/

/

Hồ Quý Ly: Nhà cải cách tài ba, vị vua đầu tiên của nhà Hồ

Admin FQA

09/07/2024, 15:15

329

Hồ Quý Ly (1336 - 1407) là một nhà cải cách tài ba, vị vua đầu tiên và duy nhất của nhà Hồ Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông đã tiến hành nhiều cải cách táo bạo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể hiện tư tưởng tiến bộ và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của đất nước.

Hồ Quý Ly (1336-1407) trước có tên là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên. Theo gia phả họ Hồ, tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang (Trung Quốc), đời Hậu Hán thời Ngũ đại Thập quốc (năm 947-950), tương đương thời Dương Tam Kha của Việt Nam, sang làm Thái thú Diễn Châu và định cư ở hương Bào Đột, nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ông có hai người cô đều được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi và đều trở thành mẹ hai vua nhà Trần, do đó ông sớm được đưa vào làm quan trong triều đình nhà Trần.

 

Nhà Hồ cho đo đạc lại ruộng đất, cải cách chế độ thi cử, mở mang việc giáo dục, tăng cường quân đội thường trực, xây dựng các tuyến phòng thủ, lập xưởng đúc binh khí kỹ thuật để chống giặc phương Bắc. Các cải cách của Hồ Quý Ly có tính chất toàn diện, có những cải cách đi trước thời đại, giá trị thực tiễn của nó đến nay vẫn còn hấp dẫn, nhiều nhà kinh tế nước ngoài đã ca ngợi Hồ Quý Ly là một nhà cải cách kinh tế lớn. 

Về quân sự, Hồ Quý Ly tìm cách chấn chỉnh và tăng cường quân đội, loại bớt người yếu, bổ sung những người khỏe mạnh, kể cả các sư tăng, tăng cường quân số và các lực lượng quân sự địa phương, cho xây dựng một kinh thành mới bằng đá kiên cố ở An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là Tây Đô thường gọi là Thành nhà Hồ. Nhà Hồ cũng chú ý cải tiến kỹ thuật quân sự. Hồ Nguyên Trừng (con trai cả Hồ Quý Ly) đã chế tạo ra những khí tài mới: súng lớn thần cơ, thuyền chiến Cổ Lâu đi biển.

Về chính trị, năm 1397, Hồ Quý Ly đặt quy chế về hệ thống quan lại địa phương, thống nhất việc quản lý từ trên xuống. Các chức an phủ sứ ở lộ phải quản toàn bộ các lộ, phủ, châu, huyện trong lộ mình, ngoài ra quản chung toàn bộ các việc về hộ tịch, thuế khóa và kiện tụng. Lộ trực tiếp chịu trách nhiệm trước trung ương, như thế có nghĩa là thắt chặt hơn về mặt chính trị và nâng cao quyền lực của nhà nước trung ương. Đó là một cải cách quan trọng về mặt chính trị theo xu hướng trung ương tập quyền.

Về tài chính - kinh tế, năm 1396, Hồ Quý Ly mở đầu cuộc cải tổ của mình về kinh tế với việc phát hành tiền giấy, gọi là “Thông bảo hội sao”, bỏ hẳn việc dùng tiền đồng đang lưu hành trong xã hội. Đó là một cải cách táo bạo, không những hủy bỏ đồng tiền cũ mà còn xóa đi một quan niệm cũ về tiền tệ. Sử dụng tiền giấy là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nước ta trước đó.

Năm 1397, Hồ Quý Ly đặt ra phép hạn điền, tức là hạn chế việc sở hữu ruộng tư. Nhà nước tiến hành đo đạc lại ruộng đất, diện tích thừa phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Đó là những cải cách tiến bộ đánh mạnh vào thế lực của tầng lớp quý tộc điền trang và địa chủ tư hữu, tăng nguồn thu nhập sưu thuế cho nhà nước.

Một chính sách cải cách kinh tế quan trọng của nhà Hồ là sự đổi mới chế độ thuế khóa. Cùng với chính sách thuế, phép hạn điền phần nào có lợi cho những người nghèo ít ruộng, mặt khác, chặn đứng xu thế phát triển tự nhiên của ruộng đất tư hữu.

Tiến thêm một bước, năm 1401, nhà Hồ đã ban hành phép hạn nô, các quý tộc bị hạn chế số nô tì, phép hạn nô đã chuyển một số lớn gia nô thành quan nô (nô tì nhà nước, họ có thay đổi về thân phận, nhưng vẫn không được giải phóng). Cùng với phép hạn điền, phép hạn nô về cơ bản đã làm suy sụp tầng lớp quý tộc cũ nhà Trần và nền kinh tế điền trang, tăng cường thế lực kinh tế của Nhà nước trung ương.

Về văn hóa - giáo dục, Hồ Quý Ly đã chấn chỉnh lại Phật giáo và Nho giáo. Ông đã hạn chế Phật giáo, Đạo giáo, đề cao Nho giáo nhưng là Nho giáo thực dụng, chống giáo điều, kết hợp với tinh thần Pháp gia. Hồ Quý Ly đã cho sa thải các tăng đạo dưới 50 tuổi, bắt phải hoàn tục, tổ chức sát hạch kinh giáo. 

