Ôn tập hè Kết nối tri thức với cuộc sống

2. Chủ đề 2. Ôn tập về thơ

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Lý thuyết
Đề bài
Hướng dẫn giải
Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Lý thuyết
Đề bài
Hướng dẫn giải

Lý thuyết

1.Lý thuyết về thơ

Yếu tố

Thơ

Thơ lục bát

Ca dao

Khái niệm

Là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe

Là thể thơ mà các dòng thơ được sắp xếp thành từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng

Là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.

Đặc trưng

Nội dung: thơ là là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức

Hình thức: thơ biểu hiện bằng biểu tượng, ý tượng với ngôn từ thơ được cấu tạo đặc biệt

- Vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sau của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo

- Thanh điệu trong thơ lục bát: trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu, thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc

- Nhịp thơ: thường ngắt nhịp chẵn (2/2/2, 2/4, 4/4…)

Nội dung: diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,… 

Hình thức: ngắn gọn, sử dụng thể lục bát hoặc lục bát biến thể

 

2. Khái quát nội dung chính các văn bản

Văn bản

Tác giả

Xuất xứ

Nội dung chính

Giá trị nghệ thuật

Bắt nạt

Nguyễn Thế Hoàng Linh

Trích trong tập Ra vườn nhặt nắng, NXB Thế giới, Hà Nội 2017

Bài thơ Bắt nạt nêu lên vấn đề ức hiếp kẻ yếu trong đời sống. Tác giả nêu lên quan điểm phê bình cái xấu, đứng về phía những người bị bắt nạt là khuyên nhủ mọi người không nên bắt nạt người khác

Thể thơ 5 chữ kết hợp các biện pháp tu từ điệp từ, so sánh,... cùng lối thơ trong trẻo, tươi vui, hóm hỉnh khi nói về vấn đề nghiêm trọng

Chuyện cổ tích về loài người

Xuân Quỳnh

Trích từ Lời ru trên mặt đất (1978)

Chuyện cổ tích về loài người kể về sự xuất hiện của loài người, rồi sự trưởng thành, phát triển tiến đến xã hội văn minh. Bài thơ đã bộc lộ tình yêu mến đối với con người nhất là trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Mọi sự sinh ra trên đời này là vì trẻ em, vì cuộc sống hôm nay và mai sau của trẻ em

Thể thơ 5 chữ kết hợp sinh động với các yếu tố tự sự, miêu tả cùng các biện pháp tu từ như điệp ngữ,...

Mây và sóng

Ra-bin-đra-nát Ta-go

Được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non xuất bản năm 1915

- Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc.

- Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời.

- Sử dụng hình ảnh giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng.

- Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé.

- Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa…

Con chào mào

Mai Văn Phấn (1955)

In trong tập Bầu trời không mái che

Bài thơ Con chào mào là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng khao khát tự do của tác giả.

Thể thơ tự do kết hợp với bút pháp miêu tả linh hoạt, biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,... đặc sắc.

Chùm ca dao về quê hương đất nước

Không xác định

Dân gian

- Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.
- Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình.

- Thể thơ lục bát gần gũi, trữ tình.

- Hình ảnh ví von, so sánh quen thuộc, dễ liên tưởng.

- Ngôn ngữ không theo hình thức đối đáp mà chỉ là lời nhắn nhủ, tâm tình.

Chuyện cổ nước mình

Lâm Thị Mỹ Dạ

Tuyển tập, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr. 203

Bài thơ nói về tình cảm của tác giả dành cho những câu truyện cổ tích Việt Nam. Đó là những câu chuyện vừa nhân hậu vừa thông minh, chứa đựng những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của cha ông

- Thể thơ lục bát gần gũi với văn học dân gian.

- Giọng điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng.

- Vận dụng khéo léo, thành công các hình ảnh văn học dân gian và màu sắc ca dao, dân ca.

Trái Đất

Ra-xun Gam-da-tốp

Được viết năm 1987 bằng tiếng A-va

Tác giả thể hiện thái độ lên án với những kẻ làm hại Trái Đất đồng thời thương xót, vỗ về những đau đớn của Trái Đất.

