Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau:
Những cái xảy ra hàng ngày: máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 300 mét. Đất dưới chân chúng tôi rung. Mấy cái khăn mặt mắc ở đây cũng rung. Tất cả, cứ như lên cơn sốt. Khói lên, và cửa hang bị che lấp. Không thấy mây và bầu trời đâu nữa.
Chị Thao cầm cái thước trên tay tôi, nuốt nốt miếng bích quy ngon lành: “Định ở nhà. Lần này nó bỏ ít, hai đứa đi cũng đủ” rồi kéo tay Nho, vác xẻng lên vai và đi ra cửa.
Tôi không cãi chị. Quyền hạn phân công là ở chị. Thời gian bắt đầu căng lên. Trí não tôi cũng không thua. Những gì đã qua, những gì sắp tới… không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu nếu các bạn tôi không quay về?...
(Ngữ văn 9, tập 2)
Câu 1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của tác giả nào?
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn?
Câu 3. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn văn trên?
Câu 4. Tìm câu rút gọn trong những câu văn sau và cho biết hiệu quả của việc sử dụng câu rút gọn đó: Những cái xảy ra hàng ngày: máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 300 mét. Đất dưới chân chúng tôi rung. Mấy cái khăn mặt mắc ở đây cũng rung.
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo.
Anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vai trò của người thầy trong cuộc sống của mỗi người.
Câu 2. (5 điểm)
Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt dềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1.
Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của tác giả nào? |
Phương pháp: căn cứ bài Những ngôi sao xa xôi
Cách giải:
- Đoạn văn trên trích trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Câu 2.
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? |
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính là tự sự.
Câu 3.
Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn văn trên? |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Nội dung chính của đoạn trên: Sự nguy hiểm của công việc phá bom và tinh thần đồng đội của những nữ thanh niên xung phong.
Câu 4.
Tìm câu rút gọn trong những câu văn sau và cho biết hiệu quả của việc sử dụng câu rút gọn đó: Những cái xảy ra hàng ngày: máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 300 mét. Đất dưới chân chúng tôi rung. Mấy cái khăn mặt mắc ở đây cũng rung. |
Phương pháp: căn cứ bài Câu rút gọn
Cách giải:
- Câu rút gọn là: Nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 300 mét.
- Tác dụng:
+ Giúp câu văn trở nên ngắn gọn, thông tin nhanh chóng.
+ Diễn tả sự nguy hiểm của công việc phá bom.
Phần II
Câu 1.
Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo. Anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vai trò của người thầy trong cuộc sống của mỗi người. |
Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
Cách giải:
Đoạn văn nghị luận cần trình bày được một số ý sau:
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích vấn đề
- Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó.
- Người thầy là những người dìu dắt, truyền cho ta tri thức, uốn nắn ta về nhân cách và dạy cho ta những bài học cuộc sống.
=> Câu nói khẳng định vai trò của thầy cô với thế hệ trẻ.
3. Bàn luận vấn đề
* Vai trò của thầy cô:
- Truyền thụ, dìu dắt, định hướng,…
- Giúp ta trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.
*Cần phải biết ơn thầy cô
* Phản đề:
- Nếu không có người thầy thì mỗi người như mò kim đáy bể.
- Thật đáng buồn cho những kẻ sống mà không biết tôn trọng người thầy.
4. Liên hệ bản thân: Bài học nhận thức và hành động.
- Bản thân mỗi chúng ta phải có ý thức học hỏi mọi lúc mọi nơi và biết trọng thầy mới được làm thầy. Tôn trọng và biết ơn những người đã truyền thụ cho mình, dù là bài học nhỏ nhất.
- Bản thân em luôn tôn trọng những người thầy và nỗ lực học tập, kính thầy yêu bạn để trưởng thành…
Câu 2.
Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Buồn trông cửa biển chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh Buồn trông gió cuốn mặt dềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi |
Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
Cách giải:
1. Yêu cầu về hình thức:
- Phân tích và làm rõ được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích.
- Văn phong rõ ràng rành mạch, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. Yêu cầu về nội dung:
a. Mở bài: Giới thiệu tác giả tác phẩm, dẫn vào yêu cầu của đề.
b. Thân bài:
* Khái quát:
- Thế nào là tả cảnh ngụ tình? Tả cảnh ngụ tình là mượn bức tranh thiên nhiên để gửi gắm tâm trạng, cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Tám câu thơ cuối của bài là một minh chứng cho bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình hay nhất trong “Truyện Kiều”.
* Cụ thể:
- Đây còn là một bức tranh tứ bình, được tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ kết hợp với điệp ngữ “buồn trông” tạo một âm điệu trầm buồn. Tám câu cuối này đã vẽ ra bốn cảnh và mỗi cảnh đều nhuốm một màu tâm trạng: “Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
- Bức tranh vẽ cảnh “cửa bể chiều hôm” thật rộng lớn, mênh mông, bát ngát. Trên nền của bức tranh ấy, Kiều nhận thấy ở phía ngoài khơi xa thấp thoáng hình ảnh “thuyền ai” lẻ loi, đơn chiếc đã gợi ra trong lòng Kiều một tâm trạng buồn, xa nhà, nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.
Kiều nhìn ra xa rồi lại nhìn lại gần trong một khoảng không gian hẹp. Kiều nhìn dòng nước đang chảy và cánh hoa trôi lững lờ để rồi Kiều lại lo cho thân phận của mình:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu”
- Cảnh trong hai câu thơ trên là cảnh hoa trôi mặt nước. Kiều nhìn hoa mà không thấy đẹp, thấy tươi vì những bông hoa đó đã bị bứt ra khỏi cành, khỏi cây, khỏi sự sống và giờ đây đang trôi nổi, phiêu dạt trên mặt nước. Kiếp người tựa kiếp hoa, tránh sao được dập vùi tan nát.
Kiều nhìn ra xa rồi lại nhìn gần, nhìn ra bốn phía xung quanh nơi lầu Ngưng Bích với một cái nhìn bao quát hơn:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Tác giả đã sử dụng từ láy “rầu rầu”, “xanh xanh” để miêu tả cảnh trong hai câu thơ này. Từ “rầu rầu” vốn là một từ gợi tả tâm trạng của con người. Nhưng ở đây tác giả lại dùng để miêu tả màu sắc. Đó là sắc cỏ tàn tạ, héo úa được trải dài trong một khoảng không gian vô tận nối liền từ “mặt đất” tới “chân mây”. Kiều buốn chán, tủi thân về cuộc sống lạnh lung, vô định của mình
Ở cảnh cuối cùng của đoạn trích, thiên nhiên nổi lên thật dữ dội, như đang bủa vây lấy Kiều:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Việc sử dụng từ láy “ầm ầm” đã diễn tả cảnh sóng gió giông bão. Không còn là gió thổi, gió lướt mà là “gió cuốn mặt duềnh” thật hung bạo, dữ dằn. Cũng không còn là sóng xô, sóng vỗ mà là sóng kêu “ầm ầm” dữ dội. Âm thanh tiếng sóng như đe dọa, thét gào, đang dồn đuổi, bủa vây lấy Kiều.
* Đánh giá:
- Như vậy, ở tám câu thơ cuối của đoạn trích, có thể khẳng định đó là một bức tranh tứ bình đầy ấn tượng với cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy và cảnh trong tình này”, đồng thời thể hiện được tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
- Thành công nổi bật của Nguyễn Du trong tám câu thơ này là bút pháp tả cảnh ngụ tình thật rõ nét.
c. Kết bài: Liên hệ, mở rộng.