Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Hai người đàn ông đang đi cùng nhau thì bỗng nhiên có một con gấu xuất hiện trên đường. Một người nhanh chóng trèo lên một cái cây và cố giấu mình trong những nhánh cây rậm rạp.
Người kia nhận thấy mình sắp bị tấn công bèn nằm sải trên nền đất. Khi con gấu lại gần dùng mũi đánh hơi và hít hít ngửi ngửi khắp người anh ta, thì anh ta liền nín thở, giả vờ chết.
Con gấu bỏ đi vì người ta vẫn hay nói rằng loài gấu không bao giờ động vào xác chết.
Khi con gấu đã đi khỏi, người đang trốn trên cây bèn tuột xuống, chạy đến chỗ bạn mình và hỏi đùa rằng
- Con gấu đỏ đã thì thầm cải gì vào tai anh vậy?
Người kia nghiêm trang trả lời:
Nó đã cho tôi một lời khuyên: đừng bao giờ đồng hành cùng một người bỏ rơi anh trong lúc hoạn nạn.
(Theo http://doctruyencotich.vn/hat-giong-tam-hon/con-gau-va-hai-nguoi-ban-truyen-ngu-ngon-hay.html)
Câu 1 (0,5 điểm): Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra những nhân vật xuất hiện trong văn bản,
Câu 3 (1,0 điểm): Em hiểu như thế nào về lời khuyên: đừng bao giờ đồng hành cùng một người bỏ rơi anh trong lúc hoạn nạn.
Câu 4 (1,0 điểm): Bài học rút ra từ văn bản trên.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn nghị luận (độ dài khoảng 200 chữ) trình bày quan niệm về một người bạn tốt.
Câu 2 (5,0 điểm)
Những ai sống trong tuổi xuân hãy sống hết mình với cái đẹp của nó, và từ cái đẹp đó ta giữ mãi cái đẹp cho đời mình
Gần với cảm xúc đó, nhà thơ Thanh Hải đã viết:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc,
(Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên, từ đó liên hệ: tuổi trẻ cần làm gì cho cuộc sống hôm nay.
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1
Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt nào? |
Phương pháp: căn cứ bài nội dung bài về phương thức biểu đạt
Cách giải:
Phương thức biểu đạt: Tự sự
Câu 2
Chỉ ra những nhân vật xuất hiện trong văn bản |
Phương pháp: căn cứ bài đọc hiểu
Cách giải:
Nhân vật trong văn bản: 2 người đàn ông và con gấu
Câu 3
Em hiểu như thế nào về lời khuyên: đừng bao giờ đồng hành cùng một người bỏ rơi anh trong lúc hoạn nạn. |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Lời khuyên đó có thể hiểu trong lúc ta gặp hoạn nạn, khó khăn mà người đồng hành, người bạn của ta không hỗ trợ, giúp đỡ thì đó là một con người không tốt và không nên chơi.
Bởi vậy, việc lựa chọn người đồng hành, lựa chọn bạn là điều hết sức quan trọng.
Câu 4
Bài học rút ra từ văn bản trên. |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Gợi ý: Cần lựa bạn mà chơi.
Phần II
Câu 1
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn nghị luận (độ dài khoảng 200 chữ) trình bày quan niệm về một người bạn tốt. |
Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: quan niệm về một người bạn tốt.
2. Giải thích
- Tình bạn là một phạm trù xã hội dùng để chỉ quan hệ giữa người với người có những nét giống nhau về tâm tư, tình cảm, quan điểm hay hoàn cảnh... Hoặc giữa người và động vật có có sự tương tự về tình bạn giữa người và người mà họ có thể chia sẻ, đồng cảm, an ủi và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
3. Bàn luận
- Quan niệm về một người bạn tốt:
+ Một người dễ gần gũi, biết hòa nhập, biết yêu thương bạn bè.
+ Người bạn tốt đối với bạn, phải thật lòng, không dối trá, thì mới có thể là bạn tốt được.
+ Cuối cùng, người bạn tốt nào cũng cần có tính thẳng thắn, đứng đắn.
+...
- Tìm được một người bạn tốt cả đời ta sẽ có một chỗ dựa vững vàng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách
- Mở rộng vấn đề
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2
Những ai sống trong tuổi xuân hãy sống hết mình với cái đẹp của nó, và từ cái đẹp đó ta giữ mãi cái đẹp cho đời mình Gần với cảm xúc đó, nhà thơ Thanh Hải đã viết: Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hoà ca Một nốt trầm xao xuyến. Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc, (Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam) Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên, từ đó liên hệ: tuổi trẻ cần làm gì cho cuộc sống hôm nay. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
+ Thanh Hải là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân, về khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.
- Khái quát nội dung khổ thơ 4 và 5: Hai khổ thơ 4 và 5 thể hiện rõ nhất ước vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc của tác giả.
2. Phân tích, cảm nhận
a. Khái quát về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được tác giả sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu, trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách.
- Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm, mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.
b. Phân tích khổ thơ thứ 4: Khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời
Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến
- Điệp từ “ta làm” cùng với nhịp thơ dồn dập diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ:
+ muốn làm con chim hót: góp tiếng hót cho cuộc đời
+ muốn làm một cành hoa: góp chút sắc hương cho cuộc sống
-> Ước mong giản dị, đơn sơ để tô điểm cho vườn hoa mùa xuân muôn hương muôn sắc của đất nước.
+ một nốt trầm -> không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về.
- Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ mà còn là khát vọng chung của nhiều người.
-> Khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, nguyện hi vinh cho sự phồn vinh của đất nước.
=> Đây là tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết.
c. Phân tích khổ thơ thứ 5:
Ước nguyện cống hiến chân thành không kể tuổi tác
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời"
- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến -> Tác giả muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất nước.
- Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.
-> Lẽ sống cống hiến lặng lẽ, khiêm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến.
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."
- Điệp ngữ “dù là”: thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người
- "tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già.
-> Lời hứa, lời tự nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.
=> Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả.
=> Liên hệ: Tuổi trẻ cần làm gì cho cuộc sống hôm nay:
- Tuổi trẻ cần có mục tiêu, định hướng rõ ràng cho tương lai.
- Không ngừng trau dồi tri thức, học hỏi để nâng cao trình độ bản thân
- Tu dưỡng đạo đức.
- Có lí tưởng sống đẹp, cống hiến cho đất nước, dân tộc.
-...
d. Đặc sắc nghệ thuật trong 2 khổ thơ:
- Sử dụng các từ láy, điệp từ hiệu quả
- Hình ảnh đẹp, giản dị
- Ngôn từ chính xác, tinh tế, gợi cảm
- So sánh và ẩn dụ sáng tạo
3. Tổng kết
- Khái quát những đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công của đoạn thơ: Thể thơ năm chữ, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sánh và ẩn dụ sáng tạo.
- Liên hệ trình bày khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ cho cuộc đời.
Câu hỏi tự luyện Tiếng Anh lớp 9 cũ
Đề thi vào 10 môn Toán Ninh Bình
Đề thi vào 10 môn Anh Bình Dương
PHẦN II: ĐIỆN TỪ HỌC
CHƯƠNG 2. KIM LOẠI