Tác giả Huy Cận
Ðời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
(Hoài Thanh)
I- TIỂU SỬ:
- Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31-5-1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Bố là nhà nho, đậu tam trường, làm hương sư, sau về quê dạy chữ Hán. Mẹ là một cô gái ở vùng quê có nghề dệt lụa truyền thống (xã Tùng Ảnh, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Cả hai đều yêu văn chương và rất thuộc Truyện Kiều.
- Ông mất năm 2005
- Quê Huy Cận là một vùng bán sơn địa, đẹp và nghèo; cảnh vật hùng vĩ, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Người dân ở đây rất mê hát ví dặm, kể truyện thơ Nôm.
- Không khí gia đình thường nặng nề với nhiều xung đột giữa các thế hệ. Cậu bé Huy Cận rất thích lang thang giữa trời đất bao la cùng những trò chơi dân dã (thả diều, đánh trống đất); được gần gũi với đất đai đồng ruộng và cuộc sống người nông dân; từ đó, năng lực nhạy cảm trước những biểu hiện tinh tế của tạo vật và lòng yêu mến, trân trọng thiên nhiên, con người có điều kiện nảy nở.
Có thể nói hồn thơ Huy Cận thành hình và được vun đắp bởi truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương:
Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Ðất bãi tơi làm da thịt mát
Gió sông như những mảnh hồn bay
- Học chữ Hán với bố và học đến lớp tư ở quê. Từ lớp năm đến hết tú tài toàn phần: học ở Huế. Kết bạn với Xuân Diệu từ 1936. Năm 1939, ra Hà Nội học Cao Ðẳng Nông Lâm. Từ 1941, vừa học vừa tham gia mặt trận Việt Minh.
- Cách mạng tháng Tám thành công, giữ chức Bộ trưởng Canh Nông trong chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ tháng 5 đến tháng 11- 1946: Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Trong kháng chiến chống Pháp: Thứ trưởng Bộ Canh Nông, rồi Thứ trưởng Bộ Kinh Tế. Từ 1955, chuyển sang công tác lãnh đạo văn hóa với chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa. Từ 1984 đến 1987: Bộ trưởng đặc trách công tác văn hóa nghệ thuật tại văn phòng Hội Ðồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban trung ương Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
- Ngoài những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước, Huy Cận còn là nhà hoạt động quốc tế năng động với nhiều đóng góp lớn. Ông từng là đồng Chủ tịch Ðại hội nhà văn Á Phi họp ở Ai Cập (02-1962), đồng Chủ tịch Ðại hội văn hóa toàn thế giới họp tại Cu Ba (01-1968), Ủy viên Hội đồng chấp hành Unesco (1978-1983), Ủy viên Hội đồng cao cấp các nước nói tiếng Pháp.
II- QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC:
Tác phẩm tiêu biểu:
* Trước 1945: Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca (1942), Kinh cầu tự (văn xuôi triết lý, 1942).
* Sau 1945: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Ðất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (1967), Những năm sáu mươi (1968), Cô gái Mèo (1972), Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Hạt lại gieo (1984), Tuyển tập (1986).
III. PHONG CÁCH THƠ HUY CẬN
1. Huy Cận có năng lực cảm nhận cuộc sống thật đặc biệt, có thể nghe được từ những biểu hiện tinh vi của tạo vật đến những biến đổi lớn lao trong vũ trụ vô cùng vô tận. Ðây là nhà thơ có “cái nghiêng tai kỳ diệu” (Xuân Diệu). Huy Cận cảm nhận được trọn vẹn từ những mùi vị dân dã của đất đai đồng ruộng đến lời ru của gió, nhịp thở của biển, để rồi nói lên linh hồn của cảnh sắc thiên nhiên bằng giai điệu trong trẻo, dễ rung động lòng người.
+ Trước 1945, tuy vật vã với nỗi sầu đau nhưng thiên nhiên trong thơ Huy Cận vẫn thấm thía tình người, tình đời (Ngậm ngùi, Tràng giang, Buồn đêm mưa):
- Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn
- Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây
Từ sau Cách mạng tháng Tám, tiếng thơ trở nên đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình; cảnh sắc thiên nhiên ấm áp, xôn xao hơn nhiều:
Chiều thu trong, lá trúc vờn đẹp quá
Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ
Tiếng lao xao như ai ngả nón chào
Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao
Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thẳm
(Chiều thu quê hương)
+ Năng lực ấy không chỉ có được bằng sự tinh nhạy của các giác quan (rèn dũa trong những năm tháng tuổi thơ, sống ở quê hương) mà còn xuất phát từ chiều sâu tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn luôn rộng mở để đón nhận đủ đầy âm vang mọi phía đời sống.
+ Có thể nói: thiên nhiên, quê hương đất nước là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ Huy Cận. Nếu ở Xuân Diệu, thiên nhiên thường sực nức hương vị và ngôn ngữ ái tình thì ở Huy Cận, núi sông cây cỏ bao giờ cũng lặng lẽ, bình thản như tâm hồn tác giả. Không thể hình dung được thơ Huy Cận sẽ ra sao nếu thiếu đi nắng vàng, trời xanh, gió biếc, biển rộng, sông dài,… Nhưng thơ ấy không thuộc loại thơ điền viên, bởi trước sau tác giả vẫn luôn nặng lòng đời, luôn có ý thức phát hiện rồi khẳng định sự hài hòa giữa con người với tự nhiên; để mở rộng biên giới những xúc cảm, nâng tầm nhận thức về sự tồn tại của con người. “Thơ viết về đất nước, thiên nhiên và quê hương là một điểm mạnh của Huy Cận. Dường như ở đây nhà thơ đã toát ra một mảng hương sắc sâu xa, cao đẹp nhất của tâm hồn mình” (Xuân Diệu).
