Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm han đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhung bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. Thế ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chi Th. mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thùy!
(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)
Câu 1 (0,5 điểm):
Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ điều gì?
Câu 2 (1,0 điểm):
Gọi tên các phép liên kết hình thức và chi ra từ ngữ làm phương tiện của các phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin.
Câu 3 (1,0 điểm):
Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu sau: Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu nào?
Câu 4 (0,5 điểm):
Nêu tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” trong những câu văn sau: Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt.
Câu 5 (1,0 điểm):
Nhận xét về hoàn cảnh sống, chiến đấu và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả Đặng Thùy Trâm qua đoạn nhật kí trên.
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập tình thái, với câu chủ đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người. (Lưu ý: Gạch chân thành phần tình thái).
Câu 2 (4,0 điểm):
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2020, tr. 84 - 85)
Phân tích đoạn thơ trên và nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1.
Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ điều gì? |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Tại thời điểm viết tác giả mơ ước đánh thắng giặc Mỹ, Độc lập, Tự do của đất nước.
Câu 2.
Gọi tên các phép liên kết hình thức và chi ra từ ngữ làm phương tiện của các phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. |
Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn
Cách giải:
Phép liên kết: phép nối (Và)
Phép liên kết: phép lặp (đôi mắt)
Câu 3.
Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu sau: Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu nào? |
Phương pháp: căn cứ bài Câu trần thuật đơn
Cách giải:
- Tuổi trẻ của mình // đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường.
CN VN
- Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn thuộc kiểu câu đơn.
Câu 4.
Nêu tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” trong những câu văn sau: Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình”:
- Nhấn mạnh ý nghĩa của tuổi trẻ tác giả: tuổi trẻ đã sống và chiến đấu vì Tổ quốc, đã cùng với thế hệ mình và thế hệ cha anh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khẳng định niềm tự hào được cống hiến cho dân tộc.
- Tạo nhịp điệu hùng hồn, thiết tha cho câu văn.
Câu 5.
Nhận xét về hoàn cảnh sống, chiến đấu và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả Đặng Thùy Trâm qua đoạn nhật kí trên. |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Nhận xét:
- Hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng cực khổ, đầy nguy hiểm: phải trải qua bom rơi, đạn nổ, thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu… Dù hoàn cảnh sống, chiến đấu đầy gian lao nhưng vẫn bừng lên trong tác giả là niềm tin yêu, mơ ước, tình yêu thương vẫn ánh lên trong đôi mắt.
Phần II
Câu 1.
Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập tình thái, với câu chủ đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người. (Lưu ý: Gạch chân thành phần tình thái). |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức
- Trình bày bài làm dưới dạng đoạn văn.
- Diễn đạt trôi chảy, trong sáng. Không mắc lỗi dùng từ, chính tả, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung: Bài làm đảm bảo các ý sau:
1. Giới thiệu vấn đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người.
2. Giải thích vấn đề:
- Lạc quan là có cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp.
=> Thái độ lạc quan giúp ích cho con người rất nhiều trong cuộc sống.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao “Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người.”?
+ Việc suy nghĩ tích cực sẽ làm cho con người trở nên hứng khởi, tin yêu cuộc sống hơn. Từ đó con người có động lực để làm việc và cống hiến hăng say.
+ Cuộc sống không hề bằng phẳng và không phải lúc nào mọi chuyện cũng giống như mong muốn hay kế hoạch định sẵn của con người. Việc duy trì thái độ lạc quan sẽ giúp con người tìm ra những phương hướng giải quyết tốt hơn trong một vài tình huống không như ý.
+ Thái độ lạc quan sẽ thu hút những điều tốt đẹp đến với cuộc sống của mỗi người.
…
- HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Lạc quan khác với ảo tưởng. Giữ thái độ lạc quan nghĩa là dù trong những tình huống tồi tệ nhất, mỗi người vẫn luôn nhìn ra mặt tích cực của tình huống để có bài học kinh nghiệm.
