Đề bài
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(1) “Tết không chỉ là ở “ở nhà”, mà còn là “về nhà”. Người ta về là ngôi nhà ở quê xa, thăm cha thăm mẹ thăm cánh đồng đã lâu mình không thấy trải dài trong mắt. Người ta ghé nhà ông bà, thắp nén hương cho người thân đã mất, ôm lấy và ủi an người thân còn đó, cho họ biết dù mình bôn ba nơi nào vẫn còn có họ trong lòng. Người ta về qua gia đình cô, chú, dì, cháu… Về hết những “ngôi nhà” có dòng máu ruột rà đang chảy ấm thân.
(2) Thời gian ở nhà ngày Tết còn trở về trong ký ức tôi với nồi thịt kho của mẹ, món ăn này đủ sức gợi nhớ cả một trời Xuân. Chưa hết, là tự tay dọn dẹp căn phòng với những gì đã cũ. Tự tay mình quét sơn tường, sơn cửa. Một chút chăm sóc tỉa tót cho chậu mai quanh năm chờ đợi một thời khắc bừng dậy huy hoàng… Chỉ cần là “ở nhà”, lúc nào cũng có rất nhiều thứ để làm trong ngày Tết.
(3) Tôi có những người bạn xa quê, họ đến một miền đất xa xôi ở bên kia nửa vòng trái đất. Những ngày Tết ở nước ngoài họ vẫn đón mừng đúng theo phong tục của người Việt, nhưng sâu thẳm trong tim họ vẫn muốn được hưởng không khí đó ở Việt Nam. “Nhà” không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương…
(4) Đến cuối cùng, “ở nhà” ngày Tết không xác định bằng việc bạn sẽ ở yên trong ngôi nhà của mình, mà xác định bằng việc bạn nghĩ về ai trong trái tim. Có thể rất nhiều người sẽ không may mắn được hạnh phúc đón xuân bên gia đình, có thể nhiều người còn ở tít nơi nào xa xôi trên trái đất, có thể rất nhiều người không còn người thân để quay về nữa… Nhưng chỉ cần bạn thấy nôn nao trong lòng, thấy muốn được yêu thương, hồi tưởng, trở về.
(5) Đó! Đó chính là “ở nhà”, đó chính là mùa Xuân…”
(Theo Mỉm cười cho qua, NXB Trẻ, 2015, trang 169 – 171)
Câu 1 (0,5 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và đặt nhan đề cho văn bản?
Câu 2 (0,5 điểm): Nhân vật tôi quan niệm “ở nhà ngày Tết” như thế nào?
Câu 3 (1 điểm): Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (2) của văn bản và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Câu 4 (1 điểm): Thông điệp có ý nghĩa nhất trong văn bản là gì?
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: " “Nhà” không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương".
Câu 2 (5 điểm):
Phân tích đoạn văn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh để cho thấy sự thống nhất chặt chẽ giữa đối tượng, mục đích sáng tác với nội dung, hình thức của tác phẩm:
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
(Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh Dẫn theo Ngữ văn 12, tập 1)
Lời giải chi tiết
I. Đọc hiểu
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
Căn cứ vào nội dung văn bản.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt:
- Nhan đề văn bản: Tết “ở nhà”, Tết yêu thương, Tết ý nghĩa.
Câu 2:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý
* Cách giải:
Nhân vật Tôi quan niệm “ở nhà ngày Tết”:
- Về nhà thăm cha mẹ, người thân, thắp nén hương cho người thân đã mất.
- Làm việc nhà trong ngày Tết, thưởng thức những món mẹ nấu trong ngày Tết.
- Nghĩ về ai đó trong trái tim.
Câu 3:
* Phương pháp: Căn cứ vào bài điệp từ đã học
* Cách giải:
- Điệp từ: "tự tay"
- Tác dụng: nhấn mạnh sự tỉ mẩn của người làm công việc và thái độ trân trọng của họ dành cho công việc đó. Đồng thời qua đó thấy được sự quan trọng của ngày Tết “ở nhà”.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, bình luận
* Cách giải:
- Thông điệp có ý nghĩa nhất: Dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hãy dành thời gian khi Tết đến xuân về để trở về bên gia đình, bên người thân chung vui.