2. Hồn thơ Huy Cận luôn vận động giữa nhiều đối cực: vũ trụ-cuộc đời, sự sống-cái chết, nỗi buồn-niềm vui, hiện thực-lãng mạn.
+ Vũ trụ và cuộc đời luôn song hành tồn tại, thành hai cực hấp dẫn hồn thơ Huy Cận. Thơ ông ngày càng gắn bó với đời, nhưng cảm hứng về cuộc đời không tách rời cảm hứng về vũ trụ. Vươn lên tìm hiểu những bí ẩn của không gian vô cùng cũng đồng thời nhìn về trái đất để hiều hơn chính mình. Khát vọng ấy mang bản chất triết lý, nhân văn cao cả. Bởi đích đến cuối cùng của nó không phải cõi siêu hình nào mà chính là mặt đất, cõi sống của con người.
+ Huy Cận viết khá nhiều về cái chết, về sự tương phản nghiệt ngã giữa hữu hạn đời người với cái vô hạn của tạo hóa. Sự sống là bất tử, vũ trụ là vô cùng nhưng con người không thể tránh được cái chết. Nghĩ đến lúc từ giã cõi đời, nhà thơ không khỏi xót xa nuối tiếc. Nhưng đó không là biểu hiện của thái độ ham sống sợ chết tầm thường mà là của khát vọng được cống hiến hết mình, được tái sinh:
Rồi một ngày kia giã cõi đời
Xin cho gieo hạt hết trong tay
Chứ tay còn nắm chưa vơi hạt
Mà phải ra về cực lắm thay
(Hạt lại gieo)
Ðời thân yêu, một ngày mai ta chết
Cho ta đi khi hè chói chang trưa
Ðể ta hiểu giã từ chưa phải hết
Nằm đất quen như hạt chín sang mùa
(Say mùa hè)
+ Nỗi buồn và niềm vui ở Huy Cận đều được đẩy đến cực đoan: lúc buồn-buồn đến ảo não, thê thiết; khi vui-vui tràn trề, dào dạt. Hành trình tâm tưởng của Huy Cận đi từ nỗi buồn sâu đến niềm vui lớn. Cảm nhận, thể hiện rõ hai đối cực này chứng tỏ nhà thơ rất thiết tha với cuộc đời và ý thức đầy đủ về thân phận con người. Khi nỗi buồn được ý thức, hóa thành nỗi đau đời; khi niềm vui được ý thức, sẽ thành hạnh phúc, tin yêu.
+ Cảm hứng nghệ thuật của Huy Cận, trước 1945, có sự phân cực khá rõ giữa hiện thực và lãng mạn. Từ sau 1945, hai đối cực ấy dần dần đạt đến độ hòa hợp cần thiết, trên cơ sở sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực trong cuộc sống mới.
3. Huy Cận là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn tầm cỡ thế giới. Tuy am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu du dương, khiến cho tiếng thơ – những khi đạt đến độ thuần thục – rất dễ đi vào lòng người. Thể thơ lục bát truyền thống, thể thơ năm chữ của dân ca Nghệ Tĩnh – trong tay Huy Cận – vừa mộc mạc chân tình vừa lắng đọng, hàm súc; sắc thái biểu hiện được phát huy rõ rệt. Chất suy nghĩ bàng bạc khắp các tứ thơ. Hình ảnh thơ Huy Cận thường không sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mà thâm trầm, khơi gợi; như len nhẹ, như ngấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ người đọc. Những bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường rất ít đường nét, giản ước theo bút pháp cổ điển, gợi nhiều hơn tả. Do đó, có thể nói: ấn tượng không gian có được – trước hết – nhờ phong vị Ðường thi.
IV. KẾT LUẬN CHUNG:
Con đường thơ của Huy Cận khá tiêu biểu cho lớp nhà thơ thuộc thế hệ thứ nhất, văn học Việt Nam hiện đại. Từ một thành viên xuất sắc của phong trào thơ Mới, Huy Cận đến với Cách mạng, tìm thấy mục đích, lý tưởng chân chính cho tiếng nói nghệ thuật của mình và trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Với vốn văn hóa sâu rộng, năng lực xúc cảm, suy nghĩ phong phú và quan điểm nghệ thuật rõ ràng, Huy Cận đã góp vào thi đàn một tiếng thơ có hương sắc riêng, làm rạng rỡ diện mạo tâm hồn dân tộc.
SƠ ĐỒ TƯ DUY - TÁC GIẢ HUY CẬN
Chủ đề 4: Chiến thuật thi đấu cơ bản
HÌNH HỌC- TOÁN 11 NÂNG CAO
Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 11 tập 1
Chủ đề 1: Cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường
Unit 8: Independent life
Soạn văn chi tiết Lớp 11
SBT Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo
Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 11 - Cánh Diều
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo
SGK Ngữ văn 11 - Cánh Diều
Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 11 - Cánh Diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 11
SBT Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo
Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 - Cánh Diều
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn văn siêu ngắn Lớp 11
Văn mẫu Lớp 11