vai trò của các vị anh hùng dân tộc đối với đất nước?
Bài siêu ngắn
Nam dược trị Nam nhân
(Thuốc Nam chữa bệnh người nước Nam)
Ngày xưa ở nước ta vào cuối thời nhà Trần ở cẩm Giàng, Hải Dương có ông Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Sáu tuổi, chú bé Tĩnh đã vào chùa học chữ và đọc kinh Phật, nổi tiếng thần đồng. Năm 22 tuổi thi đậu Tiến sĩ, nhưng ông không ra làm quan. Ông đi tu, làm thuốc chữa bệnh bằng thuốc nam cho dân, lấy vườn chùa làm nơi trồng cây thuốc. Ông viết sách thuốc và nghiên cứu cây thuốc - toàn là cây cỏ nước Nam.
Năm 55 tuổi, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều Minh (Trung Quốc). Ông đã chữa khỏi bệnh cho Tống Vương phi (vợ của vua Minh) nên được trọng dụng phong là Đại y Thiền sư. Lúc ông mất, vua nhà Minh cho mai táng ở gần hoàng thành, dựng bia kỉ niệm. Trên tấm bia đá có khắc dòng chữ: Sau này có ai ở cố quốc sang, nhờ đem hài cốt tôi trở về”.
Tuệ Tĩnh để lại nhiều tác phẩm y dược rất có giá trị, tiêu biểu nhất là cuốn "Nam dược thán hiệu" giới thiệu trên 500 vị thuốc là "cây cỏ nước Nam" với đủ tính vị và công dụng.
Hiện nay, trên khắp đất nước ta, những cơ sở chữa bệnh đặt tại các chùa dược thống nhất mang tên Tuệ Tĩnh đường. Và ngọn cờ của Tuệ Tĩnh giương cao "Nam dược trị Nam nhân” mãi mãi tỏa sáng trong nền y học dân tộc và trong tâm hồn nhân dân ta.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Lê Thánh Tông là con vua Lê Thái Tông và bà phi Ngô Thị Ngọc Dao.
Ông lên làm vua năm 18 tuổi, đã trị vì đất nước 38 năm, hai lần đổi niên hiệu. Quang Thuận và Hồng Đức.
Lê Thánh Tông là bậc minh quân, thánh đế. Nước Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông trở thành một quốc gia thịnh trị, thái bình. Được mùa liên tiếp nhiều năm, nhân dân sống ấm no, yên vui, hạnh phúc:
"Nhà nam nhà bắc đều no mật
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.
(Vịnh năm canh)
Vua chia nước ta thành 12 đạo, sau gọi là 12 thừa tuyên; mỗi thừa tuyên có nhiều phủ, huyện, châu, tổng, xã. Việc quốc phòng, quân đội được đặc biệt: coi trọng. Thủy quân được đóng mới chiến thuyền, bộ binh được tăng cường thêm nhiều voi trận và chiến mã. Quân đội được chia thành 5 phủ đô đốc và 1 đạo: ngoại và nội. Quân đội vừa thay phiên nhau cày ruộng và tập luyện. Năm nào cũng tổ chức diễn tập trên quy mô lớn.
Nhà vua khuyến khích nghề nông, nghề chăn nuôi, phát triển nghề trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa và nhiều nghề thủ công khác. Sưu thuế được giảm nhẹ.
Dưới triều đại Lê Thánh Tông, việc học được coi trọng và mở mang.
Các khoa thi Tiến sĩ kén chọn được nhiều nhân tài lỗi lạc.
Tên tuổi Lê Thánh Tông gắn liền với Bộ luật Hồng Đức. Vua nói: "Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo". Năm 1464, vua hạ chiếu minh oan cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là một con người "lòng sáng tựa sao Khuê".
Lê Thánh Tông là một ông vua rất hiếu học và siêng năng, cần mẫn:
"Trống dời canh, còn đọc sách,
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu".
Vua để lại nhiều thơ văn chữ Hán và chữ Nôm rất đặc sắc. Vua đã sáng lập ra Hội thơ gọi là Tao Đàn, gồm có 28 thi sĩ, tôn vinh là "nhị thập bát tú" (28 ngôi sao) do nhà vua đứng đầu, tự xưng là "Tao Đàn nguyên súy".
Lê Thánh Tông là ông vua vĩ đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài diễn ca "Lịch sử nước ta" có viết:
"Vua hiền có Lê Thánh Tôn,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành".
Bài tham khảo 2:
Vua Lý Thái Tổ (Lý Công uẩn)
Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.
Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn), đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.
Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục.
Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết.
Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010-1225).
Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.
