Đã có bao giờ ta thứ đi tìm cho ta một định nghĩa thật cụ thể về Đất Nước hay chưa? Đối với ta, hai tiếng Đất Nước thật to lớn, thật thiêng liêng, có gì xa xôi mà trừu tượng quá. Để rồi khi đến với đoạn trích Đất Nước (trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm), ta chưa hết ngỡ ngàng và chợt hiểu ra rằng: hai tiếng ấy đâu có xa xôi như ta tưởng mà ngược lại nó còn hàm chứa biết bao yêu thương, biết bao gần gũi và thật nhiều ân tình trĩu nặng. Nó không chỉ là mảnh đất đã ấp ủ, chắt chiu nuôi ta lớn mà hơn hết đất nước đã trở thành một phần hòa chảy cùng dòng máu nóng trong cơ thể thành những nhịp đập trong trái tim ta và từ đó trong mỗi chúng ta đều : một phần Đất Nước.
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Trong lửa đạn chiến tranh, trong sự anh dũng hi sinh của đồng bào mình, trong sự tàn bạo của quân thù, con người ta sẽ cảm nhận rõ hơn và sâu sắc hơn về đất nước, về truyền thống cha ông... Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong một hoàn cảnh như thế để rồi từ đó ngân lên những vần thơ thật xúc động, những lời thơ thật yêu thương về Đất mẹ Việt Nam.
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái '‘ngày xửa ngày xưa..."
Mẹ thường hay kể
Gọi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Chỉ có một chương trong trường ca, Nguyền Khoa Điềm đả thể hiện một sức cảm nhận khá tinh tế và toàn diện về hai chữ Đất Nước thiêng liêng. Để rồi khi đọc xong, tôi đã có cho mình một định nghĩa thật cụ thế về Đất Nước. Đất Nước ư? Có gì xa lạ đâu. Hãy nhìn vào lịch sử, vào cuộc sống quanh bạn và hãy nhìn vào cả tâm hồn bạn nữa. Đất Nước chính là nơi đó. Đất Nước là phong tục tập quán, là bản sắc văn hóa, là truyền thống muôn đời của cha ông ta. Đất Nước là mảnh đất dưới chân ta, là ngọn núi, con sông... cùng mình dưới trời xanh. Và đặc biệt, Đất Nước luôn bên ta, ở trong ta trong mỗi nấc thang cuộc đời đấy thôi.
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi ta cất tiếng chào đời, mẹ cha ta đã giành cho ta tình yêu thương vô hạn, Đất Nước đã giành cho ta những cái “ngày xửa ngày xưa” qua giọng kể của mẹ, của bà, những lời ru “ầu ơ” ngọt ngào bên cánh võng.
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”... mẹ thường hay kể Ca dao, dân ca, những câu chuyện cố tích, ở đó có tâm hồn cha ông, có điệu hồn dân tộc mà mỗi bé thơ khi cất tiếng khóc chào đời đều được lắng nghe và bay lên cùng ước mơ cố tích trong ngần. Những câu chuyện cổ, những lời ru ấy là tiếng vọng về của cha ông ta đã ấp ù, vỗ về ta trong giấc ngủ say nồng của tuổi thơ và hơn thế còn tạo cho ta một niềm tin. Niềm tin ấy có thể theo ta suốt cuộc đời - niềm tin về hạnh phúc con người.
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Của bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dầu phải khi cay đắng dập vùi
Ràng cô Tấm cũng về làm Hoàng hậu
Ta dần lớn lên, chập chững những bước đi đầu tiên trên mặt đất và bập bẹ hai tiếng “mẹ, cha” ngọng nghịu. Tiếng nói đầu tiên là tiếng “mẹ” yêu thương, tiếng nói đầu tiên của ta cũng là tiếng nói của đất nước của cha ông ta có tự bao đời.
