/

/

Tiếng Việt và sự hình thành chữ Quốc ngữ

Admin FQA

14/05/2024, 13:40

73

Tiếng Việt ngày nay là một ngôn ngữ hiện đại, phong phú và đa dạng. Tiếng Việt có khả năng biểu đạt cao, phù hợp với mọi nhu cầu của đời sống xã hội. Tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và là một tài sản quý báu của nhân loại.

Tiếng Việt là ngôn ngữ có nguồn gốc bản địa, xuất thân từ nền văn minh nông nghiệp, tại nơi mà ngày nay là khu vực phía bắc lưu vực sông Hồng và sông Mã của Việt Nam.

Căn cứ vào nhiều tài liệu được công bố, có thể kết luận: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường, tiểu chi Việt Chứt, nằm trong khối Việt Katu, thuộc khu vực phía đông của ngành Mon-Khmer, họ Nam Á.

Trong nhóm Việt-Mường, ngoài tiếng Việt và tiếng Mường (Mường Sơn La, Mường Thanh Hoá, Mường Nghệ An) còn có tiếng Nguồn cũng được coi là ngôn ngữ bà con gần nhất với tiếng Việt. Sự diễn biến mạnh mẽ của tiếng Việt, tiếng Mường theo hướng từ bỏ nhiều nét Mon-Khmer vốn có trong nguồn gốc của mình để chuyển thành những ngôn ngữ hoàn toàn âm tiết tính như ngày nay cũng bắt nguồn từ sự tiếp xúc với loại hình họ Thái-Kađai. Tiếp theo đó, một bộ phận cư dân Việt-Mường phía Bắc đã rời bỏ đồi núi, toả về đồng bằng, sinh sôi, phát triển mạnh ở vùng châu thổ sông Hồng. Đó là tiền đề cho việc hình thành cái nối của vùng Kinh sau này.

Sự tiếp xúc với người Hán, tiếng Hán, văn hoá Hán đã xảy ra trước khi người Hán xâm lược, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm vẫn là sự tiếp xúc trực tiếp trong suốt 1000 năm Bắc thuộc. Ảnh hưởng của tiếng Hán, nền văn hoá Hán không toả ra đồng đều trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Ảnh hưởng đó ở vùng phía bắc sâu đậm hơn ở vùng phía nam, ở vùng đồng bằng sâu đậm hơn ở vùng núi. 

Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập tự chủ. Mối quan hệ với tiếng Hán không còn là quan hệ trực tiếp như trước nữa. Mặc dù nhà nước phong biến Việt Nam vẫn duy trì việc sử dụng chữ Hán, coi chữ Hán là văn tự chính thức, việc tổ chức học hành, thi cử bằng chữ Hán ngày càng có quy mô, nhưng tiếng Hán không còn là sinh ngữ như trước nữa. Từ đây tiếng Việt diễn biến theo quy luật nội tại, nó còn bắt cả kho từ ngữ gốc Hán diễn biến theo quy luật của mình.

Khi nước nhà giành được độc lập, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói. Đây là một loại chữ được tạo ra theo nguyên tắc và trên cơ sở của tiếng Hán. Bên cạnh nền văn hiến dân tộc viết bằng chữ Hán, theo truyền thống Hán, còn có một nền văn hiến dân tộc viết bằng chữ Nôm ngày càng phát triển.

Sự hình thành chữ quốc ngữ gắn liền với sự truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây. Chữ quốc ngữ là một thứ chữ được xây dựng theo nguyên tắc ghi âm bằng chữ Latin. Loại chữ này được dùng phổ biến từ rất lâu ở châu Âu. Đến thế kỉ XVII, một số giáo sĩ phương Tây đem nguyên tắc ấy dùng vào việc ghi âm tiếng Việt, tạo ra một thứ chữ thuận lợi hơn đối với mục đích truyền đạo. Mấy thế kỉ tiếp theo, chữ quốc ngữ chỉ được dùng hạn chế trong những kinh bổn đạo Thiên Chúa.

