Đề số 1 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 2 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 3 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 4 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 5 - Đề thi học kì 1 - Tiếng Việt 5
Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Chuyện một khu vườn nhỏ (Trang 102 – TV5/T1)
2. Tiếng vọng (Trang 108 – TV5/T1)
3. Hành trình của bầy ong (Trang 117 – TV5/T1)
4. Người gác rừng tí hon (Trang 124 – TV5/T1)
5. Chuỗi ngọc lam (Trang 134 – TV5/T1)
6. Buôn Chư Lênh đón cô giáo (Trang 144 – TV5/T1)
7. Thầy cúng đi viện (Trang 158 – TV5/T1)
8. Ca dao về lao động sản xuất (Trang 168 – TV5/T1)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
SAU TRẬN MƯA RÀO
Một giờ sau cơn dông, người ta hầu như không nhận thấy trời hè vừa ủ dột. Mùa hè, mặt đất cũng chóng khô như đôi má em bé.
Không gì đẹp bằng cây lá vừa tắm mưa xong, đang được mặt trời lau ráo, lúc ấy trông nó vừa tươi mát, vừa ấm áp... Khóm cây, luống cảnh trao đổi hương thơm và tia sáng. Trong tán lá, mấy cây sung và chích choè huyên náo, chim sẻ tung hoành, gõ kiến leo dọc thân cây dẻ, mổ lách cách trên vỏ. Hoa cẩm chướng có mùi thơm nồng nồng. Ánh sáng mạ vàng những đoá hoa kim hương, vô số bướm chập chờn trông như những tia sáng lập loè của đoá đèn hoa ấy.
Cây cỏ vừa tắm gội xong, trăm thức nhung gấm, bạc, vàng bày lên trên cánh hoa không một tí bụi. Thật là giàu sang mà cũng thật là trinh bạch, cảnh vườn là cảnh vắng lặng dung hoà với nghìn thứ âm nhạc, có chim gù, có ong vo ve, có gió hồi hộp dưới lá.
(Vích-to Huy-gô)
1. Mùa hè, sau trận mưa rào, mặt đất được so sánh với gì? (0.5 điểm)
A. Đôi má em bé
B. Đôi môi em bé
C. Mái tóc em bé
D. Đôi mắt em bé
2. Điều gì đã khiến cây lá vừa tắm mưa xong lại như được ai lau ráo? (0.5 điểm)
A. Con người
B. Áng mây
C. Chim chóc
D. Mặt trời
3. Trong bài đọc, tác giả nói đến mấy loài chim? (0.5 điểm)
A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn
4. Trong bài có mấy hình ảnh so sánh? (0.5 điểm)
A. Một hình ảnh
B. Hai hình ảnh
C. Ba hình ảnh
D. Bốn hình ảnh
5. Trong các dòng sau đây, dòng nào có chứa các sự vật xuất hiện trong bài đọc? (0.5 điểm)
A. chích chòe, hoa cẩm chưởng, ong, gió, mặt trời, chuồn chuồn.
B. Hoa trinh nữ, chích chòe, bướm, đóa kim hương, hoa mặt trời
C. Gõ kiến, cây sung, ong, gió, mặt trời, hoa cẩm chướng, hoa kim hương, bướm
D. Mặt trời, áng mây, chích chòa, chim sẻ, gõ kiến, hoa cẩm chướng, chuồn chuồn, cây sung
6. Dòng nào nêu đúng nhất nội dung của bài đọc? (0.5 điểm)
A. Tả khu vườn sau trận mưa rào
B. Tả vẻ đẹp tươi mát, rực rỡ của cảnh vật sau trận mưa rào
C. Tả bầu trời và mặt đất sau trận mưa rào
D. Tả sự huyên náo của các loài chim sau cơn mưa rào
7. Xếp các từ sau thành ba nhóm từ đồng nghĩa: Phân vân, se sẽ, quyến luyến, do dự, nhè nhẹ, quấn quýt. (1 điểm)
Nhóm 1:
Nhóm 2:
Nhóm 3:
8. Em hãy đặt một câu có cặp từ trái nghĩa khô héo – tươi mát nói về cây cối trước và sau cơn mưa. (1 điểm)
9. Đặt câu mang nghĩa gốc và nghĩa chuyển với từ “đi” (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Hành trình của bầy ong
Bầy ong rong ruổi trăm miền
Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa.
