Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ những bạn trẻ đang bơ vơ trên con đường cuộc sống rằng, nếu bạn đang phải trải qua những ngày khốn khó, phải đương đầu với nghịch cảnh cuộc đời, thì đó thực sự là một món quà vô giá. Có thể lúc đang khổ sở với những vấn đề của mình, ta chỉ mãi vật vã đau buồn. Nhưng sau này nhìn lại, ta sẽ thấy rằng những khó khăn đã đương đầu giúp tạo nên câu chuyện của riêng ta.
Hãy lấy bộ truyện nổi tiếng thế giới "Harry Potter" ra làm ví dụ. Tôi cực kì thích "Harry Potter". Nhớ những đêm tôi thức đến ba bốn giờ sáng ôm quyển truyện trong tay, vừa đọc vừa quẹt nước mắt. Harry và những người bạn của cậu chỉ là tưởng tượng. Thế giới của phù thủy, đũa thần và chổi bay thể không có thật. Nhưng nỗi buồn và sự tuyệt vọng là thật. Cảm giác đau đớn và cô độc là thật. Sợ hãi và mất mát là thật. [...] Những nỗi đau trong câu chuyện đã kết nối người đọc với tác giả, kết nối người đọc với nhau, và góp phần làm nên thành công của bộ truyện. Và những mất mát đau thương ấy chân thật, bởi vì được viết bởi một con người đã nếm trải bao điều khốn khó của cuộc đời. J.K. Rowling phải chứng kiến cái chết của người mẹ khi vừa hai mươi mấy tuổi, rồi hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, và trở thành một bà mẹ đơn thân. Nếu không trải qua từng ấy đau khổ, chắc gì Rowling đã viết được câu chuyện sâu sắc dường vậy, chắc gì "Harry Potter" đã lay động lòng người và thành công đến thế?
(Trích Tuổi trẻ đáng giả bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn 2019, tr. 68 - 69)
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. (0,5 điểm) Tác giả đã lấy bộ truyện nổi tiếng nào của thế giới để làm ví dụ?
Câu 3. (1,0 điểm) Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau: J.K. Rowlling phải chứng kiến cái chết của người mẹ khi vừa hai mươi mấy tuổi, rồi hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, và trở thành một bà mẹ đơn thân.
Câu 4. (1,0 điểm) Một bài học sâu sắc em rút ra được từ đoạn trích trên? Lí giải khoảng 3 - 5 dòng.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tính trung thực trong cuộc sống con người.
Câu 2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cả nhụ cá chim cùng cả đé,
Cả song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cả như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXBGDVN, tr.140)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên. |
Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận.
Câu 2:
Tác giả đã lấy bộ truyện nổi tiếng nào của thế giới để làm ví dụ? |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Tác giả lấy bộ truyện “Harry Potter” để làm ví dụ.
Câu 3:
Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau: J.K. Rowling phải chứng kiến cái chết của người mẹ khi vừa hai mươi mấy tuổi, rồi hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, và trở thành một bà mẹ đơn thân. |
Phương pháp: Căn cứ bài Liệt kê, phân tích.
Cách giải:
- Liệt kê: chứng kiến cái chết của người mẹ khi vừa mới hai mươi mấy tuổi, rồi hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, trở thành bà mẹ đơn thân.
- Tác dụng: Sử dụng biện pháp liệt kê tác giả nhằm nhấn mạnh những nỗi khó khăn và bất hành mà J.K Rowlling đã gặp phải trong cuộc đời. Và cũng chính từ những khó khăn đó đã giúp bà viết nên những câu chuyện vô cùng sâu sắc.
Câu 4:
Một bài học sâu sắc em rút ra được từ đoạn trích trên? Lí giải khoảng 3 - 5 dòng. |
Phương pháp: Phân tích, lí giải.
Cách giải:
HS lựa chọn một bài học và đưa ra lí giải phù hợp.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tính trung thực trong cuộc sống con người. |
Phương pháp: Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
a. Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ
b. Yêu cầu nội dung:
* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vai trò của tính trung thực trong cuộc sống con người.
- Giải thích: Trung thực là việc con người luôn tôn trọng sự thật, sống và làm việc trên nguyên tắc tôn trọng lẽ phải. Không làm việc gian dối trái với sự thật.
