Đề bài
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Cái cò… sung chát đào chua
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho đến mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho đến tháng năm
mẹ ta trải chiếu ta nằm đến sao”
(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy)
Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ
Câu 2: (0.5 điểm) Thông hiểu
Em hiểu thế nào về hình ảnh:
“ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu
Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép điệp ngữ “Bao giờ cho đến …” được sử dụng ở đoạn thơ
Câu 4: (1.0 điểm) Vận dụng
Cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ (Trình bày khoảng 5-7 dòng)
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện sau:
“Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham gia cuộc đua 100m. Súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu bé ngã liên tục trên đường đua, cậu bé đã bật khóc. Tám người kia nghe thấy tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé và nói: “-Như thế này em sẽ thấy tốt hơn”. Cô bé nói xong cả chín người cùng khoác tay nhau bước về vạch đích. Tất cả khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô không dứt. Câu chuyện cảm động này đã lan truyền qua mỗi kỳ Thế vận hội về sau”.
(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, 2003)
Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận về hình tượng người chiến sĩ trong hai bài thơ: Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
Lời giải chi tiết
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm.
Câu 2:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết những lời mẹ ru
Ý nghĩa của câu thơ:
+ "lời mẹ ru" không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm, tâm tình của người mẹ với con mình.
+ "Không đi hết": không thấy hết, không thể hiểu hết, không sống hết những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy. Bởi đó là tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ, là sự che chở, nâng đỡ, dìu dắt trọn đời của mẹ.
+ Câu thơ còn là cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của người mẹ.
+ Câu thơ cũng chính là lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con.
Câu 3:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Tác dụng:
+ Gợi lại những kí ức tuổi thơ êm đêm, bình yên, đầy yêu thương bên người mẹ.
+ Thể hiện khát khao muốn được sống lại những năm tháng tuổi thơ bên mẹ.
+ Thể hiện nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu sắc đối với người mẹ của mình.
Câu 4:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ:
+ Đoạn thơ là lời tâm sự đầy trắc ẩn của người con dành cho người mẹ.
+ Con được nuôi lớn từ những lời ru, lời ca dao trong câu hát của mẹ.
+ Con được sống trong sự chở che, yêu thương của mẹ là những kí ức đi suốt cuộc đời con, nuôi con khôn lớn và trưởng thành.
+ Những lời dạy dỗ của mẹ cả cuộc đời con chưa bao giờ là hiểu và thấm thía hết.
+ Đoạn thơ cũng là lòng biết ơn của con với mẹ, tình cảm con dành cho mẹ.
II.
Câu 1.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
*Nêu vấn đề: tình yêu thương và sự sẻ chia.
*Giải thích vấn đề:
- Tình yêu thương là sự gắn bó tha thiết và quan tâm hết lòng với những người xung quanh.
- Sự sẻ chia là cùng chia sẻ với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu.
=> Cuộc sống luôn cần tình yêu thương và sự sẻ chia.
*Phân tích, bàn luận vấn đề.
- Vai trò của tình yêu thương và sự sẻ chia:
+ Giúp cho quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.
+ Giúp con người biết đồng cảm, quan tâm tới nhau hơn.
+ Giúp con người có sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
- Biểu hiện của tình yêu thương và sự sẻ chia:
Biểu hiện từ những điều bình thường, giản dị nhất:
+ Giúp một em bé hay một cụ già qua đường.
+ Nhường đồ chơi cho em nhỏ
+ Quyên góp sách vở cho những học sinh nghèo…
+ Biết lắng nghe nỗi buồn từ một người bạn…
+ Biết thông cảm với những số phận không may mắn.
- Phê phán những kẻ sống ích kỉ, giả tạo
- Liên hệ bản thân
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu hai tác giả, hai tác phẩm
- Đánh giá ban đầu về tác phẩm.
2. Phân tích
2.1 Đồng chí – Chính Hữu
a. Cơ sở của tình đồng chí
- Chung nhau về hoàn cảnh xuất thân: Họ đều ra đi từ những miền quê nghèo khó.
- Chung nhau về lí tưởng, lòng yêu nước:
+ Từ những miền quê xa lạ, họ nhập ngũ và quen nhau trong quân ngũ.
+ Họ cùng chung một chiến tuyến chống kẻ thù chung.
- Cùng chung nhiệm vụ, chung cuộc đời người lính:
=> Từ đó hình thành tình đồng chí. Đây là cả một quá trình, từ:
+ “Anh” – “tôi” thành “anh với tôi” rồi “đôi tri kỉ” và “đồng chí”.