Vua Lý Thái Tổ tăng cường binh bị, ra sức đánh dẹp nội loạn phản nghịch. Các hoàng tử đều là võ tướng, được phong vương, trấn giữ các nơi hiểm yếu. Việc bang giao với nhà Tống ở phương Bắc, với Chân Lạp, Chiêm Thành ở phương Nam được coi trọng, biên cương được giữ vững, đất nước thái binh, trăm họ yên vui. Vua chia nước ta ra làm 24 lộ và 2 trại (Hoan Châu và Ái Châu), định ra 6 loại thuế, khuyến khích nông nghiệp và các nghề thủ công. Đạo Phật trở thành quốc giáo. Việc học hành được mở mang. Việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, rồi đặt tên là Thăng Long năm 1010 được coi là công hiến to lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt của vua Lý Thái Tổ.
Bài tham khảo 3:
Phạm Ngũ Lão là danh tướng trăm trận trăm thắng đời Trần. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) đánh thắng quân xâm lược Mông - Nguyên.
Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Ông xuất thân trong một gia đình mấy đời làm nghề nông. Người cao to vạm vỡ, có sức khỏe phi thường, văn võ kiêm toàn, giàu chí khí, khao khát lập công danh của đấng tài trai thời loạn, giúp vua cứu đời.
Một hôm, ông ngồi dưới gốc đa đầu làng để vót nan đan sọt. Khi ấy, Trần Quốc Tuấn kéo binh mã từ Vạn Kiếp về Kinh đô Thăng Long đi qua làng Phù ủng. Quân tiền vệ quát tháo dẹp đường, nhưng ông vẫn ngồi im không cựa quậy. Một sĩ tốt lấy giáo đâm vào đùi, ông vẫn ngồi yên như không hề có chuyện gì xảy ra. Rồi xe Đại Vương đến. Ngài lấy làm lạ hỏi. Ông kính cẩn thưa:
- Xin Đại Vương tha tội. Tôi đang mải nghĩ một việc nên không để ý đến.
Nhìn gương mặt tuấn tú, tướng mạo oai phong của chàng trai, Vương càng lạ. Hỏi đến học hành, kinh truyện, binh thư,... chàng trai ứng đối đâu ra đấy. Vương cả mừng, sai người rịt thuốc rồi cho ngồi lên xe sau đưa về Thăng Long sung vào quân cấm vệ, coi giữ binh quyền. Một số tướng tá, sĩ tốt không phục, tâu xin được cùng Phạm Ngũ Lão đọ sức đua tài. Ông đã xin phép Triều đình được về quê một thời gian ngắn để thăm mẹ già và thu xếp việc gia đình. Phạm Ngũ Lão tập phi ngựa, bắn cung, phóng lao, múa giáo. Ông đắp một cái gò lớn ngoài đồng để nhảy qua. Không đầy một tuần trăng, ông luyện nhảy đã làm cho cái gò to trụt thấp xuống quá nửa. Ông còn mang những bao cát lớn nhảy qua mái nhà. Hết hạn nghỉ, ông trở lại Kinh thành. Cuộc đại tỉ thí đã diễn ra tại võ trường Giảng Võ. Các môn côn quyền, phóng lao, phi ngựa, bắn cung... không người nào địch nổi ông. Tay đấm, chân đá, đi lại vùn vụt như bay, đội quân cấm vệ mấy nghìn người phải cúi đầu khâm phục. Tiếng tăm ông lừng lẫy về võ nghệ cao cường. Ông luyện tập quân sĩ ngày một thiện chiến, đặc biệt tướng sĩ coi nhau như cha con, anh em. Sử sách gọi đó là "Phu tử chi binh" đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử có nhau. Ông đã tham dự nhiều trận đánh lớn tại ải Nội Bàng, tại Tây Kết, Vạn Kiếp, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng Giang, v.v.v. xông pha giữa rừng gươm giáo, lập nên bao chiến công hiển hách, từng làm cho Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp,... bạt vía kinh hồn.
Khi vua Vạn Tượng dùng hàng nghìn con voi chiến đưa quân sang xâm lấn, đánh phá miền tây Nghệ An vua đã sai ông đem binh mã đến đánh. Phạm Ngũ Lão đã cho quân mai phục, đào hầm cắm chông, chỉ huy tướng sĩ dùng gộc tre, gậy tre quật làm gãy ngà voi, đập nát chân voi, tiêu diệt đội tượng binh của quân xâm lược.
