Tổng hợp 5 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 6 kết nối tri thức có đáp án

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Đề 1
Đề 2
Đề 3
Đề 4
Đề 5
Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Đề 1
Đề 2
Đề 3
Đề 4
Đề 5

Đề 1

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo,

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

(Tố Hữu, Việt Bắc, theo https://www.thivien.net/)

Câu 1 (1 điểm): Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu đáp án đúng cho mỗi câu hỏi sau:

1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát

B. Lục bát biến thể

C. Thơ tự do

D. Thơ tám chữ

2. Các từ Bác, Người, Ông Cụ trong đoạn thơ dùng để chỉ ai?

A. Tác giả

B. Đồng bào Việt Bắc

C. Chủ tịch Hồ Chí Minh

D. Chỉ các đối tượng khác nhau

3. Từ nào sau đây là từ láy?

A. Sáng ngời

B. Rừng núi

C. Đẹp tươi

D. Ung dung

4. Đoạn thơ trên thể hiện tình cảm của ai đối với ai?

A. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ, với cách mạng

B. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với tác giả

C. Tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân

D. Tình cảm của Bác Hồ đối với tác giả

Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra các tiếng mang vần trong hai câu thơ:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Câu 3 (0,5 điểm): Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm gì nổi bật?

Câu 4 (1 điểm): Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nêu cảm nhận về một nhân vật đã học, trong đó có sử dụng 2 từ láy, 2 từ ghép

Câu 2 (5 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

       “Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

 Thế nên mẹ sinh ra

      Để bế bồng, chăm sóc

     Mẹ mang về tiếng hát

   Từ cái bống, cái bang

Từ cái hoa rất thơm

 Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

    Từ đầu nguồn cơn mưa

      Từ bãi sông cát vắng…”

(Xuân Quỳnh, Chuyện cổ tích về loài người)

Đề 2

Phần I: ĐỌC - HIỂU (4 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

CÁ CHÉP VÀ CON CUA

Cá chép con dạo chơi trong hồ nước. Lúc đi ngang nhà cua, thấy cua đang nằm, vẻ mặt rất đau đớn, cá chép bèn bơi lại gần và hỏi:

- Bạn cua ơi, bạn làm sao thế?

Cua trả lời:

- Tớ đang lột xác bạn ạ.

- Ôi, chắc là bạn đau lắm. Nhưng tại sao bạn lại phải làm như thế ?

- Họ hàng nhà tớ ai cũng phải lột xác thì mới lớn lên và trưởng thành được, dù rất đau đớn cá chép con ạ.

- À, bây giờ thì tớ đã hiểu.

(Những mẩu chuyện thiếu nhi chọn lọc - NXB Kim Đồng, 2009)

 

Câu 1 (2 điểm): Khoanh tròn vào đáp án đúng trong các câu hỏi sau:

1. Văn bản trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ ba

C. Ngôi thứ nhất số nhiều

D. Ngôi kể thay đổi linh hoạt

2. Các nhân vật xuất hiện trong văn bản là?

A. Thỏ và rùa

B. Thỏ và ếch

C. Cáo và cua

D. Cá chép con và cua

3. Văn bản trên sử dụng chủ yếu biện pháp tu từ nghệ thuật nào?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Hoán dụ

4. Vì sao họ hàng nhà cua phải lột xác dù rất đau đớn?

A. Vì phải lột xác thì mới lớn lên và trưởng thành được

B. Vì lột xác xong sẽ có bộ vỏ có màu sắc rất đẹp

C. Vì càng lột xác thì vỏ sẽ càng cứng hơn

D. Vì để ngụy trang với các loài vật to lớn hơn

Câu 2 (1 điểm): Tìm trong văn bản lời của người kể chuyện và lời nhân vật.

Câu 3 (1 điểm): Từ câu chuyện trên, em nhận được thông điệp nào? Trình bày bằng 2-3 câu văn.

