Lý thuyết
1. Lý thuyết về thơ
Yếu tố | Thơ | Thơ lục bát | Ca dao |
Khái niệm | Là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe | Là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Một cặp câu lục bát gồm một dòng 6 tiếng (dòng lục) và một dòng 8 tiếng (dòng bát) | Là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. |
Đặc trưng | Nội dung: thơ là là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức Hình thức: thơ biểu hiện bằng biểu tượng, ý tượng với ngôn từ thơ được cấu tạo đặc biệt | - Cách gieo vần: tiếng thứ sáu của dòng lục vần với tiếng thứ sấu của dòng bát kế nó, tiếng thứ tám dòng bát vần với tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo - Ngắt nhịp: thường ngắt nhịp chẵn như 2/2/2, 2/4/2, 4/4… | - Nội dung: diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,… - Hình thức: ngắn gọn, sử dụng thể lục bát hoặc lục bát biến thể |
2. Khái quát nội dung chính của các văn bản
Văn bản | Tác giả | Xuất xứ | Nội dung chính | Giá trị nghệ thuật |
Chuyện cổ nước mình | Lâm Thị Mỹ Dạ |
| Bài thơ nói về tình cảm của tác giả dành cho những câu truyện cổ tích Việt Nam. Đó là những câu chuyện vừa nhân hậu vừa thông minh, chứa đựng những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của cha ông. | - Thể thơ lục bát gần gũi với văn học dân gian. - Giọng điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng. - Vận dụng khéo léo, thành công các hình ảnh văn học dân gian và màu sắc ca dao, dân ca. |
Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương | Dân gian |
| “Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương” thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hóa của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người và quê hương, đất nước. | - Sử dụng thể thơ lục bát, lục bát biến thể - Sử dụng hình thức đối đáp, ướm hỏi quen thuộc trong ca dao - Hình ảnh so sánh, ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng,... - Các địa danh gần gũi, nổi tiếng,... |
Việt Nam quê hương ta | Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) | Trích từ trường ca Bài thơ Hắc Hải (1958) | Nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của thiên nhiên, con người Việt Nam, qua đó thể hiện tình yêu thương, sự gắn bó sâu sắc của tác giả đối với quê hương đất nước. | - Thể thơ lục bát sử dụng uyển chuyển. - Giọng điệu linh hoạt, mượt mà, gần gũi với ca dao dân ca. - Từ ngữ tự nhiên và gần gũi với đời thường. |
Hoa bìm | Nguyễn Đức Mậu | Thơ lục bát, NXB Quân đội nhân dân, 2007 | Bài thơ vẽ lên một khung cảnh thiên nhiên thân thuộc, gần gũi, sống động với người đọc và bộc lộ được cảm xúc, nỗi nhớ của mình với quê hương tuổi thơ. | - Sử dụng thể thơ lục bát dân tộc, gần gũi với ca dao dân ca, mang vẻ đẹp dân dã. - Giọng điệu tâm tình, mượt mà, gần gũi với ca dao dân ca. - Sử dụng kết hợp thành công các biện pháp nghệ thuật: điệp từ, liệt kê.
|
Đánh thức trầu | Trần Đăng Khoa (26/04/1958) | Sáng tác năm 1966, in trong tập Góc sân và khoảng trời, Trần Đăng Khoa, NXB Văn hóa dân tộc, 1999 | Bài thơ cho thấy tình cảm mến yêu gắn bó của cậu bé với cây trầu, vừa hồn nhiên vừa chân thành. Đồng thời qua đó thể hiện tình cảm và cách ứng xử của những con người thôn quê đối với cây cối trong vườn, gần gũi như đối với những người bạn thâm tình. | Giọng thơ hồn nhiên, gần gũi với trẻ nhỏ Hình ảnh mộc mạc, dễ hiểu, gợi hình gợi cảm |
Những cánh buồm | Hoàng Trung Thông (1925-1993) | In trong tập Những cánh buồm, NXB Văn học, Hà Nội, 1964. | Bài thơ nêu lên cảm xúc, ước mơ của hai cha con muốn đi khám phá những vùng đất xa xôi được thể hiện qua cuộc nói chuyện khi cùng nhau đi dạo trên bờ biển. | Thể thơ tự do kết hợp với những biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,... sinh động, hấp dẫn. |
Mây và sóng | R. Ta-go (1861-1941) | Được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non xuất bản năm 1915. | - Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. - Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời. | - Sử dụng hình ảnh giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng. - Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé. - Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa…. |
Đề bài
Câu 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe chuyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi
Nhưng bao chuyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.
