Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Mẹ đưa con đi thi
Cơm nắm
Khẩu trang
Mũ trùm đầu kín mít
Đường quá đông, còi xe vang như thét
Khó đi hơn cả đường cày
Con ơi, còn “phen” này
Thoát khỏi ách đồng lầm ruộng ngấu
Thoát khỏi cảnh gặt lúa đêm tránh nắng
Cầm tay mẹ nào, làm bài cố nhé con!
Cha đưa con đi thi
Áo nhàu
Da sạm
Lưng giắt thêm cái điếu cày
Con ơi, cả nhà chỉ trông vào mày
Đừng lo lắng, lúa ngoài đồng đã bán
Đủ tiền tàu xe, đủ cơm ngày ba bữa
Còn “đận” này, làm bài cố nhé con!
Nắng nóng héo hon
Mặt đường bê tông bóng rát
Vạ vật bên đường chờ làn gió mát
Chờ con tan thi, phấp phỏng nụ cười
Con làm bài
Mệt nhoài
Khó nhọc
Cos với sin quay cuồng trong lồng ngực
Áp lực đổi đời oằn trĩu những giọng văn…
Thương biết bao giọt nước mắt những người cha
Và xót xa giọt mồ hôi những mẹ quê lam lũ
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
(Thơ Đỗ Nhật Nam, Dẫn theo Báo Dân Việt, thứ 6, ngày 03/07/2015)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.
Câu 2. Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3. Theo anh/chị, mong muốn của cha, của mẹ, của con trong kì thi là gì?
Câu 4. Anh/chị nhận ra thông điệp gì cho bản thân qua câu hỏi mà tác giả đặt ra ở cuối bài thơ. (Trình bày từ 5 đến 7 dòng):
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ khát vọng của người con trong bài thơ thuộc phần đọc hiểu đã nêu trên, là học sinh anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Hãy sống có khát vọng.
Câu 2. (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, tr118)
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt chính đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
*Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý
* Cách giải:
- Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh: "Áo nhàu", "da sạm", "lưng giắt thêm cái điếu cày", "vạ vật bên đường chờ làn gió mát".
Câu 3:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
- Mong muốn của cha mẹ, của con trong kỳ thi: Sẽ đỗ được vào trường đại học, tìm kiếm một con đường đổi đời.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, bình luận
* Cách giải:
- Thông điệp: Cuộc đời có nhiều lối đi, không phải cứ vào đại học mới là lựa chọn tốt nhất.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ.
- Sống có khát vọng là sống có ước mơ, biết hành động và luôn hướng tới những điều tốt đẹp.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao con người cần sống có khát vọng:
+ Khát vọng thúc đẩy con người cố gắng, là động lực giúp con người vượt qua những khó khăn, bất lợi trong cuộc sống.
+ Có khát vọng mới biết sống một cuộc đời có ý nghĩa.
- Nếu không có khát vọng, con người sẽ trở nên lãnh cảm với cuộc đời của mình và cuộc sống xung quanh.
- Khát vọng khác với tham vọng. Người tham vọng sẽ bất chấp mọi giá để đạt được mục đích của mình.
- Phê phán những người sống không có khát vọng.
* Liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ ông có sức hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước.
- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm bị chiếm miền Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đoạn trích Đất Nước thuộc chương V của bản trường ca.
2. Phân tích
- Đất Nước đã có từ rất lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết cổ tích xa xưa mà mỗi chúng ta đều được nghe kể trong suốt thời thơ ấu
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa, ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
+ Đó là sự tích trầu cau thấm đượm tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em
+ Đó là truyền thuyết Thánh Gióng nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh đuổi giặc Ân
- Đất nước đã có từ rất lâu đời gắn liền với những thuần phong mỹ tục:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
+ Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng búi tóc thành cuộn sau gáy là một trong những nét văn hóa đặc thù
+ Lối sống coi trọng nghĩa tình, hôn nhân đậm bền khi trải qua những thử thách “gừng cay muối mặn”.
- Đất nước đã có từ rất lâu trong tiến trình phát triển của cuộc sống đời thường:
+ Dựng nhà: "Cái kèo, cái cột thành tên"
+ Nền văn minh nông nghiệp:
"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng:"
→ Đoạn thơ mở đầu Nguyễn Khoa Điềm nhẹ nhàng ghi khắc vào lòng ta: "Đất nước có từ ngày đó...", "Ngày đó" là ngày đất nước ta có phong tục, truyền thống, có văn hóa được tạo dựng trong một khoảng thời gian lâu dài.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.