Phần II: TẠO LẬP VĂN BẢN (6 điểm)

Viết một đoạn văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em.

Đề 3

Phần I: ĐỌC - HIỂU (4 điểm)

Đọc văn bản sau:

SỰ TÍCH CÂY NGÔ

Năm ấy, trời hạn hán. Cây cối chết khô vì thiếu nước, bản làng xơ xác vì đói khát. Nhiều người phải bỏ bản ra đi tìm nơi ở mới. Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ốm đau liên miên và cậu con trai lên 7 tuổi. Cậu bé tên là Aưm, có nước da đen nhẫy và mái tóc vàng hoe. Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Hằng ngày, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ. Nhưng trời ngày càng hạn hán hơn. Có những lần cậu đi cả ngày mà vẫn không tìm được thứ gì để ăn. Một hôm, vừa đói vừa mệt cậu thiếp đi bên bờ suối. Trong mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ vào tay Aưm rồi vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẫn ở trên tay. Ngạc nhiên, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì thấy phía trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm tỉa một hạt bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà.

Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đã đói lả, Aưm vội tỉa những hạt lạ đó mang giã và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ dần dần tỉnh lại, âu yếm nhìn đứa con hiếu thảo. Còn lại ít hạt, Aưm đem gieo vào mảnh đất trước sân nhà. Hằng ngày, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ. Nhiều hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn dành một gáo nước để tưới cho cây. Được chăm sóc tốt nên cây lớn rất nhanh, vươn những lá dài xanh mướt. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, kết quả.

Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ. Aưm hái những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng thơm thảo của Aưm, dân bản lấy tên câu bé đặt tên cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó, những người dân Pako không còn lo thiếu đói nữa.

(Truyện cổ tích Việt Nam - Nguồn truyencotich.vn)

Câu 1 (0.5 điểm): Truyện Sự tích cây ngô thuộc thể loại nào?

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại

Câu 2 (0.5 điểm): Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3 (0.5 điểm): Trong câu chuyện, em bé cứu sống được mẹ là nhờ tìm được thầy lang giỏi, theo em đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 4 (0.5 điểm): Theo em, cây ngô biểu tượng cho điều gì của dân làng Pako?

A. Biểu tượng cho sự sống và lòng hiếu thảo
B. Biểu tượng cho sự sống và tình yêu thương
C. Biểu tượng cho sự sống ấm no của dân làng
D. Biểu tượng cho sự sống và ước mơ cao đẹp

Câu 5 (0.5 điểm): Vì sao em bé lại đem giống ngô cho mọi người?

A. Vì em nghĩ mọi người đều thương yêu em
B. Vì em bé muốn mẹ được khỏe mạnh
C. Vì em thích loại giống lạ mới thấy lần đầu
D. Vì em có lòng tốt muốn chia sẻ cho dân làng

Câu 6 (0.5 điểm): Chủ đề nào sau đây đúng với truyện Sự tích cây ngô?

A. Ca ngợi ý nghĩa của loài cây
B. Ca ngợi lòng hiếu thảo
C. Ca ngợi tình cảm gia đình
D. Ca ngợi tình mẫu tử

Câu 7 (0.5 điểm): Trong câu văn “Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ.”,từ lũ lượt là từ gì?

A. Từ láy
B. Từ nhiều nghĩa
C. Từ ghép
D. Từ đồng âm

Câu 8 (0.5 điểm): “Hằng ngày, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ.” Từ in đậm trong câu văn thuộc loại trạng ngữ nào?

A. Trạng ngữ chỉ thời gian
B. Trạng ngữ chỉ mục đích
C. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
D. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân

Phần II: TẠO LẬP VĂN BẢN (6 điểm)

Câu 1 (1 điểm): Qua câu chuyện, em thấy mình cần phải có trách nhiệm gì với cha mẹ và cộng đồng?