Hồ Quý Ly là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc, cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã dịch thiên “Vô dật” trong Kinh thư ra chữ Nôm để dạy vua và hoàng tử, hậu phi, con cái nhà quan, cung nữ; soạn sách Thi nghĩa (giải thích Kinh thi) bằng chữ Nôm; làm thơ Nôm.

Hồ Quý Ly rất quan tâm đến việc cải cách, nâng cao tính hiệu quả và thực tiễn của giáo dục, thi cử. Mở rộng hệ thống giáo dục ở địa phương, đặt các học quan, cấp học điền. Ông còn quan tâm đến việc mở thêm trường học ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông và định lại phép thi cho có quy củ. Năm 1404, Hồ Quý Ly lại đặt thêm kỳ thi viết chữ và thi toán.

Về quốc phòng, trước sự lăm le xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly tích cực chấn chỉnh quân đội, xây thành, đóng thuyền chiến, v.v... Quân số tăng thêm nhiều. Hồ Quý Ly đặc biệt chú trọng luyện tập thủy binh để giữ mặt sông mặt biển. Ông cho đóng những con thuyền lớn bên trên lát ván để đi lại dễ dàng, khoang dưới cho người chèo chống rất lợi hại. Ở các cửa bể và những nơi hiểm yếu trên các sông lớn, ông cho đóng cọc, hình thành những trận địa mai phục quy mô. Nhưng Hồ Quý Ly mắc tội giết vua Thiếu Đế cùng tôn tộc và quan lại nhà Trần, kể cả tướng Trần Khát Chân, gồm hơn 370 người để cướp ngôi nhà Trần. Do vậy bị nhân dân oán hận. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Qúy Ly đã không tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc nên bị thất bại.

Nhìn chung, những cải cách của Hồ Quý Ly đã có ý nghĩa to lớn, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước sau này. Ông đã tiến hành nhiều cải cách táo bạo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể hiện tư tưởng tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa to lớn, cải cách của Hồ Quý Ly cũng có một số hạn chế.

Về tuyển chọn nhân sự, Hồ Quý Ly đã mở đường cho những người có năng lực nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc tham gia vào những việc quốc gia quan trọng. Tuy nhiên đó là những trường hợp riêng lẻ, cá biệt chứ chưa là chính sách của triều đình. Dưới sự cầm quyền của Hồ Quý Ly, việc học hành thi cử cũng được định lại quy củ hơn, rộng đường cho những người trí thức tiến thân bằng con đường khoa cử. Tuy nhiên, điều đó không bù đắp nổi những nguyên khí bị mất mát trong cuộc đổi ngôi. Tầng lớp quý tộc Trần vốn có rất nhiều người được đào tạo tốt về thuật cai trị và binh pháp đã bị giết hoặc phải ẩn dật. Kể cả những quan lại tài giỏi không thuộc hoàng tộc nhưng chống đối lại uy quyền của họ Hồ cũng không tránh khỏi họa. 

Năm 1396, để trưng thu nguyên liệu đồng trong dân phục vụ cho việc đúc súng, Hồ Quý Ly lệnh cho dân đổi hết tiền đồng sang tiền giấy mang tên Thông Bảo Hội Sao. Những ai làm tiền giả hoặc còn chứa và sử dụng tiền đồng sẽ bị xử tội chết, tịch thu gia sản. Xét ra việc lưu hành tiền giấy vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu, vừa có phương thức giao dịch tiến bộ. Tuy nhiên chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly phạm phải lỗi cơ bản là đi ngược nguyên tắc tiền tệ phải có đủ cơ sở để nhân dân tin tưởng vào giá trị giao dịch của nó. Trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa chưa thực sự phát triển hoàn thiện, tự thân tiền đồng được đảm bảo giá trị bằng vật liệu làm ra tiền. Khi đổi sang tiền giấy, tâm lý người dân thời kỳ này đa phần cho rằng giấy là vật liệu giá trị thấp, dẫn đến hoài nghi về tiền tệ mới. Điều đó khiến cho đời sống nhân dân bị xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình với nhân dân.

Năm 1397, Hồ Quý Ly muốn tách vua khỏi đất căn bản để dễ bề soán ngôi nên đổi trấn Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, cho xây dựng thành An Tôn, ép vua Trần Thuận Tông phải dời đô về đó. Kinh đô mới gọi là Tây Đô. Kinh đô cũ là Thăng Long đổi thành lộ Đông Đô. Về việc này, một số quan lại đã không đồng tình, hết sức can gián. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: “Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”. Kể cả Hành khiển Phạm Cự Luận là người tâm phúc của Quý Ly cũng khuyên không nên. Nhưng bất chấp tất cả, Hồ Quý Ly vẫn cho dời đô.

