Mẫu 1
Lời giải chi tiết:
Nhắc đến mùa xuân là nhắc đến sự sinh sôi, "thay da đổi thịt" của vạn vật. Đó là thời khắc mở đầu cho một năm, đánh dấu biết bao điều mới mẻ, hạnh phúc. Không lạ khi mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, văn chương của nhiều thế hệ. Có thể kể đến Xuân Diệu với "Vội vàng"; Tố Hữu với "Xuân sớm" hay Thanh Hải với "Mùa xuân nho nhỏ". Trong đó, "Xuân về" của Nguyễn Bính cũng được đánh giá là một tác phẩm tiêu biểu và mang nhiều giá trị. Bằng những hình ảnh thơ gần gũi, tác giả đã đem đến cho người đọc một mùa xuân đẹp, bình dị ở chốn làng quê thân thuộc.
"Xuân về" đã vẽ nên một bức tranh làng quê và con người Việt Nam thơ mộng trong giai đoạn khởi đầu một năm mới. Xuyên suốt bài thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự say mê, niềm vui sướng của tác giả khi chứng kiến giai đoạn đổi thay của trời đất.
Trước hết, thiên nhiên trong tác phẩm hiện lên vô cùng đẹp đẽ và tràn trề sức sống. Gió xuân xuất hiện mang theo chút ấm áp nhẹ nhàng: "Đã thấy xuân về với gió đông". Cơn gió cứ "về từng trận" rồi lại "bay đi", tô hồng gò má người thiếu nữ. Chúng mang đi cả những cơn mưa phùn lạnh giá, trả lại bầu trời quang đãng cùng sự lấp ló của tia nắng Mặt Trời. Cả khung cảnh dường như bừng sáng thông qua từ "nắng mới hoe". Nắng mới khiến lớp nước còn đọng lại trên cỏ lá trở nên lấp lánh như được "ai tráng bạc". Đây quả là một biện pháp so sánh vô cùng độc đáo mà tác giả đã sử dụng. Lộc non đua nhau đâm chồi, mang thêm sức sống cho khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Không chỉ có đất trời đổi thay, làng quê Việt Nam cũng khoác lên mình chiếc áo mới: "Lúa thì con gái mượt như nhung/Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng". Ở đây có cánh đồng lúa bát ngát đang độ xanh mướt, có vườn tược "ngào ngạt" hương thơm của hoa bưởi, hoa cam. Điều này đã thu hút ong bướm về tụ họp, khiến không gian trở nên ngập tràn màu sắc. Tất cả đã tái hiện rất thành công bức tranh làng quê lúc xuân về.
Bên cạnh đó, hình ảnh con người cũng được nhà thơ đưa vào một cách vô cùng tài tình. Những cô gái xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu tiên với cơn gió xuân thoang thoảng. Đó là cô "gái chưa chồng" má đỏ hây hây, là "cô hàng xóm" có "đôi mắt trong" đang ngước nhìn bầu trời. Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng đó lại là điểm nhấn, là nét chấm phá cho khung cảnh mùa xuân thơ mộng. Tiếp theo, ta được thấy hình ảnh của "Từng đàn con trẻ chạy xun xoe". Đây là chi tiết thể hiện niềm vui, sự háo hức của những đứa trẻ khi Tết đến xuân về hay cũng chính là cảm xúc, tâm tư của tác giả gửi vào con chữ. Người nông dân bây giờ có thể tạm gác lại tháng ngày làm lụng vất vả, "thong thả" mà nghỉ ngơi, tận hưởng tiết trời trong lành của đầu xuân năm mới. Họ xúng xính áo quần đi trẩy hội. Từ những thiếu nữ trẻ trung với "yếm đỏ, khăn thâm" tới những bà lão "tóc bạc" chống gậy trúc, ai ai cũng nô nức, vui vẻ đi "trẩy hội chùa". Tất cả đã hợp nhất lại, tái hiện trước mắt người đọc khung cảnh làng quê Việt Nam dưới trời xuân vừa đẹp đẽ, náo nhiệt, vừa dân dã, hồn hậu.
Với "Xuân về", nhà thơ Nguyễn Bính đã thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Với hình ảnh thơ giản dị, gần gũi cùng ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã khắc họa vô cùng rõ nét cảnh ngày xuân nơi làng quê hết sức dung dị mà không kém phần nên thơ, trữ tình. Xuyên suốt tác phẩm, nhịp thơ luôn chậm rãi, từ tốn kết hợp với cách ngắt nghỉ nhịp nhàng đã tạo cảm giác thong thả, thư thái. Điều đó giúp người đọc cảm nhận rõ nét hơn không khí yên bình của chốn làng mạc. Không chỉ vậy, tác giả còn thành công sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh: "...mượt như nhung", ẩn dụ: "lúa thì con gái", hay cả đảo ngữ, hoán dụ. Nó đã góp phần nâng cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó là nét rất riêng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời nói lên chính con người tác giả. Với danh hiệu "nhà thơ của làng quê Việt Nam", ông đã rất thành công mang đến cho độc giả bức tranh chân thật và đẹp đẽ, thơ mộng nhất bằng ngòi bút tài hoa, dân dã của mình.
Nhìn chung, đề tài mùa xuân đã không còn quá xa lạ trong văn học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của từng tác giả khác nhau, ta sẽ nhận được những thành phẩm độc đáo, riêng biệt mà vẫn mang đầy ý nghĩa. Với "Xuân về", Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác phẩm sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề này.
