Vua Gia Long, tên húy là Nguyễn Ánh, là vị vua sáng lập triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820. Nhìn chung, vua Gia Long được đánh giá là một vị vua anh hùng, tài ba, có tầm nhìn chiến lược và đóng góp to lớn cho sự nghiệp thống nhất đất nước và phát triển của dân tộc.
Tiểu sử
Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh (Anh), ngoài ra còn có tên là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8 tháng 2 năm 1762).
Năm 1775, lợi dụng sự suy sụp của triều đình chúa Nguyễn do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân khiến Nguyễn Phúc Ánh phải trốn vào Nam. Từ đó ông bôn tẩu gian nan, tìm đủ mọi cách chiêu tập lực lượng để giành lại vương quyền cho họ Nguyễn. Năm 1792, vua Quang Trung mất, quân Tây Sơn ngày càng yếu và quân Nguyễn ngày càng lớn mạnh. Năm 1801, quân Nguyễn do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy đã đánh chiếm Quy Nhơn và chiếm Thuận Hóa.
Ngày 1 tháng 2 năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức lập nên triều đại nhà Nguyễn. Tháng 3 năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Gia Long làm vua được 18 năm (1802-1819), mất vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820), hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Gia Long được đưa vào thờ ở Thế Miếu và có Miếu hiệu là Thế Tổ.
Vai trò quan trọng của vua Gia Long trong lịch sử Việt Nam
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, Nguyễn Ánh tức vua Gia Long là một trong những nhân vật phức tạp, cũng giống như triều đại Nguyễn (1802-1945) do ông dựng nên, đã từng nhận nhiều sự đánh giá khác nhau của lớp hậu sinh, và trở thành đề tài tranh luận kéo dài hơn nửa thế kỷ nay trong giới sử học, tính từ năm 1954 trở đi. Như thế, không phải bản thân vua Gia Long có gì phức tạp, mà vì sự nhận thức khác nhau làm cho vấn đề trở nên phức tạp, trong khi sự kiện, con người lịch sử trước sau vẫn chỉ bấy nhiêu đó mà thôi. Phức tạp, nhưng nếu trình bày hết ra một cách trung thực dựa trên cơ sở sử liệu khách quan và không để cho quan điểm chính trị nhất thời xen vào chi phối thì cái phức tạp kia cũng tức khắc trở thành đơn giản.
Năm 1780, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vương tại Sài Gòn, dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm ấn truyền quốc, niên hiệu vẫn theo chính sách nhà Lê, tiếp tục chống lại quân Tây Sơn. Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào Sài Gòn. Nguyễn Ánh chống lại ở cửa biển những sức yếu đành thua trận. Năm 1783 Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi liên tục, Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Côn Lôn. Bị thất bại liên tiếp, Nguyễn Ánh phải trao con là Hoàng tử Cảnh (lúc đó 4 tuổi) cho Đa Bá Lộc làm con tin sang cầu viện nước Pháp, rồi từ biệt gia đình đem quân ra ngoài biển.
Năm 1784, Nguyễn Ánh đem gia đình sang Xiêm cầu viện. Thất vọng trước sự bất lực của quân Xiêm, Nguyễn Ánh tăng cường tìm kiếm sự giúp đỡ của người Pháp.
Năm 1787, Nguyễn Ánh bí mật đưa quân về nước. Trên đất nước của mình, Nguyễn Ánh đã cố gắng nhanh chóng tăng cường binh lực. Sau cái chết của vua Quang Trung, Nguyễn Ánh càng ráo riết thực thi chiến thuật trên. Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm được Qui Nhơn, đổi thành Bình Định. Tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh tiến quân và chiếm được thành Phú Xuân.
Năm 1802 khi đã lấy lại được toàn bộ đất đai cũ của các chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long năm thứ nhất và cử Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên là Nam Việt, nhà Thanh cho rằng tên nước là Nam Việt sẽ lẫn với nước của Triệu Đà (gồm cả Đông Việt và Tây Việt) nên đổi là Việt Nam. Năm 1804 nước ta có tên là Việt Nam. Năm 1806, vua Gia Long chính thức làm lễ xưng đế ở điện Thái Hòa.
Là vua sáng lập triều Nguyễn của một quốc gia thống nhất, vua Gia Long đã quyết định rất nhiều việc để đặt nền móng cho vương triều có một địa bàn thống trị rộng lớn từ Bắc đến Nam. Vua bãi bỏ chức tể tướng để tránh lộng quyền, nghiêm dụ quan lại không được sách nhiễu dân, đặt ra 6 bộ. Vua Gia Long cho tổ chức lại các đơn vị hành chính từ trung ương xuống, quản lý đinh ,khẩu ruộng đất và thuế khóa áp dụng theo hình mẫu thời Lê Sơ nhưng được thực hiện trên quy mô lớn hơn, quy củ hơn. Năm 1815 bộ “Quốc triều hình luật” hay còn gọi là “Luật Gia Long” gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành. Công cuộc khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long được tiếp tục. Việc trị thủy, đắp đê vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng được vua Gia Long chú ý ngay từ đầu. Vua Gia Long đã xây dựng và củng cố triều đại Nguyễn, tạo nên một triều đại tương đối ổn định và phát triển trong suốt 93 năm tồn tại (1802 - 1887). Về đối ngoại, một mặt vua Gia Long tranh thủ sự ủng hộ và giữ lễ thần phục của nhà Thanh, mặt khác vua Gia Long lại dùng lực lượng quân sự bắt các nước Chân Lạp và Ai Lao phải thuần phục. Đối với các nước phương Tây, vua Gia Long tỏ ra nghi ngại, nước Anh xin mở cửa hàng buôn bán vua đã từ chối, những yêu sách của chính phủ Pháp đều bị vua khước từ.