(Trích Chuyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ)
a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên
b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích trên?
c. “Người thơm” được tác giả nhắc đến là ai trong các dòng thơ sau:
“Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà”
d. Em hiểu thế nào về nội dung của hai dòng thơ:
“Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì?”
Câu 2: Đọc văn bản Việt Nam quê hương ta của Nguyễn Đình Thi và trả lời các câu hỏi:
a. Chép thuộc bài thơ Việt Nam quê hương ta
b. Chỉ ra thể thơ của bài thơ Việt Nam quê hương ta
c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn trích em vừa chép?
d. Phân tích nội dung chính của đoạn trích trên, có ý kiến viết: “Nhân vật trữ tình trong bài thơ là những người anh hùng trong gian khó vẫn luôn kiên cường, nhẫn nại, làm nên vẻ đẹp của đất nước muôn đời”. Hãy chỉ ra lỗi sai trong diễn đạt của ý kiến trên.
Câu 3: Chép thuộc bài thơ Những cánh buồm và trả lời các câu hỏi:
a. Xác định thể thơ của bài thơ Những cánh buồm
b. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ
c. Khái quát nội dung chính của bài thơ
d. Nhận xét giọng điệu và hình ảnh sử dụng trong bài thơ
Câu 4: Những vẻ đẹp nào của quê hương được thể hiện xuyên suốt trong bốn bài ca dao trong văn bản Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương? Qua đó, tác giả dân gian thể hiện tình cảm gì với quê hương, đất nước?
Câu 5: Xác định tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện qua bài thơ Hoa bìm. Qua đó viết đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về bài thơ.
Câu 6: Từ văn bản Đánh thức trầu, em hãy viết đoạn văn về sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người
Câu 7: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về 3 câu thơ cuối bài thơ Mây và sóng.
Hướng dẫn giải
Câu 1:
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi: Thị thơm thị giấu người thơm Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà Đẽo cày theo ý người ta Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì Tôi nghe chuyện cổ thầm thì Lời cha ông dạy cũng vì đời sau Đậm đà cái tích trầu cau Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người Sẽ đi qua cuộc đời tôi Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi Nhưng bao chuyện cổ trên đời Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm. (Trích Chuyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ) a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích trên? c. “Người thơm” được tác giả nhắc đến là ai trong các dòng thơ sau: “Thị thơm thị giấu người thơm Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà” d. Em hiểu thế nào về nội dung của hai dòng thơ: “Đẽo cày theo ý người ta Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì?” |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản Chuyện cổ nước mình và nêu cảm nhận
Lời giải chi tiết:
a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: biểu cảm
b. Những chuyện cổ nào được gợi ra từ đoạn trích là:
- Truyện cổ tích Tấm Cám
- Đẽo cày giữa đường
- Sự tích Trầu cau
c.
- “người thơm”: chỉ bà lão hiền lành, nhân hậu trong truyện cổ tích Tấm Cám
- Đồng thời cũng có thể hiểu “người thơm” là những người tốt bụng, hiền lành trong cuộc sống
d. Hai câu thơ ám chỉ những người không có chính kiến, luôn bị động nên hay thay đổi theo ý kiến tác động của người khác, cuối cùng sẽ chẳng đạt được kết quả tốt đẹp.
Câu 2:
Đọc văn bản Việt Nam quê hương ta của Nguyễn Đình Thi và trả lời các câu hỏi: a. Chép thuộc bài thơ Việt Nam quê hương ta b. Chỉ ra thể thơ của bài thơ Việt Nam quê hương ta c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn trích em vừa chép? d. Phân tích nội dung chính của đoạn trích trên, có ý kiến viết: “Nhân vật trữ tình trong bài thơ là những người anh hùng trong gian khó vẫn luôn kiên cường, nhẫn nại, làm nên vẻ đẹp của đất nước muôn đời”. Hãy chỉ ra lỗi sai trong diễn đạt của ý kiến trên. |
Phương pháp:
Ôn lại kiến thức về bài thơ Việt Nam quê hương ta
Lời giải chi tiết:
a. Chép thuộc bài thơ:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
b. Bài thơ Việt Nam quê hương ta thuộc thể thơ lục bát
c. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng:
- Biện pháp so sánh: Tay người như có phép tiên
- Biện pháp nói quá: Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
d. Lời phân tích “Nhân vật trữ tình trong bài thơ là những người anh hùng trong gian khó vẫn luôn kiên cường, nhẫn nại, làm nên vẻ đẹp của đất nước muôn đời” sai ở chỗ đã hiểu sai về bản chất của nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình không phải là nhân vật được miêu tả trong tác phẩm mà là nhân vật bộc lộ những cảm xúc, tình cảm trong tác phẩm. Ở đoạn trích trên, nhân vật trữ tình là một người yêu nước, tự hào với vẻ đẹp của đất nước.
