Đề số 1 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 2 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 3 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 4 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 5 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 6 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 7 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 8 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 9 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 10 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Một vụ đắm tàu (Trang 179 - TV5/ Tập 2)
2. Con gái (Trang 189 - TV5/Tập 2)
3. Thuần phục sư tử (Trang 198 - TV5/Tập 2)
4. Tà áo dài Việt Nam (Trang 207 - TV5/Tập 2)
5. Công việc đầu tiên (Trang 215 - TV5/Tập 2)
6. Út Vịnh (Trang 232 - TV5/Tập 2)
7. Những cánh buồm (Trang 241 - TV5/Tập 2)
8. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Trang 249 -TV5/Tập 2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Chuyện nhỏ trên hè phố
Trưa ấy, tôi gửi xe đạp bên cạnh Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng. Khu vực gửi xe được quy định sẵn, nhưng một người coi xe muốn chiếm chỗ rộng hơn bèn đóng một cái cọc sắt xuống mặt vỉa hè phẳng phiu để chăng thêm dây. Giá như không có tiếng nói của một cậu bé, có lẽ tôi cũng bỏ qua cái chuyện vặt ấy. Nhưng tôi đã phải chú ý. Một cậu bé khuôn mặt sáng sủa, vai đeo cặp, dừng lại nói với người coi xe:
- Sao anh lại đóng cọc trên hè phố, làm hỏng vỉa hè?
Người coi xe phớt lờ câu nói của cậu bé, tiếp tục nện búa chan chát. Mặt hè đang nhẵn nhụi, bỗng bị một lỗ thủng to bằng miệng bát ăn cơm. Từ lỗ thủng đó, ai mà biết được rồi sau sẽ phá to đến đâu.
Cậu bé tiếp tục, giọng ôn tồn:
- Anh không nên đóng cọc trên vỉa hè!
Người coi xe trừng mắt nhìn cậu bé:
- Việc gì đến chú mày ?
Một bà trong nhóm coi xe tiến lại, trịnh trọng:
- Chúng tôi coi xe ở đây, chúng tôi được phép làm thế.
- Không ai được phép làm như vậy! - Cậu bé dõng dạc, quả quyết.
- Nhóc con, đi đi! - Gã thanh niên quát.
Mấy người lớn đi qua, vào lấy xe hoặc gửi xe, có người biết chuyện nhưng không ai nói gì. Tuy vậy, cậu bé vẫn không chịu đi. Mắt cậu cứ nhìn dán vào cái lỗ thủng trên vỉa hè như để nghĩ ra cách gì đó. Đến lúc ấy, tôi không thể không lên tiếng:
- Cậu bé nói phải đấy. Anh không nên làm như thế.
Người coi xe vẻ cáu kỉnh, nhìn xung quanh một lượt, rồi anh ta cũng nhổ cái cọc, vứt “xoảng” một cái lên vỉa hè.
Thái độ kiên quyết của cậu bé đã ngăn được một hành vi có hại.
Theo Đào Ngọc Đệ
1. Vì sao người coi xe đóng cọc sắt xuống vỉa hè?(0.5 điểm)
A. Vì anh ta muốn chăng dây, chiếm chỗ giữ xe rộng hơn.
B. Vì anh ta muốn sửa cho mặt vỉa hè phẳng phiu.
C. Vì anh ta muốn ngăn người vào nhà hát.
D. Vì anh ta được phép mở rộng khu trông xe.
2. Việc đóng cọc trên vỉa hè đem đến điều gì? (0.5 điểm)
A. Khu để xe được quy hoạch rõ ràng, tiện cho việc trông xe.
B. Mặt vỉa hè bị thủng một lỗ to bằng miệng bát cơm
C. Các chú công nhân sửa đường sẽ có thêm công việc mới.
D. Bảo vệ an ninh cho người bên trong nhà hát
3. Thấy anh coi xe đóng cọc làm hỏng vỉa hè, cậu bé đã nói gì? (0.5 điểm)
A. Anh chuyển bãi giữ xe ra chỗ khác đi!
B. Ai cho phép anh đóng cọc trên vỉa hè!
C. Sao anh lại đóng cọc trên hè phố, làm hỏng vỉa hè!
D. Anh đóng cọc này để làm gì vậy?
4. Khi anh coi xe vẫn nện búa, phới lờ lời cậu bé, cậu bé đã làm gì? (0.5 điểm)
A. Tiếp tục khuyên, giọng ôn tồn: Anh không nên đóng cọc trên vỉa hè!
B. Chạy đi tìm người khác khuyên can anh ta.
C. Sợ hãi bỏ đi.
D. Nhẹ nhàng giải thích: Anh làm vỡ vỉa hè sẽ bị phạt đấy..
5. Khi bị người đóng cọc trừng mặt dọa và có thêm bà coi xe tới nói rằng họ được phép đóng cọc trên hè phố, thái độ của cậu bé lúc này như thế nào? (0.5 điểm)