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Tiếng nói ấy chính là “Hồn thiêng sông núi” (Huy Cận), là “Tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua” (Hoài Thanh). Ngay từ tiếng nói đầu tiên ấy, ta đã trớ thành con người đất Việt, “Hồn thiêng sông núi” đã bắt đầu hình thành mạch ngầm trong huyết quản của ta.
Bằng niềm tin trong trẻo, bằng ước mơ đẹp đẽ mà ngay từ khi nằm trong nôi ta đã có, ta lớn lên, tự khám phá cuộc sống. Phần Đất Nước cũng lớn dần lên trong mỗi chặng đường đường ta đi. Nó phong phú, đa dạng hơn mà cũng xiết bao gần gũi. Đó là con đường ngày ngày đưa ta đến trường, là dòng sông “đã tắm cả đời tôi” (Tế Hanh), là những cánh đồng, những lũy tre làng... che chở cuộc sống cho ta. Mai sau, có thể rồi ta sẽ xa nơi đó, nhưng nó đã mãi mãi trở thành miền kí ức yêu thương của mỗi con người, đã trở thành một phần tâm hồn của ta rồi. Khi đứng trước một thiên nhiên đẹp:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
(Truyện Kiểu)
Thì trái tim ta đập những nhịp đập rung cảm yêu thương một phần bởi vì hiển nhiên đó chính là kết quả của biết bao đời cha ông ta cải tạo và gìn giữ, từ cái ngày "Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”. Những tình cảm đó sẽ là nét bút để ghi mãi không phai một bức tranh đẹp của đất nước trong tâm hồn ta. Những bài giảng lịch sử, văn học... của thầy cô trên bục giảng sẽ cho ta được sống trong lịch sử dân tộc, trong truyền thống bất khuất muôn đời của cha ông, từ cái ngày” dân mình biết chồng tre mà đánh giặc”, chàng trai làng Gióng biết nói tiếng nói đầu tiên- tiếng nói yêu nước. Thánh Gióng cùng hình tượng cây tre làng đã trở thành biểu tượng của .người yêu nước, đã cho ta hiểu về sức vươn dậy kì vĩ cùa một dân tộc Việt Nam nhỏ bé. Đó là đất nước có Bà Trưng, bà Triệu “cưỡi đầu voi dấy nghĩa trả thù chung", có Lê Lợi đã “trường kì kháng chiến”, có Nguyễn Trãi và Bình Ngô Đại cáo. Đó là đất nước cúa biết bao con người cần cù làm lụng để “làm nên đất nước muôn đời”. Những bài học như thế sẽ cho ta tiếp cận với truyền thống cha ông; hình thành, nuôi dưỡng trong ta lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự trân trọng những giá trị truyền thống đẹp đẽ lâu đời, những phong tục tập quán của nhân dân.
Quê hương tôi có múa xòe hát đúm
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo
(Nguyễn Bính)
Đất nước cũng lớn lên cùng những nhận thức về cuộc sống xung quanh chúng ta, cũng những hiếu biết về những giá trị văn hóa của cha ông để lại bởi vì đất nước có gì xa lạ đâu. Nó là những câu ca dao, dân ca, những câu chuyện cổ. những phong tục tập quán đẹp đẽ, lâu đời... Hiểu biết,, trân trọng những gì cha ông để lại chính là ta hiểu về đất nước và đất nước nằm trong ta tự bao giờ. Chính vì thế, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát thật chính xác.
Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước
Phần “Đất nước” trong ta không ngừng lớn lên từ sự quan sát và cảm hiểu thiên nhiên, lịch sứ, truyền thống đất nước, từ sự rung động đẹp đẽ trước một tác phẩm văn học dân tộc. Phải nói rằng, ngay từ khi ta sinh ra văn học đã giúp ta rất nhiều trong việc hình thành nuôi dưỡng phần đất nước trong tâm hồn chúng ta. Khi còn nằm trong nôi, đó là những câu ca dao, cổ tích... Lớn lên một chút là những tác phẩm văn học được học và tiếp xúc trên ghế nhà trường và trong cuộc sông. Khi tôi được làm quen với “phần đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm - chương Đất Nước - tôi cảm thấy mình lớn hơn nhiều trong nhận thức về núi sông, con người quê tôi, trong nhận thức về bản thân mình về tiếng nói của dân tộc tôi. Nguyền Khoa Điềm đã giúp tôi làm phong phú, đa dạng phần đất nước trong tôi nhờ tác phẩm của ông.