Câu 2 (5 điểm): Viết đoạn văn cảm nhận về em bé trong bài thơ “Mây và sóng”. Từ đó, nêu những suy nghĩ về trách nhiệm của người con với gia đình

Đề 4

Phần I: ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất… Bên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút. Thỏ đuổi theo. Tấm vải rơi tròng trành trên ao nước. Thỏ vừa đặt chân xuống nước đã vội co lên. Thỏ cố khều nhưng đưa chân không tới. Một chú Nhím vừa đi đến. Thỏ thấy Nhím liền nói:

- Tôi đánh rơi tấm vải khoác!

- Thế thì gay go đấy! Trời rét, không có áo khoác thì chịu sao được.

Nhím nhặt chiếc que khều… Tấm vải dạt vào bờ, Nhím nhặt lên, giũ nước, quấn lên người Thỏ:

- Phải may thành một chiếc áo, có thế mới kín được.

- Tôi đã hỏi rồi. Ở đây chẳng có ai may vá gì được.

Nhím ra dáng nghĩ:

- Ừ! Muốn may áo phải có kim. Tôi thiếu gì kim.

Nói xong, Nhím xù lông. Quả nhiên vô số những chiếc kim trên mình Nhím dựng lên nhọn hoắt. Nhím rút một chiếc lông nhọn, cởi tấm vải trên mình Thỏ để may.

(Trích “Những chiếc áo ấm”, Võ Quảng)

 

Câu 1 (0.5 điểm): Thể loại của đoạn trích trên là:

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyện truyền thuyết
D. Truyện ngắn

Câu 2 (0.5 điểm): Đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?

A. Lời của người kể chuyện
B. Lời của nhân vật Nhím
C. Lời của nhân vật Thỏ
D. Lời của Nhím và Thỏ

Câu 3 (0.5 điểm): Nhận xét nào nêu lên đặc điểm của nhân vật trong văn bản trên?

A. Nhân vật là loài vật, sự vật được nhân cách hóa như con người.
B. Nhân vật là loài vật, sự vật có liên quan đến lịch sử.
C. Nhân vật là loài vật, sự vật có những đặc điểm kì lạ.
D. Nhân vật là loài vật, sự vật gắn bó thân thiết với con người như bạn.

Câu 4 (0.5 điểm): Em hiểu nghĩa của từ “tròng trành” trong câu “Tấm vải rơi tròng trành trên ao nước.” là gì?

A. quay tròn, không giữ được thăng bằng.
B. ở trạng thái nghiêng qua nghiêng lại.
C. ở trạng thái nghiêng qua nghiêng lại, không giữ được thăng bằng.
D. ở trạng thái quay tròn, nghiêng qua nghiêng lại.

Câu 5 (0.5 điểm): Có bao nhiêu từ láy trong đoạn văn sau?

“Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất… Bên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút.”

A. Bốn từ
B. Năm từ
C. Sáu từ
D. Bảy từ

Câu 6 (0.5 điểm): Từ ghép trong câu văn “Nhím rút một chiếc lông nhọn, cởi tấm vải trên mình Thỏ để may” là những từ nào?

A. Nhím rút, tấm vải
B. Một chiếc, để may
C. Chiếc lông, tấm vải
D. Lông nhọn, trên mình

Phần II: TẠO LẬP VĂN BẢN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu văn sau “Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật”.

Câu 2 (5 điểm): Viết đoạn văn diễn tả những suy nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn trong văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”