Phạm Ngũ Lão được triều đình phong làm Điện súy Thượng tướng quân, được Hưng Đạo Vương gả con gái cho. Khi ông qua đời, được đúc tượng đồng thờ tại Kiếp Bạc đặt phía dưới bên phải tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Phạm Ngũ Lão hiện còn để lại hai bài thơ chữ Hán, một bài nói về Hưng Đạo Vương, một bài nhan đề là 'Thuật hoài” được nhiều người truyền tụng. Đây là bài thơ dịch:
Tỏ lòng
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Bài thơ đã thể hiện khẩu khí và cốt cách phi thường của một trang anh hùng Đại Việt thuở "bình Nguyên'.
Bài tham khảo 4:
Ngày nay, du khách gần xa đến tham quan thành phố Hải Phòng sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng nữ tướng Lê Chân đặt tại dải vườn hoa Trung tâm nội đô. Tượng bằng đồng cao 6m vô cùng tráng lộ, kì vĩ. Thanh bảo kiếm bên mình, Lê Chân uy nghiêm hướng về biển Đông với cặp mắt sáng ngời đầy uy dũng.
Sử sách còn ghi rõ: Lê Chân là con gái của ông Lê Đạo, một thầy thuốc nhân đức nổi tiếng khắp vùng. Bà quê ở làng An Biên (tục gọi là làng vẻn) thuộc phủ Kinh Môn, nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
Năm 16 tuổi, Lê Chân nổi tiếng tài sắc, giỏi võ nghệ, có chí lớn phi thường. Thái thú Giao Chỉ lúc ấy là một tên cực kì tham tàn, bạo ngược. Không ép được bà làm tì thiếp, hắn đã khép ông Lê Đạo vào tội phản nghịch đem giết đi! Lê Chân phải trốn về vùng ven biển An Dương nung nấu mối thù nhà nợ nước, quyết không đội trời chung với giặc Hán xâm lược.
Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cùng với bao anh hùng nữ kiệt khắp nơi nổi dậy hưởng ứng, Lê Chân chỉ huy đội nghĩa binh làng An Biên tiến về Luy Lâu vây đánh quân Đông Hán. Lửa cháy rực trời, ngựa hí quân reo, chiêng trống dậy đất của nghĩa quân làm cho bọn giặc bạt vía kinh hồn. Chính quyền đô hộ tan vỡ, sụp đổ tan tành; Thái thú Tô Định vội bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, lẻn trốn về phương Bắc. Đó là giữa tháng 3 năm 40. Lê Chân chiêu mộ trai tráng, di dân lập ấp. Một vùng duyên hải dọc ngang trấn giữ được đặt tên là An Biên, đúng như tên quê cha đất tổ của bà. Nghề nông trang, nghề chài lưới đánh cá, đóng thuyền ngày một phát triển. Lương thảo được tích trữ, cung tên giáo mác được tập rèn, chỉ mấy năm sau, Lê Chân đã có hàng nghìn dũng sĩ chờ đợi thời cơ, mưu đồ đại sự.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, 65 thành trì được giải phóng, Hai Bà lên làm vua xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nước ta giành được độc lập.
Gần một trăm anh hùng nữ tướng được phong thưởng, được giao nhiều trọng trách. Trưng Vương sai nữ tướng Thánh Thiên đóng quân ở Hợp Phố phòng giữ mặt bắc, tướng Đô Dương giữ Cửu Chân phòng vệ mặt nam, nữ tướng Lê Chân được phong 'Chưởng quản binh quyền nội bộ" đóng bản doanh ở Giao Chỉ, v.v..
Tháng 4 năm 42, vua nhà Hán sai Mã Viện mang đại binh sang xâm lược nước ta. Bà Trưng cùng các chiến tướng đem quân ra cự địch. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở Lãng Bạc, cẩm Khê, Hát Môn. Tháng 5-43, Hai Bà Trưng thất thế phải gieo minh xuống sông Hát Giang tự tận. Nhiều nữ tướng của Bà Trưng đã anh dũng hi sinh. Nữ tướng Lê Chân đã lấp suối, ngăn sông, chẹn đánh quyết liệt thủy binh giặc. Mãi đến cuối năm 43, Lê Chân anh dũng hi sinh tại chiến trường vùng Lạt Sơn, Kim Bảng (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay) nêu cao khí phách anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của nữ anh hùng Lê Chân, nhân dân An Biên đã lập đền thờ gọi là đền Nghè, một trong những di tích lịch sử cổ kính, trang nghiêm của thành phố Cửa Biển.
Chương 3. Hình học
Unit 4. Did you go to the party?
CON NGƯỜI VÀ SỨC KHỎE - KHOA HỌC 5
Chủ đề 5 : Em học nhạc
Chủ đề 2 : Tập soạn thảo văn bản với phần mềm Word