Bài đọc
>> Xem chi tiết: Văn bản Tôi đi học - CTST
ND chính
Tái hiện tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ, kỉ niệm trong sáng tuổi học trò của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên. |
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Những gì đã gợi lên trong lòng nhân vật "tôi" kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên? Đọc toàn bộ truyện ngắn, em thấy những kỉ niệm này được nhà văn diễn tả theo trình tự nào?
Lời giải chi tiết:
- Những điều đã gợi lên trong lòng nhân vật "tôi" kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên: thời tiết cuối thu, lá rụng ngoài đường nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc.
- Tôi đi học bố cục theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”. Từ hiện tại nhà văn nhớ về quá khứ. Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời nhân vật "tôi” được nhà văn diễn tả theo trình tự như sau:
+ Từ sự biến chuyển của trời đất vào cuối thu (thời điểm ngày khai trường) và hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường khiến nhà văn nhớ lại những kỉ niệm trong sáng của mình ngày xưa.
+ Tâm trạng của nhân vật “tôi” trên đường theo mẹ đến trường.
+ Tâm trạng của nhân vật “tôi" trên sân trường khi nhìn ngôi trường khi nhìn mọi người, các bạn, khi nghe gọi tên mình và phải rời tay mẹ để vào lớp học.
+ Tâm trạng của nhân vật “tôi” lúc ngồi vào chỗ ngồi của mình trong lớp học và bắt đầu vào tiết học đầu tiên.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Tìm những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đi trên đường đến trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp, khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên.
Lời giải chi tiết:
- Con đường đã quen đi lại lắm lần, tự nhiên thấy lạ, cảnh vật xung quanh đều thay đổi do trong lòng mình có sự thay đổi lớn.
- Cảm thấy mình trang trọng, đứng đắn trong chiếc áo vải dù đen dài và hai quyển vở mới trên tay.
- Xốc lên nắm lại vở cẩn thận, tuy còn lúng túng nhưng muốn thử sức mình nên xin mẹ được cầm cả bút thước như các bạn khác.
- Cảm thấy sân trường dày đặc cả người. Người nào cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
- Cảm thấy mình bé nhỏ trước ngôi trường oai nghiêm xinh xắn, nhân vật “tôi” đâm ra lo sợ vẩn vơ.
- Cảm thấy tim ngừng đập khi chờ nghe tên mình. Nghe gọi đến tên, cậu học trò mới tự nhiên giật mình và lúng túng
- Lo sợ khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ; nức nở khóc theo bạn khi cảm thấy mình bước vào một thế giới khác cách xa mẹ hơn bao giờ hết.
- Cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật, với người bạn tí hon ngồi bên cạnh.
- Vừa bỡ ngỡ vừa tự tin, nhân vật “tôi” bước vào tiết học đầu tiên trong đời mình.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Em có cảm nhận gì về thái độ, cử chỉ của những người lớn ("ông đốc", thầy giáo đón nhận học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu đi học.
Lời giải chi tiết:
- Thái độ, cử chỉ của ông đốc:
+ Nhìn học trò hiền từ, căn dặn nhẹ nhàng
+ Nhẫn nại chờ đợi, giàu lòng yêu trẻ
- Thầy giáo trẻ tươi cười, niềm nở, đón học sinh vào lớp
- Các bậc phụ huynh chuẩn bị kỹ lưỡng cho con, đưa con tới trường, lưu luyến khi con vào lớp học.
⟹ Tất cả người lớn đều dành sự quan tâm và yêu thương, chăm sóc đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Tìm và phân tích các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn.
Lời giải chi tiết:
- Hình ảnh so sánh: " Tôi quên thế nào được cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi … giữa bầu trời quang đãng" ⟶ những cảm nhận trong sáng, hồn nhiên trong ngày đầu đi học.
