Đề bài
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy, có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”
Nếu vậy, sao ta không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sao ta không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này? Ta muốn làm chi đời ta?
Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu sắc mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”. Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa chờ đợi được đánh thức…
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.43-44)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu sắc mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn”.
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”?
Câu 4. “Ước mơ cháy bỏng nhất” của anh/chị là gì? Anh/Chị sẽ làm gì để biến ước mơ đó thành hiện thực? (Trả lời trong khoảng 7 – 10 dòng).
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.
Câu 2 (5,0 điểm)
Anh/chị hãy nêu cảm nhận về đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên mam điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trông dòng nước lũ hoa đong đưa
Lời giải chi tiết
Phần I:
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng phép tu từ so sánh, thể hiện rõ nhất ở câu: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Các câu sau làm rõ nghĩa cho câu trên.
- Tác dụng:
+ Chỉ ra sự tương đồng giữa “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh” giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ thành hiện thực.
+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn.
Câu 3:
- Ý kiến “Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn”:
Ước mơ là những khát khao, mong đợi, hoặc những ý tưởng đẹp đẽ mà con người muốn biến thành hiện thực. Con người cần biết giữ gìn, bảo vệ, không để những khó khăn, thử thách trong cuộc sống làm thui chột ước mơ và cũng không để người khác ngăn cản việc chúng ta hiện thực hóa ước mơ đó.
Câu 4:
Học sinh trả lời theo yêu cầu. Nội dung câu trả lời cần phải chặt chẽ, hợp lý, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Phần II:
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề:
- “Ước mơ” là khát vọng, là mục đích cao đẹp của cuộc đời mà con người tha thiết hướng tới và mong ước đạt được.
* Bàn luận vấn đề
- Phân tích, chứng minh:
+ Trong cuộc sống, mỗi người có thể có nhiều ước mơ. Ước mơ có thể vĩ đại hay nhỏ bé nhưng phàm đã là con người thì ai cũng có ước mơ.
+ Mỗi người cần theo đuổi ước mơ. Bởi ước mơ không chỉ làm đẹp cho cuộc đời mà còn bởi ước mơ không bao giờ có sẵn. Để đạt được nó, người ta phải khát khao, kiên trì, nỗ lực, sáng suốt, bền lòng, dũng cảm vượt qua những khó khăn, thử thách, thậm chí chấp nhận thiệt thòi, hi sinh, mất mát, khổ đau để thực hiện ước mơ. Ước mơ càng lớn càng cao đẹp bao nhiêu thì đòi hỏi con người càng phải nỗ lực bấy nhiêu. (Dẫn chứng).
- Khi đã có ước mơ, ta hãy lên kế hoạch cụ thể để từng bước chinh phục nó.
- Bàn luận mở rộng:
+ Những ước mơ chân chính dù lớn, dù nhỏ đều làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.
+ Thật buồn cho những con người sống một đời mà không biết theo đuổi ước mơ.
- Bài học: HS cần rút ra bài học chân thành, thiết thực.
Câu 2:
* Giới thiệu chung:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
* Phân tích:
Trái ngược với đoạn thơ mở đầu bài thơ, thiên nhiên và con người miền Tây trong đoạn thơ này là một thế giới khác. Đó là những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển, tài hoa, tinh tế, thấm đẫm chất thơ, chất nhạc, chất hào hoa, lãng mạn của Quang Dũng.
a. Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan văn nghệ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
- Với nét vẽ khỏe khoắn, mê say, Quang Dũng dẫn ta vào một đêm liên hoan văn nghệ. Đây là những kỉ niệm đẹp, hấp dẫn nơi xứ lạ, một đêm liên hoan văn nghệ hiếm có giữa binh đoàn Tây Tiến và nhân dân địa phương. Cảnh ấy thực mà như mơ, vui tươi mà sống động.
+ Cả doanh trại bừng sang dưới ánh lửa đuốc bập bùng, tưng bừng hân hoan như một ngày hội. Trong ánh đuốc lung linh, kỳ ảo, trong âm thanh réo rắt của tiếng khèn, những cô gái Thái lộng lẫy, rực rỡ trong bộ trang phục lạ, dáng điệu e thẹn, tình tứ trong vũ điệu đậm sắc màu dân tộc đã thu hút hồn vía của những chàng trai Tây Tiến.
b. Cảnh chia ly trên sông nước:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
- Cảnh thơ mộng trữ tình của sông nước miền Tây được nhà thơ diễn tả qua những chi tiết: trên sông, chiều sương giăng mắc mênh mang kỳ ảo, dòng sông trôi lặng tờ mang đậm sắc màu cổ tích, có dáng người mềm mại, uyển chuyển đang lướt trên con thuyền độc mộc, hoa đôi bờ đong đưa theo dòng nước như vẫy chào tạm biệt người ra đi…
- Cảnh đẹp như mộng lại như tranh, chỉ vài nét chấm phá mà tinh tế, tài hoa: Quang Dũng không tả mà chỉ gợi, cảnh thiên nhiên không phải là vô tri vô giác, mà phảng phất trong gió trong cây như có hồn người: "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ".
"Hồn lau" trong thơ của Quang Dũng cũng là "hồn lau" của biệt ly phảng phất một chút buồn nhưng không xao xác, xé rách, lãng quên mà đầy nỗi nhớ thương, lưu luyến. Nỗi nhớ thương, lưu luyến đó đã được nhà thơ thể hiện trong những từ ngữ như "có nhớ", "có thấy". Tình yêu đối với cỏ cây, hoa lá, dòng sông, dáng người… đã làm cho cuộc sống đầy hi sinh, gian khổ của những người lính có thêm nhựa sống. Bốn câu thơ làm hiện lên bức tranh thủy mặc nhưng lại không tĩnh tại mà sống động, thiêng liêng.
c. Nghệ thuật:
- Bút pháp lãng mạn tài hoa
- Ngôn ngữ tinh tế, gợi cảm
- Chất nhạc và chất họa hòa quyện, khó tách biệt
* Kết luận
- Khẳng định giá trị của tác phẩm và vị trí của Quang Dũng trong nền văn học Việt Nam.
Tải 5 đề kiểm tra 45 phút - Chương 5 – Hóa học 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Vật lí lớp 12
Tải 10 đề kiểm tra 15 phút - Chương 5 – Hóa học 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Chương 10. Hệ sinh thái, sinh quyển và bảo vệ môi trường