Vua Gia Long là một nhân vật lịch sử quan trọng và có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Việt Nam. Việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này và những đóng góp to lớn của ông cho đất nước.
Nhìn lại quan điểm đánh giá về Nguyễn Ánh
Vậy thực tế thì đã quá rõ ràng, trong việc những năm gần đây người ta tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đánh giá lại nhân vật Gia Long và triều Nguyễn. Thật ra, nói về công lao khai phá và xây dựng miền Nam, để cho đất nước Việt Nam có được hình dạng như ngày nay, không ai có công bằng chúa Nguyễn mà hậu duệ là Gia Long Nguyễn Ánh. Nhưng chỉ sau khi đủ điều kiện chín muồi hơn để vượt qua thời kỳ mông muội của chủ nghĩa giáo điều, vấn đề nhân vật Nguyễn Ánh và triều Nguyễn mới được đánh giá lại một cách khách quan khoa học hơn, chứ không như trước kia, cứ hễ Nguyễn Ánh, triều Nguyễn, quan lại triều Nguyễn thì đều hèn hạ phản dân hại nước tuốt.
Riêng vấn đề cầu viện nước ngoài, “cõng rắn cắn gà nhà”, qua việc cầu cứu Xiêm, cầu viện Pháp để diệt Tây Sơn, có lẽ là điểm khó biện hộ nhất cho Nguyễn Ánh.
Thật ra, không nên đặt vấn đề quan điểm giai cấp khi đánh giá về Gia Long hay về triều Nguyễn, vì trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, dù Nguyễn Ánh quý tộc hay anh em Tây Sơn nông dân áo vải thì ông nào cũng ham muốn tiêu diệt đối thủ để lên ngôi hoàng đế thống trị thiên hạ như nhau.
Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh mỗi người đều không “theo đuổi mục đích của bản thân mình” khi tranh nhau ngôi hoàng đế để thống trị thiên hạ thì cũng chẳng có giai đoạn lịch sử thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn như nó đã diễn ra trên thực tế, mà nhiệm vụ đúng đắn của nhà viết sử chỉ là ghi chép, phản ảnh lại sao cho càng đầy đủ và càng đúng càng tốt, để các thế hệ cháu con về sau nhìn vào đó có thể tự phán đoán rút tỉa kinh nghiệm cho những việc làm trong hiện tại. Trong tinh thần đó, nhà viết sử căn cứ vào sử liệu đã được kiểm chứng có thể kể ra hết mọi chuyện làm tốt, xấu của từng nhân vật lịch sử, không cứ họ thuộc phe nào, và nếu cần thì đưa ra nhận định riêng nhưng chỉ có tính gợi ý, tuyệt đối không nên dùng lời lẽ mạt sát thiếu lễ độ đối với nhân vật mình tự gán cho thuộc về phía phản diện, điều đặc biệt cần tránh trong các sách giáo khoa dùng cho môn học lịch sử.
Cho nên cũng phải khách quan nhìn nhận: Trong cuộc đụng đầu lịch sử và ở cái thế một mất một còn, việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần làm lúc đó là diệt được quân Tây Sơn trước đã bằng bất kỳ phương tiện nào, bởi mối thù “chỉ non Tây thề chẳng đội trời chung”, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp. Diệt được Tây Sơn rồi mọi việc sẽ tính sau, đó là mục tiêu cấp thời mang tính sách lược tình huống của vị vua sáng lập triều Nguyễn. Bằng cớ là sang thời Minh Mạng (từ 1920), Thiệu Trị, các vị vua con vua cháu này do lời dặn của cha, ông, họ chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực hiện chính sách giết cấm đạo tàn khốc để giải quyết các di sản trớ trêu của lịch sử, và chỉ khoảng thời gian đó các nhà vua mới có thể dám làm như vậy (dù không phải việc đúng, tốt), do mối ân tình giữa vua cha vua ông (Nguyễn Ánh) với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp.
Nếu muốn nói đến quan điểm lịch sử cụ thể trong việc đánh giá nhân vật, sự kiện lịch sử, theo chúng tôi, nên diễn đạt vấn đề đơn giản như vừa trình bày trên đây thì mới sát với thực tế cuộc sống mà không rơi vào chủ nghĩa giáo điều là cái mà mọi xã hội văn minh hiện đại trên toàn thế giới đều muốn thoát ra. Tại Việt Nam, chúng ta đã có khá nhiều tiền lệ chứng tỏ mối nguy hại một thời của lối viết sử dựa trên những quan điểm gọi là chính thống những giáo điều, đầy định kiến, dẫn đến việc đánh giá sai lầm nhiều nhân vật lịch sử mà nay phải đánh giá lại, như giới sử học gần đây đã cố gắng làm và đã làm khá thành công đối với nhân vật Gia Long và triều Nguyễn…