Đề bài
Câu 1. Đọc đoạn trích sau:
Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám - năm đó ta chưa võ trang - trong một trận càn lớn của quân Mĩ - ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cử nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Ngữ văn 9, Tập 1)
Thực hiện các yêu cầu:
a) Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
b) Xét theo cấu tạo ngữ pháp, câu: “Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu" thuộc kiểu câu gì?
c) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: “Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi."
d) Qua đoạn trích, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 - 12 câu) bày tỏ suy nghĩ về vai trò của người cha đối với con trong cuộc đời.
Câu 2. Cảm nhận của anh(chị) về hai khổ thơ sau:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
[...]
Câu hát căng buồn với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Lời giải chi tiết
Câu 1
a) Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? b) Xét theo cấu tạo ngữ pháp, câu: “Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu" thuộc kiểu câu gì? c) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: “Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi." d) Qua đoạn trích, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 - 12 câu) bày tỏ suy nghĩ về vai trò của người cha đối với con trong cuộc đời. |
Phương pháp:
a. Căn cứ bài Chiếc lược ngà
b. Căn cứ cấu tạo câu phân theo ngữ pháp.
c. Căn cứ bài Nói giảm nói tránh
d. Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng.
b. Xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu "Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu" thuộc câu trần thuật đơn
c. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu “Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi”: Biện pháp nói giảm, nói tránh.
Tác dụng: Khiến câu văn có lối diễn đạt uyển chuyển, tế nhị tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề về hiện thực.
d.
+ Mở đoạn:
Nêu vấn đề cần bàn luận – Vai trò của người cha đối với con
+ Thân đoạn:
- Người cha đối với con đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu.
- Người cha cho con cuộc sống, là người sinh thành và cũng là người mang con đến cuộc sống này.
- Cha là người luôn yêu thương con vô điều kiện. Cho dù cha không phải là người hoàn hảo nhất nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất. Tình yêu đó bồi đắp, nuôi lớn đứa trẻ khiến đưa trẻ vững tâm mạnh mẽ bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.
- Cha là người thầy đầu tiên của con. Tất cả những tri thức của cuộc sống đối với một đứa trẻ đều được học trước tiên từ cha mình. Cha dạy dỗ, bảo ban, uốn nắn con từng bước nên người.
- Cha chính là tấm gương để con nhìn vào, noi theo. Đối với mỗi đứa trẻ, có lẽ cha chính là một thần tượng đẹp nhất vĩ đại nhất mà sau này những đứa con sẽ nhìn vào đó để phấn đấu.
- Tình cảm của người cha đôi khi không dịu dàng, thể hiện rõ như mẹ nhưng luôn luôn thường trực và vô cùng rộng lớn.
(Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp về hình ảnh người cha và vai trò với con trong cuộc sống)
+ Kết đoạn: Khái quát vấn đề bàn luận, nêu cảm xúc của em.
Câu 2
Cảm nhận của anh(chị) về hai khổ thơ sau:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Sóng đã cài then, đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi. [...] Câu hát căng buồn với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Mặt trời đội biển nhô màu mới, Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài - Giới thiệu về tác giả Huy Cận và tác phẩm "Đoàn thuyền đánh cá":
+ Huy Cận (1919 – 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở làng An Phú, huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
+ Huy Cận đã nổi tiếng trong phong trào thơ mới với tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau cách mạng tháng Tám từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.
+ Huy Cận được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. + Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại, dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.
+ Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)
Giới thiệu luận đề: Cảm nhận về khổ thơ đầu tiên và khổ thơ cuối cùng trong tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá".
2. Thân bài
a. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi (khổ thơ đầu tiên)
Từ điểm nhìn trên con thuyền đang tiến ra phía biển, tác giả đã có cảm nhận độc đáo về hình ảnh mặt trời:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đếm sập cửa
Biện pháp so sánh và nhân hóa đặc sắc, Huy Cận đã miêu tả rất thực sự chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm khiến cảnh biển lúc hoàng hôn hiện lên kì vĩ, tráng lệ như thần thoại: “mặt trời xuống biển như hòn lửa”, đồng thời lại gợi sự gần gũi như một ngôi nhà thân quen: Vũ trụ như một ngôi nhà thân quen, “sóng cải then – đêm sập cửa” gợi sự bình yên đối với người dân chài.