II. Làm văn
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- "Nhà": là nơi tập hợp những người có quan hệ cùng huyết thống.
- “Nhà không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương" nghĩa là nhà không chỉ gắn với những người thân yêu của ta mà còn gắn bó với cả mảnh đất ta được sinh ra và nuôi lớn, gắn với xóm làng, ruộng đồng.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao “Nhà không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương"?
+ Mỗi người được sinh ra trong một gia đình nhưng lại lớn lên và tồn tại, gắn bó trong một mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ, cộng đồng đó chính là quê hương.
+ Mọi tục lệ trong nhà đều có sự bắt nguồn từ quê hương. Vì vậy quê hương chính là một phần máu thịt của con người.
+ Tình yêu gia đình là nền tảng của tình yêu quê hương. Mấy ai đi xa nhớ nhà mà lại không nhớ những đặc trưng riêng của vùng miền mình được sinh ra và được nuôi lớn.
- Mỗi người cần làm phải luôn dành tình cảm cho gia đình, quê hương mình, trân trọng nơi mình được sinh ra và được nuôi dạy tử tế nên người.
- Phê phán những người thơ ơ với gia đình, với quê hương.
* Bài học liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Bên cạnh sự nghiệp chính trị to lớn, Người còn để lại một di sản văn học vô cùng phong phú.
- Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Người, đồng thời kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của dân tộc ta.
- Đoạn trích mở đầu tác phẩm là một trong những đoạn trích tiêu biểu, thể hiện được cả tinh thần của bản Tuyên ngôn với lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc,...
2. Phân tích
* Hoàn cảnh sáng tác:
- Ngày 19/08/1945, chính quyền Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 26/08/1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn Tuyên ngôn Độc lập.
- Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Tuyên ngôn Độc lập ra đời trong một tình thế vô cùng cấp bách: nền độc lập vừa mời giành được bị đe dọa bởi các thế lực phản động, bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta: tiến vào từ phía Bắc là quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, đằng sau là đế quốc Mỹ; tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, đằng sau là lính viễn chinh Pháp.
- Lúc này thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp.
* Phân tích đoạn trích: Đoạn trích nêu lên cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn Độc lập.
- Mở đầu bản tuyên ngôn của nước Việt Nam, Bác đã trích dẫn lời trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp:
+ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”
+ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”
- Từ đó, Bác khẳng định quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân; khẳng định đó là những quyền hiển nhiên, tất yếu và bất khả xâm phạm “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”
- Từ quyền tự do và bình đẳng của con người, Bác đã suy rộng ra "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Như vậy, Bác đã nâng quyền con người, quyền cá nhân thành quyền dân tộc.
→ Ý nghĩa của việc trích dẫn:
- Để đảm bảo yêu cầu của một bài văn nghị luận thuyết phục - nghĩa là cách lập luận và lý lẽ phải được triển khai từ một tiền đề có giá trị như một chân lý không ai chối cãi được. Tiền đề được đưa ra ở đây chính là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người.
- Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời: thực dân Pháp đang âm mưu trở lại nước ta, đế quốc Mỹ cũng đang bộc lộ rõ ý đồ xâm lược, ta sẽ thấy việc trích dẫn còn mang một ý nghĩa nhắc nhở, cảnh tỉnh: nếu Pháp và Mỹ xâm phạm quyền tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam thì có nghĩa đã phản bác lại chính cha ông tổ tiên của mình. Ở đây, với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” mạnh mẽ, dứt khoát, Người đã khiến kẻ thù không thể chối cãi, không thể chống đỡ được.
- Ngầm ý đặt ba cuộc cách mạng của nhân loại ngang bằng nhau, đưa dân tộc ta bước lên vũ đài chính trị thế giới, sánh vai với các cường quốc. Hơn thế, cách mạng Việt Nam đã cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ của cả hai cuộc cách mạng Pháp và Mỹ.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.