Đề số 1 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 2 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 3 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 4 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 5 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
CHA CON NGƯỜI ĐẮP THÀNH ĐÁ
Ở xã Cam Hoà, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà có một người đàn ông đã ròng rã suốt từ năm 1988 tới nay (16 năm) bới đất, nhặt đá, đắp dãy trường thành bằng đá dài gần 1 ki-lô-mét. Thật là một kì công có một không hai ở Việt Nam. Đó là chú Nguyễn Văn Trọng, năm nay 46 tuổi.
Ban đầu nhiều người thấy việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là "điên". Còn chú Trọng lại nghĩ rất đơn giản, đất vùng này đá rất nhiều, nếu không nhặt đi thì khó trồng trọt. Và chú ước ao mình sẽ biến miếng đất lóc chóc sỏi đá này thành một nương rẫy phì nhiêu như cánh đồng dưới chân núi kia. Chính vì vậy suốt ngày, kể cả những đêm trăng chú Trọng một mình cùi cũi cuốc đá gánh gồng đắp thành. Từng tí một hết ngày này tới ngày kia, chỗ đất nào nhặt sạch đá là chú trồng trọt hoa màu liền. Nhìn những vạt đất được phủ dần màu xanh, chú Trọng rất mừng nhưng thiên nhiên thật khắc nghiệt, nhặt bới hết đá nhỏ thì lòi đá lớn, có hòn to như quả bí ngô, bí đao phải vần chứ không vác được.
Với gia đình, tưởng chú chỉ nhặt đá một chút rồi lo phát rẫy trồng trọt, vợ chú Trọng nén chịu đựng đi hái cỏ tranh, quả sa nhân bán lấy gạo nuôi chồng nhưng thấy chồng say nhặt đá đắp thành quá, mùa vụ chẳng được gì, người vợ bực lắm. Có lúc không muốn làm với ông "đắp đá vá trời" này nữa, song nghĩ lại, người vợ lại càng thương chồng hơn. Đứa con trai nhỏ của chú Trọng tên Nguyễn Trọng Trí cũng ra giúp bố vác đá đắp thành.
Bây giờ, sau 16 năm vác đá đắp thành, chú Trọng đã có được một trang trại rộng 3,8 héc-ta xanh rờn hoa màu, cây trái như xoài, mận, ngô, đậu, dưa,… mùa nào thức ấy. Chú đã mua được máy công cụ làm đất, hai con bò. Tất nhiên vẫn còn khó khăn nhưng việc làm của chú Trọng thực sự làm cho mọi người kính nể vì nghị lực và sự kiên trì phi thường của mình. Suốt 16 năm qua, chú Trọng đã lập một kỉ lục có một không hai : đào vác gần 1000 tấn đá, đắp thành đá dài 800 mét, với chiều cao trung bình 1,5 mét, rộng đáy 2,5 mét, mặt thành rộng 1,5 mét.
Bước vào trang trại của chú Trọng, ấn tượng nhất vẫn là bốn phía tường thành đá dựng. Mùa này, khi mưa xuống, những dây khoai từ, khoai mỡ cùng dây đậu biếc bò xanh rờn nở hoa tím ngắt. Miền đất hồi sinh từ bàn tay con người. Một nông dân hiền lành nhưng đầy ý chí hơn người.
(Lê Đức Dương)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
Câu 1. Tại sao nhiều người thấy việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là "điên"?
a. Vì họ cho rằng chú là kẻ rỗi hơi.
b. Vì họ biết đó là công việc vô cùng khó khăn, nặng nhọc.
c. Vì công việc đó nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.
Câu 2. Tại sao chú Trọng lại làm công việc này ?
a. Vì được trả lương cao.
b. Vì được khen thưởng.
c. Vì mong có đất trồng trọt.
Câu 3. Tại sao tác giả có thể viết : "Miền đất hồi sinh từ bàn tay con người." ?
a. Bởi vì nhờ sự kiên trì nhặt đá của chú Trọng, mảnh đất sỏi đá này đã được sống lại, biến thành trang trại xanh rờn hoa màu.
b. Bởi vì miền đất khô cằn này đã được chú Trọng khôi phục lại vị trí trong bản đồ.
c. Bởi vì mảnh đất này nay đã không còn bom đạn sót lại từ thời chiến tranh.
Câu 4. Điều quan trọng nhất để giúp chú Trọng thành công là gì ?
a. Có sức khoẻ.
b. Được cả gia đình hết lòng ủng hộ.
c. Có nghị lực và sự kiên trì phi thường để theo đuổi mục đích của mình.
Câu 5. Câu nào phù hợp nhất với nội dung câu chuyện ?
a. Ai ơi đã quyết thì hành
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi.
b. Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá củng thành cơm.
c. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1. Từ khắc nghiệt trong câu : "Thiên nhiên thật khắc nghiệt." có thể thay thế bằng những từ nào ?
a. Cay nghiệt
b. Nghiệt ngã
c. Khủng khiếp
Câu 2. Tìm các cặp quan hệ từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong mỗi câu dưới đây :
a) ... nghị lực của mình... chú Trọng đã biến vùng đất sỏi đá thành một trang trại màu mỡ.
b) … chú Trọng không có ý chí, nghị lực... chú sẽ không thành công.
c) Chú Trọng là một nông dân bình thường... có ý chí và nghị lực hơn người.
