Đề bài
Câu 1: (3,0 điểm)
Em hãy đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1
Báo cáo mới đây của tạp chí Science cho thấy đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải. Và 79% trong 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên.
Nhựa được sử dụng phổ biến vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ chế tạo. Tuy nhiên nhựa có hạn chế lớn là rất lâu phân hủy, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa sẽ gây nên thảm họa môi trường nếu không có cách giải quyết
Thời gian phân hủy tự nhiên của một số vật thể nhựa
(đơn vị: năm)
Trong các đại dương, số lượng rác thải nhựa ước tính khoảng 150 triệu tấn – nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá. Các nhà khoa học dự báo với tốc độ gia tăng rác thải nhựa như hiện nay, vào năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ nặng hơn cả khối lượng cá.
Việt Nam là một trong các quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Tại Việt Nam, số lượng túi nilon, chai nhựa, ly nhựa, ống hút, hộp xốp,… được sử dụng nhiều vượt trội so với các nước khác.
Rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người,…
Văn bản 2
Trước sự đe dọa của rác thải nhựa, nhiều nước đã lên kế hoạch hành động.
Từ tháng 1 năm nay, chính phủ Scotland đề xuất ý kiến về việc cấm sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm làm từ nhựa. Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.
Tại Anh, các loại hạt kim tuyến trang trí đã bị cấm sử dụng. Việc tính phí với túi nhựa cũng được thực hiện. Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn, nhờ việc tính phí này, trong thời gian qua, số lượng túi nhựa được đưa vào sử dụng đã giảm 9 tỉ chiếc.
Từ năm 2019, Đài Loan sẽ cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, sau đó tiến tới cấm hoàn toàn việc cung cấp túi nhựa tại các điểm kinh doanh.
Tại Việt Nam, một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch như: “7 ngày thách thức”, “Bớt một vỏ chai, cứu tương lai”,… với mục tiêu thúc đẩy cộng đồng chung tay chống lại rác thải nhựa.
Trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa. Các bạn mày mò thực hiện những dự án làm ống hút từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích,… Chắc chắn những hành động này sẽ góp phần giúp môi trường trở nên xanh, sạch đẹp hơn.
(Hai văn bản trên được tổng hợp từ các báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Thời nay)
a. Nhận biết
Dựa vào văn bản, hãy cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. (0,5 điểm)
b. Nhận biết
Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2. (0,5 điểm)
c. Thông hiểu
Chỉ ra mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Thông hiểu
Theo em, giải pháp nào là hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta hiện nay? Vì sao? (Em có thể lựa chọn giải pháp trong văn bản hoặc tự đề ra giải pháp khác. Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng). (1 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm) Vận dụng cao
Để thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (che chở, bao bọc, chia sẻ, gắn bó, bình đẳng, độc lập,…), các bạn học sinh đã đưa ra ba hình ảnh sau:
Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.
Câu 3: (4,0 điểm) Vận dụng cao
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)
Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
Đề 2
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Tác hại của nhựa đối với cuộc sống:
Lâu phân hủy, gây nên thảm họa với môi trường nếu không có cách giải quyết: Rác thải nhựa làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người.
b.
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
Thành phần biệt lập: chắc chắn – thành phần tình thái.
c.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Mối liên hệ về nội dung giữa hai văn bản: hai văn bản đề cập vấn đề rác thải nhựa:
+ Văn bản 1: Thực trạng và tác hại khôn lường của rác thải nhựa đối với con người và môi trường.
+ Văn bản 2: Giải pháp, những kế hoạch hành động để hạn chế sử dụng rác thải nhựa ở các nước và Việt Nam.
d.
Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp
Cách giải:
- Giải pháp theo em là hiệu quả nhất để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta hiện nay là Ban ra lệnh cấm sản xuất, kinh doanh đối với một số mặt hàng làm từ nhựa rẻ tiền không cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, tính phí với việc sử dụng túi nhựa và khuyến khích các sản phẩm làm từ thiên nhiên như gỗ, tre,.. Bởi vì:
+ Khi lệnh cấm được ban ra đi kèm cùng nó sẽ là các hình phạt thích đáng, đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ phải ngừng sản xuất những mặt hàng đó.
+ Việc tính phí cũng sẽ làm cho người tiêu dùng hạn chế tối đa việc sử dụng túi nhựa vì nó đánh trực tiếp vào kinh tế.
+ Khuyến khích các sản phẩm làm từ tự nhiên.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Học sinh có thể chọn một hình bất kì để viết bài văn. Sau đây là gợi ý giải đối với hình ảnh số 2: sự chia sẻ, gắn bó.
