Gợi ý 1
Quân đã xử sự như thế nào khi Nhong mới về nhà mình ở ? Điều đó thể hiện tình cảm gì ?
Phương pháp giải:
Xem đoạn: "Từ đó thức ăn của tôi…bài tập khổng lồ mà tôi giao".
Lời giải chi tiết:
Khi Nhong về ở với Quân, Quân rất khó chịu và tỏ ra hậm hực với Nhong. Quân luôn tìm cách la mắng, chửi phạt nhong, giao thật nhiều bài tập cho Nhong
Thái độ của Quân cho thấy sự ganh ghét, ích kỉ, cọc cằn, thô lỗ, thiếu tình cảm anh em đối với Nhong.
Gợi ý 2
Khi Nhong bị ốm vì học quá sức, mẹ Quân đã nói với Quân như thế nào ? Quân đã làm gì để thể hiện sự ân hận của mình ? Em có suy nghĩ gì về những lời nói ấy ?
Phương pháp giải:
Xem đoạn: "Mẹ biết, từ khi Nhong về…hạnh phúc biết mấy phải không con"; "Lẳng lặng, tôi đi vào…tôi nhoẻn miệng cười".
Lời giải chi tiết:
- Khi Nhong bị ốm vì quá sức, mẹ Quân đã nói: “ ... Mẹ đưa Nhong về đây là muốn cho em có được tình yêu thương gia đình, huyết thống và có được cuộc sống tốt hơn...”; “Làm người ai cũng muốn được chia sẻ buồn vui. Nhưng, muốn được yêu thương thì mình cũng phải biết yêu thương, muốn được chia sẻ ta phải biết sẻ chia...”
- Để thể hiện sự ân hận của mình, Quân đã biết lỗi và xin lỗi mẹ, đến bên Nhong và thay khan cho Nhong, hỏi thăm và quan tâm Nhong.
- Những lời nói của mẹ Quân vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Những lời nói của mẹ Quân thể hiện sự yêu thương, bao dung, độ lượng của mẹ Quân. Mẹ đã dạy bảo Quân một cách nhẹ nhàng giúp Quân hiểu và nhận ra lỗi lầm của mình. Từ đó để lại cho Quân bài học cần biết yêu thương giúp đỡ người khác.
Em đọc truyện
Hướng dẫn đọc : Tác giả tự kể về mình. Khi đọc truyện, em cố tưởng tượng như chính em đang kể về những thái độ và suy nghĩ của mình với em Nhong.
LỜI YÊU THƯƠNG
Khi tôi đi đá banh (1) về, thằng Nhong đã có mặt ở nhà. Nhong là con trai độc nhất của dì Năm tôi. Dì goá chồng, sống dưới quê làm ruộng. Một mẹ, một con, đời sống quá khó khăn, nên khi Nhong học hết cấp I (2) ba mẹ tôi nhận nuôi Nhong để lo cho nó thi vào trường tôi cho có anh, có em. Mẹ nói vậy và có ý muốn tôi kèm cặp Nhong học.
Thằng nhỏ đen như khúc củi cháy, da mốc xì, đầu tóc bù xù. Thấy tôi, nó giương đôi mắt to đen nhìn mà không nói câu nào.
- Quân, anh em mà không chào làm quen sao ?
Câu nhắc khéo của mẹ làm tôi bực mình. Trời đất, nó là em, gặp mình không chào mà bắt mình chào trước. Mẹ có lộn (3) không đó ? Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng đưa tay theo kiểu các cầu thủ chào nhau trước trận đấu. Nhưng thằng nhỏ mặt tỉnh queo, phớt lờ tôi.
Đến bữa cơm, mẹ tuyên bố một câu làm tôi bực nghẹn cổ:
- Từ nay trở đi, Nhong sẽ ở chung phòng với con. Nhập học, hai đứa chở nhau vì Nhong không quen đường sá. Các con bảo nhau học hành cho tốt nhé!
Từ đó, thức ăn gì của tôi, mẹ cũng bắt chia đôi. Nhưng tôi cũng có thể chịu được nếu thằng Nhong biết mở mồm, mở miệng nói vài câu cho phải phép, đằng này nó cứ nín thinh và tự nhiên như ở nhà mình. Vì vậy, trong bụng tôi lúc nào cũng hậm hực, khó chịu. Bụng nghĩ thì lời ra nên tôi chẳng bao giờ nói đuợc câu dịu dàng với nó. Tôi tìm đủ thứ lỗi của nó để la mắng, chì chiết những lúc dạy nó học – thời cơ để tôi trút hết nỗi ấm ức ra ngoài. Tôi ra những bài toán thiệt (4) khó, bắt nó học thuộc lòng những bài đọc dài mà ngay cả tôi cũng ngán. Tất nhiên thằng Nhong luôn vấp váp hoặc không làm được, khi đó tôi tha hồ mắng mỏ, đôi lúc còn vung tay cốc vào đầu nó.
