Vua Bảo Đại là một nhân vật lịch sử quan trọng trong giai đoạn chuyển giao từ chế độ phong kiến sang chế độ cộng hòa ở Việt Nam. Ông có những đóng góp nhất định cho đất nước, nhưng cũng có những sai lầm nghiêm trọng. Do vậy, cần có một đánh giá khách quan, toàn diện về Vua Bảo Đại để hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này.
Cuộc đời và sự nghiệp
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại kinh thành Huế, là con trai duy nhất của vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc. Ngày 28 tháng 4 năm 1922, khi được 9 tuổi, ông được xác lập làm Đông cung Hoàng Thái tử. Ngày 15 tháng 6 năm 1922, ông cùng Khải Định lần đầu sang Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, Pháp.
Tháng 6 năm 1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet rồi sau ở trường Sciences Po, Paris. Tháng 2 năm 1924, ông về nước để dự Lễ tứ tuần đại khánh của Khải Định, đến Tháng 11 trở lại nước Pháp để tiếp tục học.
Ngày 6 tháng 11 năm 1925, Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Ngày 8 tháng 1, khi mới 12 tuổi, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm hoàng đế kế nhiệm, ông lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Từ niên khóa 1930, Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po). Sau mười năm theo học tại Pháp, vua Bảo Đại về nước vào ngày 16/8/1932, trị vì Việt Nam tại Huế cho đến năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại quyết định thoái vị và trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ“. Tháng 9/1945, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. Đến ngày 6/1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vua Bảo Đại và Cách mạng tháng Tám
Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09/3/1945, chính quyền Bảo Đại đã cộng tác với quân phiệt Nhật đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Ngày 15/8/1945, giữa cao trào của Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh – chiến tranh thế giới thứ II kết . Theo chỉ thị của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế bắt đầu phát động khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn và nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị được giao cho Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đảm trách.
Ngày 17/8, Bảo Đại ban hành dụ số 105 chấp nhận bàn giao chính quyền cho Việt Minh, song vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách mời các các lãnh tụ Việt Minh về Huế thiết lập nội các mới. Chiều ngày 22/8/1945, Bảo Đại nhận được một bức điện tín từ Ủy ban Dân tộc Giải phóng với nội dung: “Trước ý chí đồng nhứt của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền dộc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng”. Trước cao trào cách mạng và nguyện vọng của nhân dân, Bảo Đại đã quyết định một việc sáng suốt nhất trong cuộc đời ông chính là đồng ý thoái vị, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi vì sự nghệp chung và yêu cầu người của Ủy ban Dân tộc giải phóng sớm đến Huế để nhận bàn giao. Chiều ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại được chính thức tổ chức ở Ngọ Môn trước sự có mặt của hàng vạn đồng bào Huế. Bảo Đại mặc đại triều phục, đọc lời tuyên bố thoái vị. Lá cờ quẻ ly của triều đình Huế trên Kỳ đài được hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên giữa những tràng vỗ tay và tiếng hoan hô như sấm, đan xen bởi những phát súng nổ vang trời chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh.
Có thể khẳng định rằng, sự kiện vua Bảo Đại thoái vị mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, nó đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến tồn tại hơn 10 thế kỷ, đồng thời cũng gián tiếp công nhận tính hợp pháp của chính quyền dân chủ nhân dân. Với việc tuyên bố tự nguyện thoái vị, Bảo Đại buộc phải nhận ra và thuận theo sức mạnh không thể chống lại của nhân dân trong cuộc cách mạng mang ý chí của toàn dân tộc. Đồng thời, đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta.
Sự thoái vị của Bảo Đại cũng đã góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám bởi sự yên bình hiếm có khi quyền lực chính quyền chuyển về tay nhân dân. Có nước khi cách mạng thành công đã hành quyết hoàng gia (Cách mạng tư sản Pháp 1789 và Cách mạng tháng 10 Nga 1917), có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong nhiều năm. Nhưng, nước Việt Nam vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối để mưu cầu nước nhà được độc lập. Sự kiện Bảo Đại thoái vị đã đặt dấu mốc hoàn thành mục tiêu cuộcđấu tranh gian khổ suốt 87 năm (1858-1945) của dân tộc: phản đế quốc, bài phong kiến, diệt phát xít.
Tựu trung lại, sự kiện vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Nguyễn - thoái vị là một cột mốc lớn trong lịch sử Việt Nam. Đây là sự kiện chính thức khép lại chế độ xã hội phong kiến, mở ra nền dân chủ nhân dân ở nước ta.
Sau khi thoái vị trở thành công dân một nước độc lập, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối xử rất tốt. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ lâm thời. Dù được Hồ Chủ tịch rất tin tưởng, song Vĩnh Thụy vốn là người nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp nên ông đã bị Pháp mua chuộc, trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp và bị Ngô Đình Diệm phế truất vào năm 1954, phải sống cuộc đời lưu vong ở nước ngoài đến khi qua đời vào năm 1997.
Kết luận
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sau khi lên ngôi vua xưng là Bảo Đại, là vị vua thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Cuộc đời Vua Bảo Đại gắn liền với những biến động lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, một thời đại đầy biến động và loạn lạc. Trên ngai vàng, ông phải đối mặt với vô vàn thử thách, gánh vác trọng trách nặng nề của một quốc gia đang trong quá trình chuyển giao từ chế độ phong kiến sang hiện đại. Vua Bảo Đại là một nhân vật lịch sử phức tạp với nhiều góc khuất, gây tranh cãi cho đến ngày nay. Nỗi niềm của Vua Bảo Đại là nỗi niềm của một con người đầy mâu thuẫn, sống trong một thời đại đầy biến động.