- "ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí óc tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang" ⟶ ý thức về sự trưởng thành, tự lập thoáng xuất hiện
- "Trước mắt tôi sân trường làng Mĩ Lí trông vừa xinh xắn, oai nghiêm…đình làng Hòa Ấp" ⟶ cảm nhận rõ ràng vẻ đẹp, sự oai nghiêm của ngôi trường
- "Họ như những con chim con đứng bên bờ tổ…còn ngập ngừng e sợ" ⟶ sự non nớt, ngỡ ngàng, và cả những khao khát vươn xa của học trò.
- "họ thèm vụng và ước ao thầm… phải rụt rè trong cảnh lạ" ⟶ ước muốn được trưởng thành, cứng cáp.
Câu 5
Trả lời câu 5 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật và sức cuốn hút của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Truyện kể hồi kí với theo trình tự thời gian, cảm xúc của nhân vật " tôi" hết sức tự nhiên, trong sáng.
+ Những hình ảnh so sánh, nhân hóa đầy thi vị
+ Giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng diễn tả trọn vẹn cảm xúc chân thật của đứa trẻ lần đầu đi học.
+ Chạm tới lòng người đọc bằng chính những trải nghiệm cảm xúc chung nhất của bất kì ai trong ngày đầu đi học.
- Sức hút của truyện từ:
+ Tình huống truyện hấp dẫn
+ Cảm xúc trong sáng, chân thật của nhân vật
+ Hình ảnh đẹp đẽ, gần gũi.
Luyện tập
Trả lời câu 1 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Phát biểu cảm xúc của em về dòng cảm xúc của nhân vật "tôi" trong truyện ngắn Tôi đi học
Trả lời:
Một lối viết giản dị nhưng đầy lôi cuốn, Thanh Tịnh đã đưa người đọc vào một không gian trong lành và dịu êm nhất. Nhân vật tôi hoài tưởng lại và “không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Trong dòng hoài tưởng, “tôi” đã lâng lâng với khung cảnh của mùa thu “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Có lẽ ít ai có thể quên đi được giây phút đầu tiên nép sau lưng mẹ đến trường, và nhân vật “tôi” cũng vậy. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên và đầy xúc động, gieo vào lòng người đọc những bồi hồi khó quên. Có một sự thay đổi lớn trong chính suy nghĩ và hành động “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa”. Điều này chứng tỏ nhận thức của nhân vật “tôi” đã thực sự trưởng thành và lớn lên nhờ việc: Hôm nay tôi đi học.
Bằng cách diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, đầy lôi cuốn, tác giả đã tái diễn lại đoạn hội thoại giữa “tôi” và mẹ trong ngày đầu đến trường. Những ý nghĩ vừa ngây ngô vừa dễ thương khiến cho người đọc không thể nào quên được.
Cảm xúc của nhân vật “tôi” khi được đặt chân đến ngôi trường làng Mỹ Lí được tác giả tái diễn chân thực, sinh động, giàu cảm xúc. Và lại có thêm một sự thay đổi, một sự so sánh giữa khoảng thời gian trước khi đi học. Chính sự so sánh sự khác nhau này khiến nhân vật “tôi” trưởng thành hơn. Ngôi trường trong mắt của cậu bé “trường Mỹ Lí vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Liệu rằng nhân vật “tôi” lo sợ điều gì? Có lẽ lo sợ vì những năm tháng ngồi trên ghé nhà trước có học tốt không, có vi phạm điều gì không và rất nhiều điều nữa. Một sự chân thật đến tinh nghịch. Nhân vật “tôi” đã tinh tế quan sát xung quanh “chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi, các cậu chỉ theo sức mạnh dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tưởng…” Hình như tâm trạng của những cậu bé lần đầu tiên đi học đều như nhau, ngơ ngác và sợ hãi.Tuy nhiên hình ảnh thầy hiệu trưởng “hiền từ và cảm động” khiến cho nhân vật “tôi” và những cô cậu học trò khác cảm thấy yên tâm hơn. Hình ảnh thấy và tiếng trống trường trong buổi đầu tiên đi học đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời của các em. Đặc biệt “bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước” của người mẹ đã khiến cho nhân vật “tôi” can đảm và tự tin hơn. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc thút thít ấy có lẽ là những khoảnh khắc neo giữ mãi trong lòng nhân vật “tôi”,hay nói đúng hơn là lòng tác giả một cách chân thực và sâu sắc nhất. Hình ảnh tuổi thơ lúc ấy bỗng nhiên ùa về “tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy trong tâm trí thôi. Nhưng tiếng phấn của thầy gạch mạnh trên bảng đen đưa tôi về cảnh thật”. Một dòng suy nghĩ trong sáng và đáng trân trọng của cậu bé sắp phải bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời vì bài tập viết: Tôi đi học.
