Đề bài
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn. (2) Bạn ấy viết rằng: "Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. (3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. (4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. (5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp ly ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự... thế giới cùng anh em chiến hữu...".
(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? (7) Ừ nhỉ! (8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta...
(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”? (1,0 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Nhận xét về giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.
Bằng việc phân tích tác phẩm, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Lời giải chi tiết
Phần 1: Đọc hiểu
Câu 1:
Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 2:
Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:
- Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
- Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản - đối lập.
- Tác dụng:
+ Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
+ Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.
Câu 4:
Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
- Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.
Phần 2: Làm văn
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã có một số thành tựu xuất sắc, nhất là về đề tài miền núi. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn làm nên tên tuổi của ông, in trong tập Truyện Tây Bắc.
- Giá trị hiện thực của truyện thế hiện tập chung ở việc tái hiện bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.
* Giải thích ý kiến:
- Giá trị hiện thực là khả năng tái hiện hiện thực của tác phẩm văn chương. Một tác phẩm có giá trị hiện thực khi miêu tả chân thực, đầy đủ, sinh động hiện thực cuộc sống, giúp người đọc có những hiểu biết sâu sắc về đối tượng mà nhà văn miêu tả.
- Ý kiến là lời đánh giá về một biểu hiện của giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ. Tác phẩm miêu tả đầy đủ, chân thực số phận đau khổ, bất hạnh của đồng bào dân tộc miền núi dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất.
* Phân tích – chứng minh:
- Số phận đau khổ của cha mẹ Mị:
Vì nghèo nên lấy nhau không có tiền phải vay nợ nhà thống lý, mẹ Mị chết vẫn chưa hết nợ. Cha Mị sống trong đau khổ vì con gái phải làm người ở (danh nghĩa là con dâu) để trả nợ thay mình.
- Số phận đau khổ của Mị:
+ Bị bắt làm con dâu gạt nợ.
+ Bị bóc lột sức lao động tàn tệ.
+ Bị đày đọa về tinh thần.
+ Bị chà đạp lên nhân phẩm.
=> Sự đày đọa khiến Mị tê liệt khát vọng sống, tê liệt ý thức đấu tranh, lầm lũi như con rùa trong xó cửa, như cái xác không hồn...
- Số phận đau khổ của A Phủ:
+ Sinh ra đã bất hạnh (Bố mẹ, anh em không còn ai, cả làng chết hết vì bệnh dịch, 10 tuổi bị đem bán xuống bản người Thái...)
+ Lớn lên sống kiếp làm thuê, làm mướn, nghèo khó đến nỗi không có tiền cưới vợ.
+ Bị đánh đập, tra tấn dã man, bị phạt vạ, trở thành người làm công trừ nợ cho nhà thống lý.
+ Vì để hổ ăn thịt mất một con bò mà bị đánh, trói nhiều ngày, có thể sẽ bị chết.
- Số phận đau khổ của những người dân khác:
+ Nhiều người bị trói rồi bỏ quên đến chết.
+ Có những người chưa già nhưng lưng đã còng rạp xuống.
* Nghệ thuật thể hiện
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, mỗi nhân vật được khai thác từ những điểm nhìn khác nhau.
- Miêu tả tâm lý sinh động.
- Ngôn ngữ đậm chất miền núi, lối kể chuyện linh hoạt.
* Đánh giá
- Miêu tả cuộc đời số phận của người lao động miền núi trước cách mạng tháng tám, Tô Hoài bày tỏ niềm yêu mến, cảm thông với những bất hạnh của họ.
- Nhà văn còn cất lên tiếng nói lên án, tố cáo chế độ phong kiến chúa đất miền núi đã đày đọa con người, đẩy họ vào cảnh lầm than, bất hạnh.
- Viết tác phẩm, nhà văn đưa người đọc đến với cuộc sống của đồng bào dân tộc, giúp người đọc cảm thông yêu mến những con người nơi đây, từ đó trân trọng những ước mơ, khát vọng, trân trọng sức sống tiềm tàng, khả năng tự giải phóng và tìm đến cách mạng của họ.
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Sinh học lớp 12
HÌNH HỌC - TOÁN 12 NÂNG CAO
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Bài 7. Công dân với các quyền dân chủ
Unit 6. Endangered Species