Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông được mệnh danh là "anh hùng dân tộc", "danh nhân văn hóa thế giới" và là biểu tượng của lòng yêu nước, thương dân.
Tiểu sử cuộc đời của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới" và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trãi có cha là Nguyễn Phi Khanh, con rể của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán nhà Trần. Khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ lập nên nhà Hồ, Nguyễn Trãi tham gia dự thi, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi làm quan dưới triều Hồ với chức Ngự sử đài chính chưởng. Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự thống trị của nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, đề ra chiến lược cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông tiếp tục phục vụ dưới triều đại vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông với chức vụ Nhập nội hành khiển và Thừa chỉ.
Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu ân xá cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa
Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, tư tưởng của ông là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam thời đại nhà Hậu Lê khi mà xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu), có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam thời bấy giờ, nhưng nổi bật hơn cả là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.
Trong lĩnh vực Thơ - Văn, Nguyễn Trãi đã để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, rất phong phú về thể loại, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... song đa phần đã bị thất lạc trong vụ án Lệ Chi Viên, những tác phẩm còn lại đến nay của ông, phần lớn được sưu tầm và tập hợp trong bộ Ức Trai thi tập của Dương Bá Cung, khắc in vào năm 1868 đời nhà Nguyễn.
Về văn chính luận gồm có những tác phẩm tiêu biểu như:Quân trung từ mệnh tập là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Thái Tổ gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm 1427; Bình ngô đại cáo; Bài phú Chí Linh sơn và các chiếu biểu khác. Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy.
Về lịch sử: Lam Sơn thục lục là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, do vua Lê Thái Tổ sai soạn vào năm 1432. Vấn đề tác giả của trước tác này vẫn còn chưa rõ ràng, dù cho đến nay nhiều người khẳng định rằng Lam Sơn thực lục là tác phẩm do Nguyễn Trãi biên soạn nhưng điều đó vẫn chỉ mang tính phỏng đoán;Vĩnh lăng thần đạo là bài văn bia do ông viết ở Vĩnh Lăng - lăng của vua Lê Thái Tổ, kể lại thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ.
Về địa lý: Dư địa chí của Nguyễn Trãi là bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam trong đó ghi chép lại những sản vật và con người nước ta thế kỷ XV.
Về thơ phú: Ức trai thi tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn ca nổi tiếng; Quốc âm thi tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Đây là tập thơ nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam; Chí Linh sơn phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422; Băng Hồ di sự lục là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán.
Với những công lao và đóng góp vô cùng to lớn của ông trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Trãi đã được xem như nguồn tư liệu quý cho các cho các công trình nghiên cứu, các tác phẩm hội họa, văn học và nghệ thuật…
Sự nghiệp chính trị
Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Với những đóng góp của Nguyễn Trãi trong thời đại của ông nói riêng, cho lịch sử quốc gia nói chung thể hiện ở những góc độ khác nhau.
Vai trò nhà chiến lược tài ba
Tham mưu cho Lê Lợi: Nguyễn Trãi đóng góp nhiều kế sách quan trọng cho Lê Lợi trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần vào những chiến thắng vang dội như Xương Giang, Chi Lăng - Xương Giang,...
Soạn thảo văn thư: Ông là tác giả của nhiều văn thư ngoại giao quan trọng, thể hiện lập trường chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn và góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của quân Minh.
Lãnh đạo quân đội: Nguyễn Trãi trực tiếp tham gia lãnh đạo một số trận chiến quan trọng và có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và củng cố lực lượng quân đội.
Vai trò nhà ngoại giao lỗi lạc
Thuyết phục quân Minh: Nguyễn Trãi tham gia nhiều phái đoàn đàm phán với nhà Minh, vận dụng tài ngoại giao khéo léo để buộc quân Minh rút khỏi Đại Việt.
Góp phần bình ổn đất nước: Sau chiến thắng, Nguyễn Trãi tham gia vào việc xây dựng bộ máy nhà nước mới, củng cố hòa bình và ổn định đất nước.
Vai trò nhà văn chính luận xuất sắc
Tác phẩm nổi tiếng: "Bình Ngô đại cáo", "Quân trung từ mệnh tập",... là những tác phẩm chính luận tiêu biểu của Nguyễn Trãi, thể hiện tư tưởng yêu nước, thương dân và tài năng xuất chúng của ông.
Lý luận sắc bén: Nguyễn Trãi sử dụng ngòi bút sắc bén để vạch trần tội ác của giặc Minh, đồng thời khẳng định chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân sĩ.
Giá trị lịch sử: Các tác phẩm chính luận của Nguyễn Trãi có giá trị lịch sử to lớn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và vai trò của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Trãi là một minh chứng cho tài năng, lòng yêu nước và tinh thần cống hiến của ông cho dân tộc. Ông là một trong những anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của Việt Nam và di sản của ông sẽ mãi được lưu truyền cho muôn đời sau.