Sự áp đặt chế độ thuộc địa Pháp đưa đến việc bãi bỏ việc học, việc thi cử, việc dùng chữ Hán; đưa đến sự thắng lợi của chữ quốc ngữ. Buổi đầu nhân dân lạnh nhạt với chữ quốc ngữ, mặc dù một số trí thức "Tây học" đã ra sức cổ động cho nó. Thái độ lạnh nhạt ấy thay đổi từ khi hình thành các phong trào đấu tranh văn hoá có ý nghĩa chính trị như phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỉ XX. Những người lãnh đạo phong trào đưa việc dùng chữ quốc ngữ lên hàng đầu trong sáu biện pháp của bản sách lược gọi là Văn minh tân học sách (1907) và lên tiếng kêu gọi đồng bào vì tương lai của đất nước mà nên dùng thứ chữ tiện lợi ấy. Những tài liệu văn hoá bằng chữ quốc ngữ do phong trào này phát hành đã được phổ biến khá rộng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa lại “địa vị ngôn ngữ chính thức của quốc gia” cho tiếng Việt. Từ đó, tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Nam.

Sau năm 1975, sự phổ biến của các phương tiện truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc đã làm tiếng Việt được chuẩn hóa một phần nào. Nhiều từ thuần Việt được sử dụng phổ biến thay cho từ Hán Việt, cũng như với sự tiến triển của internet và toàn cầu hóa, ảnh hưởng của tiếng Anh ngày càng lớn trên báo chí và đội ngũ phóng viên, nhiều từ nước ngoài được đưa vào tiếng Việt thiếu chọn lọc, viết nguyên bản theo ngôn ngữ nước ngoài...

Các nhà khoa học, mặc dù không nói ra nhưng dường như tất cả đều công nhận rằng: Nếu  không có đội ngũ các Giáo sĩ châu Âu tận tâm và đầy sáng tạo trong sứ vụ truyền giáo của mình, thì mẫu tự của chữ Việt chắc vẫn là mẫu chữ vuông vốn có của chữ Nôm, chứ không thể là mẫu tự Latinh với nhiều ưu điểm mà chúng ta được thừa hưởng như bây giờ. Công lao của các vị đã sáng tạo nên chữ quốc ngữ là điều không thể phủ nhận. Từ ban đầu, chữ quốc ngữ chỉ được xem là công cụ truyền đạo đắc lực và hiệu quả của các nhà truyền giáo. Các vị ấy là những nhà truyền giáo tâm huyết chứ không phải là những nhà ngôn ngữ học đi điền dã. Mặt khác, cần thấy rằng trong số các giáo sĩ Châu Âu có một số trước khi đến Việt Nam đã từng sống ở Nhật Bản. Việc phiên âm tiếng bản địa không phải là xa lạ với họ. Đương nhiên việc phiên âm này phụ thuộc vào trình độ tiếng Việt của họ. Bước đầu họ phải mò mẫm thử nghiệm. Đấy là chữ quốc ngữ ở giai đoạn manh nha.

Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ - La đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, gần như đồng thời với Gaspar d’Amaral. Ông truyền giáo ở miền Bắc. Sau do Chúa Trịnh trục xuất, ông rời Bắc vào Nam. Truyền giáo được 5 năm (1640 – 1645). Rồi Chúa Nguyễn Phúc Loan cũng cấm đạo, ông đành trở về Châu Âu. Trong Ngữ pháp tiếng Việt có 2 chương trong 8 chương là 1 và 2 giới thiệu về lai lịch các con chữ, về các dấu trên nguyên âm và thanh điệu. Về chữ viết như vậy là khá rạch ròi.

Còn trong Từ điển ta sẽ thấy diện mạo của các từ Việt vào thế kỷ 17 (không đơn thuần là cách ghi mà là cách phát âm của thời kỳ đó). Có nhiều từ không khác ngày nay Chữ Quốc ngữ thực sự trở thành một công cụ ghi chép với đầy đủ khả năng ghi phụ âm đầu, phần vần và thanh điệu mà bằng chứng là những tài liệu của Igesico Văn Tín và Bento Thiện, mặc dù thứ chữ phiên âm ấy không giống với chữ viết hiện đại.

Đến đây chữ Quốc ngữ được coi là bước vào giai đoạn hình thành. Từ điển Việt – Bồ - La là một cái mốc để gọi tên một thời điểm trong quá trình tiến hóa liên tục của thứ chữ phiên âm. Sau thế kỷ 17 có “Sách sổ sang chép các việc” của Philiphê Bỉnh (bản viết tay năm 1822). Cuốn Từ điển Việt – Latinh của Pigneaux de Béhaine, trước tưởng rằng bị thất lạc trong một vụ hỏa hoạn ở Cà Mau, may có một bản sao được lưu trữ ở Văn khố Hội Truyền giáo ngoài.