- Màn đêm mở ra đã khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì con người ngược lại – bắt đầu hoạt động:
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
- Câu thơ gợi hình dung cả một đoàn thuyền chứ không phải một con thuyền đơn độc. Từ “lại” diễn tả công việc lao động thường ngày.
Tác giả tả được cả khí thế của đoàn thuyền ra khơi qua hình ảnh “câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Đó là một ẩn dụ độc đáo, biến cái ảo thành cái thực: Khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền và niềm vui, sức mạnh của người lao động trên biển, làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi.
b. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về (khổ cuối)
Câu hát căng buồm cùng gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời Mặt trời đội biển nhỏ màu mới Mắt cả huy hoàng muôn dặm phơi.
- Đây là lúc bài ca lao động ngân vang hào hùng nhất: Cảnh đoàn thuyền trở về thắng lợi trong ánh bình minh rực rỡ, tráng lệ.
Hình ảnh câu hát tiếp tục mở đầu cho khổ thơ:
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Câu hát theo suốt cuộc hành trình của người dân chài. Lúc ra đi là tiếng hát lạc quan, tin tưởng khi trở về con thuyền sẽ đầy ắp cá tươi, còn khi về là khúc ca vui sướng, tự hào trước thành quả lao động sau một đêm vất vả.
- Cấu trúc lặp khiến tiếng hát vang lên như một điệp khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu quê hương của những con người kiên cường, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực.
- Hình ảnh mặt trời cũng được lặp lại. Nếu khổ đầu là mặt trời của hoàng hôn thì giờ là mặt trời của bình minh. Bình minh báo hiệu một ngày mới, báo hiệu sự sống đang sinh sôi, nảy nở, báo hiệu khởi đầu của những niềm vui, niềm hạnh phúc mà người dân chài có được sau chuyến hành trình vất vả, cực nhọc.
Đặc biệt, khổ cuối có một hình ảnh độc đáo, hùng tráng và lãng mạn:
“Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”.
Đoàn thuyền được đặt sánh ngang với hình ảnh mặt trời. Huy Cận đã lấy một sự vật bé nhỏ, bình dị để ngầm so sánh với hình ảnh vĩ đại của thiên nhiên. Đoàn thuyền là hình ảnh hoán dụ độc đáo, ý chỉ con người. Mặt trời luôn mạnh mẽ, tràn đầy sức sống - như con người sau một đêm trên biển vẫn hăng say, tràn đầy sinh lực. Những người dân chài ấy trở về trong tư thế sánh ngang với vũ trụ, thậm chí trong cuộc chạy đua với tự nhiên ấy họ đã chiến thắng. Con người hiện lên thật mạnh mẽ, chiến thắng và làm chủ thiên nhiên.
- Hai câu kết: Mở ra một cảnh tượng thật kì vĩ, chói lọi. Có thể nói Huy Cận đã rất tinh tế khi miêu tả sự vận hành của vũ trụ. Mặt trời từ từ nhô lên trên sóng nước xanh lam, chiếu tỏa ánh sáng rực rỡ, khiến cảnh biển bừng sáng. Con thuyền trở về với từng khoang đầy ắp cá tươi. Mắt cá phản chiếu ánh mặt trời như muôn vàn mặt trời li ti... Đó thật sự là một cảnh tượng huy hoàng giữa bầu trời và mặt biển, giữa thiên nhiên và thành quả lao động của con người.
c. Đánh giá:
“Đoàn thuyền đánh cá” là một bài thơ ca ngợi cuộc sống mới, con người mới. Bài thơ tràn ngập niềm vui phơi phới, niềm say sưa và những ước mơ bay bổng của con người muốn chinh phục thiên nhiên bằng công việc lao động của mình. Đây cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên đất nước qua cái nhìn và tâm trạng hứng khởi của nhà thơ. Bài thơ vừa cổ kính vừa mới mẻ trong hình ảnh, ngôn ngữ, âm điệu vui tươi khỏe khoắn, phơi phới bay bổng. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vẻ đẹp lao động cũng như vẻ đẹp thiên nhiên được thể hiện trong hai đoạn trích.
- Nêu cảm nhận của bản thân.
Đề thi vào 10 môn Toán Quảng Ninh
Đề thi vào 10 môn Toán Tuyên Quang
PHẦN HÌNH HỌC - TOÁN 9 TẬP 1
Bài 12
Đề thi vào 10 môn Toán Bắc Giang