Đề số 1 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 2 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 3 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 4 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 5 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Chuyện một khu vườn nhỏ (Trang 102 – TV5/T1)
2. Tiếng vọng (Trang 108 – TV5/T1)
3. Hành trình của bầy ong (Trang 117 – TV5/T1)
4. Người gác rừng tí hon (Trang 124 – TV5/T1)
5. Chuỗi ngọc lam (Trang 134 – TV5/T1)
6. Buôn Chư Lênh đón cô giáo (Trang 144 – TV5/T1)
7. Thầy cúng đi viện (Trang 158 – TV5/T1)
8. Ca dao về lao động sản xuất (Trang 168 – TV5/T1)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Bàn tay thân ái
Đã gần 12 giờ đêm, cô y tá đưa một anh thanh niên có dáng vẻ mệt mỏi và gương mặt đầy lo lắng đến bên giường của một cụ già bệnh nặng. Cô nhẹ nhàng cúi xuống người bệnh và khẽ khàng gọi: “Cụ ơi, con trai cụ đã về rồi đây!”. Ông lão cố gắng mở mắt, gương mặt già nua, bệnh tật như bừng lên cùng ánh mắt. Rồi ông lại mệt mỏi từ từ nhắm nghiền mắt lại, nhưng những nếp nhăn dường như đã dãn ra, gương mặt ông có vẻ thanh thản, mãn nguyện.
Chàng trai ngồi xuống bên cạnh, nắm chặt bàn tay nhăn nheo của người bệnh. Suốt đêm, anh không hề chợp mắt; anh vừa âu yếm cầm tay ông cụ vừa thì thầm những lời vỗ về, an ủi bên tai ông. Rạng sáng thì ông lão qua đời. Các nhân viên y tế đến làm các thủ tục cần thiết. Cô y tá trực đêm qua cũng trở lại, cô đang chia buồn cùng anh lính trẻ thì anh chợt hỏi:
- Ông cụ ấy là ai vậy, chị?
Cô y tá sửng sốt:
- Tôi tưởng ông cụ là ba anh chứ?
- Không, ông ấy không phải là ba tôi.
- Chàng lính trẻ nhẹ nhàng đáp lại.
- Tôi chưa gặp ông cụ lần nào cả.
- Thế sao anh không nói cho tôi biết lúc tôi đưa anh đến gặp cụ?
- Tôi nghĩ là người ta đã nhầm giữa tôi và con trai cụ khi cấp giấy phép; có thể do tôi và anh ấy trùng tên. Ông cụ đang rất mong gặp con trai mà anh ấy lại không có mặt ở đây. Khi đến bên cụ, tôi thấy ông đã yếu đến nỗi không thể nhận ra tôi không phải là con trai ông. Tôi nghĩ ông cần có ai đó ở bên cạnh nên tôi quyết định ở lại.
(Theo Xti-vơ Gu-đi-ơ)
1. Người ta đã đưa ai đến bên một cụ già đang hấp hối? (0.5 điểm)
A. Người con trai cụ
B. Một thanh niên là bạn của con trai cụ
C. Một bác sĩ trẻ tuổi
D. Một thanh niên xa lạ.
2. Hình ảnh cụ già được hiện lên như thế nào trong đoạn 1? (0.5 điểm)
A. Ông mệt mỏi và đau đớn vì không gặp được con trai mình trước khi qua đời.
B. Tuy rất mệt nhưng ông cảm thấy hạnh phúc và toại nguyện.
C. Ông mệt mỏi và tức giận vì biết chàng trai kia không phải con trai mình.
D. Ông mệt mỏi và đau đớn vì biết mình sắp chết.
3. Điều gì làm cho cô y tá ngạc nhiên? (0.5 điểm)