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Câu thơ thật nhẹ nhàng mà thấm thía. Tôi có cảm giác như ông đang nói với chính tôi về giá trị của con người. Mẹ cha ta cho ta cuộc sống nhưng đất nước đã làm cho cuộc sống ấy phong phú và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Con người hoàn thiện hơn nhờ cái phần đất nước ấy. Tôi chợt nhận ra rằng đất nước đâu có gì xa lạ mà nó nằm trong tâm hồn của mỗi chúng ta - trong tôi và trong bạn. Nó thật gầu gũi và luôn bên tôi trong cuộc sống. Tôi yêu ca dao thần thoại, yêu truyện cổ, yêu núi sông quê tôi là tôi yêu đất nước. Tôi yêu hơn, chính tâm hồn mình bởi ở đó có đất nước, có những hiểu biết và tình cảm với truyền thống cha ông. Tôi cũng yêu hơn tiếng nói của tôi — tiếng nói của dân tộc. Tình yêu với tâm hồn mình sẽ giúp tôi trân trọng hơn giá trị của mỗi tâm hồn những con người quanh tôi. Bởi ở đó, đều có một phần của đất nước, có truyền thống quê hương tôi. Cuộc sống này có ý nghĩa biết bao khi xung quanh ta có tâm hồn dân tộc.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời
(Lưu Quang Vũ)
Chính tình yêu với tinh thần dân tộc ấy sẽ giúp tôi, thúc đẩy tôi rất nhiều để tôi tự hoàn thiện mình, nâng cao hiếu biết của tôi về đất nước hay nói cách khác là làm phong phú hơn phần đất nước trong tôi. Đó là một trong những sức mạnh giúp con người ta luôn có ý thức học hỏi, tìm tòi ở cuộc sống, ở bạn bè, ở những trang sách, đế làm một phần tâm hồn ta đẹp hơn, trong sáng hơn.
Với chương V - Đất nước Nguyễn Khoa Điềm cho ta gặp gỡ “phần Đất Nước” trong ông, cho ta tiếp xúc, hiểu thêm về một đất nước kiên cường, bất khuất mà cũng nhân ái, chan hòa; thấm thìa hơn một chân lí “Đất nước này là đất nước Nhân dân”. Có thể, trước đây ta đã từng biết đến hình núi Vọng Phu cô đơn mà thúy chung: đến đất Tổ Hùng Vương nhiều truyền thống, đến hòn Trống Mái bất diệt với trời xanh... nhưng liệu đã một lần ta tự hỏi những công trình đó là do đâu mà có, liệu đã có một lần nào ta nhìn cảnh đẹp mà nghĩ đến người làm nên nó. Nguyễn Khoa Điềm đả giúp ta bù đắp khoảng trống ấy.
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến cho ta một cái nhìn theo chiều sâu dân tộc. Không dừng lại ờ cảnh thiên nhiên thuần túy, ông còn nghĩ đến những con người làm nên nó những con người bình thường, vô danh. Có thể tôi đã đến Hạ Long nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến được “những con cóc, con gà quê hương đã góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Tôi đã thấm thía một bài học về cách nhìn sự vật ở chiều sâu cùa nó. Tác giả đã giúp tôi hiểu sâu sắc về những nơi tôi đã đến. biết thêm những nơi tôi chưa đến. Tôi chưa một lần được đến với Quảng Nam - đến với núi Bút, non Nghiên nhưng trong tôi đã có hình ảnh về những ngọn núi đẹp - gắn với truyền thuyết về những người học trò nghèo. Tôi biết thêm về dòng sông Cửu Long xanh thẳm - bóng hình của những con rồng lộng lẫy; biết thêm về Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm nơi Nam Bộ xa xôi Trong tôi hình thành một ước mong sẽ có một ngày được đến những nơi đó, ngắm nhìn cảnh đẹp và thấm thìa hơn công lao của nhân dân muôn đời.