Câu 3. Chỉ ra quan hệ từ dùng sai trong các câu sau và chữa lại cho đúng.
a) Vùng đất này khó trồng trọt nên có nhiều sỏi đá.
b) Tuy không nhặt đá đắp thành thì chú không có đất trồng trọt.
c) Vì công việc khó nhọc nhưng chú vẫn kiên trì theo đuổi.
Câu 4. Dấu ngoặc kép trong câu Ban đầu nhiều người thấy việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là "điên" có ý nghĩa gì ?
a. Đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.
b. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
c. Đánh dấu ý nghĩ của nhân vật.
Câu 5. Câu : "Mùa này, khi mưa xuống, những dây khoai từ, khoai mỡ cùng dây đậu biếc bò xanh rờn nở hoa tím ngắt." có mấy trạng ngữ ?
a. Một trạng ngữ.
b. Hai trạng ngữ.
c. Ba trạng ngữ.
Câu 6. Dấu hai chấm trong câu : "Suốt 16 năm qua, chú Trọng đã lập một kỉ lục có một không hai : đào vác gần 1000 tấn đá, đắp thành đá dài 800 mét, với chiều cao trung bình 1,5 mét, rộng đáy 2,5 mét, mặt thành rộng 1,5 mét." có tác dụng gì ?
a. Báo hiệu những từ ngữ đứng sau dấu hai chấm là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
b. Báo hiệu những từ ngữ đứng sau dấu hai chấm là lời nói trực tiếp của nhân vật.
c. Cả hai ý trên.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Viết một đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em về việc làm của chú Trọng.
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1. Dựa vào những hình ảnh "... suốt ngày, kể cả những đêm trăng chú Trọng một mình cùi cũi cuốc đá gánh gồng đắp thành... nhặt bới hết đá nhỏ thì lòi đá lón, có hòn to như quả bí ngô, bí đao phải vần chứ không vác được.", em hãy viết đoạn văn tả cảnh chú Trọng nhặt đá đắp thành.
Đề 2. Viết đoạn văn giới thiệu về một tấm gương cải tạo hoặc bảo vệ môi trường mà em biết.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 |
b | c | a | c | b |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1. - b, c.
Câu 2.
a) Nhờ... mà…;
b) Nếu... thì… ;
c) nhưng.
Câu 3.
a) nên thay bằng vì ;
b) tuy thay bằng nếu ;
c) vì thay bằng tuy.
Câu 4 | Câu 5 | Câu 6 |
a | b | a |
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Tham khảo : Ai đó nói rằng việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là "điên". Với riêng tôi, việc làm của chú thật đáng khâm phục. Tôi khâm phục chú từ ý tưởng nhặt đá để mong có đất trồng trọt, ước mơ biến mảnh đất đầy sỏi đá lởm chởm thành nương rẫy phì nhiêu. Tôi khâm phục sự chăm chỉ, cần mẫn của chú bởi đó không phải là việc làm ngày một ngày hai mà kéo dài đằng đẵng mười sáu năm trời. Tôi kính phục chú - một người nông dân bình thường, hiền lành nhưng đầy nghị lực và kiên trì. Nếu có ai đó hỏi tôi : "Bạn có suy nghĩ gì về việc làm của chú Trọng ?", tôi xin nói rằng : "Chú Trọng là tấm gương sáng về nghị lực và sự kiên trì để bạn và tôi học tập".
(Theo Phạm Thị Thu Huyền)
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề bài 1
Tham khảo : Ấn tượng đẹp đẽ trong tôi là hình ảnh chú Trọng làm việc dưới đêm trăng. Khi mặt trăng từ từ đi qua đỉnh ngọn tre đầu làng, ban phát ánh sáng cho vạn vật, tôi đã nhìn thấy chú. Chú bước ra mảnh đất phía sau nhà, với tay cầm chiếc cuốc dựng bên bờ đá và bắt đầu làm việc. Một viên, hai viên,…hết đá nhỏ lại trồi lên những hòn đá lớn. Một mình chú cùi cũi bới đá, khuân vác để vào sọt. Khi đầy hai sọt, chú ghé vai gánh chuyển đi. Đòn gánh cong oằn vì sức nặng. Tôi thấy đôi vai chú chùng xuống, từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thấm đẫm lưng áo chú. Có những hòn đá to như quả bí ngô, bí đao, không vác được, chú phải vần từng tí, từng tí một. Lớn lên chút nữa tôi mới hiểu hơn công việc của chú. Nhìn bức tường ngày một dài và cao thêm, tôi rất cảm phục chú. Tôi tin chắc chú sẽ thành công và thầm cầu nguyện cho ước mơ của chú sớm thành hiện thực.
Đề bài 2
Tham khảo: Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ ở các thành phố lớn mà nhiều vùng nông thôn cũng đang ở mức báo động. Nhiều nơi, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành nỗi bức xúc của người dân. Nguyên nhân là do việc xử lý chất thải còn nhiều bất cập, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chặt phá rừng, khai thác cát trái phép…làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Công tác quy hoạch, thu gom, xử lý rác thải ở nhiều địa phương, nhất là ở các xã nơi dân cư thưa thớt còn nhiều khó khăn, vì chưa đủ nhân lực, kinh phí để triển khai thực hiện đồng bộ, cũng như ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao. Song ở Thăng Bình có chị Nguyễn Thị Ba trú tại thôn 6, xã Bình Dương đã tự nguyện làm công tác thu gom rác thải, góp phần làm sạch môi trường nông thôn cho thôn 6- thôn có số dân đông và diện tích rộng nhất xã Bình Dương.