Chỉ một tháng, nó đâm sợ tôi như sợ cọp. Nó luôn tìm cách tránh mặt tôi hoặc trì hoãn việc học. Thái độ ấy làm tôi tức điên lên. Tối mét (5) mẹ. Mẹ dịu dàng nói:
- Nhong phải gắng học. Chỉ có mấy tháng hè, nếu thi đỗ hệ A thì mẹ cháu đỡ khổ. Đừng lười biếng như vậy. Nghe lời anh Quân nhé!
Như thường lệ, thằng Nhong cúi đầu không nói gì. Tôi được thể trách mắng nó nhiều hơn, dằn vặt nó nhiều hơn, bắt nó thức khuya học hết bài, cấm nó vào giường nếu không làm xong số bài tập khổng lồ mà tôi giao.
Khi tôi nhơn nhơn khoái chí và thoả mãn phần nào tự ái là lúc thằng Nhong suy sụp tinh thần lẫn sức khoẻ. Nó thường bỏ cơm, mất ngủ. Rồi nó bệnh thật, sốt nóng, mê sảng, miệng luôn lảm nhảm van xin tôi đừng phạt nó, trách nó.
Tôi hoảng quá. Đêm trong bệnh viện, mẹ tôi lặng lẽ chườm khăn lạnh lên đầu thằng Nhong. Tôi ngồi phụ mẹ, lòng chết điếng. Những câu nói mê sảng đã tố cáo phần nào cách đối xử của tôi với thằng Nhong,
Nửa đêm, thằng Nhong hạ sốt và ngủ yên. Mẹ thở phào, nhẹ chân đi ra ngoài hành lang. Tôi đi theo mẹ với thái độ của một người có lỗi.
- ... Mẹ ... Con đâu dè ... Con chỉ la mắng nó ...
Mẹ nhìn tôi, kéo tôi đến sát bên, khẽ nói :
- Mẹ biết, từ khi Nhong về với chúng ta, con không được thoải mái. Đôi lúc còn phàn nàn, bực bội. Mẹ đưa Nhong về đây là muốn cho em có được tình yêu thương gia đình, huyết thống và có được cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu Nhong sống với chúng ta mà lại không nhận được chút yêu thương nào, thì chi bằng để em trở về quê cực khổ bên mẹ, bên hàng xóm láng giềng còn tốt hơn.
- Mẹ ... Con có lỗi ... Con sẽ không vậy nữa đâu.
- Con ơi, làm người ai cũng muốn đuợc yêu thương và chia sẻ buồn vui, Nhưng, muốn được yêu thương thì mình cũng phải biết yêu thương, muốn được chia sẻ ta phải biết sẻ chia. Tỉ như bố mẹ yêu thương con, đổi lại con cũng yêu thương bố mẹ. Như vậy, nếu con yêu thương Nhong, chắc chắn, bên cạnh con sẽ có một người bạn tốt, một người em tốt luôn thương yêu con. Như vậy, cuộc sống sẽ vui vẻ và hạnh phúc biết mấy phải không con ?
Lẳng lặng, tôi đi vào, đến bên Nhong. Tôi khẽ khàng thay cái khăn lạnh khác đắp lên trán Nhong. Nhong cựa mình, mở mắt nhìn. Tôi mừng quá, hỏi dịu dàng :
- Nhong có khát không ? Uống nước nghe? Em sốt dữ lắm đó, làm cả nhà sợ quá.
Tôi đổ từng muỗng nước vào miệng Nhong. Em vừa uống, vừa đưa mắt nhìn tôi, không phải ánh mắt run sợ và lạnh lùng như mọi ngày mà là ánh mắt cảm động, biết ơn, thân thiện. Ánh mắt Nhong làm tôi nao nao. Tôi nhoẻn miệng cười.
TRẲN HŨU DINH
(1) Banh : quả bóng.
(2) Cấp I : tương đương với bậc Tiểu học bây giờ.
(3) Lộn : nhầm.
(4)Thiệt : thật.
(5) Mét: mách.