Đề bài
I. Phần Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc kĩ ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới:
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm bắt thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên, Thời gian là vàng, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.36)
Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu trên.
Câu 2: (0.5 điểm) Thông hiểu
Nêu ngắn gọn nội dung của ngữ liệu.
Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu
Xét về cấu tạo, câu “Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội.” là kiểu câu gì? Vì sao?
Câu 4: (1.0 điểm) Thông hiểu
Ngữ liệu trên chuyển tải thông điệp gì?
II. Phần Tập làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm) Vận dụng cao
Viết một đoạn văn nghị luận (không quá một trang giấy thi) theo cách diễn dịch bàn về ý nghĩa của tuổi thơ đối với mỗi người.
Câu 2: (4.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai nhân vật: anh Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)
Lời giải chi tiết
I. Phần Đọc hiểu
Câu 1.
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu trên là nghị luận.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Nội dung của ngữ liệu trên: Khẳng định giá trị của thời gian quý hơn vàng vì không mua được. Thời gian là sự sống, là thắng lợi, là tri thức và nếu biết tận dụng thời gian, chúng ta có thể làm được nhiều điều đáng quý cho chính mình cũng như cho xã hội.
Câu 3.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Câu ghép
Cách giải:
- Xét về cấu tạo, câu “Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội.” là kiểu câu ghép.
0- Vì ở đây là câu ghép đã bị lược mất cả hai thành phần chủ ngữ ở hai vế nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu đối tượng mà câu văn nói tới là mọi người, chúng được tảo bởi cặp quan hệ từ “nếu … thì”. Chúng ta có thể khôi phục câu văn như sau để dễ xác định: “Thế mới biết, nếu chúng ta biết tận dụng thời gian thì chũng ta sẽ làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội.”
Câu 4.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Ngữ liệu trên chuyển tải thông điệp nhắc nhở mọi người biết quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm những điều có ý nghĩa.
II. Phần Tập làm văn
Câu 1.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn nghị luận (không quá 1 trang giấy thi).
- Theo cách diễn dịch.
- Diễn đạt rõ ràng, không sai chính tả.
* Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau.
- Tuổi thơ là quãng thời gian thơ bé, nhỏ tuổi.
- Tuổi thơ có ý nghĩa quan trọng với mỗi người:
+ Khi còn nhỏ, người ta không có quá nhiều thứ để nhớ, những ấn tượng tuổi thơ sẽ là những kỉ niệm được khắc ghi nhất.
+ Tuổi thơ nuôi dưỡng những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên bên những người thân yêu, bên bạn bè.
+ Tuổi thơ được chứng kiến và trải nghiệm nhiều điều mới lạ, mở ra những ước mơ trong sáng.
+ Tuổi thơ được nuôi dưỡng như thế nào sẽ có ảnh hưởng nuôi dưỡng tâm hồn con người như thế. Tuổi thơ thiếu thốn nuôi dưỡng cho người ta ý chí, nghị lực vươn lên; tuổi thơ được sống trong yêu thương nuôi dưỡng cho người ta biết yêu thương những người khác; tuổi thơ được vui chơi tạo nên những kỉ niệm đẹp; ngay cả những tuổi thơ không may mắn cũng dạy cho người ta bài học nào đó trong cuộc đời.
- Tuy nhiên, hiện nay, tuổi thơ của trẻ con trong thời đại mới khác trước rất nhiều. Có những điều kiện hiện đại hơn nhưng chưa chắc con trẻ được khám phá và nuôi dưỡng thể xác, tâm hồn lành mạnh như trước đây.
- Điều quan trọng là làm thế nào để mỗi tuổi thơ đều đáng nhớ, đáng yêu. Kể cả những vấp ngã, đau đớn trong tuổi thần tiên ấy cũng trở thành những mốc cuộc đời không thể nào quên.
- Đã đi qua tuổi thơ của mình, tuổi thơ em có gì đặc biệt và có vai trò như thế nào với em.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu hai tác giả, hai tác phẩm
- Giới thiệu hai nhân vật là linh hồn của tác phẩm, gửi gắm những tư tưởng của tác giả.
2. Thân bài
2.1. Giống nhau
- Anh Sáu và anh thanh niên đều là những con người mới trong thời đại kháng chiến chống Mĩ.
- Họ đều có tình yêu quê hương, đất nước, giàu tình cảm với những người thân trong gia đình, mang trong mình tình yêu lớn, lí tưởng lớn. Họ là đại diện cho con người Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
2.2. Khác nhau
a. Anh Sáu trong Chiếc lược ngà là hiện thân của người cha tha thiết yêu thương con. Tình cảm đó được thể hiện suốt dọc dài câu chuyện.Đồng thời ông Sáu cũng là một người lính chiến đấu giành lại niềm Nam thân yêu.
Trong 3 ngày ngắn ngủi về thăm con:
- Xúc động mãnh liệt trong khoảnh khắc gặp lại con sau 8 năm xa cách:
+Vội vàng, hấp tấp nhảy lên bờ gọi con
+ Đưa tay đón con
+ Bước những bước dài tới bên con
+ Khuôn mặt biến đổi vì nỗi xúc động.