Nguyền Khoa Điềm đã nêu bật lên được một chân lí “đất nước của nhân dân”. Giản dị vậy thôi nhưng nó hàm chứa trong đó một tư tướng lớn.
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Không chỉ có Vịnh Hạ Long, có núi Vọng Phu, có Đền Hùng... mà ở đâu trên đất nước Việt Nam này cũng in dấu bàn tay lao động của con người, cũng ghi lại những tập tục, những ước mơ về cuộc sống của ông cha... Đế có được cuộc sống hôm nay là bốn nghìn năm dựng xây và bảo vệ Tồ quốc của biết bao thế hệ biết bao con người Nhân dân đã tạo nên Đất Nước, gìn giữ mảnh đất bằng máu xương của mình, mang lại linh hồn cho nó bằng đời sống phong phú của mình. Nhờ có con người như thế mới có được Việt Nam hôm nay.
Con gái con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Chúng ta đã có không biết bao nhiêu tấm bia ghi công của một vị anh hùng dân tộc và chúng ta cũng cần có một tấm bia đề ghi công những vị anh hùng vô danh này - những thế hệ, những lớp người âm thầm, lặng lẽ hiến mình cho đất nước. Họ là những người làm nên linh hồn những cuộc kháng chiến vĩ đại.
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
(Bình ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)
Khi hòa bình, bằng bàn tay lao động, họ mang lại màu xanh bất tận cho đất nước thân yêu. Nhìn lại bất cứ thời kì nào, ta cũng thấy hình ảnh họ “cần cù làm lụng” và anh dũng chiến đấu. Bài thơ đã buộc tôi phải quay lại nhìn lại lịch sử ở một góc độ khác đế rồi từ đó trong tôi sự biết ơn và kính yêu vô vàn với những con người như thế. Tôi chưa biết một cái tên cụ thể của họ tôi chỉ biết gọi họ bằng hai tiếng “Nhân dân” bình dị như chính cuộc đời họ vậy.
Không chỉ dựng xây đất nước, Nhân dân chính là người gìn giữ, bảo vệ và làm trong sáng hơn truyền thống, điệu hồn dân tộc.
Họ truyền giọng điệu minh cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến đi dân
Để bà tôi, mẹ tôi có được những câu hát ru ngọt ngào đưa tôi vào giấc ngủ, câu chuyện cổ tích chắp cánh ước mơ tôi là có sự gìn giữ bao đời của biết bao người Việt Nam. Có thể những giá trị văn hóa đó chỉ lưu giữ được là nhờ truyền miệng nhưng nó đã có sức sống bất diệt, trường tồn cùng thời gian. Giá như tất cả thế hệ trẻ Việt Nam sau này đều lớn lên bằng những lời hát ru và những câu chuyện cổ tích. Đó là điều mà tôi hàng mong muốn. Tôi muốn chia sé với những đứa trẻ Việt Nam sau này cái hạnh phúc mà tôi được hưởng khi vừa sinh ra đời; để đất nước này mải mãi là “Đất Nước của ca dao thần thoại”. Đã biết bao thế hệ đi qua, chúng ta có Việt Nam hôm nay. Nhưng thế hệ hôm nay phải làm gì đế đất nước ta đến được “những tháng ngày mơ mộng”.