Câu 3:
Chép thuộc bài thơ Những cánh buồm và trả lời các câu hỏi: a. Xác định thể thơ của bài thơ Những cánh buồm b. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ c. Khái quát nội dung chính của bài thơ d. Nhận xét giọng điệu và hình ảnh sử dụng trong bài thơ |
Phương pháp:
Ôn lại văn bản Những cánh buồm
Lời giải chi tiết:
Chép thuộc:
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
**
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
**
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
"Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?"
**
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
"Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến."
**
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời.
Con lại trỏ cánh buồm nói khẽ:
"Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!"
**
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
a. Thể thơ của đoạn trích là thể thơ tự do
b. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là: biểu cảm
c. Nội dung chính: Bài thơ nói lên cảm xúc, ước mơ của hai cha con muốn đi khám phá những vùng đất xa xôi được thể hiện qua cuộc nói chuyện khi cùng nhau đi dạo trên bờ biển
d. Nhận xét giọng điệu và hình ảnh sử dụng trong văn bản: giọng thơ trầm lắng, giản dị, chân thành giống như tiếng vỗ êm đềm của đại dương cùng với hình ảnh thơ tươi đẹpm trong trẻo
Câu 4:
Những vẻ đẹp nào của quê hương được thể hiện xuyên suốt trong bốn bài ca dao trong văn bản Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương? Qua đó, tác giả dân gian thể hiện tình cảm gì với quê hương, đất nước? |
Phương pháp:
Đọc lại 4 bài ca dao và tìm điểm chung của 4 bài.
Lời giải chi tiết:
- Bốn bài ca dao đã thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử đấu tranh, văn hoá của mỗi vùng đất.
- Qua đó tác giả thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng, sự tự hào về quê hương, đất nước bằng những hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu, biện pháp nghệ thuật được các tác giả dân gian thể hiện qua từng bài ca dao.
Câu 5:
Xác định tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện qua bài thơ Hoa bìm. Qua đó viết đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về bài thơ. |
Phương pháp:
Đọc lại bài thơ và xem tình cảm của tác giả được thể hiện như thế nào
Lời giải chi tiết:
Bài thơ Hoa bìm của tác giả Nguyễn Đức Mậu là một bài thơ viết về loài hoa với những vẻ đẹp mộc mạc, chân quê. Tác giả đã thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó, trân trọng, tự hào với quê hương khi gợi nhắc lại những kỉ niệm của tuổi thơ, những hình ảnh giản dị, đời thường gắn với cuộc sống thường ngày. Qua đó thể hiện nỗi nhớ da diết và mong ước được trở về quê hương.
Rung rinh bờ giậu hoa bìm
Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ
Câu thơ đầu mở ra khung cảnh bình dị, gần gũi, thanh bình của làng quê Việt Nam với giậu hoa bìm tim tím gần gũi thân thương. Tác giả không chọn những loài hoa sắc nước hương trời như hoa lan, hoa hồng, hoa mai mà lại chọn giậu hoa bìm mọc ven đường giản dị. Vì đây chính là sự gần gũi, thân thuộc, là nơi chất chứa những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ trong mỗi đứa trẻ nông thôn Việt Nam. Đó là nơi có chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Là mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Là cánh diều tuổi thơ, là bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả đã được cảm nhận và tái hiện lại trong đôi mắt trong veo của nhà thơ về một thời ấu thơ êm đềm đã qua bên bờ giậu bìm tím. Và cuối bài thơ, tác giả buông một câu hỏi tu từ không có lời đáp “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”. Dường như tác giả đã tái hiện để nhắc nhớ người bạn nào đó về những kí ức tuổi thơ êm đềm để rồi đặt ra câu hỏi bâng khuâng cuối bài, tại sao người cũ vẫn chưa về. Qua những sự vật được khắc họa, nhà thơ đã tái hiện vẻ đẹp bình yên của làng quê đồng thời thể hiện tình yêu thầm kín đối với quê hương thôn dã, và sự trân quý với những kỉ niệm bình yên của mình.
