Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài, trong đó có con người, phát triển. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những làn gió lạnh như cắt để phê phán và thường ngần ngại khi tặng người thân của mình những tia nắng ấm áp từ những lời khen tặng. Ngẫm nghĩ kĩ, chúng ta sẽ thấy có những lời khen đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của một ai đó.
(2) Cách đây nhiều năm, có một cậu bé mười tuổi làm việc trong một xưởng máy ở Naples. Cậu khao khát trở thành một ca sĩ nhưng ông thầy dạy hát đầu tiên của cậu đã dội một gáo nước lạnh vào niềm khao khát này. Ông nói: “Cậu không bao giờ có thể hát được đâu. Cậu chẳng có chất giọng gì hết. Giọng hát của cậu nghe cử như là tiếng ếch ộp hay ễnh ương kêu”. Thế nhưng, may mắn thay cho cậu bé khi trong đời cậu còn có một người mẹ. Người mẹ thương yêu của cậu tuy chỉ là một người đàn bà nhà quê nghèo khó nhưng luôn cổ động, khích lệ cậu. Bà luôn âu yếm bảo rằng bà tin cậu có thể hát được và hát hay|Người mẹ ấy sẵn sàng đi chân đất để tiết kiệm tiền cho cậu đi học nhạc Sự khích lệ của người mẹ không được học hành cao nhưng tràn đầy lòng hi sinh, tình thương và niềm tin tưởng vào con đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé. Cậu tên là Enrico Caruso. Sau này, cậu trở thành ca sĩ hát nhạc kịch vĩ đại và nổi tiếng nhất của thời đại.
(Trích từ Khuyến khích người khác, Đắc nhân tâm, Dale Carnegie, NXB Tổng hợp TP.HCM, tr.290)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn (1). (0.5 điểm)
Câu 2: Enrico Caruso trở thành ca sĩ nổi tiếng nhờ vào những điều gì ở mẹ của cậu? (0.5 điểm)
Câu 3: Tác giả so sánh “Lời khen như tia nắng mặt trời” (trong câu in đậm) nhằm mục đích gì? (1.0 điểm)
Câu 4: Thế nào là thành phần tình thái? Đặt 01 câu có thành phần tình thái thể hiện sự hình dung của em về cảm xúc của Enrico Caruso khi nhận được lời khích lệ từ mẹ. (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 01 trang giấy thi) phân tích nguyên nhân, hậu quả và đề ra giải pháp đối với việc hút thuốc lá của một bộ phận học sinh hiện nay.
Câu 2. Phân tích đoạn thơ sau:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Liên hệ ít nhất 02 câu thơ viết về Bác Hồ của bất kì nhà thơ nào, từ đó nhận xét về tình cảm, thái độ của mọi người dành cho Bác.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn (1) |
Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn 1 là: Nghị luận.
Câu 2:
Enrico Caruso trở thành ca sĩ nổi tiếng nhờ vào những điều gì ở mẹ của cậu? |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Cậu bé trở thành ca sĩ nổi tiếng nhờ vào những điều ở mẹ cậu là: bà mẹ luôn cổ động, khích lệ cậu, bà luôn tin tưởng rằng cậu có thể hát và hát hay.
Câu 3:
Tác giả so sánh “Lời khen như tia nắng mặt trời” (trong câu in đậm) nhằm mục đích gì? |
Phương pháp: Phân tích.
Cách giải:
Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh đó nhằm nhấn mạnh lời khen có sức mạnh mang lại sự sống cho muôn loài, không chỉ vậy nó còn giúp muôn loài phát triển trong đó có con người.
Câu 4.
Thế nào là thành phần tình thái? Đặt 01 câu có thành phần tình thái thể hiện sự hình dung của em về cảm xúc của Enrico Caruso khi nhận được lời khích lệ từ mẹ. |
Phương pháp: Căn cứ bài thành phần tình thái.
Cách giải:
- Thành phần tình thái là thành phần: Là thành phần biệt lập giúp thể hiện thái độ, cách nhìn nhận vấn đề, cảm xúc của người nói, người viết.