Thể thơ tự do, các biện pháp nghệ thuật: điệp từ, liệt kê, ẩn dụ...

Đề bài

I. Trắc nghiệm

Câu 1: Bài thơ Bắt nạt do ai sáng tác?

A. Tố Hữu

B. Xuân Quỳnh

C. Tô Hoài

D. Nguyễn Thế Hoàng Linh

Câu 2: Trong bài thơ Bắt nạt, tác giả nhận định “bắt nạt” là gì?

A. Là ngốc nghếch

B. Là sai lầm

C. Là xấu xa

D. Là hèn kém

Câu 3: Qua bài thơ Bắt nạt, tác giả đã gửi đến chúng ta bài học gì?

A. Kính trọng thầy cô giáo

B. Hiếu thuận với cha mẹ

C. Yêu thương và sống chan hòa với mọi người

D. Bảo vệ môi trường

Câu 4: Theo bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, điều gì là sinh vật ra trước nhất trên Trái Đất?

A. Cây cỏ

B. Trẻ con

C. Người mẹ

D. Trái Đất

Câu 5: Bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai của bải thơ Chuyện cổ tích về loài người KHÔNG hiện lên sự vật gì?

A. Cây, cỏ, hoa

B. Sông, biển

C. Mặt trời

D. Đồi núi

Câu 6: Theo văn bản Chuyện cổ tích về loài người, ai là người dạy trẻ biết ngoan, dạy trẻ biết nghĩ?

A. Bố

B. Mẹ

C. Bà

D. Thầy giáo

Câu 7: Bài thơ Mây và sóng được viết bằng ngôn ngữ nào?

A. Tiếng Anh

B. Ben-gan

C. Tiếng Đức

D. Hin-đi

Câu 8: Trong bài thơ Mây và sóng, em bé trò chuyện với những ai?

A. Mây và mẹ

B. Sóng và mẹ

C. Mây và sóng

D. Mây, sóng và mẹ

Câu 9: Chủ đề bài thơ Mây và sóng là gì?

A. Tình mẫu tử thiêng liêng

B. Tình bạn bè thắm thiết

C. Tình yêu thiên nhiên sâu sắc

D. Tình anh em sâu nặng

Câu 10: Những âm thanh nào được nhắc tới trong bài ca dao số 1 của Chùm ca dao về quê hương, đất nước?

A. Tiếng mõ, tiếng trống

B. Tiếng chuông, nhịp chày

C. Tiếng kẻng, nhịp chày

D. Tiếng trống, tiếng chuông

Câu 11: Câu ca dao nào dưới đây KHÔNG nói về quê hương, đất nước?

A. Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu

B. Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời chẳng thấy người thương

C. Nhà Bè nước chảy phân hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

D. Còn trời còn nước còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa

Câu 12: Nội dung chính của đoạn trích sau là:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt với sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì được phật, tiên độ trì

(Chuyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ)

A. Tình cảm của tác giả dành cho truyện cổ

B. Những bài học từ truyện cổ

C. Truyện cổ là bài học tác giả mang theo bên mình

D. Lòng biết ơn của tác giả với truyện cổ

Câu 13: Nội dung chính của văn bản Chuyện cổ nước mình là?

A. Thể hiện lòng biết ơn của tác giả với thế hệ đi trước

B. Thể hiện tình cảm của tác giả dành cho những câu truyện cổ tích Việt Nam

C. Thể hiện tình cảm của tác giả đối với vẻ đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 14: Trong văn bản Trái Đất, tác giả gọi Trái Đất là “người” thể hiện điều gì?

A. Sự tôn thờ của tác giả dành cho Trái Đất

B. Thể hiện niềm tin của tác giả vào thế giới thần linh

C. Thể hiện sự tôn trọng, thiêng liêng hóa Trái Đất

D. Thể hiện lòng biết ơn của tác giả với thế hệ đi trước

Câu 15: Trong bài thơ Trái Đất, thái độ tác giả đối với những kẻ hủy hoại Trái Đất là gì?