+ “Bên”, “sát” thành “chung”
-> Từ người xa lạ nhưng cuộc đời người lính với rất nhiều điểm tương đồng đã khiến tình cảm đượm dần lên để trở thành tình đồng chí.
- “Đồng chí!” đứng tách riêng thể hiện một cảm xúc dồn nén, chân thành và gợi sự thiêng liêng, sâu nặng của tình đồng chí.
=> Đoạn thơ vừa lí giải cơ sở của tình đồng chí lại vừa cho thấy sự biến đổi kì diệu: từ những người nông dân xa lạ họ trở thành những đồng chí, đồng đội sống chết có nhau.
b. Biểu hiện của tình đồng chí:
* Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau:
- Thấu hiểu:
+ Cảnh ngộ, nỗi bận lòng về hậu phương.
+ Ý chí lên đường, tình cảm cách mạng mãnh liệt. Khi cần họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân vì dân tộc.
+ Nỗi nhớ quê nhà đau đáu trong tâm hồn người lính: nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ…
* Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính:
- Đó là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng, từng là nỗi ám ảnh đè nặng lên cuộc đời người lính.
- Đó còn là cái hiện thực thiếu thốn, khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ đã sống trong hoàn cảnh nghèo nàn về vật chất: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men…nhưng họ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh của tình đồng chí.
- Đó còn là những khắc nghiệt của khí hậu núi rừng.
* Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau.
c. Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí:
* Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:
- Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.
- Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu. Trước mắt họ là cả những mất mát, hi sinh không thể tránh khỏi.
=> Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.
* Được biểu hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:
- Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu.
- Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú:
+ Gợi liên tưởng: chiến tranh - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi sĩ.
+ Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí sâu sắc.
+ Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.
+ Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.
2.2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
* Được khắc họa trên nền của cuộc chiến tranh ác liệt:
- “Bom giật, bom rung”, “bom rơi”
- Những chiếc xe không kính
-> Gợi vùng đất chìm trong khói lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn không một chút bình yên.
Gợi những hiểm nguy, mất mát, hy sinh của cuộc đời người lính.
* Vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:
- Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:
+ Đảo ngữ: tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.
+ Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.
- Tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh nghịch, trẻ trung:
+ Giọng thơ tếu nhộn, hài hước: “Không có”, “ừ thì có”.
+ Hiện thực: gió, bụi, mưa vốn khắc nghiệt bỗng mờ đi dưới sắc thái tươi vui, hóm hỉnh.
+ Cái nhìn lạc quan: mưa ngừng, miệng cười ha ha, trời xanh thêm.
- Tâm hồn lãng mạn:
+ Cảm nhận thiên nhiên như một người bạn nồng hậu, phóng khoáng: sao trời, cánh chim.
+ Như nhìn thấy “trời xanh thêm” phía cuối con đường. Họ lái chiếc xe không kính đến một chân trời đẹp đẽ.
- Tình đồng đội sâu nặng:
+ Cử chỉ đơn sơ: “bắt tay” nhưng người lính lái xe Trường Sơn đã chia sẻ cho nhau niềm tự hào, kiêu hãnh, đã bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc, là lời động viên thầm lặng mà nồng nhiệt.
+ Sự gắn bó, đầm ấm, thân thương như trong một gia đình
- Vẻ đẹp của lí tưởng cách mạng:
+ Vì miền Nam, vì một ngày chiến thắng không xa, nước nhà độc lập, đất nước thống nhất hai miền.
-> Tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Mĩ.
2.3 Điểm tương đồng và khác biệt
- Tương đồng:
+ Tình đồng đội gắn bó keo sơn, yêu thương quan tâm nhau.
+ Họ sống có mục đích, lí tưởng cao đẹp, có lòng yêu nước nồng nàn.
+ Tinh thần dũng cảm, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh
- Khác biệt:
+ Đồng chí: những người lính trong cuộc kháng chiên chống Pháp mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: người lính mang tinh thần trẻ trung sôi nổi, lạc quan, ngang tàng, tinh nghịch.
=> Họ đều là những con người tiểu biểu cho thời đại kháng chiến hào hùng của dân tộc.
3. Tổng kết
Nguồn: Sưu tầm
SỰ PHÂN HÓA LÃNH THỔ
Đề thi vào 10 môn Toán Cà Mau
Đề thi vào 10 môn Văn Tuyên Quang
Đề kiểm tra giữa học kì 1
Đề thi vào 10 môn Toán Huế