- Vai trò của tính trung thực:
+ Tính trung thực giúp con người trở nên uy tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và yêu quý.
+ Tính trung thực sẽ giúp con người rèn luyện được những đức tính khác như cương trực, thẳng thắn.
+ Tính trung thực tạo nên môi trường trong sạch, văn minh, ngày càng phát triển.
- Liên hệ mở rộng:
+ Phê phán những người sống dối gian lừa lọc.
+ Rèn luyện bản tính trung thực và giữ gìn bản tính ấy trước những cám dỗ của cuộc đời.
Câu 2:
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cả nhụ cá chim cùng cả đé, Cả song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe. Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào, Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao. Biển cho ta cả như lòng mẹ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. (Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXBGDVN, tr.140) |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Huy Cận, tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá.
- Giới thiệu về bức tranh thiên nhiên và con người lao động trong 5 khổ được trích.
2. Thân bài
* Hình ảnh đoàn thuyền được tái hiện chân thực, sinh động hơn:
- Không gian vũ trụ bao la được mở ra nhiều chiều:
+ Cao: bầu trời. mặt trăng.
+ Rộng: mặt biển.
+ Sâu: lòng biển.
- Để thấy đoàn thuyền đánh cá hoàn toàn tương xứng với không gian ấy:
+ Khi sóng biển cồn lên, cánh buồm như chạm vào cả mây trời.
+ Khi buông lưới con thuyền như dò thấu tận đáy đại dương.
+ Hệ thống động từ: “lái”, “lướt”… -> tư thế làm chủ của đoàn thuyền…
+ Hệ thống hình ảnh: “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” -> con thuyền như mang sinh lực của đất trời để đánh cá trên biển.
- Gợi hình tượng người lao động trên biển:
+ Tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ.
+ Làm chủ cả vũ trụ.
* Sự giàu có, phong phú, đẹp đẽ, bao dung của biển cả:
- Liệt kê: “cá nhụ”, “cá chim”…:
+ Là những loài cá quý giá nhất -> sự hào phóng của biển cả.
+ Tô đậm ấn tượng về một vùng biển giàu có với sản vật phong phú.
- Hình ảnh miêu tả: “cá song…đuốc đen hồng”:
+ Tả thực cá song dài có những chấm nhỏ màu đen hồng.
+ Liên tưởng đến ngọn đuốc làm sáng cả biển đêm.
- Đại từ “em” -> nhân hóa câu thơ:
+ Cá không phải là đối tượng để đánh bắt mà là đối tượng để chinh phục.
+ Gợi hành trình chinh phục tự nhiên của co người.
- Nhân hóa: “đêm thở”, “sao lùa” -> Vẻ đẹp của đêm trăng trên biển. Ánh trăng sao lồng vào sóng nước nên khi cá quẫy ta có cảm giác không phỉa mặt nước đang xao động mà là màn đêm đang thở.
- So sánh “như lòng mẹ”:
+ Là “nguồn sữa”, nguồn tài nguyên khổng lồ nuôi sống con người.
+ Ấm áp, bao dung, gần gũi, yêu thương con người như lòng mẹ.
-> Ẩn sau những câu thơ này là niềm hạnh phúc và lòng biết ơn của con người đối với ân tình của thiên nhiên,
đất nước.
3. Kết bài
- Nội dung:
+ Tái hiện thành công vẻ đẹp thể hiện khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, đẹp đẽ, lãng mạn của biển cả và những người lao động mới.
+ Khám phá, ngợi ca: Sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên, đất nước và tầm vóc lớn lao của nhân dân lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.
- Nghệ thuật:
+ Ngòi bút tràn đầy cảm hứng vũ trụ, sự chan hòa giữa con người và thiên nhiên.
+ Hình ảnh phong phú.
+ Âm hưởng lạc quan phơi phới.
Đề thi vào 10 môn Toán Bến Tre
Tải 10 đề thi học kì 2 Văn 9
SOẠN VĂN 9 TẬP 1
Đề thi vào 10 môn Anh Hà Nội
Bài 40. Thực hành: Đánh giá tiềm năng kinh tế của các đảo ven bờ và tìm hiểu về ngành công nghiệp dầu khí