Học sinh đặt câu có thành phần tình thái phù hợp với yêu cầu.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Viết đoạn văn (khoảng 01 trang giấy thi) phân tích nguyên nhân, hậu quả và đề ra giải pháp đối với việc hút thuốc lá của một bộ phận học sinh hiện nay. |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: nạn hút thuốc lá ở một phận học sinh hiện nay.
2. Bàn luận vấn đề
Hiện nay việc hút thuốc lá ngày càng phổ biến trong giới học sinh.
- Nguyên nhân:
+ Thích đua đòi, thích thể hiện mình.
+ Kém hiểu biết.
+ Bạn bè rủ rê, lôi kéo.
+ Sự buông lỏng giáo dục của gia đình.
+…
- Hậu quả:
+ Gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
+ Ảnh hưởng kinh tế gia đình.
+ Tác động đến việc hình thành nhân cách con người, có thể dẫn đến những hành vi xấu như trộm cắp tiền cha mẹ vì các bạn còn nhỏ chưa thể kiếm ra tiền.
+…
- Giải pháp:
+ Nhà trường, gia đình cần có những biện pháp quản lí chặt chẽ hơn.
+ Người lớn cần làm gương cho giới trẻ.
+ Tuyên truyền mạnh mẽ để học sinh thấy được tác hại của việc hút thuốc lá.
+ Học sinh khi gặp áp lực có thể giải tỏa bằng cách nghe nhạc, đọc sách, …
3. Tổng kết vấn đề
Câu 2:
Phân tích đoạn thơ sau: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim! Liên hệ ít nhất 02 câu thơ viết về Bác Hồ của bất kì nhà thơ nào, từ đó nhận xét về tình cảm, thái độ của mọi người dành cho Bác. |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ cần phân tích.
2. Thân bài
2.1. Phân tích Viếng lăng Bác
Khổ 2:
- Hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi:
+ mặt trời thiên nhiên rực rỡ, vĩnh hằng.
+ mặt trời trong lăng: ẩn dụ - hình ảnh Bác Hồ.
- Rất đỏ: tình yêu thương và lí tưởng của Người vẫn sáng mãi, lan tỏa ấm áp.
- Dòng người đi trong thương nhớ: niềm thành kính của dân tộc đối với Bác.
- Bảy mươi chín mùa xuân: ẩn dụ cho cuộc đời đầy vinh quang, tươi đẹp của Người.
Khổ 3:
- Hai câu đầu: Lòng biết ơn thành kính đã chuyển thành nỗi xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác:
+ Nói giảm, nói tránh: “giấc ngủ bình yên” – Bác như còn sống mãi, chỉ là vừa chợp mắt sau bao đêm không ngủ vì nước, vì dân.
+ Ẩn dụ “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi nhiều liên tưởng:
1- không gian trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo nơi Bác nằm;
2- những vần thơ tràn đầy trăng của Bác;
3- tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác.
- Hai câu sau:
+ Ẩn dụ “trời xanh” cho thấy: Bác vẫn còn mãi với non sông như trời xanh luôn vĩnh hằng, bất biến; Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước.
+ Động từ “nhói”: diễn tả trực tiếp nỗi đau đớn, nghẹn ngào, tiếc thương của tác giả cũng như triệu triệu người Việt Nam trước sự thật Bác không còn nữa.
+ Kết cấu “Vẫn biết… mà sao”: diễn tả sự mâu thuẫn giữa lí trí và cảm xúc của tác giả khi đứng trước linh cữu Bác. (Dù vẫn tin là Bác còn sống mãi với non sông nhưng không thể không đau xót trước sự ra đi của Người).
2.2 Liên hệ
HS có thể liên hệ với câu thơ: Đêm nay Bác không ngủ, Bác ơi…
Nhận xét: các bài thơ để thể hiện tấm lòng thành kính, trân trọng, ngợi ca về phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Bác.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.