- Đau đớn vì bé Thu không đáp lại tình cảm của ông mà sợ hãi bỏ chạy:
+ Sầm mặt lại
+ Đứng sững lại
+ Hai tay buông thõng như bị gãy
=> Đau khổ, bất lực vì không biết làm thế nào để san bằng khoảng cách của không gian, thời gian.
- Suốt 3 ngày phép ông Sáu làm mọi cách để bé Thu thay đổi:
+ Ông không đi đâu, chỉ quanh quẩn bên con
+ Ông không giận con mà chỉ khe khẽ lắc đầu, cười trước sự bướng bỉnh, xa lánh của con.
+ Thậm chí khi con bé chối từ sự chăm sóc của ông, ông đã đau đớn không giữ được bình tĩnh mà trách phạt con.
=> Ông đã kiên nhẫn, dịu dàng, bao dung rất mực đối với con mình.
- Khi chia tay, ông bộc lộ tình yêu con sâu nặng.
+ Anh không dám lại gần con, chỉ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, buồn rầu.
-> Ánh mắt cho thấy nỗi xót xa, cả sự yếu đuối của 1 người lính trước tình cảm gia đình.
+ Giọt nước mắt mà ông cố dấu, lời hứa trở về cùng chiếc lược ngà cho con đã gói trọn tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc, mãnh liệt mà ông dành cho con.
=> Tình yêu con của ông Sáu đã chiến thắng mọi khoảng cách của sự biệt li. Tình cảm ấy luôn vẹn nguyên, ấm áp và tràn đầy.
Khi ông trở lại chiến trường:
- Luôn cảm thấy ân hận, khổ tâm vì đã đánh con.
- Không quên lời hứa với con. Ông hiểu mơ ước ngây thơ của con. Cô bé muốn có một vật dụng để luôn nhớ về cha.
+ Dồn nỗi nhớ, tình yêu và sự day dứt vào việc làm chiệc lược ngà.
+ Ông tỉ mỉ cưa từng răng lược, cẩn thận khắc từng nét chữ “yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
+ Lúc nhớ con, ông lấy cây lược ra ngắm nghía, mài lên mái tóc.
- Thậm chí, cái chết cũng không cướp đi được tình yêu thương con của ông Sáu.
+ Vết thương nặng trong một trận càn khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình qua ánh mắt.
+ Cây lược ấy đã được trao lại cho bé Thu. Tình cha con đã không chết, nâng đỡ cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương mất mát.
=> Ông Sáu là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho con mình. Qua đó ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con.
b. Anh thanh niên là đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ, đại diện cho những con người ngày đêm cống hiến thầm lặn, xây dựng đất nước.
Hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật anh thanh niên
- Anh là “người cô độc nhất thế gian”, một mình làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng bốn bề mây phủ cây phong, lạnh rét. Anh cô độc đến “thèm người” và luôn “nhớ người”.
- Công việc mỗi ngày của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”, dự báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
Tính cách, phẩm chất tốt đẹp của nhân vật anh thanh niên
* Là con người thiết tha yêu cuộc sống:
- Tình cảm gắn bó, sự quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.
+ Lấy khúc cây chắn ngang đường để dừng xe -> thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện và được nghe tiếng nói, tiếng cười.
+ Gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe -> quan tâm đến cả những người tình cờ gặp gỡ -> trái tim biết yêu thương, sẻ chia.
+ Trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư -> Lòng đôn hậu, sự thân thiện của anh.
- Tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:
+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình -> trồng hoa trước nhà.
+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp -> căn nhà anh ở sạch sẽ…
+ Biết nối mình với cuộc sống văn minh, tự nâng cao hiểu biết, chuyên môn nhờ đọc sách -> nhờ bác lái xe mua sách.
=> Giúp anh thanh niên hoàn toàn chủ động, vượt qua cuộc sống khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần.
* Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.
- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:
+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn m so với mặt biển -> dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.
+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”
+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, từng giúp không quân bắn rơi máy bay.
- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.
+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.
-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.
- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:
+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)
+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét -> tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.
+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.
=> Anh thanh niên là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.
* Anh là người khiêm tốn, thành thực
- Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của anh, anh từ chối bởi thấy công việc và những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với “ông kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa”, “đồng chí nghiên cứu khoa học” đang nghiên cứu lập bản đồ sét với tất cả niềm say mê, hào hứng… Anh nhiệt thành giới thiệu để ông họa sĩ vẽ chân dung của họ - những con người làm việc hết mình, thầm lặng, những cống hiến đáng trân trọng và khâm phục.
3. Kết bài
- Hai nhân vật đại diện cho người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ nhưng mỗi người mang vẻ đẹp khác nhau.
- Khuynh hướng văn học thời bấy giờ - khung hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn’ cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ.
Nguồn: Sưu tầm
Bài 18. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (tiếp theo)
Bài 7
Bài 4
QUYỂN 5. SỬA CHỮA XE ĐẠP
PHẦN ĐẠI SỐ - VỞ BÀI TẬP TOÁN 9 TẬP 2