A. Sợ hãi

B. Căm phẫn

C. Không quan tâm

D. Ngưỡng mộ

II. Tự luận

Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

  Bắt nạt là xấu lắm

     Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

        Đều không cần bắt nạt.

 

    Tại sao không học hát

     Nhảy híp-hóp cho hay?

        Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt.

 

Sao không ăn mù tạt

  Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

  Sao không trêu mù tạt?

a. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả của bài thơ đó là ai?

b. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

c. Nhân vật “tớ” đề xuất những việc nhiều thử thách nào hơn bắt nạt là?

Câu 2: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bài thơ Bắt nạt.

Câu 3: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Thị thơm thị giấu người thơm

Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà

Đẽo cày theo ý người ta

Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì

Tôi nghe chuyện cổ thầm thì

Lời cha ông dạy cũng vì đời sau

Đậm đà cái tích trầu cau

Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người

Sẽ đi qua cuộc đời tôi

Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi

Nhưng bao chuyện cổ trên đời

Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.

(Trích Chuyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên

b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích trên?

Câu 4: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người.

Câu 5: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về 3 câu thơ cuối bài thơ Mây và sóng.

Câu 6: Đọc văn bản Chùm ca dao về quê hương, đất nước và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nghĩa của từ “canh gà” trong bài ca dao số 1 là gì?

b. Bài ca dao thứ hai nói đến thiên nhiên vùng đất nào?

c. Địa danh Vĩ Dạ được nhắc tới trong bài ca dao số ba thuộc tỉnh nào?

Câu 7: Qua văn bản Trái Đất, để cùng tác giả “lau nước mắt”, “rửa sạch máu” cho Trái Đất, mỗi người chúng ta cần phải làm gì? Em hãy viết đoạn văn nêu lên những biện pháp bảo vệ Trái Đất.

Câu 8: Đọc văn bản Con chào mào và trả lời các câu hỏi:

a. Tác giả đã có hành động gì để níu giữ con chào mào? Vì sao?

b. Bài thơ thể hiện điền điều gì?

c. Con chào mào xuất hiện trong bài thơ với đặc điểm gì?

d. Thông điệp được gửi gắm trong văn bản là gì?


Hướng dẫn giải

I. Trắc nghiệm

1 - D

2 - C

3 - C

4 - B

5 - D

6 - A

7 - B

8 - D

9 - A

10 - B

11 - C

12 - A

13 - B

14 - C

15 - B

II. Tự luận

Câu 1:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

  Bắt nạt là xấu lắm

     Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

        Đều không cần bắt nạt.

 

    Tại sao không học hát

     Nhảy híp-hóp cho hay?

        Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt.

 

Sao không ăn mù tạt

  Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

  Sao không trêu mù tạt?

a. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả của bài thơ đó là ai?

b. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

c. Nhân vật “tớ” đề xuất những việc nhiều thử thách nào hơn bắt nạt là?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích, chú ý các chi tiết tiêu biểu

Lời giải chi tiết:

a. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ "Bắt nạt". Tác giả của bài thơ: Nguyễn Thế Hoàng Linh.

b. Nội dung của đoạn thơ trên là: Đoạn thơ trên bày tỏ thái độ của nhân vật "tớ" đối với hành vi bắt nạt, cho rằng đó là hành vi xấu và đề xuất những việc làm tốt hơn bắt nạt.

c. Nhân vật “tớ” đề xuất những việc nhiều thử thách nào hơn bắt nạt là: học hát, nhảy híp-hóp, ăn mù tạt

Câu 2:

Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bài thơ Bắt nạt

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản Bắt nạt và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