A. Vừa sợ vừa khóc xin lỗi hai người lớn.
B. Cậu tức giận bỏ đi vì biết sức mình không làm gì được bọn họ.
C. Cậu dõng dạc, quả quyết: Không ai được phép làm như vậy!
D. Cậu đánh bạo đưa ra lời cảnh báo: Nếu anh chị còn tiếp tục thì em sẽ báo công an.
6. Ai là người lên tiếng ủng hộ cậu bé ngăn chặn hành vi phá hoại vỉa hè của người coi xe? (0.5 điểm)
A. Tất cả những người xung quanh chứng kiến sự việc.
B. Không một ai ủng hộ cậu bé.
C. Người đàn ông gửi xe ủng hộ cậu bé.
D. Công an tới giải quyết vụ việc và khen ngợi cậu bé.
7. Nhờ hành động của cậu bé, câu chuyện đã kết thúc như thế nào? Em rút ra được điều gì qua câu chuyện trên?
8. Nêu tác dụng của dấu phẩy trong câu sau?
“Chúng tôi coi xe ở đây, chúng tôi được phép làm thế.”
9. Nêu tác dụng của dấu hai chấm trong câu sau: (1 điểm)
Người coi xe trừng mắt nhìn cậu bé:
- Việc gì đến chú mày?
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Tà áo dài Việt Nam
Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mành sau ghép liền giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.
Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến thành chiếc áo dài tân thời.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả ngôi trường thân yêu đã gắn bó với em trong nhiều năm qua.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) A. Vì anh ta muốn chăng dây, chiếm chỗ giữ xe rộng hơn.
2. (0.5 điểm) B. Mặt vỉa hè bị thủng một lỗ to bằng miệng bát cơm
3. (0.5 điểm) C. Sao anh lại đóng cọc trên hè phố, làm hỏng vỉa hè!
4.(0.5 điểm) A. Tiếp tục khuyên, giọng ôn tồn: Anh không nên đóng cọc trên vỉa hè!
5. (0.5 điểm) C. Cậu dõng dạc, quả quyết: Không ai được phép làm như vậy!
6. (0.5 điểm) C. Người đàn ông gửi xe ủng hộ cậu bé.
7. (1 điểm)
- Nhờ hành động của cậu bé, anh coi xe không thể thực hiện được hành động phá hoại vỉa hè vì mục đích cá nhân của mình, chỉ có thể cáu kỉnh mà nhổ cái cọc và vứt xoảng lên vỉa hè.
- Qua câu chuyện này em học được bài học:
+ Cần biết bảo vệ của công
+ Dũng cảm lên tiếng để chống lại những hành vi không đẹp, tránh thái độ thờ ơ, vô cảm trong cuộc sống.
8. (1 điểm) Tác dụng của dấu phẩy trong câu là ngăn cách các vế câu ghép:
“Chúng tôi / coi xe ở đây,// chúng tôi / được phép làm thế.”
CN1 VN1 CN2 VN2
9. (1 điểm) Tác dụng của dấu hai chấm trong câu là: Đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung: (4 điểm)
MB: Giới thiệu bao quát: (0.75 điểm)
- Trường nằm trên một khoảng đất rộng.
- Đứng từ xa xa đã thấy ngôi trường nổi bật với mái đỏ, tường rào và những hàng cây bao quanh.
TB: Tả từng phần của ngôi trường (2.5 điểm)
- Sân trường:
+Sân si măng rộng.
+Giữa sân là cột cờ
+Trên sân có một số cây bàng, phượng, bằng lăng cành lá vươn rộng tỏa bóng mát.
+Hàng ghế đá bên sân trường dưới những tán cây là nơi được các bạn học sinh vô cùng yêu thích.
+Hoạt động: Sân trường là nơi các bạn học sinh tập trung lại vào những tiết chào cờ hay những ngày kỉ niệm. Ồn ào, náo nhiệt vào mỗi giờ ra chơi và yên ắng lại khi các bạn học sinh trở lại lớp học.
- Lớp học:
+Ba tòa nhà hai tầng xếp thành hình chữ U.
+Tòa nhà mái đỏ, sơn vàng
+Các lớp học rộng rãi, thoáng mát. Có quạt trần, đèn điện, giá sách, giá trưng bày các tác phẩm. Tường lớp trang trí tranh, ảnh màu do học sinh tự vẽ. Có một góc thi đua lưu lại thành tích trong tuần của các bạn học sinh.
+Hoạt động: Trong giờ học , các học sinh chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài.
- Phòng truyền thống ở tòa nhà chính: Lưu lại tranh ảnh, đồ lưu niệm của nhà trường
- Vườn trường
+Cây trong vườn
+Hoạt động chăm sóc cây của học sinh ở vườn trường
KB: Cảm nghĩ của em về ngôi trường thân yêu (0.75 điểm)
- Trường học của em mỗi ngày một đẹp hơn nhà sự quan tâm của các thầy cô và chính quyền địa phương.