Chữ Quốc ngữ trong từ điển này có những thay đổi cơ bản. Cuốn “Nam Việt Dương hiệp từ vựng” của JL.Taberd xuất bản tại Serampore 1838 đã có cách ghi gần đúng với chữ Quốc ngữ ngày nay. Vậy mà tác giả đã nói rõ là ông chỉ sửa sang lại, còn bảo lưu cách viết của Pigneaux De Béhaine. Thấy có cách viết gần gũi với chúng ta ngày nay thì thật đáng mừng nhưng giải thích sao về sự đột biến này.

Từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX giữa hai thế kỷ ấy có một khoảng trống vắng tư liệu cần phải lấp đầy và nếu làm được thì mới giải thích được cặn kẽ những biến đổi kia. Quả thực trong kho lưu trữ của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris còn bảo tồn được những bức thư của các giáo dân gửi bề trên hoặc ngược lại với niên đại rõ ràng từ 1702 đến 1792. Từ điển Nam Việt Dương hiệp Từ vựng ra đời là rất quan trọng. Nó là chỗ dựa cho mọi người muốn học chữ Quốc ngữ. Nó điển chế hóa chính tả và làm cho cách viết của Pigneaux De Béhaine lưu truyền đến ngày nay. Trước khi có những đề xuất cải tiến, chữ Quốc ngữ đã được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam vào thế kỷ 19. Nhà cầm quyền cũng có nhiều động thái để thúc đẩy sự truyền bá chữ quốc ngữ như đưa vào quy định bổ nhiệm, thăng tiến cho quan chức hay miễn thuế cho dân ở Nam Kỳ.

Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến, chữ quốc ngữ đã trở thành tinh thần, linh hồn của dân tộc Việt. Lời tri ân sâu nặng dành cho các nhà truyền giáo tâm huyết đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ vẫn còn mãi. Tâm tình ghi nhận và hiểu thấu vai trò của cộng đồng Công giáo thuở ban đầu vẫn đậm nét trong sử sách Việt Nam. Tính linh hoạt và bảo tồn văn hóa chúng ta có được, phải kể đến đó là địa vị ổn định và độc tôn của chữ quốc ngữ, việc trở lại với chữ Hán, chữ Nôm mà đôi khi ta vẫn còn nghe thấy hiện nay là không còn phù hợp.

Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bài viết liên quan
new
Phan Bội Châu từ con đường bạo động đến triết lý giáo dục yêu nước

Phan Bội Châu là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm và tinh thần hy sinh vì dân tộc. Ông được mệnh danh là "Ông tổ của phong trào Duy Tân" và là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo lỗi lạc của Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Phan Bội Châu sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lòng nhân dân Việt Nam.

Admin FQA

06/06/2024

new
Lý Thường Kiệt - vị tướng chỉ huy kiệt xuất

Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) là một nhà quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba xuất chúng trong lịch sử Việt Nam. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của nhà Lý, người đã có công lao to lớn trong việc đánh tan quân xâm lược Tống và bảo vệ độc lập dân tộc.

Admin FQA

06/06/2024

new
Cái nhìn tổng quát về thần thoại Bắc Âu

Thần thoại Bắc Âu là hệ thống tín ngưỡng và truyền thuyết của các dân tộc German ở Bắc Âu, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Greenland và Quần đảo Faroe. Hệ thống này được hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ, dựa trên truyền miệng và được ghi chép lại trong các tác phẩm như Edda và Poetic Edda. Nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, nghệ thuật và văn học của người Scandinavia, và nó tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hiện đại.

Admin FQA

15/05/2024

new
Collocation là gì? Cách học collocation hiệu quả và tài liệu học hay nhất

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn định nghĩa chi tiết về collocation, vai trò quan trọng của collocation trong tiếng Anh, cách học collocation hiệu quả và những tài liệu hữu ích để trau dồi vốn từ vựng của bạn.

Admin FQA

14/05/2024

new
Chữ Nôm trong lịch sử dân tộc

Với chữ Nôm Việt, ở Việt Nam đã hình thành nên một nền văn chương chữ Nôm (bên cạnh văn chương chữ Hán). Và chính trong lĩnh vực sáng tạo văn học, chữ Nôm gắn liền với ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên những tác phẩm có giá trị, chiếm những vị trí cao nhất trong văn học cổ điển Việt Nam.

Admin FQA

14/05/2024

new
Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông được mệnh danh là "anh hùng dân tộc", "danh nhân văn hóa thế giới" và là biểu tượng của lòng yêu nước, thương dân.

Admin FQA

14/05/2024

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved
gift-box
survey
survey

Chatbot GPT

timi-livechat
Đặt câu hỏi