Tình bạn là một trong những tình cảm đẹp và cao quý trong mỗi con người. Thế nhưng, có nhiều bạn không biết trân trọng những tình cảm quý giá đó mà làm những việc xấu, khiến bạn bè tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bài thơ “Bắt nạt” với giọng điệu hồn nhiên, ngộ nghĩnh đã nói lên thực trạng của vấn nạn học đường và đề ra những bài học quý giá trong cách nhìn nhận bản thân của các bạn. Nhà thơ đã hóa thân vào một cậu bé khẳng định rằng mình không thích bắt nạt, bắt nạt là xấu và hướng bạn bè đến cuộc sống lành mạnh hơn. Ai cũng muốn mình có cuộc sống vui vẻ, và để được vui vẻ chúng ta nên có bạn bè, vì vậy hành động bắt nạt bạn bè là vô cùng xấu. Những câu hỏi tu từ được lặp đi lặp lại cuối đoạn thơ “Sao không trêu mù tạt?”, “Sao không yêu lại còn…?” vừa tạo nhịp điệu cho văn bản vừa nhấn mạnh lời nhắc nhở của cậu bé đối với các bạn. Có thể thấy, bắt nạt bạn bè là tình trạng đáng buồn trong môi trường học đường ngày nay, bài thơ của tác giả với giọng điệu hồn nhiên, ngộ nghĩnh đã gợi ra những bài học quý giá trong cách cư xử với bạn bè. Để có một cuộc sống tốt đẹp, chúng ta cần có lối sống lành mạnh, văn minh, tu dưỡng đạo đức và trí tuệ để sau này có thể trở thành người có ích.

Câu 3:

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Thị thơm thị giấu người thơm

Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà

Đẽo cày theo ý người ta

Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì

Tôi nghe chuyện cổ thầm thì

Lời cha ông dạy cũng vì đời sau

Đậm đà cái tích trầu cau

Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người

Sẽ đi qua cuộc đời tôi

Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi

Nhưng bao chuyện cổ trên đời

Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.

(Trích Chuyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên

b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích trên?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản Chuyện cổ tích về loài người và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: biểu cảm

b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích là:

- Truyện cổ tích Tấm Cám

- Đẽo cày giữa đường

- Sự tích Trầu cau

Câu 4:

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người. 

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản Chuyện cổ tích về loài người và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

Chuyện cổ tích về loài người là bài thơ đặc biệt và độc đáo khi thuật lại sự ra đời của thế giới qua đôi mắt đầy sáng tạo. Bài thơ khẳng định và truyền tải thông điệp của sự sống một cách nhân văn: mọi vật sinh ra trên trái đất là vì con người, vì trẻ em và chúng ta hãy chăm sóc, thương yêu, dạy dỗ trẻ em và dành cho thế giới tuổi thơ mọi điều tốt đẹp nhất. Khổ thơ đầu đã vẽ nên một trái đất hoang sơ, lạnh lẽo và các khổ thơ tiếp đã phác họa nên một trái đất ấm áp, đầy sắc màu do có sự sống của con người. Mặt trời chiếu rọi ánh sáng khắp trái đất, đem lại sự sống cho muôn loài, đem tình yêu đến cho vạn vật và thiên nhiên từ đó mà hình thành và phát triển. Đặc biệt hơn cả, tác giả nhấn mạnh đến thế giới loài người phát triển trong sự yêu thương của các mối quan hệ gia đình, xã hội. Thật hạnh phúc khi trẻ em được sinh ra, được bế bồng trong lời ru và tình thương của người mẹ:

                          Cho nên mẹ sinh ra

                          Để bế bồng chăm sóc
Có mẹ, có bà và có bố, có cái nôi của gia đình tràn ngập tình yêu thương. Trẻ em đã ra đời và lớn lên trong những hạnh phúc to lớn. Và thật kì diệu khi thế giới hình thành tiếng nói, chữ viết, có cả nền giáo dục văn minh. Con người từ đó được học hành và cuộc sống con người ngày một phát triển tuyệt vời hơn. Có thể nói, lòng yêu trẻ của tác giả được thể hiện trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người hết sức đằm thắm, nồng hậu. Một thế giới được cắt nghĩa đặc biệt và chan chứa tình yêu thương, khiến mỗi chúng ta không khỏi cảm thấy ấm lòng khi nghĩ về mọi thứ quanh mình. Chính lăng kính hóm hỉnh và tấm lòng nhân hậu của nhà thơ đã gợi lên được điều đó trong lòng mỗi chúng ta.

