Đề bài
PHẦN I (6.0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
...Cuộc sống vẫn bình yên trong mỗi căn nhà
Con vẫn học qua online trực tuyến
Bố, mẹ giao ban cơ quan qua máy tính
Cả nước đồng lòng đẩy lui cuộc chiến
Hiện hình trên màn ảnh ti-vi...
Phía ngoài bệnh viện trầm tư
Nhưng bên trong là nhịp chân hối hả
Vì mạng sống của hàng trăm người bệnh
Thầy thuốc đâu quản gian nguy
Vẫn biết lưỡi hái tử thần không ngoại trừ ai hết!
Ơi mỗi người con đất Việt
Đã từng chiến thắng ngoại xâm
Nay thấm thía trong tâm:
Tự nguyện cách ly
Vì trường tồn cuộc sống
Lặng lẽ để hồi sinh
Cho những ngày tháng dịch!
(Trích Lặng lẽ để hồi sinh- Nguyễn Hồng Vinh, Hà Nội, 4/4/2020)
Câu 1 (0.5 điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0.5 điểm) Chỉ ra những việc làm thể hiện sự đồng lòng của cả nước để đẩy lùi dịch bệnh trong đoạn trích?
Câu 3 (1.0 điểm) Em hiểu như thế nào về dòng thơ “Lặng lẽ để hồi sinh”?
Câu 4 (1.0 điểm) Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên là gì? Vì sao em chọn thông điệp đó?
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình đoàn kết trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm) Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho những người đang cống hiến, quên mình cho nhân dân, tổ quốc.
Lời giải chi tiết
Phần I.
Câu 1.
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? |
Phương pháp: căn cứ các thể thơ đã học
Cách giải:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2.
Chỉ ra những việc làm thể hiện sự đồng lòng của cả nước để đẩy lùi dịch bệnh trong đoạn trích? |
Phương pháp: căn cứ nội dung bài, đọc và tìm ý
Cách giải:
Những hành động thể hiện cả ngước đồng lòng chống dịch: Tự nguyện cách ly, làm việc học tập online để tránh tụ tập đông người, hành động hi sinh thầm lặng của các vị bác sĩ.
Câu 3.
Em hiểu như thế nào về dòng thơ “Lặng lẽ để hồi sinh”? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Học sinh có thể trình bày theo ý hiểu của mình, có lý giải.
Gợi ý:
“Lặng lẽ để hồi sinh”. Những việc làm âm thầm, lặng lẽ, tự nguyện dù nhỏ bé nhưng lại góp phần làm nên chiến thắng đại dịch.
Câu 4.
Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên là gì? Vì sao em chọn thông điệp đó? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Học sinh có thể chọn bất kì thông điệp nào, lý giải.
Gợi ý:
Thông điệp: Chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng chiến đấu chống đại dịch.
Giải thích: Đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngay lúc này, tinh thần đoàn kết vô cùng cần thiết để chiến thắng đại dịch.
Phần II.
Câu 1.
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình đoàn kết trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp
Cách giải:
I. Mở đoạn
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.
II. Thân đoạn
1. Giải thích
- Đoàn kết là tập hợp của nhiều lực lượng khác nhau tạo thành một khối vững chãi, từ đó thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ riêng để đi đến thành công. Sự đoàn kết chính là tập thể vững mạnh, khối thống nhất sẽ tạo nên sức mạnh to lớn.
- Tinh thần đoàn kết là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể để trải qua hoặc hoàn thành những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.
2. Biểu hiện tình đoàn kết
- Chung tay xây dựng đất nước, kinh tế xã hội, văn hóa phát triển và hội nhập với quốc tế sâu rộng.
- Khi có thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt người dân trong cả nước ủng hộ, quyên góp sức người sức của khôi phục cuộc sống người dân trong cả nước. Dẫn chứng.
- Đảng và nhân dân cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết, ngăn chặn các thế lực thù địch chống phá, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo quê hương. Dẫn chứng.
3. Ý nghĩa, sức mạnh, vai trò của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống
- Đoàn kết không chỉ là tập hợp lực lượng thành một khối thống nhất mà phải thống nhất về tư tưởng, hành động, mục tiêu cụ thể.
- Đoàn kết là các thành viên phải tương trợ, giúp sức lẫn nhau cùng nhau giải quyết các khó khăn, thử thách để đi đến thành công.
- Đoàn kết là sức mạnh to lớn, chất keo gắn kết con người tạo nên sức mạnh vượt trội.
- Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn.
- Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Làm sao có được sự đoàn kết?
+ Mỗi cá nhân nên đặt lợi ích chung hàng đầu, phấn đấu cống hiến hết mình vì tổ chức.
+ Hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong tổ chức, tập thể.
- Lên án người không có sự đoàn kết:
+ Phê phán các cá nhân sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội.
+ Phê phán những kẻ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với mục đích xấu, trục lợi cho cá nhân.
III. Kết đoạn
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Câu 2.
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho những người đang cống hiến, quên mình cho nhân dân, tổ quốc. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm " Lặng lẽ Sa Pa"
- Giới thiệu về nhân vật anh thanh niên - một người thanh niên trẻ hội tụ đầy đủ những phẩm chất đáng quý.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên
- Anh thanh niên là một người thanh niên trẻ mang trong mình nhiệt huyết và khao khát muốn cống hiến.
- Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m
- Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu
- Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao
- Tất cả mọi gian khổ anh đều cố gắng vượt qua ngoại trừ nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình là anh chưa thể nào thích nghi được.
b. Anh thanh niên là một người yêu nghề, yêu lao động, luôn có trách nhiệm và hết lòng vì công việc
- Làm việc một mình, không có ai dám sát nhưng anh đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc
- Hơn nữa anh không quản ngại gian khổ, 1 giờ đêm ra đo đạc kết quả và gửi báo về cơ quan.
- Anh quan niệm: " khi ta làm việc , ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được. Huống chi, công việc của cháu gian khổ là vậy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất."
c. Anh thanh niên là một người có lí tưởng sống cao đẹp
- Anh luôn suy nghĩ: " Mình sinh ra làm gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai làm việc"
d. Anh thanh niên là một người hiếu khách và mến mộ con người
- Anh tặng hoa và trứng cho cô kĩ sư
- Anh tặng củ tam thất cho vợ của bác lái xe bị đau chân
- Khi khách đến nhà, anh mời nước và trà chu đáo
e. Tình cảm của tác giả
- Qua nhân vật anh thanh niên, tác giả muốn gửi gắm tình cảm yêu mến, trân trọng và ngợi ca tới những người lao động chân chính, đang ngày ngày thầm lặng cống hiến cho đất nước
- Tác giả cũng thể hiện niềm tẹ hào và tình yêu nước qua việc đặt cái tên chung chung "anh thanh niên" ngầm khẳng định rằng trên khắp đất nước này có rất nhiều người lao động đáng trân quý như thế.
3. Kết bài
- Khẳng định những phẩm chất cao đẹp của nhân vật anh thanh niên.
- Liên hệ với bản thân và rút ra bài học về sự cống hiến cho đất nước
Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng
CHƯƠNG III. GÓC VỚI ĐƯỜNG TRÒN
CHƯƠNG 3. PHI KIM. SƠ LƯỢC VỀ BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
Bài 32. Vùng Đông Nam Bộ (tiếp theo)
Đề thi vào 10 môn Toán Hưng Yên