Thanh Tịnh như một con người chèo lái con thuyền cảm xúc, đưa người đọc trở về với những kí ức của ngày đầu tiên đi học. Lời văn mượt mà, nhẹ nhàng và sâu sắc đã khiến người đọc không thể quên được năm tháng đó.
(Bài làm của HS)
Trả lời câu 2 (trang 9 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)
Viết bài văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên
Trả lời:
1. Mở bài: Giới thiệu về buổi tựu trường
2. Thân bài
- Cảm nhận về không khí, thời tiết, quang cảnh.
- Ấn tượng về con người: bạn bè, thầy cô
- Cảm xúc của bản thân về lễ chào cờ, buổi học đầu tiên
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề
Bài tham khảo:
Thấm thoát đã chớm thu, không còn tiếng ve ngân của những trưa hè oi ả. Không còn “…Chín mươi ngày nhảy nhót đồng quê – Ôi! Cả một mùa xuân trong mùa hạ” nữa. Có vẻ như ngày khai giảng năm học năm nay đến sớm hơn mọi năm. Bất chợt, những cảm xúc và kí ức ngây ngô về ngày khai trường đầu tiên của tôi lại ùa về như nhắc nhở kỉ niệm của một thời đã qua…
Tôi vẫn nhớ hôm ấy – một buổi mai đầy gió và mưa rào. Tôi phải cùng mẹ đến trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới. Hôm đó tôi dậy sớm. Có lẽ vì tôi thấy mình đã khôn lớn và một lý do quan trọng hơn nữa, đó là ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời tôi. Tôi mặc bộ đồng phục mới mà bố tôi đã mua cho tôi và tự tay chuẩn bị cặp sách. Rồi mẹ đeo cặp vào lưng tôi, mặc bộ áo mưa màu xanh tôi yêu thích, mẹ khoác áo mưa vào rồi dắt tay tôi đi qua màn mưa. Mưa rơi rả rít, trời âm u và xám xịt. Con đường trở nên lầy lội, sũng nước. Mưa không lớn cũng chẳng nhỏ nhưng dai dẳng không dứt. Mưa cứ rơi mãi, rơi mãi không dứt như tâm trạng của tôi lúc ấy: tôi không sợ mà lo lắng, háo hức, nôn nao chờ đợi. Chờ đợi những gì mà tôi sắp sửa trải qua: đó là ngày đầu tiên dự buổi khai trường năm học mới. Tôi vẫn nép vào mẹ, bước từng bước qua từng con hẻm quanh co quen thuộc mà lòng cảm thấy lạ lẫm vô cùng. Con hẻm này tôi qua lại hằng ngày nhưng hôm nay tâm trạng của tôi đầy xáo trộn, một điều lớn lao và mới mẻ đang đến với tôi: tôi đã vào lớp một, tôi đã là người lớn thật rồi. Tôi khẽ liếc nhìn những cảnh vật xung quanh đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu: giàn hoa ti-gôn hồng nhạt e ấp trong màn mưa của nhà bác Tư hàng xóm mà tôi vẫn thường hái về chơi trò cô dâu với mấy đứa bạn trong xóm, cây mận xù xì đang lắc lư những chùm quả chín đỏ rực đung đưa trong màn mưa như nói lời chúc mừng tôi ngày đầu đến lớp.Ra khỏi con hẻm nhỏ là đường Trần Mai Ninh tấp nập, đông vui. Những chị học sinh thướt tha trong tà áodài trắng, những anh chị khăn quàng đỏ thắm trên vai, tôi đặc biệt chú ý những bạn cùng lứa với tôi áo quần tinh tươm rụt rè nắm lấy tay mẹ đến trường. Dù mưa vẫn còn tí tách rơi từng giọt trên mái hiên của những ngôi nhà hai bên đường vẫn không làm cho nụ cười