Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
Mỗi người đều có một mơ ước riêng cho mình. Có những ước mơ nhỏ nhoi như của cô bé bán diêm trong truyện cổ An-đéc-xen: một mái nhà trong đêm đông giá buốt. Cũng có những ước mơ lớn lao làm thay đổi cả thế giới như của tỷ phú Bill Gates. Mơ ước khiến chúng ta trở nên năng động một cách sáng tạo. Nhưng chỉ mơ thôi thì chưa đủ. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi đi kèm với hành động và nỗ lực thực hiện mơ ước … Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến mơ ước của mình thành hiện thực.
[…] Ngày bạn thôi mơ mộng là ngày cuộc đời bạn mất hết ý nghĩa. Những người biết mơ ước là những người đang sống cuộc sống của các thiên thần. Ngay cả khi giấc mơ của bạn không bao giờ trọn vẹn, bạn cũng sẽ không phải hối tiếc vì nó. Như Đôn-ki-hô-tê đã nói: “Việc mơ những giấc mơ diệu kì là điều tốt nhất một người có thể làm”.
Tôi vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích – nơi mà lòng kiên nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp. Hãy tự tin tiến bước trên con đường mơ ước của bạn.
(Quà tặng cuộc sống – Thu Quỳnh, Hạnh Nguyên dịch NXB Tổng hợp thành phố HCM, 2016)
Câu 1: Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Nhận biết
Tìm và gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong câu sau: Tôi vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích – nơi mà lòng kiễn nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp.
Câu 3: Thông hiểu
Việc tác giả dẫn ra ước mơ của cô bé bán diêm trong truyện cổ tích An-đéc-xen và ước mơ của tỷ phú Bill Gates có tác dụng gì?
Câu 4: Thông hiểu
Em có đồng tình với ý kiến sau không? Vì sao?
Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi đi kèm với hành động và nỗ lực thực hiện ước mơ.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của mơ ước trong cuộc đời mỗi người.
Câu 2: (5.0 điểm)
Nhận xét về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, có ý kiến cho rằng:
Bài thơ “Viếng lăng Bác” thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
(Ngữ văn 9, tập hai, NXBGD, 2017)
Em hãy phân tích đoạn trích sau để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vâng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Lời giải chi tiết
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
Thành phần biệt lập: nơi mà lòng kiễn nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp (thành phần phụ chú).
Câu 3:
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Việc tác giả dẫn ra ước mơ của cô bé bán diêm trong truyện cổ tích An-đéc-xen và ước mơ của tỷ phú Bill Gates có tác dụng: nhấn mạnh mỗi người sẽ có những giấc mơ riêng, có thể là nhỏ bé, có thể là lớn lao.
Câu 4:
Phương pháp: phân tích, lý giải
Cách giải:
Đồng tình với ý kiến trên bởi:
+ Hành động và nỗ lực cố gắng là con đường đi đến ước mơ nhanh nhất.
+ Nếu không hành động và nỗ lực cố gắng thì ước mơ sẽ mãi chỉ là mơ ước.
II.
Câu 1.
Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
*Nêu vấn đề.
*Giải thích vấn đề.
Mơ ước là mong muốn, ước ao một cách thiết tha điều tốt đẹp trong tương lai.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Vai trò của mơ ước trong cuộc sống:
+ Mơ ước là động lực giúp con người phát triển và hoàn thiện mình hơn.
+ Mơ ước giúp con người có động lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thể vươn đến mơ ước của bản thân.
+ Mơ ước chính là phần lãng mạn giúp con người làm việc hiệu quả và yêu cuộc sống hơn, nó giống như thứ dầu bôi trơn trong một cỗ máy.
+ Mơ ước giúp tâm hồn con người trở nên đẹp hơn.
+ …
- Người có ước mơ là người sống có lí tưởng và sẽ làm việc hết mình để theo đuổi lí tưởng đó. Người như vậy nhất định sẽ thành công.
- Cần phân biệt mơ ước chính đáng với những thứ ảo vọng, hão huyền.
- Người sống không biết ước mơ giống như cỗ máy.
- Liên hệ bản thân: Em có mơ ước không? Chia sẻ với mọi người về điều đó?
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; không sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam.
- Thơ Viễn Phương tập trung khám phá ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
- Lối viết của ông nhỏ nhẹ, trong sáng, giàu cảm xúc và lãng mạn.
Tác phẩm:
- Năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, Viễn Phương là một trong số những chiến sĩ, đồng bào miền Nam sớm được ra viếng Bác. Bài thơ ghi lại những ấn tượng, cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ trong cuộc viếng lăng.
- In trong tập “Như mây mùa xuân” – 1978.
- Hai khổ thơ là niềm xúc động, thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và niềm tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác.
2. Phân tích
Giải thích nhận định: “Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác”=> Nhận xét đã khẳng định cảm xúc, niềm xúc động chân thành của tác giả khi vào thăm lăng Bác.
a. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:
- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.
+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.
+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.
b. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:
- Là niềm thương nhớ, nỗi xót xa khi đứng trước di hài Người:
+ Tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Người. Ánh sáng dịu nhẹ như thế nơi đây có sự hiện diện của vầng trăng. Người nằm đó như đang nghỉ ngơi trong giấc ngủ bình yên.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh”: khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
+ “Nghe nhói”: gợi nỗi đau đột ngột, bất ngờ, tê tái của một đứa con về muộn, không được gặp Người mà chỉ được ở bên di hài của Người.
ð Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ con người VN dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, niềm thương nhớ, xót xa…
3. Tổng kết
- Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết của cả dân tộc Việt Nam dành cho Bác.
+ Ca ngợi sự vĩ đại của bác đối với dân tộc.
- Nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.
+ Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, vừa sâu lắng vừa tha thiết, đau xót tự hào.
+ Hình ảnh thơ vừa mang nghĩa thực vừa giàu giá trị tượng trưng
Nguồn: Sưu tầm
Nghị luận xã hội
Bài 11
Bài 1: Chí công vô tư
TÀI LIỆU DẠY - HỌC HÓA 9 TẬP 1
Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Thuận