Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các bài tập:
Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.
Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.
Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.
Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy. Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội.
Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ. Tôi chẳng muốn chui khỏi tấm áo ấm áp, an toàn đó chút nào.
Nhưng rồi những ngày thu êm ả cũng trôi qua.
Gió lạnh buốt bắt đầu thổi ù ù qua khu rừng. Gió vặn vẹo những cánh tay dẻo dai của mẹ. Gió lay giật tấm thân vững chãi của mẹ. Nhưng mẹ vẫn bền gan đứng trên sườn núi cheo leo.
Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già. Nhưng tôi nghe tiếng mẹ thì thầm:
- Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!
Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra. Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ. Hoá ra tôi là trái dẻ cuối cùng đang nép trên cánh tay vươn cao nhất của mẹ. Mẹ đưa tay theo chiều gió và thì thầm với riêng tôi: “Tạm biệt con yêu quý, hạt dẻ bé bỏng nhất của mẹ. Dù thế nào con cũng sẽ lớn lên, hãy dũng cảm và đón nhận cuộc sống mới nhé!“
Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già... “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!”- tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...
(Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 12 (465), 2020)
Câu 1. Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:
1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?
A. Mẹ Dẻ Gai
B. Một cây dẻ trong rừng già
C. Một nhân vật trong câu chuyện
D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai
2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?
A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em
B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em
C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già
D. Những hạt dẻ gai trong rừng già
3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ."?
A. Ẩn dụ
B. Điệp ngữ
C. Hoán dụ
D. So sánh
4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?
A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.
B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.
C. Vì “tôi” sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.
D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.
Câu 2. Trả lời các câu hỏi sau:
1. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm gì của nhân vật trong truyện đồng thoại?
2. Hãy tìm ba từ mà em cho là phù hợp để nêu bật đặc điểm của nhân vật “tôi”.
3. Nêu bài học cuộc sống mà em có thể rút ra từ câu chuyện của hạt dẻ gai trong đoạn trích.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Tìm cụm danh từ trong những câu văn sau:
a. Nhưng trời giá rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng có ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.
b. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.
Câu 2 (4 điểm): Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Sơn trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (1 điểm):
1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào? A. Mẹ Dẻ Gai B. Một cây dẻ trong rừng già C. Một nhân vật trong câu chuyện D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: D
2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào? A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già D. Những hạt dẻ gai trong rừng già |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: B
3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ.”? A. Ẩn dụ B. Điệp ngữ C. Hoán dụ D. So sánh |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ và vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: B
4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp? A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn. B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp. C. Vì “tôi” sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến. D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: D
Câu 2 (0,5 điểm):
1. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm gì của nhân vật trong truyện đồng thoại? |
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc trưng thể loại truyện đồng thoại
Lời giải chi tiết:
Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm của nhân vật trong truyện đồng thoại: Nhân vật “tôi” được nhân cách hóa với những suy nghĩ, đặc điểm, tính cách giống như con người.
2. Hãy tìm ba từ mà em cho là phù hợp để nêu bật đặc điểm của nhân vật “tôi”. |
Phương pháp giải:
Từ đặc điểm của nhân vật “tôi”, nêu ba từ phù hợp
Lời giải chi tiết:
Theo em 3 từ có thể phù hợp với đặc điểm của nhân vật “tôi” là: sợ sệt, dũng cảm, đáng yêu.
3. Nêu bài học cuộc sống mà em có thể rút ra từ câu chuyện của hạt dẻ gai trong đoạn trích. |
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
Bài học cuộc sống: Dũng cảm đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận về những bài học bổ ích cho bản thân, những điều tốt đẹp
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (1 điểm):
Tìm cụm danh từ trong những câu văn sau: a. Nhưng trời giá rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng có ai đoái hoài đến lời chào hàng của em. b. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ và tìm cụm danh từ trong mỗi câu
Lời giải chi tiết:
Các cụm danh từ là phần in đậm:
a. Nhưng trời giá rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng có ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.
b. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.
Câu 2 (6 điểm):
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Sơn trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam. |
Phương pháp giải:
- Mở bài: giới thiệu nhân vật cần bàn luận và thể hiện ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật
- Thân bài:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật cần phân tích
+ Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật
- Kết bài: khẳng định lại ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật, nêu cảm nghĩ về nhân vật
Lời giải chi tiết:
Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài: giới thiệu nhân vật cần bàn luận và thể hiện ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật
- Nhân vật Sơn trong truyện Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
- Ở nhân vật Sơn, người đọc cảm thấy vô cùng ấm áp bởi đó là một cậu bé có tâm hồn trong sáng và một tấm lòng nhân hậu rất đáng trân quý.
2. Thân bài:
* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật cần phân tích
- Thạch Lam là một cây bút, một thành viên của Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn của Thạch Lam đem đến cho người đọc nhiều “nhã thú”, có lẽ vì tâm hồn ông giàu tình thương và quý trọng người nghèo, ông đã dành cho tuổi thơ những trang văn đậm đà, trong sáng.
- Đọc truyện Gió lạnh đầu mùa, chúng ta thấy rõ tính nhân đạo thấm đẫm trên từng trang văn, làm nên chất thơ ngọt ngào mang dư vị riêng của Thạch Lam. Qua cách Thạch Lam miêu tả cụ thể, chân thực, cảm động tấm lòng nhân hậu của nhân vật Sơn, người đọc cảm nhận được tấm lòng thương yêu trẻ em nghèo của nhà văn.
* Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật
- Đặc điểm 1: Sơn là cậu bé rất hồn nhiên, biết quý trọng tình bạn
+ Là một đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả, có điều kiện sống tốt hơn những đứa trẻ cùng xóm nhưng Sơn luôn gần gũi, quan tâm, chơi thân và yêu quý những người bạn nghèo. Bởi vậy, nhìn thấy chị em Sơn từ đằng xa là lũ trẻ nghèo cùng xóm đã “lộ vẻ vui mừng”.
+ Tuy nhiên, lũ trẻ vẫn giữ khoảng cách với chị em Sơn: “Chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập” khi nghĩ đến thân phận nghèo nàn của mình. Nhưng chị em Sơn vẫn chơi thân mật, vui vẻ với chúng. Điều đó, đã giúp lũ trẻ xóa bớt mặc cảm.
=> Phải là một cậu bé có tâm hồn đẹp, biết yêu thương và luôn gần gũi với những người bạn nghèo trong xóm thì Sơn mới được lũ trẻ yêu quý và cảm thấy vui mừng khi nhìn thấy Sơn và chị của cậu đến vậy. Chính những cử chỉ thân mật, sự quan tâm tự nhiên của Sơn đối với các bạn nghèo mà lũ trẻ đã gần gũi và cảm thấy bớt mặc cảm, tự ti khi đứng trước chị em Sơn. Nét đẹp này trong tính cách của Sơn đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc và cảm thấy tin yêu hơn về tình bạn chân thành không phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh khác biệt.
- Đặc điểm 2: Sơn còn là đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, chất chứa tấm lòng thương người.
+ Sơn chú ý đến cách ăn mặc của các bạn. Lẽ ra, trước cái lạnh lẽo của gió đông, lũ trẻ phải được mặc ấm. Thế mà lũ trẻ “ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ”. Sơn xót xa trong lòng khi nhìn thấy “môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hai hàm răng đập vào nhau”.
+ Tấm lòng nhân hậu của Sơn, cũng như của chị Lan bỗng hóa thành hành động thương người thiết thực. Trông thấy Hiên, bạn của Lan và Duyên “co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”, Sơn đã động lòng quyết định cho Hiên cái áo bông cũ. Hành động cho áo không phải là hành động của kẻ ban ơn, bố thí mà xuất phát từ lòng cảm thông, yêu thương chân thành của Sơn đối với người bạn có hoàn cảnh khó khăn.
+ Trong thời gian chờ đợi chị Lan về nhà lấy áo, Sơn đứng lặng yên, dù ngoài trời gió lạnh từng cơn nhưng trong lòng Sơn vẫn ấm áp.
=> Việc làm tốt đẹp, đầy ý nghĩa của Sơn xuất phát từ tấm lòng yêu thương các bạn nghèo. Chính việc làm giàu giá trị nhân văn của Sơn đã làm cho những đứa trẻ nghèo cảm thấy ấm áp trước cái giá lạnh của “gió lạnh đầu mùa”; đồng thời những tác động tích cực đến người lớn (Mẹ của Sơn và mẹ của Hiên có cách ứng xử rất khéo léo, tế nhị, không làm ảnh hưởng đến tính hồn nhiên và hành động cao quý của bọn trẻ).
3. Kết bài: khẳng định lại ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật, nêu cảm nghĩ về nhân vật
- Sơn là cậu bé nhạy cảm, ngoan ngoãn, hồn nhiên, yêu đời, chan hòa và giàu ân tình với bạn bè. Chính những phẩm chất quý báu này đã phát huy đức tính hiếu thảo của Sơn đối với cha mẹ. Những phẩm chất tốt đẹp của Sơn khiến chúng ta ngưỡng mộ và soi lại cách sống của mình để hướng đến những giá trị nhân văn trong cuộc sóng, xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè và hình thành nhân cách…
- Đọc Gió lạnh đầu mùa, qua cách Thạch Lam miêu tả cụ thể, chân thực, cảm động tấm lòng nhân hậu của nhân vật Sơn, người đọc cảm nhận được tấm lòng thương yêu trẻ em nghèo của nhà văn.
Bài 1: Lắng nghe lịch sử nước mình
Tạm biệt lớp 6
Bài 6: Chuyện kể về những người anh hùng
Unit 2. Days
Chủ đề 3. TRÁCH NHIỆM VỚI BẢN THÂN
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Cánh diều Lớp 6
Bài tập trắc nghiệm Văn - Kết nối tri thức
Bài tập trắc nghiệm Văn - Chân trời sáng tạo
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Kết nối tri thức
Bài tập trắc nghiệm Văn - Cánh diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 6
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 6
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 6
Ôn tập hè Văn Lớp 6
SBT Văn - Cánh diều Lớp 6
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 6
Soạn văn chi tiết - Cánh diều Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - Cánh diều Lớp 6
Soạn văn chi tiết - CTST Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - CTST Lớp 6
Soạn văn chi tiết - KNTT Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - KNTT Lớp 6
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 6
Văn mẫu - Cánh Diều Lớp 6
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 6
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 6
Vở thực hành văn Lớp 6