Câu 5:

Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về 3 câu thơ cuối bài thơ Mây và sóng.

Phương pháp:

Đọc kĩ 3 câu thơ cuối và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

                          Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

                        Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào".

Câu thơ “Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ” là một câu thơ hàm nghĩa, giàu tính triết lí. Mẹ là bến bờ để ôm con sóng vào lòng. Lúc “con cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” là lúc mẹ hạnh phúc. Vì thế, con ngoan, vui chơi là mẹ hạnh phúc. Nhà thơ mượn sóng và biển để nói cùng tuổi thơ gần xa bao điều. Tính độc đáo của bài thơ là hai mẩu đối thoại giữa em bé với mây, giữa em bé với sóng, đan xen vào lời con thủ thỉ với mẹ hiền. Đây là một bài thơ trong sáng, hồn hậu của Ta-go nói về miền ấu thơ. Yêu thiên nhiên, sống hồn nhiên thích phiêu lưu mạo hiểm, trí tưởng tượng phong phú, hiếu thảo... là đời sống tinh thần và tâm hồn tuổi thơ. Em bé được nói trong Mây và sóng rất yêu thương mẹ hiền.

Câu 6:

Đọc văn bản Chùm ca dao về quê hương, đất nước và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nghĩa của từ “canh gà” trong bài ca dao số 1 là gì?

b. Bài ca dao thứ hai nói đến thiên nhiên vùng đất nào?

c. Địa danh Vĩ Dạ được nhắc tới trong bài ca dao số ba thuộc tỉnh nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ các bài ca dao, chú ý các chi tiết

Lời giải chi tiết:

a. Nghĩa của từ “canh gà” trong bài ca dao số 1 của Chùm ca dao về quê hương, đất nước là chỉ tiếng gà báo canh

b. Bài ca dao thứ hai nói về bức tranh vùng Lạng Sơn

c. Bài ca dao thứ hai nói về bức tranh vùng Lạng Sơn

Câu 7:

Qua văn bản Trái Đất, để cùng tác giả “lau nước mắt”, “rửa sạch máu” cho Trái Đất, mỗi người chúng ta cần phải làm gì? Em hãy viết đoạn văn nêu lên những biện pháp bảo vệ Trái Đất

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản Trái Đất

Lời giải chi tiết:

Trái Đất hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải của các khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt, khói bụi các phương tiện giao thông. Với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hóa như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái. Môi trường nước và không khí trên Trái Đất đang bị ô nhiễm nặng nề do những hành động tàn phá của con người. Trái đất đang ngày càng bị tổn thương, chính vì vậy mỗi chúng ta cần có nghĩa vụ “lau nước mắt”, “rửa sạch máu” cho Trái Đất bằng những hành động thiết thực. Từ hôm nay, mỗi cô cậu học trò chúng ta có thể tự tay mình trồng và bảo vệ cây xanh, tuyên truyền gia đình hạn chế sử dụng bao bì ni lông, nên sử dụng các sản phẩm tái chế, ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cho gia đình. Những hành động bé nhỏ như thế chính là những biểu hiện của tình yêu, sự quan tâm và trách nhiệm của chúng ta đối với mẹ Trái Đất. 

Câu 8:

Đọc văn bản Con chào mào và trả lời các câu hỏi:

a. Tác giả đã có hành động gì để níu giữ con chào mào? Vì sao?

b. Bài thơ thể hiện điền điều gì?

c. Con chào mào xuất hiện trong bài thơ với đặc điểm gì?

d. Thông điệp được gửi gắm trong văn bản là gì?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản Con chào mào

Lời giải chi tiết:

a. Tác giả đã vẽ chiếc lồng trong suy nghĩ để níu giữ con chào mào vì tác giả sợ chim sẽ bay đi.

b. Bài thơ thể hiện tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng sự khao khát tự do của tác giả.

c. Con chào mào xuất hiện trong bài thơ với đặc điểm: đóm trắng mũ đỏ.

d. Thông điệp được gửi gắm trong văn bản là tình yêu thiên nhiên và bỏa vệ động vật

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved