Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bơi vào đi Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng...
Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa...
Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày mất ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về.
Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.
Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay.
Về đi mày,
đừng bơi nữa,
mắt cay...
(Hoàng Hải Lý – Học viên Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – Báo Tuổi trẻ, ngày 11/8/2016)
Câu 1: (1.0 điểm) Nhận biết
Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau:
Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa...
Câu 2: (1.0 điểm) Nhận biết
Nhân vật “tao” về đâu và nhân vật “Vàng” về đâu?
Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu
Ở khổ thơ cuối, nhân vật “tao” khuyên: “Về đi mày” nhưng lại bảo “đừng bơi nữa”; theo anh (chị), điều đấy có mâu thuẫn không, vì sao? Nếu xét câu theo mục đích phát ngôn, dòng thơ sau thuộc loại câu gì:
Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Anh (chị) hãy viết 1 đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ về câu nói: “Cuộc sống cũng cần những giọt nước mắt”.
Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Vẻ đẹp trong lối sống, tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long và nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Lời giải chi tiết
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
Biện pháp tu từ: Nhân hóa (Vàng ơi – trò chuyện với vật như đối với người).
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Nhân vật “tao” vào bờ - đất liền, nhân vật Vàng về đảo.
Câu 3:
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Ở khổ thơ cuối, nhân vật “tao” khuyên: “Về đi mày” nhưng lại bảo “đừng bơi nữa” không mâu thuẫn nhau vì: nhân vật tao khuyên “Về đi mày” chính là ý bảo Vàng đừng bơi theo nhân vật “tao” nữa mà hãy quay về đảo.
Xét theo mục đích phát ngôn, câu thơ trên thuộc kiểu câu cầu khiến.
II.
Câu 1.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
*Nêu vấn đề.
*Giải thích vấn đề.
- Giọt nước mắt là một trạng thái cảm xúc, thể hiện sự xúc động cao độ. Giọt nước mắt biểu tượng của sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự hối lỗi, niềm xót xa và thậm chí cả khi vui quá người ta cũng khóc. Dân gian có câu: “Cười như anh khóa hỏng thi/Khóc như cô ả được đi lấy chồng.”
- “Cuộc sống cũng cần những giọt nước mắt”: Cuộc sống ngoài cần nụ cười – niềm vui, hạnh phúc, người ta còn cần cả những sự chia sẻ, đồng cảm, sự ăn năn, hối hận, xót xa.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Tại sao “Cuộc sống cũng cần cả những giọt nước mắt”?
+ Mỗi người sẽ có những cuộc sống riêng mà không ai là có toàn vẹn và đủ đầy, vì vậy con người cần biết chia sẻ, đồng cảm với nhau.
+ Mỗi người cũng không thể sống thẳng tắp như một đường thẳng mà không mắc những sai lầm, những lỡ dở. Vì vậy chúng ta cần biết suy nghĩ và nhận ra những sai lầm, hối hận về những gì ta sai trái hay lầm lỡ. Giọt nước mắt còn là sự ân hận, hối lỗi.
+ “Giọt nước mắt” sẽ khiến cho chúng ta biết xích lại gần nhau hơn, làm cho cuộc sống có ý nghĩa và giá trị hơn.
- Phê phán những con người vô cảm, chỉ biết sống cho chính mình.
- Cũng không nên chìm đắm trong sự đau khổ, phải dũng cảm vượt qua để hướng đến cuộc sống tốt đẹp.
- Liên hệ bản thân.
3 Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; không sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu về tác giả: Lê Minh Khuê, Nguyễn Thành Long
- Giới thiệu tác phẩm.
- Nội dung nghị luận: Vẻ đẹp trong lối sống, tâm hồn
2. Phân tích
2.1. Anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:
- Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.
+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.
+ Anh là người có trái tim biết yêu thương, sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe, trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư.
- Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:
+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình: trồng hoa trước nhà.
+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.
b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.
- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:
+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.
+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”
+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.
- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.
+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.
-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.
- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:
+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)
+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét => tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.
+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.
=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.
2.2 Nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi
a. Vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường:
- Phương Định cùng đồng đội đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt:
+ Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom.
+ Vì thế, mỗi khi máy bay ném bom phải lao lên mặt đường, đánh dấu đoạn đường bị bom phá hỏng và những quả bom chưa nổ.
+ Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn đảm đương việc phá bom nổ chậm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết luôn lẩn trong ruột những quả bom.
è Là công việc mà có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần kinh căng như chão… tim đập bất chấp cả nhịp điệu”.
è Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định.
- Diễn biến tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom nổ chậm:
+ Nền của tâm trạng là không khí căng thẳng: bầu trời, mặt đất vắng lặng phát sợ.
+ Phương Định đã chiến thắng nỗi sợ hãi của mình: Đi thẳng người đến bên quả bom; tất cả mọi giác quan của cô trở nên nhạy bén, có ngày cô phá bom đến 5 lần. Tinh thần trách nhiệm, sự quên mình trong công việc khiến cái chết trở nên mờ nhạt. Cô chỉ nghĩ đến “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”
è Cô là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ.
b. Vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng, giàu yêu thương:
- Nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên, mơ mộng:
+ Cô luôn chăm chút cho ngoại hình và rất tự hào về đôi mắt “có cái nhìn sao mà xa xăm” và cái cổ kiêu hãnh như đài hoa loa kèn => tự thấy mình là một cô gái khá.
+ Cô thích soi gương, thích làm điệu trước các anh bộ đội.
+ Đặc biệt, Phương Định rất thích hát, thích nhiều loại nhạc khác nhau và còn thường bịa lời ra để hát.
+ Cô vui thích cuống cuồng trước một cơn mưa đá.
+ Cô cũng hay hồi tưởng về quá khứ, về tuổi học sinh, về căn nhà nhỏ bên quảng trường thành phố. Cô nhớ khuôn cửa sổ, nhớ những ngôi sao trên bầu trời Hà Nội, nhớ bà bán kem với lũ trẻ con háo hức vây quanh. Đó là những kí ức làm tươi mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh.
è Vào chiến trường, phải trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn song Phương Định vẫn giữ vẹn nguyên thế giới tâm hồn mình. Đây là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ này.
- Tình cảm gắn bó, yêu thương cô dành cho những đồng đội:
+ Cô yêu thương, chiều chuộng Nho như một đứa em út trong nhà. Khi Nho bị thương, cô lo lắng, chăm sóc, cảm thấy đau như chính mình bị thương.
+ Với chị Thao: Phương Định hiểu tính cách và tình cảm của chị, cô coi chị Thao như người chị cả trong gia đình.
+ Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đài, mà chẳng thể yên lòng: cô gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng.
=> Tất cả đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn tinh tế, trong sáng, nhân hậu và vẻ đẹp nhân cách của một người thiếu nữ, sống giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt mà vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng dành cho con người và cuộc sống.
=> Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công nhân vật Phương Định, người thiếu nữ Hà Nội với tâm hồn phong phú và lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ. Nhà văn đã góp cho văn xuôi chống Mĩ một trong những hình tượng sống động và đáng yêu nhất.
2.3: Điểm gặp gỡ và khác biệt giữa hai nhân vật
+ Gặp gỡ: Họ đều là những con người có lí tưởng sống đẹp đẽ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Họ là con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ: hăng say lao động và nhiệt huyết chiến đấu.
+ Khác biệt: Phương Định nổi bật với vẻ đẹp thơ mộng, nữ tính rất đỗi con gái, tình cảm đồng đội sâu nặng và sự gan dạ, dũng cảm sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc; Anh thanh niên lại hiện lên với tinh thần lạc quan, sự gần gũi, giản dị với những người xung quanh.
3. Tổng kết
Nguồn: Sưu tầm
Bài 4
HỌC KÌ 1
Đề kiểm tra giữa kì 2
Đề kiểm tra 1 tiết - Chương 2 - Sinh 9
Đề thi vào 10 môn Văn Lào Cai