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Đoạn trích đã mang đến cho tôi những nhận thức và tình cảm mới mẻ về Đất Nước. Không chỉ thế, đoạn trích còn chỉ rõ cho tôi và bạn — thế hệ hôm nay - phải làm gì cho đất nước, non sông. Mảnh đất này đã thấm biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của thế hệ đã qua, mảnh đất này là sự hóa thân của bao người con gái con trai. Điều có ý nghĩa duy nhất mà chúng ta có thể làm được đế thể hiện lòng biết ơn với thế hệ qua là phái học tập để dựng xây, gìn giữ, bảo vệ những thành quả muôn đời của cha ông ta, để những đứa trẻ khi sinh ra đều có được cái hạnh phúc lớn lao, có được “niềm tin rất thật” về “hạnh phúc có trên đời”, để cho mỗi người Việt Nam có “một phần Đất Nước” cho riêng mình thật phong phú, đa dạng mà cũng thật giản dị, gần gũi.
Chương V - Đất Nước được bao bọc bời không khí của văn hóa dân gian. Nguyễn Khoa Điềm đã sứ dụng rất linh hoạt và sáng tạo “phần Đất Nước” về ngôn ngữ dân tộc cùa mình. Đó không chỉ là cách sử dụng là thủ pháp nghệ thuật mà qua đó nó tập trung thể hiện tư tưởng, linh hồn cùa đoạn trích “Đất Nước của Nhân dân”. Đọc qua đoạn trích, tôi thấy vốn liếng về văn hóa dân gian của mình thật quá ít ỏi và tài năng của Nguyễn Khoa Điềm trong việc sử dụng có sáng tạo ngôn ngữ dân tộc thật tài tình. Có khi ông trích nguyên văn một câu ca dao:
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con ca ngư ông móng nước biển khơi”
Nhưng có khi chỉ bằng rất ít từ ông đã gợi tả cả lên một truyền thuyết:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ớ
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Sinh ra đồng bào ta trong bọc trứng
Hay
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước...
Là người Việt Nam, ai chẳng hiểu về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên bất hủ; về câu chuyện cùa một đôi vợ chồng yêu nhau mà đầy bất hạnh đớn đau, để lại cho đất nước một dáng hình Vọng Phu khắc khoải đợi chờ.
Bằng một câu thơ, Nguyễn Khoa Điềm vừa gợi được một câu ca dao, vừa nói được bài học qua câu ca dao đó:
Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Đoạn trích, ta càng hiểu hơn vẻ giàu đẹp và tinh tế của tiếng Việt, có thể diễn tả được nhiều biến thái của tâm trạng con người.
Đoạn trích là những câu thơ có phần tự do nhưng vẫn đi vào lòng người, thấm thía ngay cả ở những lời tưởng khô cứng nhất:
Em ơi em,
Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Đoạn trích là một thế giới của ca dao, dân ca, vô cùng phong phú, có những câu mà tôi chưa biết hết nhưng tôi vẫn rất yêu nó bởi nó đã làm đa dạng hơn” phần Đất Nước” trong tôi. Có một nhà thơ đã viết rằng:
Tổ quốc đâu phải chỉ là cái hữu hình ở ngoài ta - đất đai biên giới
Với cột mốc ngăn chia mà còn cả cảm thụ tâm hồn.
(Nghĩ về Tổ quốc - Hải Như)
Vâng! Đến bây giờ thì tôi thật thấm thía những điều mà nhà thơ này đã nói. Hãy lắng nghe tiếng nói vọng về của đất nước ngay trong chính tâm hồn bạn. Đó là tiếng nói của tâm hồn cha ông, của bản sắc văn hóa, của truyền thống tốt đẹp. Tổ quốc đang dắt ta đi trong mỗi chặng đường đời. Hãy làm cho Tổ Quốc trong bạn phong phú hơn bằng cách học tập, dựng xây, gìn giữ truyền thống.Cảm ơn Nhân dân ta đã làm nên Đất Nước. Cảm ơn Nguyễn Khoa Điềm đem đến cho tôi những bài học thật thấm thía và sâu sắc để từ đó tôi lớn lên nhiều, tự tin hơn trong cuộc sống bởi tôi biết luôn có đất nước bên tôi. Đất nước ta lớn lên không ngừng nhờ truyền thống cha ông.
Bài 16. Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta
Đề kiểm tra giữa kì 1
Unit 5. Cultural Identity
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN
Bài 35. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Trung Bộ