Để chia nhỏ thế lực của giới quý tộc, Hồ Quý Ly ban hành chính sách “hạn điền”. Hồ Quý Ly sai quan làm lại sổ ruộng đất rất kỹ. Những ruộng quá hạn làm sổ mà chưa kê khai, cắm tên chủ trên mảnh ruộng thì bị sung công. Chính sách hạn điền trên thực tế là một cuộc cải cách ruộng đất nhằm thâu tóm thêm ruộng công cho nhà nước, giảm số ruộng tư, hạn chế thế lực của các địa chủ lớn.

Một chính sách khác để hạn chế giới quý tộc cũ là chính sách “hạn nô”. Hạn nô hoàn toàn không phải là một chính sách để giải phóng nô lệ mà chẳng qua chỉ là một thủ đoạn chính trị của Hồ Quý Ly nhắm vào giới quý tộc cũ. Các chính sách hạn điền, hạn nô có mặt lợi là gần như ngay lập tức nó đánh quỵ nền tảng kinh tế, xã hội của những tàn dư triều đại cũ, giúp cho nhà Hồ nhanh chóng ổn định đất nước, tránh khỏi những nguy cơ nội chiến tiềm tàng. Mặt trái của nó là đã động vào những nhóm lợi ích cơ bản của xã hội Đại Việt đương thời, làm cho họ Hồ khi lên ngôi mất đi sự ủng hộ của các tầng lớp nắm giữ tài lực, cũng là tầng lớp có uy tín, có thế lực nhất trong đất nước.

Nhìn chung, có thể nói Hồ Quý Ly là một nhà cải cách táo bạo và có những tư tưởng tiến bộ so với thời đại. Tuy nhiên, vì trong tình thế chuyển giao triều đại đòi hỏi phải có những biện pháp ưu việt, Hồ Quý Ly đã có nhiều bước đi nóng vội, thậm chí sai lầm. Những điều đó đã xoáy sâu khoảng cách giữa triều đình và nhân dân, tai hại nhất là nó gây nên một cuộc khủng hoảng lòng tin lớn trong xã hội. Thiếu lòng tin, sức mạnh của đất nước cũng suy giảm trước những bão táp phía trước.

Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bài viết liên quan
new
Tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam: Nền tảng cho sự phát triển và hội nhập

Việt Nam là một quốc gia đa dạng về văn hóa với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt, thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng,... Sự đa dạng văn hóa này là một trong những điểm độc đáo và thu hút của Việt Nam.

Admin FQA

23/07/2024

new
Văn minh Chăm pa trong dòng chảy lịch sử

Nền văn minh Chăm Pa là một nền văn minh cổ đại phát triển ở miền trung Việt Nam từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 19. Nền văn minh này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ, nhưng cũng có những nét độc đáo riêng của mình. Nền văn minh Chăm Pa đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển văn hóa của Việt Nam.

Admin FQA

22/07/2024

new
Lý Chiêu Hoàng: Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam

Lý Chiêu Hoàng là vị hoàng đế cuối cùng của triều Lý, cũng là Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Sự trị vì ngắn ngủi của bà đã đánh dấu sự kết thúc của triều đại nhà Lý và sự trỗi dậy của nhà Trần. Cuộc đời đầy biến động của Lý Chiêu Hoàng là một minh chứng cho những thăng trầm của lịch sử và những định kiến về vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Admin FQA

22/07/2024

new
Tưởng Giới Thạch: Lãnh tụ Trung Hoa Dân Quốc và nhà độc tài quân sự

Tưởng Giới Thạch (1887 - 1975) là một nhân vật lịch sử quan trọng của Trung Quốc, từng là lãnh tụ của Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1928 đến năm 1975. Ông trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử cận đại Trung Quốc.

Admin FQA

22/07/2024

new
Lãnh thổ nước ta thời nhà Mạc (1527 - 1683)

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ là sự biến đổi không gian sinh tồn của người Việt Nam, thể hiện bởi các triều đại chính thống đã được công nhận trong lịch sử Việt Nam. Mang tính chất rất phức tạp, lúc thì bị mất lãnh thổ về các nước khác, lúc lại chinh phục được những vùng lãnh thổ mới. Biến động lãnh thổ nước ta thời nhà Mạc là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, trong đó nguyên nhân chính là chiến tranh Trịnh - Nguyễn và sự xâm lược của quân Minh. Những biến động này đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho đất nước và dân tộc.

Admin FQA

22/07/2024

new
Tần Thủy Hoàng: Vị vua tàn bạo hay minh quân vĩ đại?

Nhắc đến những ông vua tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc, không ai không biết đến cái tên Tần Thủy Hoàng. Thế nhưng, bên cạnh “danh xưng” là hoàng đế máu lạnh bậc nhất, ông cũng đồng thời được biết đến là con người toàn tài và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Hoa với công trạng lật đổ 6 nước chư hầu và thống nhất toàn vẹn giang sơn, mở ra kỷ nguyên phát triển hùng mạnh cho Trung Quốc sau này.

Admin FQA

22/07/2024

Bạn muốn xóa bình luận
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved
gift-box
survey
survey
Đặt câu hỏi