Đề bài
I.PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Tri thức giống như ngọn đèn trong đêm tối, soi sáng con đường chông gai phía trước. Trí tuệ giống như chiếc chìa khóa diệu kì, mở ra cánh cửa tâm hồn. Trí tuệ giống như tia nắng mặt trời ấm áp xua tan bóng tối lạnh giá. Đấng tạo hóa có trí tuệ thì mới tạo ra một thế giới diệu kì, nhân loại có trí tuệ chỉ đường sẽ bước sang thế giới hiện đại văn minh. Khi có trí tuệ bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Bảy trăm năm trước, Giovanni Boccaccio đã nói: “Trí tuệ là cội nguồn hạnh phúc của con người”. Thật vậy, có trí tuệ, bạn sẽ có nhiều niềm vui và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.”
(Trích Lời nói đầu, Kĩ năng sống dành cho học sinh, sự kiên cường - Ngọc Linh, NXB Thế giới, 2019)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2 (0,5 điểm) Trong đoạn văn trên, tác giả đã so sánh trí tuệ với những hình ảnh nào?
Câu 3 (1,0 điểm) Theo em vì sao: Khi có trí tuệ bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống?
Câu 4 (1,0 điểm) Qua đoạn văn trên, em rút ra bài học gì?
II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày những giải pháp để nâng cao trí tuệ của bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau đây:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, theo Hướng dẫn học Ngữ văn 9,
Tập 2, trang 40 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2019)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. |
Phương pháp: căn cứ bài nội dung bài về phương thức biểu đạt
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Trong đoạn văn trên, tác giả đã so sánh trí tuệ với những hình ảnh nào? |
Phương pháp: đọc, tìm ý
Cách giải:
Tác giả đã so sánh trí tuệ với những hình ảnh:
- chiếc chìa khóa diệu kì, mở ra cánh cửa tâm hồn.
- tia nắng mặt trời ấm áp xua tan bóng tối lạnh giá.
Câu 3:
Theo em vì sao: Khi có trí tuệ bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Vì:
+ Trí tuệ giúp chúng ta có kiến thức, hiểu biết để làm việc hiệu quả.
+ Trí tuệ giúp ta thực hiện công việc một cách khoa học, hợp lí, hạn chế tối đa nhất những sai lầm không đáng có.
+ Trí tuệ giúp chúng ta đủ mạnh mẽ, nghị lực vượt qua mọi khó khăn.
+ …
Câu 4:
Qua đoạn văn trên, em rút ra bài học gì? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Bài học rút ra: Bồi dưỡng tri thức nâng cao trí tuệ bản thân.
Phần II
Câu 1
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày những giải pháp để nâng cao trí tuệ của bản thân. |
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung: giải pháp để nâng cao trí tuệ bản thân
2. Giải thích
- Trí tuệ: là kết quả của hoạt động trí thức (intellect), dựa lên lý trí (raison), dùng đến lý luận, khái niệm, ngôn từ, và chủ yếu gồm những sự hiểu biết, những kiến thức đã được gom góp lại.
=> Rèn luyện, nâng cao trí tuệ cho bản thân là yêu cầu cần thiết đối với mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện đại. Vậy đâu là giải pháp nâng cao trí tuệ bản thân?
3. Bàn luận
- Vai trò của trí tuệ với cuộc sống:
+ Trí tuệ giúp ta giải quyết mọi vấn đề đơn giản, hiệu quả.
+ Trí tuệ sáng tạo ra những công cụ phục vụ cuộc sống con người.
+ …
- Giải pháp để nâng cao trí tuệ bản thân:
+ Đọc sách, bồi đắp tri thức của mình.
+ Thực hành dựa trên cơ sở lý thuyết đã học.
+ Rèn luyện não bộ bằng cách đưa bản thân vào những thử thách mới mẻ, để não bộ trở nên linh hoạt, nhạy bén hơn.
+ Rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao.
+ Nghỉ ngơi và giải trí hợp lý
+…
- Phê phán những người lười biếng, không chịu suy nghĩ, động não, chỉ thích đi theo lối mòn, …
- Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.
Câu 2
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau đây: Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc (Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, theo Hướng dẫn học Ngữ văn 9, Tập 2, trang 40 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2019) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài:
- “Mùa xuân nho nhỏ” (1980) là tiếng lòng tha thiết gắn bó với cuộc đời, với thiên nhiên, đất nước của nhà thơ Thanh Hải.
- Khổ bốn và khổ năm của bài thơ thể hiện khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.
2. Thân bài
- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống tốt đẹp:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.
+ Các hình ảnh “con chim hót” , “một cành hoa”, “một nốt trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.
+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.
=> Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.
- Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc .”
+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.
+ Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.
=> Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.
3. Kết bài:
Lời thơ giản dị và dạt dào xúc động, vừa chứa chan cảm xúc, vừa đậm đà ý vị triết lí, gợi bao liên tưởng sâu xa. Hai khổ thơ thể hiện khát vọng đẹp đẽ muốn là “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời của nhà thơ Thanh Hải.
Đề thi vào 10 môn Văn Lai Châu
Bài 8. Sự phát triển và phân bố nông nghiệp
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Toán lớp 9
QUYỂN 2. NẤU ĂN
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (ĐỀ THI HỌC KÌ 2) - VẬT LÍ 9