Nối rừng hoang với biển xa
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.
(Nếu hoa có ở trời cao
Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm)
Chắt trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay.
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Hãy tả hình dáng, tính tình một cô (chú, bác) trong khu phố (hoặc thôn xóm) nơi em được mọi người yêu mến.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) A. Đôi má em bé
2. (0.5 điểm) D. Mặt trời
3. (0.5 điểm) C. Ba
4. (0.5 điểm) C. Ba hình ảnh
5. (0.5 điểm) C. Gõ kiến, cây sung, ong, gió, mặt trời, hoa cẩm chướng, hoa kim hương, bướm
6. (0.5 điểm) B. Tả vẻ đẹp tươi mát, rực rỡ của cảnh vật sau trận mưa rào
7. (1 điểm)
- Nhóm 1: phân vân, do dự
- Nhóm 2: se sẽ, nhè nhẹ
- Nhóm 3: quyến luyến, quấn quýt
8. (1 điểm)
Sau cơn mưa, cây cối đã tràn đầy vẻ tươi mát, không còn khô héo như ngày hôm qua.
9. (1 điểm)
- Nghĩa gốc: Bé đi trên sân trường.
- Nghĩa chuyển: Nam vừa đi một nước cờ mạo hiểm.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung:
A. Mở bài (0.75 điểm)
Giới thiệu về người được tả
B. Thân bài (2.5 điểm)
- Tả hình dáng của người được tả.
- Tả tính tình của người được tả
C. Kết bài (0.75 điểm)
Tình cảm của em đối với người được tả.
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Cạnh nhà em có bác hàng xóm tốt bụng tên là bác Thanh. Nhà bác ở sát nhà em luôn, chỉ cách có một bức tường làm hàng rào thôi.
Bác Thanh năm nay đã 55 tuổi, bác nhiều hơn bố em 7 tuổi. Dáng bác cao, lại dong dỏng gầy gầy nhưng nhìn bác rất khẻo mạnh và rắn chắc nữa. Mái tóc đen được cắt ngắn để lộ khuôn mặt hình chữ điền phúc hậu của bác. Đôi mắt đen nhánh lại rất sáng nhưng có in hằn nhiều vết chân chim bởi sự vất vả cực nhọc của một người nông dân. Mỗi khi bác ấy làm việc thì không ai có thể chê trách được, bác làm gì cũng rất nhanh nhẹn và tháo vát nữa. Em hay trèo tường sang nhà bác chơi với con trai bác, vì hai chúng em cùng tuổi, lại học cùng lớp nên chơi rất thân. Có hôm mải chơi, em quên cả giờ ăn cơm, bác đi làm về thấy vậy liền bảo em ở lại ăn cơm cùng luôn. Vì hai đứa học cùng lớp nên mỗi lần đi học em cũng được bác chở đi luôn, hôm trời nắng cũng như trời mưa bác đều đến đúng giờ để chở bọn em về.
Bác Thanh là người sống rất mẫu mực. Xóm em ai cũng nể bác, người lớn và trẻ nhỏ đều thích gần gũi và trò chuyện với bác. Bác chỉ dạy chúng em rất nhiều bài học trong cuộc sống. Hơn nữa bác lại còn là một người rất vui tính. Bác hay kể chuyện cười cho lũ trẻ chúng em nghe. Mỗi tối cuối tuần lại tụ tập bà con trong xóm tới nhà bác, cùng nhau biểu diễn và thưởng thức văn nghệ.
Bác rất thương em, lại hay mua kẹo cho em nữa. Mọi người xung quanh đều quý bác ấy vì bác ấy vừa hiền lành lại vừa tốt bụng. Em coi bác ấy như một người bố thứ hai, có chuyện gì em cũng hay kể cho bác ấy nghe hết.