1. Nêu vấn đề: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay – sự sẻ chia và gắn bó.
2. Giải thích vấn đề:
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ huyết thống và cùng với quan hệ vợ - chồng, anh - em nó cũng là mối quan hệ cơ bản cấu thành một gia đình.
- Giữa cha mẹ và con cái cần có sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia và yêu thương lẫn nhau. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành và con cái cần phải báo hiếu với cha mẹ.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa mối quan hệ sẻ chia giữa cha mẹ và con cái:
+ Mối quan hệ sẻ chia giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp mọi thành viên trong gia đình thấu hiểu nhau hơn.
+ Mối quan hệ này cũng giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách thế hệ, tạo nên hơi ấm tình thương và hạnh phúc.
=> Tạo nên sự khăng khít, gắn bó với các thành viên trong gia đình.
- Hiện trạng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay:
+ Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang gặp khủng hoảng nặng nề.
+ Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái lỏng lẻo, ít sự quan tâm, ít sự chia sẻ.
=> Đó là một thực trạng đáng buồn.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
+ Do những biến chuyển của xã hội về nhiều mặt, trong đó có mặt văn hóa – tư tưởng. Chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa dường như không được coi trong như xưa. Chính vì vậy con người thiếu trách nhiệm đối với gia đình và những mối quan hệ ruột thịt.
+ Sự phát triển của xã hội với nền kinh tế thị trường làm gia tăng nhu cầu muốn tự khẳng định mình của mỗi cá nhân làm cho sự cách biệt giữa các thế hệ càng lớn, mỗi người trở nên ích kỉ hơn và ít quan tâm nhau hơn trong gia đình.
+ Con cái và cha mẹ đều bận rộn, ít có thời gian bên nhau, tâm sự, chia sẻ để hiểu nhau hơn nên sự cách biệt về tâm lý càng lớn.
+ Các bậc cha mẹ nhiều khi còn nặng về tư tưởng công lao, sự áp đặt trong suy nghĩ khiến các con bị ức chế và muốn thoát ra ngoài ảnh hưởng của cha mẹ => mối quan hệ rạn nứt.
- Giải pháp khắc phục:
+ Rút ngắn khoảng cách thế hệ. Biện pháp này chỉ thực sự được thực hiện khi có sự cố gắng của cả cha mẹ và con cái. Cha mẹ và con cái nên dành nhiều thời gian cho nhau để chia sẻ, để tâm sự cùng nhau. Sự khác biệt về thế hệ là điều có tồn tại, tuy nhiên cha mẹ cần tìm cách khắc phục nó bằng cách thấu hiểu con trẻ và con cái cần cảm thông cho cha mẹ về những suy nghĩ đã lâu đời.
+ Mỗi người cần nâng cao trách nhiệm của mình với gia đình, với người thân, cần nhận biết rõ rằng gia đình mới là nhân tố chính tạo nên sự hạnh phúc và bình yên của mỗi cá nhân. Khi nhận thức được điều đó, mỗi người sẽ tự biết mình cần làm gì để các mối quan hệ trong gia đình trở nên tốt đẹp hơn.
+ Con cái nhận được yêu thương nhưng cũng cần được tự do để quyết định cuộc đời mình, để được viết nên ước mơ, khát vọng của mình chứ không phải đi viết ước mơ cho bố mẹ như hiện nay nhiều bạn học trường này, ngành này là vì bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ cũng cần tận hưởng cuộc đời mình để thực sự được sống chứ không cần phải hi sinh tất cả vì con cái. Điều quan trọng là giữa bố mẹ và con luôn có sợi dây gắn kết bởi tình yêu thương không gì chia cắt nổi.
* Liên hệ bản thân: Em đã làm gì để cải thiện mối quan hệ của mình với cha mẹ? Hãy chia sẻ đôi điều với bạn bè của mình về quan hệ giữa mình và cha mẹ để giúp các thế hệ cùng trang lứa với mình hiểu nhiều về gia đình mình hơn.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Gợi ý đề 1
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là nhà thơ khoác áo lính, một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.
- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.
- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.
Đoạn trích: Khái quát hiện thực chiến trường và vẻ đẹp tâm hồn người lính.
2. Phân tích
a. Hình ảnh tiểu đội xe không kính:
- Được giới thiệu rất độc đáo: “Không có kính không phải vì xe không có kính”:
+ Là lời giải thích của người lính về chiếc xe không kính.
+ Nó như là một lời phân bua, thanh minh. Tâm trạng này dễ hiểu vì với người lính lái xe chiếc xe là niềm tự hào, là phương tiện để góp sức cho chiến tuyến, góp phần làm nên chiến thắng chung.