- Phê phán những người bi quan, tiêu cực.
4. Liên hệ bản thân và Tổng kết
Câu 2.
Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh. Gần xa nô nức yến anh, Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. (Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2020, tr. 84 - 85) Phân tích đoạn thơ trên và nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức
- Bài văn có đủ bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu vấn đề; Thân bài giải quyết vấn đề; Kết bài kết thúc vấn đề.
- Học sinh vận dung các phép lập luận linh hoạt để triển khai bài văn.
- Không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
* Yêu cầu về nội dung
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích Cảnh ngày xuân.
- Giới thiệu nội dung khổ thơ cần phân tích: khung cảnh mùa xuân và lễ hội ngày xuân.
2. Phân tích, cảm nhận
a. 4 câu đầu: Khung cảnh ngày xuân.
- Bốn câu đầu của đoạn trích đã mở ra một khung cảnh thiên nhiên mùa xuân thật tươi đẹp, trong trẻo.
- Câu thơ: “Ngày xuân con én đưa thoi” vừa tả cảnh mùa xuân, những cánh én vẫn rộn ràng bay lượn trên bầu trời trong sáng, vừa ngụ ý chỉ thời gian trôi rất nhanh. Thiều quang - ánh sáng tươi đẹp đã bước sang tháng thứ ba, tháng cuối cùng của mùa xuân.
- Hai câu thơ sau mở ra một bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
+ Thảm cỏ non trải rộng đến chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm thêm sắc trắng của bông hoa lê.
+ Đảo ngữ “trắng” nhấn mạnh vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết. Màu sắc hài hòa đến tuyệt diệu. Tất cả gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng, yên bình.
+ Chữ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên có hồn, như được tiếp thêm nhựa sống tràn trề chứ không tĩnh tại. Cảnh vật hết sức diệu kì khiến người đọc như muốn hòa mình vào không gian tuyệt vời ấy.
- Nguyễn Du mới tài tình làm sao khi vẽ nên cả bức tranh xuân chỉ với bốn câu thơ, thật đúng là “thi trung hữu họa”!
b. Khung cảnh lễ hội mùa xuân
- Nghệ thuật tiểu đối cùng việc tách từ “lễ hội” ra làm đôi -> giúp Nguyễn Du miêu tả hai hoạt động cùng diễn ra trong ngày hội xuân: lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
- Gợi: sự giao hòa:
+ Lễ: là lòng tri ân tổ tiên.
+ Hội: là dịp những người trẻ tuổi đi du xuân, thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân.
- Buổi lễ hội tưng bừng tấp nập:
+ Kết hợp giữa các từ ghép hai âm tiết: “gần xa”, “yến anh”, “chị em” cùng các từ láy “sắm sửa”, “nô nức”, -> tâm trạng náo nức, tươi vui, sự rộn ràng trong lòng người chơi xuân.
+ Biện pháp ẩn dụ: “nô nức yến anh”:
Một mặt gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân.
Mặt khác: gợi những xôn xao trong cuộc chuyện trò, gặp gỡ; sự háo hức, tình tứ của những đôi lứa uyên ương.
=> Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh:
- Bút pháp tả cảnh tài tình, vận dụng linh hoạt và có những biến đổi từ thơ cổ Trung Quốc, khiến câu thơ sinh động, hấp dẫn.
- Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, …
- Sử dụng ngôn từ điêu luyện, kết hợp linh hoạt, hài hòa giữa danh từ, tính từ, động từ vẽ lên một bức tranh lễ hội sinh động, đẹp đẽ.
3. Tổng kết
Đề thi vào 10 môn Toán Đà Nẵng
Unit 5: The Media - Phương tiện truyền thông
Đề kiểm tra giữa học kì 2
CHƯƠNG 3: QUANG HỌC
Một số bài nghị luận văn học tham khảo