Trong lịch sử, trong đời sống hàng ngày, không hiếm những kẻ trơ tráo vô ơn mà nhân dân ta thường lên án. Nhằm giúp nhau củng cố một thái độ có tính chất đạo lí truyền thống của dân tộc, nhân dân ta thường nhắc đến một câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nên hiểu như thế nào cho đúng?
Câu tục ngữ bắt đầu từ một hình ảnh cụ thể, một sự việc dễ thấy. Ngày hôm nay, ta hái một quả cây chín mọng, ngon lành trên một cành cây tươi tốt, biết chăng mười năm trước, ba mươi thậm chí năm mươi năm trước, có một người trồng cây. Người ấy, có thể trồng cây mà rồi không được hái quả, trồng cây một cách vô tư cho người đến sau mình, cũng không đòi hỏi người đời sau phải biết đến công mình. Nhưng người ăn quả hôm nay phải nhớ đến người trồng cây ngày xưa ấy. Đó là đạo lí ở đời.
Nhưng câu tục ngữ không chỉ nói một việc cụ thể ấy. Ý nghĩa của nó còn rộng lớn hơn thế rất nhiều, ẩn ý cũng sâu xa vô cùng. Quả ở đây là thành quả, là kết quả, là tất cả những gì ta được hưởng hôm nay. Câu tục ngữ là lời khuyên ta phải có lòng nhớ ơn đối với tất cả những người đã tạo nên những thành quả ấy cho ta. Ta lớn như ngày hôm nay ư? Phải nhớ ơn cha mẹ sinh thành nuôi nấng, dạy dỗ, rồi cơm cha, áo mẹ, công thầy và còn bao nhiêu người nữa, trực tiếp hay gián tiếp, góp phần giúp ta nên người. Ta có được đất nước để sống, để tự hào hôm nay ư? Phải nhớ công ơn những người đã xây dựng, bảo vệ và mở mang đất nước, từ các bậc tổ tiên thời Hồng Lạc xa xưa đến hàng triệu hàng triệu liệt sĩ đã hi sinh trong suốt mấy ngàn năm qua. Trong từng giờ, từng ngày ta sống, có lúc nào mà ta không ăn quả của người khác? Bát cơm bưng trên tay, đó là thành quả của người trồng lúa một nắng hai sương. Tấm áo mặc trên người, đó là quả của người nuôi tằm, người trồng bông, người dệt vải. Khi ốm đau, viên thuốc chữa bệnh là quả của người tìm ra thuốc, người sản xuất ra viên thuốc. Một cuốn sách, một bài học ở lớp là quả của người phát minh ra chữ, người phát minh khoa học, người nghĩ ra nghề làm giấy, nghề in sách, người viết sách, người thợ in ánh sáng ngọn đèn điện buổi tối trước bàn học, đó là quả của những Ampe, Pharaday, Eedixon và bao nhiêu người có tên tuổi hay không để lại tên tuổi. Kể sao cho hết. Tóm lại mỗi một thành tựu mà ta được hưởng, từ vật chất đến tinh thần, trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật ta đều chịu ơn người khác. Lòng biết ơn về những thành tựu ấy là một tình cảm cần thiết.
Vì sao vậy? Vì ai cũng biết trên đời không có một thành quả nào tự nhiên mà có. Mỗi một sự việc đạt được là kết quả của bao công lao khó nhọc, nước mắt, mồ hôi có khi phỉa suốt cả một đời người. Đừng quên rằng trên mỗi tấc đất ta đi đều thấm đượm máu và mồ hôi của tổ tiên ta. Đừng quên rằng Pasteur phải mấy chục năm khó nhọc thí nghiệm và thất bại, để cuối cùng phát hiện ra vi trùng, mở đường cứu sống nhân loại khỏi bao bệnh tật hiểm nghèo. Một bóng mát nơi công viên là kết quả của bao ngày chăm sóc, tưới nước, tỉa cành, vun gốc, bắt sâu. Thái độ biết ơn người đi trước chính là thái độ đúng đắn của người biết quý trọng lao động, hiểu rõ giá trị lao động.
Lòng biết ơn cũng là đạo lí của loài người, đạo lí dân tộc, là thái độ thủy chung đối với người đi trước. Ngày xưa ở nước ta, nhân dân ta coi trọng việc thờ cúng ông bà là để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên. Hàng năm ngày 10 tháng 3 âm lịch được lấy làm ngày quốc lễ để ghi nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Mỗi làng lại thờ vị Thành Hoàng đã có công khai khẩn lập nên làng. Những người thợ thủ công thờ ông tổ của nghề mình vì người đó đã có công truyền nghề lưu lại cho muôn đời con cháu. Nhân dân ta đã lập đền thờ những người có công giúp nước, cứu dân như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đó là một truyền thống rất tốt đẹp.
Nhưng nhớ kẻ trồng cây không chỉ là nhớ. Cũng như mọi tình cảm, lòng biết ơn đòi hỏi sự biểu lộ cụ thể, hành động cụ thể.
Nhớ ơn người dựng nước, mỗi người không những phải ra công bảo vệ đất nước của người xưa, mà phải tiếp tục sự nghiệp của người xưa, ra sức làm cho đất nước được ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng hạnh phúc. Ăn quả của người trước phải trồng cây cho đời sau, đó chính là việc làm có ý nghĩa nhất để tỏ lòng biết ơn. Nhớ ơn những người đã có công đối với nền văn minh của đất nước, của nhân loại là phải tiếp tục góp phần làm cho nền văn minh ấy phát triển, góp phần làm cho con người sống mỗi ngày một thêm ấm no, hạnh phúc, thân ái, bình đẳng.
Trong những nghĩa vụ ở đời, ta phải coi thái độ biết ơn là một nghĩa vụ thiêng liêng. Sự vô ơn không chỉ là một thái độ vô đạo đức mà còn là một thái độ sẽ dẫn đến những hành động nguy hại cho xã hội, làm suy đồi đạo đức.
Bồi dưỡng lòng biết ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô trở thành một điều rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chủ đề 3. Tốc độ
Chủ đề 1. Các cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV- XVI
Unit 4. Music and Arts
Chương 5: Thu thập và biểu diễn dữ liệu
Chủ đề 3. Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Cánh diều Lớp 7
Bài tập trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức
Bài tập trắc nghiệm Văn 7 - Cánh diều
Bài tập trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 7
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 7
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Kết nối tri thức Lớp 7
Lý thuyết Văn Lớp 7
SBT Văn - Cánh diều Lớp 7
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 7
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 7
Soạn văn chi tiết - Cánh diều Lớp 7
Soạn văn siêu ngắn - Cánh diều Lớp 7
Soạn văn chi tiết - CTST Lớp 7
Soạn văn siêu ngắn - CTST Lớp 7
Soạn văn chi tiết - KNTT Lớp 7
Soạn văn siêu ngắn - KNTT Lớp 7
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 7
Văn mẫu - Cánh Diều Lớp 7
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 7
Vở thực hành văn Lớp 7