Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mới đây, các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.
Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.
Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ em được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhiều nhất trong nhóm bạn.
Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.
Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.
(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn,
Theo http://dantri.com.vn ngày 12/8/2016)
Câu 1. Xác định câu nêu ý khái quát của đoạn trích.
Câu 2. Anh (chị) hiểu ý kiến sau như thế nào: Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Câu 3. Dựa vào đoạn trích để giải thích vì sao có thể nói: Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.
Câu 4. Từ đoạn trích, anh (chị) hãy rút ra bài học cho bản thân.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu trong đoạn trích (phần I): Hiện tại việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau, trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng bên dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Đọc, phân tích, tìm ý
* Cách giải:
Câu văn nêu ý khái quát của toàn đoạn trích: Mới đây, các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.
Câu 2:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá có thể được hiểu: việc đọc đó cần được nâng niu, giữ gìn và nó là điều vô cùng quý giá.
Câu 3:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Có thể nói: Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng” vì:
- Không có thói quen đọc nghiêm túc, thiếu chú tâm, không thực sự chìm lắng vào thế giới của văn học khiến con người thiếu đi sự nhạy bén, thông minh; không có khả năng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ; không có khả năng nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống từ nhiều góc độ.
- Việc thiếu thói quen đọc sách nghiêm túc khiến con người không biết cách ứng xử ôn hòa, thân thiện; thậm chí không được yêu thương.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Học sinh tự rút ra bài học cho mình. Đó có thể là các bài học sau đây:
- Cần hình thành thói quen đọc sách văn học
- Rèn luyện cách đọc nghiêm túc, chú tâm, thực sự chìm lắng vào thế giới văn học
- Tránh đọc sách theo kiểu "mì ăn liền" vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc.
- .....
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Hiện tại việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại: thực trạng của việc đọc sách hiện nay.
* Phân tích và bàn luận vấn đề
- Thực trạng:
+ Thói quen đọc sách trong xã hội hiện nay ngày càng giảm.
+ Sách văn học ít được lựa chọn để đọc, nhất là trong giới trẻ hiện nay
- Nguyên nhân:
+ Do sự phát triển của mạng xã hội, con người dễ tìm kiếm thông tin hơn nên ít có nhu cầu tìm đọc sách, nhất là sách văn học.
+ Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều mối bận tâm khác nên nhu cầu đọc sách văn học cũng giảm sút.
+ Một phần nữa là do thị trường sách tràn lan, con người khó chọn lựa cho mình được thể loại phù hợp.
- Giải pháp:
+ Mỗi người cần phải tự xây dựng cho mình một thói quen đọc sách.
+ Mỗi người cần tìm kiếm xem mình thích đọc thể loại văn học nào
+ Các cơ quan tổ chức như trường học, cơ sở làm việc cần tổ chức các buổi chia sẻ về sách để mọi người có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về những cuốn sách mình đã đọc. Điều đó sẽ thúc đẩy mọi người liên tục tìm kiếm sách hay để đọc…
* Liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Đường Cách mạng, đường thơ Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam.
- Tập thơ Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc của văn học những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Tập thơ là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và thắng lợi của dân tộc.
2. Phân tích đoạn thơ trên
* 4 câu thơ đầu:
- Giống như những khúc hát giã bạn "người ơi người ở đừng về" trong đêm hội, ở đây người cất lên tiếng nói đầu tiên trong cuộc chia tay là người ở lại.
- Điệp từ "nhớ" luyến láy trong cấu trúc câu hỏi đồng dạng “Mình về mình có nhớ ta?… Mình về mình có nhớ không?”
- Kỉ niệm đầu tiên được nhắc nhớ là:
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
+ "Mười lăm năm ấy" vừa là chi tiết thực vừa là chi tiết gợi cảm:
Thực vì đó là khoảng thời gian Việt Bắc đã làm tròn sứ mệnh của một căn cứ địa cách mạng vững chắc. Gợi cảm vì nó gợi ra chiều dài gắn bó thương nhớ vô vàn, mang dáng dấp của câu thơ Kiều:
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
+ "Thiết tha mặn nồng" vì tình nghĩa người đi kẻ ở được trải nghiệm qua thời gian.
- Kỉ niệm thứ hai được gợi lại là:
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
+ Tác giả đã tái hiện một không gian Việt Bắc - nơi ta với mình từng gắn bó, với đầy đủ "cây", "núi", "sông", "nguồn"
+ Thiên nhiên hiện ra nhuốm màu tâm trạng của con người
* 4 câu thơ còn lại:
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
- Từ láy “tha thiết” là sự luyến láy lại lời ướm hỏi của người Việt Bắc diễn tả sự đồng điệu nhớ nhung, lưu luyến
- Các từ láy liên tiếp "Bâng khuâng, bồn chồn" giàu giá trị gợi cảm, diễn tả trạng thái tâm lý tình cảm hụt hẫng, bịn rịn, luyến tiếc, vương vấn, nhớ thương... đan xen cùng một lúc.
- Hình ảnh "Áo chàm đưa buổi phân ly" là một ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc.
- Hai chữ “phân ly” đã cổ điển hóa cuộc chia tay này, làm cho thời khắc tháng 10/1954 (các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô) vốn đầy màu sắc chính trị trở thành chuyện muôn đời của thi ca.
- Câu thơ "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..." đầy tính chất biểu cảm. Nhịp ngắt phá cách 3/3/2 (thông thường thơ lục bát sử dụng nhịp chẵn để tạo nên sự nhịp nhàng, hài hòa) không chỉ tăng tính nhạc mà còn góp phần thể hiện sự ngập ngừng, nghẹn ngào trong giây phút chia tay.
- Ba dấu chấm lửng đặt cuối câu là một dấu lặng trên khuôn nhạc để tình cảm ngân dài, sâu lắng...
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
CHƯƠNG I. KHÁI NIỆM VỀ HỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU
Đề kiểm tra 45 phút - Chương 3 – Hóa học 12
Unit 13: The 22nd Sea Game - Đông Nam Á Vận Hội Lần Thứ 22
Unit 5. Cultural Identity
CHƯƠNG X. TỪ VI MÔ ĐẾN VĨ MÔ