Đề bài
Câu 1 (2,0 điểm)
Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.
( Theo Ngữ văn 9, tập 1)
a. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Nêu tên tác giả của văn bản đó.
b. Đoạn văn trên được kể theo ngôi thứ mấy?
c.Trong đoạn văn trên, cảnh vật thiên nhiên chủ yếu được miêu tả bằng biện pháp tu từ nào? Tác dụng của các biện pháp tu từ đó?
Câu 2 (3,0 điểm)
Trình bày suy nghĩ của em về câu nói của Các Mác: “ Tình bạn chân chính là viên ngọc quý ”.
Câu 3 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
( Viếng lăng Bác- Viễn Phương)
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Nêu tên tác giả của văn bản đó. b. Đoạn văn trên được kể theo ngôi thứ mấy? c.Trong đoạn văn trên, cảnh vật thiên nhiên chủ yếu được miêu tả bằng biện pháp tu từ nào? Tác dụng của các biện pháp tu từ đó? |
Phương pháp giải:
Ôn lại kiến thức về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Lời giải chi tiết:
a.
- Tác phẩm: “Lặng lẽ Sa Pa”
- Tác giả: Nguyễn Thành Long.
b. Đoạn văn được kể theo ngôi thứ ba.
c.
- Biện pháp tu từ: Nhân hóa, ẩn dụ.
- Tác dụng:
+ Làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa lặng lẽ, thơ mộng và tràn đầy sức sống.
+ Tạo nên một đoạn văn đậm chất họa và chất thơ, góp phần làm nổi bật chủ đề của câu chuyện.
Câu 2
Trình bày suy nghĩ của em về câu nói của Các Mác: “ Tình bạn chân chính là viên ngọc quý ”. |
Phương pháp giải:
Liên hệ bản thân
Lời giải chi tiết:
a. Giải thích
- Tình bạn là tình cảm gắn bó thân thiết giữa hai hoặc một nhóm người có những nét chung về tính tình, sở thích, ước mơ, lí tưởng…
- Tình bạn chân chính là tình bạn trong sáng, tâm đầu, ý hợp, yêu thương quý trọng nhau, thủy chung gắn bó, không vụ lợi, không dung tục tầm thường.
- Các Mác đã dùng cách nói so sánh để khẳng định tình bạn chân chính trong sáng, quý giá như ngọc.
b. Phân tích
- Quan niệm hoàn toàn đúng vì: Tình bạn chân chính sẽ giúp đỡ nhau trong học tập, trong lao động. Những người bạn chân chính sẽ cùng nhau chia sẻ những ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống. Bạn chân chính sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau, gắn bó với nhau ngay cả những lúc khó khăn nhất.
( Dẫn chứng: Tình bạn của Lưu Bình- Dương Lễ, Bá Nha- Chung Tử Kì, Dương Khuê- Nguyễn Khuyến, Các Mác- Ăng- ghen…)
- Trong cuộc sống, nếu không có tình bạn chân chính, khi gặp khó khăn, cô đơn không nhận được sự chia sẻ, động viên…
- Người biết xây dựng tình bạn chân chính là người có văn hóa, có nhân cách, sẽ được mọi người yêu mến kính trọng.
- Trong cuộc sống, cần phê phán những kẻ giả dối, lừa thày phản bạn; hoặc lợi dụng tình bạn để thực hiện những toan tính tầm thường…
- Tình bạn đẹp phải được kiểm nghiệm qua thời gian, qua những biến cố của cuộc sống. Mỗi người nên ý thức về việc xây dựng, vun đắp cho mình một tình bạn chân chính.
- Cần biết phân biệt bạn tốt, bạn xấu; Nên biết chọn bạn mà chơi.
c. Liên hệ bản thân
- Nhận thức được tầm quan trọng của tình bạn.
- Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng tình bạn chân chính.
Câu 3
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
( Viếng lăng Bác- Viễn Phương) |
Phương pháp giải:
Ôn lại kiến thức về bài thơ Viếng lăng Bác
Lời giải chi tiết:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Viễn Phương là nhà văn miền Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Thơ của ông bình dị mà trữ tình, mộc mạc, chân chất nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng.
- “Viếng lăng Bác” là bài thơ gắn liền với tên tuổi Viễn Phương, được viết sau chuyến ra thăm lăng Bác của chính tác giả.
- Đoạn thơ thể hiện niềm xúc động nghẹn ngào khi gặp Bác, tâm trạng lưu luyến khi phải rời xa lăng Bác - rời xa Bác.
2. Phân tích
a. Cảm xúc của tác giả khi thăm lăng Bác
- Cách nói giảm, nói tránh “giấc ngủ” làm xoa dịu nỗi đau mất mát.
- Hình ảnh ẩn dụ: vầng trăng sáng dịu hiền, trời xanh.
-> Gợi không gian yên tĩnh, trang nghiêm, tâm hồn cao đẹp sáng trong của Bác.
-Từ gợi tả: nghe nhói
-> Niềm xúc động thành kính và nỗi đau xót của nhà thơ rất chân thành, sâu sắc trước sự ra đi của Bác.
=> Khổ thơ thể hiện niềm xúc động nghẹn ngào, trào dâng khi tác giả nhìn thấy Bác ở trong lăng.
b. Tâm trạng lưu luyến, bịn rịn không muốn rời lăng Bác:
- Nỗi niềm lưu luyến được bộc bạch trực tiếp “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Đó là giọt nước mắt đau đớn, xót xa trước mất mát lớn lao của toàn dân tộc; là giọt nước mắt của tình cảm kính yêu, trân trọng mà tác giả dành cho Bác; là giọt nước mắt lưu luyến, không muốn xa rời.
- Liệt kê các hình ảnh thơ “con chim hót”, “ đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu” cùng điệp ngữ “muốn làm” đã thể hiện mong ước hóa thân, ước nguyện tha thiết của nhà thơ mãi được ở bên Bác, dâng lên Bác tất cả lòng thành kính, biết ơn…
=> Tiếng lòng của tác giả thổn thức, thiết tha, đau đáu khôn nguôi, gợi cảm xúc sâu sắc cho người đọc. Đó là tình cảm của nhà thơ nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
c. Đánh giá
Viễn Phương đã bộc lộ được cảm xúc trào dâng của mình khi viếng thăm lăng Bác. Những hình ảnh trong thơ được xây dựng bằng rung cảm thiết tha của nhà thơ. Từ đó, tác giả bộc lộ tình cảm chân thành, bình dị mà tha thiết của mình đối với Bác. Đó cũng là tình cảm chung của nhân dân miền Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bài 33. Vùng Đông Nam Bộ (tiếp theo)
Đề thi vào 10 môn Văn Tây Ninh
Bài 12. Sự phát triển và phân bố công nghiệp
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (ĐỀ THI HỌC KÌ 2) - HÓA HỌC 9
Bài 2