Đề bài
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“ Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích cho xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng”
(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, Ngữ văn 9, tập 2)
Câu 1: (0.5 điểm) Thông hiểu
Đoạn trích trên đề cập vấn đề gì?
Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết
Xác định phép liên kết hình thức trong hai câu đầu của đoạn trích.
Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu
Em hiểu thế nào là thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”?
Câu 4: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Từ nội dung được đề cập trong đoạn trích, em thấy cần phải làm gì để phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của bản thân (Trình bày trong 5 – 7 dòng)
PHẦN II: LÀM VĂN (6.0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đoạn thơ sau:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá nhim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”
(Trích Đoàn thuyền đánh ca, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1)
Lời giải chi tiết
I.
Câu 1.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Đoạn trích đề cập đến cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam.
Câu 2.
Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn
Cách giải:
- Phép liên kết hình thức trong hai câu đầu: Phép thế.
“Bản chất trời phú ấy” trong câu 2 thay thế cho “sự thông minh, nhạy bén với cái mới” trong câu 1.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng” được hiểu như sau: khuynh hướng nghiêng về một cách thiên lệch những môn học được một số đông người ham chuộng, ưa thích trong một thời gian nào đó nhưng không lâu bền.
Câu 4.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Cần nhận biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình.
- Với những điểm mạnh, cần học tập và trau dồi thêm kiến thức để duy trì ổn định.
- Với những điểm yếu, mình cần phân tích rõ những cái yếu đó mấu chốt nằm ở đâu, sau đó cần học tập và rèn luyện để hạn chế những lỗ hổng đó.
- Không nên tự mãn với chính mình, tự phự. Biết lắng nghe những ý kiến của những người xung quanh mình để hoàn thiện bản thân.
II.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận là một tên tuổi nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Thơ ông có cảm quan vũ trụ và mang nặng một nỗi sầu nhân thế, sầu vũ trụ -> “Nhà thơ cả vạn lí sầu”
- Sau cách mạng, Huy Cận nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Thơ ông thời kì này vẫn giàu cảm hứng vũ trụ song tràn đầy niềm vui.
-> Là một trong những gương mặt xuất sắc của nền thơ Việt Nam hiện đại.
Tác phẩm:
- Năm 1958, trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng biển Quảng Ninh.
- In trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)
- Đoạn trích đã vẽ một cách chân thực, sinh động cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển
2. Cảm nhận
* Hình ảnh đoàn thuyền được tái hiện chân thực, sinh động hơn:
- Không gian vũ trụ bao la được mở ra nhiều chiều:
+ Cao: bầu trời, mặt trăng.
+ Rộng: mặt biển.
+ Sâu: lòng biển.
- Để thấy đoàn thuyền đánh cá hoàn toàn tương xứng với không gian ấy:
+ Khi sóng biển cồn lên, cánh buồm như chạm vào cả mây trời.
+ Khi buông lưới con thuyền như dò thấu tận đáy đại dương.
+ Hệ thống động từ: “lái”, “lướt”… -> tư thế làm chủ của đoàn thuyền…
+ Hệ thống hình ảnh: “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” -> con thuyền như mang sinh lực của đất trời để đánh cá trên biển.
- Gợi hình tượng người lao động trên biển:
+ Tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ.
+ Làm chủ cả vũ trụ.
* Sự giàu có, phong phú, đẹp đẽ, bao dung của biển cả:
- Liệt kê: “cá nhụ”, “cá chim”…:
+ Là những loài cá quý giá nhất -> sự hào phóng của biển cả.
+ Tô đậm ấn tượng về một vùng biển giàu có với sản vật phong phú.
- Hình ảnh miêu tả: “cá song…đuốc đen hồng”:
+ Tả thực cá song dài có những chấm nhỏ màu đen hồng.
+ Liên tưởng đến ngọn đuốc làm sáng cả biển đêm.
- Đại từ “em” -> nhân hóa câu thơ:
+ Cá không phải là đối tượng để đánh bắt mà là đối tượng để chinh phục.
+ Gợi hành trình chinh phục tự nhiên của con người.
- Nhân hóa: “đêm thở”, “sao lùa” -> Vẻ đẹp của đêm trăng trên biển. Ánh trăng sao lồng vào sóng nước nên khi cá quẫy ta có cảm giác không phỉa mặt nước đang xao động mà là màn đêm đang thở.
- So sánh “như lòng mẹ”:
+ Là “nguồn sữa”, nguồn tài nguyên khổng lồ nuôi sống con người.
+ Ấm áp, bao dung, gần gũi, yêu thương con người như lòng mẹ.
-> Ẩn sau những câu thơ này là niềm hạnh phúc và lòng biết ơn của con người đối với ân tình của thiên nhiên, đất nước.
3. Tổng kết
- Nội dung:
+ Tái hiện thành công vẻ đẹp của biển cả
+ Khám phá, ngợi ca: Sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên, đất nước và tầm vóc lớn lao của nhân dân lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.
- Nghệ thuật:
+ Ngòi bút tràn đầy cảm hứng vũ trụ, sự chan hòa giữa con người và thiên nhiên.
+ Hình ảnh phong phú.
+ Biện pháp liệt kê, ngôn từ đa dạng
Nguồn: Sưu tầm
Đề thi vào 10 môn Toán Quảng Trị
CHƯƠNG II. NHIỄM SẮC THỂ
PHẦN HÌNH HỌC - TOÁN 9 TẬP 1
Bài 37. Thực hành: Vẽ và phân tích biểu đồ về tình hình sản xuất của ngành thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long
DI TRUYỀN VÀ BIẾN DỊ