A. Cụ già đột ngột qua đời trong khi bệnh tình đang tiến triển tốt.
B. Con trai cụ kịp về để nhìn mặt cụ lần cuối.
C. Chàng trai ngồi bên cạnh cụ suốt đêm chính là con trai cụ.
D. Chàng trai ngồi bên cạnh cụ suốt đêm không phải là con trai cụ.
4. Tại sao anh thanh niên đã ngồi suốt đêm bên cụ già? (0.5 điểm)
A. Vì anh không còn nơi nào để đi nữa.
B. Vì bác sĩ yêu cầu anh làm như vậy.
C. Vì anh tưởng rằng đó là bố của mình.
D. Vì anh nghĩ cụ đang rất cần có ai đó ở bên cạnh vào lúc đó.
5. Hãy tìm các quan hệ từ có trong đoạn văn sau? (1 điểm)
Mẹ Tê-rê-sa đã nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới này lẽ ra không nên có ai phải chết trong nỗi đơn côi, không ai phải buồn khổ, đớn đau hay lặng lẽ khóc một mình trong những bất hạnh của đời mình.
6. Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (1 điểm)
A. Hãy biết ơn và tôn trọng những người làm ngành y, bởi vì đó là những người sẽ quan tâm chăm sóc cho chúng ta những lúc ốm đau.
B. Hãy biết chăm lo sức khỏe của mình.
C. Hãy sống chan hòa, nhân ái và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh mình.
D. Hãy sống chăm chỉ và nỗ lực trong cuộc sống.
7. Câu văn “Tôi tưởng ông cụ là ba anh chứ?” có mấy đại từ xưng hô? Đó là những đại từ nào? (1 điểm)
8. Hãy tạo hai từ ghép và hai từ láy có chứa tiếng “trong”? (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Chuyện một khu vườn nhỏ
Cây quỳnh lá dày, giữ được nước, chẳng phải tưới nhiều. Cây hoa ti gôn thích leo trèo, cứ thò những cái râu ra, theo gió mà ngọ nguậy như những cái vòi voi bé xíu. Cây hoa giấy mọc ngay bên cạnh bị nó quấn chặt một cành. Những chiếc vòi quấn chắc nhiều vòng, rồi một chùm ti gôn hé nở. Cây đa Ấn Độ thì liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt. Khi đủ lớn, nó xòe ra thành chiếc lá nâu rõ to, ở trong lại hiện ra cái búp đa mới nhọn hoắt, đỏ hồng... Có điều Thu chưa vui: Cái Hằng ở nhà dưới cứ bảo ban công nhà Thu không phải là vườn!
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả một người thân trong gia đình em.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) D. Một thanh niên xa lạ
2. (0.5 điểm) B. Tuy mệt mỏi nhưng ông cảm thấy hạnh phúc và toại nguyện
3. (0.5 điểm) D. Chàng trai ngồi bên cạnh cụ suốt đêm không phải là con trai cụ.
4. (0.5 điểm) D. Vì anh nghĩ cụ đang rất cần có ai đó ở bên cạnh vào lúc đó.
5. (1 điểm)
Các quan hệ từ có trong đoạn văn đó là: rằng, trong, hay, của
6. (1 điểm) C. Hãy sống chan hòa, nhân ái và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh mình.
7. (1 điểm)
Có ba đại từ xưng hô là: tôi, ông cụ, ba anh
8. (1 điểm)
- Hai từ ghép: trong xanh, trong vắt
- Hai từ láy: trong trẻo, trong trắng
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung:
A. Mở bài (0.75 điểm)
Giới thiệu về đối tượng mà em muốn miêu tả.
B. Thân bài (2.5 điểm)
- Tả ngoại hình (tóc, làn da, hàm răng, dáng đi,…)
- Tả hành động
C. Kết bài (0.75 điểm)
Tình cảm của em đối với người đó
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.
Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.
Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.
Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.
Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.
Bài 10: Ủy ban nhân dân xã (phường) em
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1 - TOÁN 5
Bài tập cuối tuần 33
Tuần 15: Luyện tập chung. Tỉ số phần trăm
PHẦN 2: HỌC KÌ 2