1. Khái niệm về di sản văn hóa.
- Di sản văn hóa là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
- Một số di sản văn hóa của nước ta như: Thánh địa Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột,…
2. Phân loại di sản văn hóa.
Di sản văn hóa được chia làm 2 loại gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể:
- Di sản văn hóa vật thể là những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.Ví dụ như: Quần thể di tích cố đô Huế, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An,…
- Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Ví dụ như: Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù,…
3. Ý nghĩa của di sản văn hóa đối với con người và xã hội.
- Di sản văn hóa là tài sản, niềm tự hào của dân tộc, thể hiện lịch sử, sự sáng tạo và bản sắc dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cơ sở cho thế hệ sau phát huy và phát triển.
- Di sản văn hóa góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa nhân loại.
- Thể hiện công đức của tổ tiên ông cha ta.
- Thể hiện kinh nghiệm của dân tộc trên các lĩnh vực.
4. Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ di sản văn hóa.
- Theo luật Di sản văn hóa năm 2001 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Điều 14. Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Sở hữu hợp pháp di sảnvăn hóa;
2. Tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa;
3. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
4. Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;
5. Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lí kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.
Điều 16 (trích). Tổ chức, cá nhân quản lí trực tiếp di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa;
2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa.
- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ di sản văn hóa:
+ Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
+ Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất.
+ Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lí kịp thời khi thấy có những hành vi làm sai lệch, phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa; hoặc thấy di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất.
+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
+ Chuyển giao di sản văn hóa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không có đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị.
Đề thi giữa kì 1
Chủ đề 8: Con đường tương lai
Chương 4: Tam giác bằng nhau
Chương 9. Quan hệ giữa các yếu tố trong một tam giác
Chương VI. Từ