Câu 6:
Từ văn bản Đánh thức trầu, em hãy viết đoạn văn về sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người |
Phương pháp:
Ôn lại kiến thức về thể loại cổ tích
Lời giải chi tiết:
Thiên nhiên là cội nguồn của sự sống, là người bạn tâm tình, giúp con người sinh tồn và phát triển. Thiên nhiên dù không biết nói năng nhưng lại âm thầm cống hiến cho cuộc đời tươi xanh và giúp con người thoải mái tinh thần trong cuộc sống. Bởi thế, từ xa xưa, con người luôn dành cho thiên nhiên một tình yêu lớn. Cậu bé trong văn bản “Đánh thức trầu” cũng dành tình yêu trong sáng, chân thành cho giàn trầu sau vườn nhà mình. Cậu không xem trầu là một vật vô tri, cậu gọi trầu là “mày”, xưng “tao”, cậu xin phép trầu cho mình được hái vài lá và hứa sẽ không làm trầu đau. Tất cả những điều đó cho thấy sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, cỏ cây. Cậu bé trong bài thơ đã xem trầu như một người bạn, cùng chơi, cùng tâm tình. Đối với cậu, trầu cũng có hơi thở, có linh hồn, cũng đáng được trân trọng và yêu thương. Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta đều yêu thương cỏ cây, thiên nhiên giống như cậu bé trong bài thơ. Thật buồn khi ngày nay, thiên nhiên đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi con người, gây nên những hậu quả nặng nề đến đời sống của toàn nhân loại. Mẹ thiên nhiên đang bị xúc phạm và con người phải gánh lấy hậu quả do những hành động nông nổi của chính mình. Hãy nhớ rằng mỗi mầm xanh là một nguồn sống đáng quý, mỗi dòng nước chảy mang theo nguồn năng lượng sinh tồn. Hãy biết bảo vệ lấy nó. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống chính mình, bảo vệ sự sống trên trái đất. Mong rằng khắp nơi trên địa cầu này, thiên nhiên cỏ cây đều được sống một cuộc sống thoải mái trong sự trân trọng, nâng niu của con người.
Câu 7:
Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về 3 câu thơ cuối bài thơ Mây và sóng. |
Phương pháp:
Đọc kĩ 3 câu thơ cuối và nêu cảm nhận
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào".
Câu thơ “Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ” là một câu thơ hàm nghĩa, giàu tính triết lí. Mẹ là bến bờ để ôm con sóng vào lòng. Lúc “con cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” là lúc mẹ hạnh phúc. Vì thế, con ngoan, vui chơi là mẹ hạnh phúc. Nhà thơ mượn sóng và biển để nói cùng tuổi thơ gần xa bao điều. Tính độc đáo của bài thơ là hai mẩu đối thoại giữa em bé với mây, giữa em bé với sóng, đan xen vào lời con thủ thỉ với mẹ hiền. Đây là một bài thơ trong sáng, hồn hậu của Ta-go nói về miền ấu thơ. Yêu thiên nhiên, sống hồn nhiên thích phiêu lưu mạo hiểm, trí tưởng tượng phong phú, hiếu thảo... là đời sống tinh thần và tâm hồn tuổi thơ. Em bé được nói trong Mây và sóng rất yêu thương mẹ hiền.
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Cánh diều Lớp 6
Bài tập trắc nghiệm Văn - Kết nối tri thức
Bài tập trắc nghiệm Văn - Chân trời sáng tạo
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Kết nối tri thức
Bài tập trắc nghiệm Văn - Cánh diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 6
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 6
Đề thi, đề kiểm tra Văn - Kết nối tri thức Lớp 6
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 6
SBT Văn - Cánh diều Lớp 6
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 6
Soạn văn chi tiết - Cánh diều Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - Cánh diều Lớp 6
Soạn văn chi tiết - CTST Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - CTST Lớp 6
Soạn văn chi tiết - KNTT Lớp 6
Soạn văn siêu ngắn - KNTT Lớp 6
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 6
Văn mẫu - Cánh Diều Lớp 6
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 6
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 6
Vở thực hành văn Lớp 6