-> Gợi: Sự khốc liệt của chiến trường; sự gian khổ khi lái xe; sự gan góc, kiên cường của người lính lái xe.
- Giúp người lính lái xe phát hiện ra chất thơ giữa đời thường:
+ Giúp người lính chan hòa với thiên nhiên
+ Giúp họ nối kết tình đồng đội
+ Tìm được những phút giây vui vẻ, hồn nhiên nhất.
=> Là một hình ảnh rất thực, không hiếm trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Là hình ảnh đặc sắc, độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Mĩ nói chung. Nó vừa là biểu tượng cho sự tàn phá của chiến tranh, lại vừa là hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ ngay trong cuộc chiến ác liệt.
b. Hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn:
* Được khắc họa trên nền của cuộc chiến tranh ác liệt:
- “Bom giật, bom rung”
- Những chiếc xe không kính
-> Gợi vùng đất chìm trong khói lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn không một chút bình yên.
Gợi những hiểm nguy, mất mát, hy sinh của cuộc đời người lính.
* Vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:
- Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:
+ Đảo ngữ: tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.
+ Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.
3. Liên hệ bài Đồng chí
- Giới thiệu tác giả
- Vẻ đẹp của người lính trong tác phẩm Đồng chí:
+ Họ thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau.
+ Những người lính có tình yêu thương, gắn bó sâu nặng với nhau.
+ Họ có lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc.
- Điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm:
+ Mục đích chiến đấu: Vì nền độc lập của dân tộc.
+ Đều có tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
+ Họ rất kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu.
+ Họ có tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng.
Bên cạnh đó hai tác phẩm này cũng có những điểm khác biệt: Bài thơ về tiểu đội xe không kính người lính luôn trẻ trung sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới mang tinh thần thời đại; còn bài Đồng chí mamg vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
4. Tổng kết, đánh giá
- Đoạn trích đã làm nổi bật hiện thực chiến tranh gian khổ khốc liệt nhưng đồng thời cũng làm ánh lên vẻ đẹp anh hùng, dũng cảm, chút tinh ngịch, đầy ngang tàn của người linh Trường Sơn.
- Nhận thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với tương lai đất nước.
Gợi ý đề 2
1. Giới thiệu vấn đề: Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách
2. Giải thích vấn đề
- “Những ngọn lửa” ở đây được sử dụng mang nghĩa ẩn dụ, đó là tượng trưng cho những giá trị mà văn chương đem lại.
- Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách là những ngọn lửa của tình yêu thương, của lòng căm thù, của niềm tự hào và hơn hết, văn chương giúp chúng ta biết đến thế giới của một người khác, biết đồng cảm với “tha nhân” để đem tâm hồn mình đến gần hơn với tâm hồn mọi người. Xét cho cùng, giá trị của văn chương như Leptonxtoi đã nói “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” hay “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. (Thạch Lam)
- Nhận định đã đề cập đến giá trị to lớn của văn chương, hướng con người đến chân – thiện – mĩ.
3. Giải quyết vấn đề
- Văn chương nuôi dưỡng trong lòng ta những tình cảm tốt đẹp:
+ Tình yêu thương, đồng cảm với con người: Chuyện Người con gái Nam Xương, Truyện Kiều, Đồng chí,…
+ Tình yêu nước, tự hào dân tộc: Làng, Nói với con,…
+ Tình cảm gia đình: Bếp lửa, Chiếc lược ngà, Con cò, Nói với con,…
Ngoài ra văn chương còn cho ta lòng dũng cảm, sự vị tha.
- Vì yêu thương nên căm thù, lên án những người, thế lực chà đạp lên sự sống, chà đạp lên cuộc đời con người.
- Văn chương hướng chúng ta đến những suy ngẫm giàu tính triết lí, những triết lí ấy có giá trị ngàn đời, nhiều khi gợi ra cho chúng ta những câu hỏi, chính những câu hỏi ấy làm nên sức sống cho tác phẩm, kích thích bạn đọc đi tìm câu trả lời.
Học sinh chứng minh những ngọn lửa thắp lên từ trang sách theo các ý trên dựa vào những tác phẩm em đã được học hoặc được đọc.
4. Mở rộng – nâng cao
- Để hiểu được giá trị của văn chương, người đọc phải có tầm đón nhận để hiểu những điều nhà văn ấp ủ.
- Giá trị của tác phẩm phụ thuộc vào bạn đọc, chính người đọc là người quyết định số phận tác phẩm, quyết định giá trị của văn chương. “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật.”
Nguồn: Sưu tầm
Bài 20. Vùng đồng bằng sông Hồng
Bài 7: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Bài 3
Bài 28
Đề thi học kì 1 mới nhất có lời giải