Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.
Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.
(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2015)
Câu 1: (0,5 điểm)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2: (0,75 điểm)
Từ “cháy” trong câu cuối cùng của ngữ liệu trên cần hiểu như thế nào? Từ “cháy” đó được chuyển nghĩa theo phương thức nào?
Câu 3: (0,75 điểm)
Anh/chị hiểu như thế nào về câu "Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity)"?
Câu 4: (1,0 điểm)
Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Hãy tha thứ cho chính mình.
Câu 2: (5,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây trong đoạn thơ sau:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Quang Dũng, Tây Tiến, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
- Cháy hết mình, “cháy” được hiểu là con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.
- Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
Câu 3:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
- Câu nói đó được hiểu như sau: Với những người tích cực, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội tốt trong những cái nguy nan.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
- Học sinh có thể tự đưa ra thông điệp có ý nghĩa với mình qua đoạn trích.
- Có thể đó thông điệp: Hãy luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất có thể.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Tha thứ là tha cho, bỏ qua cho, không trách cứ hoặc trừng phạt nữa.
- Hãy tha thứ cho chính mình: Hãy bỏ qua, không trừng phạt bản thân mình nữa trước một điều không hay đã xảy ra.
* Tại sao con người cần phải tha thứ cho chính mình?
- Tha thứ là cách giúp con người giải thoát khỏi những uất ức trong lòng
- Cuộc sống là một dòng chảy liên tục, ta không nên chỉ nhìn vào quá khứ, vào lỗi lầm đã qua
- Khi biết tha thứ cho mình, con người mới nhìn được nhiều hướng khác nhau trong cuộc sống và biết tha thứ cảm thông với người khác.
- Làm thế nào để học được cách tha thứ cho chính mình?
+ Mỗi người cần phải biết tự yêu thương và trân trọng mình
+ Mỗi người cần hiểu rõ con người luôn luôn vận động, tại mỗi thời điểm có thể có những quyết định khác nhau và dù thế nào cũng là quyết định của mình tại thời điểm đó
- Phê phán những người quá khắt khe với bản thân
* Liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Quang Dũng
- Giới thiệu bài thơ Tây Tiến
2. Thân Bài
- Hai dòng thơ đầu: Nỗi nhớ bao trùm, mạch cảm hứng chủ đạo của bài thơ
+ “Sông Mã”, “Tây Tiến” đều như trở thành những người thân thương ruột thịt mà Quang Dũng dành trọn tình cảm nhớ thương.
+ “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ lạ lùng của những người lính từ phố thị.
→ Núi rừng Tây Bắc đã khắc vào tâm hồn của họ những kỷ niệm không bao giờ quên, đồng thời cũng là nỗi trống trải lạc lõng trong lòng tác giả.
- Hai câu thơ tiếp:
+ “Sài Khao”, “Mường Lát” là những địa danh gợi nhắc về địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến, mở rộng sang các không gian khác trong bài thơ.
+ Nỗi nhớ ở đây dường như dàn trải khắp vùng không gian rộng lớn, mỗi một nơi bước chân tác giả đi qua, ông đều dành những tình cảm yêu thương đặc biệt, trở thành kỷ niệm khắc sâu trong lòng.
+ Những kỷ niệm nhỏ như sự “mỏi” sau chặng hành quân, ngọn đuốc hoa bập bùng trong đêm tối đều chứng minh nỗi nhớ lớn lao của tác giả.
- Bốn câu thơ tiếp “Dốc… xa khơi”:
+ Gợi sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, sự vất vả và những nỗ lực kiên cường của người lính chiến khi hành quân.
+ “Súng ngửi trời” là hình ảnh nhân hóa thú vị, thể hiện tâm hồn lãng mạn, hồn nhiên và hài hước của người lính chiến trong gian khổ.
+ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là vẻ đẹp của sự sống, sự thi vị lãng mạn giữa núi rừng hoang vu, gợi sự bình yên, chốn dừng chân cho người lính.
- Hai câu thơ “Anh bạn… quên đời”:
+ Sự hy sinh cao cả của người lính chiến, tư thế hiên ngang, oai hùng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.
+ Niềm xót xa cùng với sự cảm phục tinh thần hy sinh của Quang Dũng dành cho đồng đội.
- Bốn câu kết đoạn: “Chiều chiều… nếp xôi”
+ Vẻ oai linh, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với kết cấu thơ tân kỳ, dùng động từ mạnh, thêm vào đó là sự nguy hiểm rình rập nơi rừng thiêng nước độc của ác thú.
+ Sự bừng tỉnh khỏi kỷ niệm của tác giả, quay về hiện thực với nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn, nhớ tình quân dân ấm nồng với nắm xôi, hương lửa những ngày còn chiến đấu.
3. Kết Bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
ĐỀ THI HỌC KÌ 2 MỚI NHẤT CÓ LỜI GIẢI
Chương 4. Polime và vật liệu polime
Bài 21. Đặc điểm nền nông nghiệp nước ta
CHƯƠNG VI. SÓNG ÁNH SÁNG
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Giáo dục công dân lớp 12