Đề 5

Phần I: ĐỌC - HIỂU (6 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

SỰ TÍCH HOA CÚC TRẮNG

Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con. Người con thì cũng hiếu thảo, biết vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành. Một ngày kia, người mẹ bỗng lâm bệnh nặng, mặc dù người con rất thương mẹ, chạy chữa biết bao thầy lang giỏi trong vùng cũng không chữa khỏi cho mẹ. Em buồn lắm, ngày ngày đều cầu phúc cho mẹ. Thương mẹ, người con quyết tâm đi tìm thầy nơi khác về chữa bệnh. Người con đi mãi, qua bao nhiêu làng mạc, núi sông, ăn đói mặc rách vẫn không nản lòng.
Đến một hôm, khi đi ngang qua một ngôi chùa, em xin nhà sư trụ trì được vào thắp hương cầu phúc cho mẹ. Lời cầu xin của em khiến trời nghe cũng phải nhỏ lệ, đất nghe cũng cúi mình. Lời cầu xin đó đến tai Đức Phật từ bi, Người cảm thương tấm lòng hiếu thảo đó của em nên đã tự mình hóa thân thành một nhà sư. Nhà sư đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa trắng rồi nói:

- Bông hoa này là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng, là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con, con hãy mang nó về chăm sóc. Nhưng phải nhớ rằng, cứ mỗi năm sẽ có một cánh hoa rụng đi và bông hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm. Nói rồi nhà sư biến mất.

Em nhận bông hoa, cảm tạ Đức Phật, lòng em rất đỗi vui mừng. Nhưng khi đếm những cánh hoa, lòng em bỗng buồn trở lại khi biết rằng bông hoa chỉ có năm cánh, nghĩa là mẹ em chỉ sống được thêm với em có năm năm nữa. Thương mẹ quá, em nghĩ ra một cách, em liền liều xé nhỏ những cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ, nhiều đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Nhờ đó mà mẹ em đã khỏi bệnh và sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình. Bông hoa trắng với vô số cánh nhỏ đó đã trở thành biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là sự hiếu thảo của người con đối với mẹ, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật cho mẹ của người con. Ngày nay, bông hoa đó được người đời gọi là hoa cúc trắng.

(Phỏng theo Truyện cổ tích Nhật Bản - Sách Ngựa Gióng)

Câu 1. Truyện Sự tích hoa cúc trắng thuộc thể loại nào?

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại

Câu 2. Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3. Trong câu chuyện, em bé cứu sống được mẹ là nhờ tìm được thầy lang giỏi, theo em đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 4. Theo nhà sư, bông hoa cúc trắng biểu tượng cho điều gì?

A. Biểu tượng cho sự sống và lòng hiếu thảo
B. Biểu tượng cho sự sống và lòng kiên trì
C. Biểu tượng cho sự sống và tình yêu thương
D. Biểu tượng cho sự sống và ước mơ cao đẹp

Câu 5. Vì sao em bé lại xé nhỏ các cánh hoa?

A. Vì em vốn là đứa trẻ hiếu động
B. Vì em nghĩ bông hoa nhiều cánh sẽ đẹp hơn
C. Vì em bé muốn mẹ sống lâu bên mình
D. Vì em thích bông hoa nhiều cánh

Câu 6. Trong câu văn “Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con”, từ láy tần tảo có ý nghĩa là:

A. làm lụng chăm chỉ công việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn
B. làm lụng chăm chỉ công việc đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
C. làm lụng chăm chỉ việc nhà và đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
D. làm lụng vất vả, lo toan việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn

Câu 7. “Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ”. Từ in đậm trong câu văn thuộc loại trạng ngữ nào?

A. Trạng ngữ chỉ mục đích
B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
D. Trạng ngữ chỉ thời gian

Câu 8. Chủ đề nào sau đây đúng với truyện Sự tích hoa cúc trắng?

A. Ca ngợi ý nghĩa các loài hoa
B. Ca ngợi tình mẫu tử
C. Ca ngợi tình cảm gia đình
D. Ca ngợi tình cha con

Câu 9. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản trên là gì?

Câu 10. Qua câu chuyện, em thấy mình cần phải có trách nhiệm gì với cha mẹ?

Phần II: TẠO LẬP VĂN BẢN (4 điểm)

Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em về một chuyến đi chơi về quê 

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved
gift-box
survey
survey
Đặt câu hỏi