trên môi của các học sinh mừng ngày tựu trường kém tươi tắn hơn. Mẹ khẽ lay tay tôi và nói: “Đến trường rồi kìa con!” A, trường tôi đây ư? Trông to lớn và đồ sộ quá! Ngôi trường mới này không giống như trường mẫu giáo của tôi. Trường to lớn và đồ sộ hơn trường mẫu giáo nhiều. Trước cổng trường có một tấm bảng đề chữ màu xanh biển rất to, tôi lẩm nhẩm đánh vần: “Trường tiểu học Nguyễn Khuyến” đúng như mẹ giới thiệu cho tôi mấy tuần trước. Qua bậc tam cấp, đại sảnh, khoảng sân rộng đã đến trước cửa lớp. Tôi vẫn nhớ rất rõ là mình học lớp Một bảy do cô Huệ làm chủ nhiệm lớp. Cô dìu tay tôi vào lớp và xếp chỗ ngồi. Tôi bịn rịn buông tay mẹ và chợt cảm giác hụt hẫng chiếm lấy tâm hồn tôi lúc ấy. Tôi nhìn các bạn chung quanh mình trông ai cũng lạ lẫm. Lúc này, tôi chợt ước ao là mình đã quen các bạn trong lớp. Tôi còn nhớ như in cảm giác bỡ ngỡ rụt rè khi mọi người, mọi vật xung quanh mình đều lạ lẫm. Nhưng trong lớp có nhiều bạn rất dạn dĩ, các bạn tươi cười chào bạn mới. Tôi thấy mình ngưỡng mộ các bạn ấy biết bao. Cô giáo yêu cầu phụ huynh ra về để lớp bắt đầu giờ học. Tôi chào mẹ qua cửa sổ. Không biết màn mưa ngoài trời hay nước mắt đã làm mắt tôi nhòe đi. Có vài bạn khóc to lên gọi bố, gọi mẹ khi thấy bố mẹ ra về. Mưa tạnh. Gió nhẹ mơn man mái tóc tôi. Nắng ấm áp xuyên qua kẽ lá. Buổi lễ khai giảng tạm hoãn giờ bắt đầu. Cô giáo dẫn chúng tôi xếp hàng theo từng tốp. Lễ khai giảng bắt đầu trong không khí trang trọng của nghi thức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới được kéo lên trong bài hát Quốc ca trầm hùng. Cô hiệu trưởng trang trọng đọc báo cáo và mục tiêu cho năm học mới. Cả trường vang vội tiếng vỗ tay. Đám học trò lớp một chúng tôi cũng bắt chước anh chị vỗ tay. Sự rụt rè dần tan biến. Giờ phút thiêng liêng đã đến. Cô hiệu trưởng đánh ba hồi trống khai giảng năm học mới. Chính tiếng trống ấy đã khởi đầu tương lai cho tôi qua con đường học vấn và đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tôi.
Bảy năm ròng đã trôi qua. Giờ tôi không còn là cô bé lớp một ngày nào nữa. Những kỉ niệm ngày ấy giờ cũng đã phai nhòa theo năm tháng nhưng vẫn vương vấn mãi trong tôi một thời thơ ấu, thời trong sáng và những kỉ niệm ngây thơ và mùa thu khai trường năm ấy.
(Bài làm của HS)
Unit 11: Science and technology
Unit 2: I'd Like to Be a Pilot.
PHẦN HAI: ĐỊA LÍ VIỆT NAM
Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 8 kì 1
Bài 3. Lao động cần cù, sáng tạo
Soạn văn siêu ngắn Lớp 8
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Ngữ văn 8 - Cánh Diều
VBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 8
Tổng hợp Lí thuyết Ngữ văn 8
SGK Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Cánh Diều
SGK Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 8 - Cánh Diều
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 8
Văn mẫu Lớp 8
Vở bài tập Ngữ văn Lớp 8