Mẫu 2
Lời giải chi tiết:
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1919 tại thôn Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Mồ côi mẹ từ lúc còn nằm nôi, lên 10 tuổi Nguyễn Bính đã phải theo anh là Nguyễn Mạnh Phác (nhà văn Trúc Đường) ra Hà Nội giúp nhau kiếm sống. Nguyễn Bính ba lần vào Nam, để lánh chuyện bị chính quyền Pháp làm khó dễ. Nguyễn Bính đã đổi tên trong căn cước thành Nguyễn Bính Thuyết. Nguyễn Bính làm thơ khá sớm. Cô hái mơ là bài thơ đăng báo đầu tiên. Năm 1937, ông được giải thưởng Tự lực Văn đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Từ đó, người đọc quý mến Nguyễn Bính bởi ông đã tạo được phong vị thơ đặc biệt cho mình: phong vị lục bát ca dao. Bài thơ Xuân về lại mang phong vị khác cho bạn đọc: phong vị thơ mới thất ngôn.
Ít có nhà văn, nhà thơ nào không ghi cảm nhận về mùa xuân của mình lên trang giấy. Mỗi người một nét nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau nhưng hầu như ai cũng ca ngợi sức sống của đất trời, của con người mùa xuân. Với Nguyễn Bính mùa xuân bao trùm lên tất cả. Trong bốn khổ thơ bảy chữ tác giả là người quan sát và miêu tả bằng những câu thơ trong sáng, nhẹ nhàng. Nét xuân đầu tiên mà nhà thơ cảm nhận từ một vị trí gần với nhà thơ nhất:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
“Xuân về" đầu tiên mà Nguyễn Bính “thấy” chỉ là cảm nhận qua tác nhân khác, qua hình ảnh khác. Tác nhân ấy là “gió đông”, có thể không còn làm da lạnh buốt khiến nhà thơ cảm nhận là xuân đang về và tác nhân ấy chính là “cổ hàng xóm" mới lớn có “màu má - đôi mắt trong" biểu hiện sức sống dạt dào, thanh tân của những ngày đầu năm mới. Xuân gần là ở đó, là ở gió, là cô láng giềng đang lơ đãng nhìn trời dưới mái hiên...
Rồi xa hơn một chút:
Từng đàn con trẻ chạy xun xo
Mưa tạnh giời quang nắng mới ho
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi.
Khung cảnh thật tươi sáng và trong lành. Trời không mưa. “Gió về từng trận gió hay đi", câu thơ mang lại cho người đọc không khí mát mẻ, nhẹ nhàng mà không là gió lốc, gió xoáy. “Lá nõn nhành non ai tráng bạc" là một câu thơ đẹp về hình ảnh, hay về nội dung. Đẹp về hình ảnh “lá nõn nhành non” và nghệ thuật so sánh “ai tráng bạc”; hay là ở chỗ nó làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân, làm cái nền rất phù hợp với niềm vui của “đàn con trẻ”. Bức tranh xuân về mở rộng thêm:
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.
Không gian bức tranh Xuân về mở rộng thành một tổng thể. Từ mái hiên hàng xóm, lá nõn nhành non rộng ra khu vườn với màu sắc của hoa bưởi hoa cam ngọt ngào hương thơm và đầy ong bướm lượn. Tất cả nằm trong khung nền của cánh đồng làng “lúa thì con gái mượt như nhung". Lúa đang lớn, đang vào lúc sắp trổ bông lá xanh mềm mại trải khắp. Lúc này, nhà nông nhàn nhã nghĩ tới việc “tháng giêng ăn tết ở nhà"
Phần cuối cùng của bức tranh tổng thể Xuân về là hình ảnh
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.
Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,... là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà. Ba khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả xuân đang về với con người, còn ở khổ thơ này thì xuân đã về, con người thực sự đón xuân. Một trong những hình thức đón xuân ấy là “trẩy hội chùa”. Cảnh trong khổ thơ là cảnh làng quê miền Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đi trẩy hội chùa phần lớn là người già và các cô gái. Quanh năm chân lấm tay bùn, quần áo bạc màu mưa gió. Nhân xuân về, các cô diện “yếm đỏ khăn thâm” dắt bà thong thả đến chùa cầu phước.
Xuân về mang một phong vị khác trong thơ ca của Nguyễn Bính. Cảnh Xuân thì vẫn là cảnh đầy sức sống với cảnh sắc tươi sáng, trong lành của làng quê Việt Nam nhưng những dòng thơ về cảnh sắc ấy lại là những dòng thơ mới đang trong thời khuấy động thành phong trào. Riêng về Xuân về mà xét thì đó là một bài thơ hay trong những bài thơ ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê Việt vào những năm đầu của thế kỉ XX.
Chuyên đề 2: Phương pháp quy nạp toán học. Nhị thức Newton
Unit 5: Gender Equality
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Toán lớp 10
Tác giả tác phẩm - Cánh Diều
Bình Ngô đại cáo
Chuyên đề học tập Văn - Cánh diều Lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Kết nối tri thức lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Cánh diều lớp 10
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 10
Văn mẫu - Kết nối tri thức
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Chân trời sáng tạo lớp 10
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Lý thuyết Văn Lớp 10
SBT Văn - Cánh diều Lớp 10
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - siêu ngắn Lớp 10
Tác giả tác phẩm Lớp 10