- Em rất yêu quý và tự hào về trường em
* Về hình thức: (2 điểm)
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
“Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”, đối với em mỗi một thầy cô giáo ở trường chính là những người cha, người mẹ thứ hai của em. Cũng như vậy ngôi trường chính là ngôi nhà thứ hai của em. Trường học là nơi ghi dấu biết bao kỉ niệm với chúng em, chúng em học tập, vui chơi, gắn bó hơn nữa với thầy cô và bè bạn cũng là ở nơi này. Em thực sự vô cùng yêu quý ngôi trường tiểu học mà hiện em đang theo học. Trường nằm trên một khoảng đất rộng. Đứng từ xa xa đã thấy ngôi trường nổi bật với mái đỏ, tường rào và những hàng cây bao quanh.
Đi từ xa tới đã nhìn thấy cổng trường được xây dựng vuông vắn, vững chãi với mái đỏ sơn cột màu vàng. Chiếc biển xanh ghi dòng chữ “Trường chuẩn quốc gia Trường Tiểu học Tân Quang” khiến em mỗi lần bước vào trước nhìn thấy đều rất đỗi tự hào. Cổng trường gồm có một cổng chính ở chính giữa và hai cổng phụ ở hai bên cạnh. Thuận lợi cho việc đóng mở và đi lại.
Bước qua cánh cổng là thực sự bước vào một thế giới của riêng các thầy cô giáo và các cô cậu học trò nhỏ. Sân trường rộng rãi được trải si măng, ở chính giữa chính là cột cờ, cờ được đặt nghiêm trang, ngay ngắn trên bục si măng cao ráo. Lá cờ đỏ tung bay phấp phới trong những ngày có gió và nắng mới luôn là hình ảnh thiêng liêng và rất đỗi tự hào mà mỗi học sinh như chúng em đều khắc ghi trong lòng. Tại sân trường em trồng rất nhiều cây xanh. Nào phượng vĩ, nào bàng,… chúng có những tán dài vươn rộng ra che rợp một khoảng sân và tạo bóng mát cho chúng em. Trên sân trường đôi chỗ còn sắp xếp một vài ghế đá. Đây là nơi mà chúng em vô cùng yêu thích vào những giờ ra chơi. Chúng em có thể ngồi ở ghế đá, dưới những bóng cây xanh để ôn lại bài tập, vui vẻ kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị hay chỉ đơn giản là lặng yên ngắm trời ngắm đất. Sân trường luôn giữ một vẻ tĩnh mịch, yên ắng. Nơi đây chỉ trở nên nhộn nhịp là vào những tiết chào cờ đầu tuần hoặc là giờ ra chơi. Khi các bạn học sinh hát quốc ca, ngồi lắng nghe các thầy cô trò chuyện trong tiết chào cờ, hoặc nô đùa bên nhau trong mỗi giờ ra chơi.
Hết giờ ra chơi, các bạn học sinh kéo vào lớp. Trả lại cho sân trường sự yên ắng như nó vốn có. Tiếng chim lại hót ríu rít trong những vòm lá, cành cây. Nắng lại nhuộm vàng sân trường. Từng ngọn gió khẽ đu đưa mang theo sự tươi mát, dễ chịu. Thỉnh thoảng nắng và gió lại tinh nghịch ghé vào cửa lớp xem các bạn học sinh học bài. Khu nhà trường bao gồm ba khu nhà được thiết kế quay vào với nhau như hình chữ U. Ba tòa nhà hai tầng với mái đỏ và nước sơn màu vàng như màu nắng mới thật sự vô cùng nổi bật lên trong khuôn viên trường. Nhà hiệu bộ bao gồm phòng của cô hiệu trưởng, cô hiệu phó, phòng văn thư, phòng kế toán, phòng hội đồng, phòng sinh hoạt đội, phòng truyền thống, phòng sinh hoạt của tổ xã hội, phòng sinh hoạt của tổ tự nhiên,… trên mỗi phòng đều có một chiếc biển nhỏ ghi tên phòng để mỗi người đều không nhầm lẫn mỗi khi bước vào. Hai khu nhà còn lại chính là nơi học tập của chúng em. Dãy hành lang thẳng tắp và được nối liền. Các lớp học được sắp xếp và bố trí giống như nhau. Phòng nào cũng đầy đủ các dụng cụ học tập như bảng đen, quạt trần, đèn điện, bàn ghế,… phía cuối mỗi phòng còn có giá sách nhỏ có đựng các sách tham khảo phục vụ cho việc học tập của chúng em. Ngoài ra còn có góc trang trí tranh ảnh, sản phẩm,… đó là những đồ vật do chúng em tự tay làm, hoặc hình ảnh chụp chung của lớp trong mỗi lần đi chơi hoặc tham gia các hoạt động. Chỉ cần bước tới giá ghi dấu kỉ niệm này là chúng em lại cảm thấy vô cùng thân thương, gần gũi và bồi hồi. Nơi em thích nhất trong gian phòng học chính là góc thi đua, nơi này chúng em được tự mình ghi chép lên đó ước mơ, mục tiêu học tập phấn đấu của chúng em. Ngay cả những thành tích mà mỗi bạn đạt được đều được lưu lại ở nơi này. Mỗi lần nhìn ngắm chúng, chúng em lại có thêm động lực để thi đua, cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập.
Sau khu nhà còn có một khu vườn trường nhỏ. Ở đây trồng rất nhiều các loài cây phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu thiên nhiên của chúng em.Mỗi giờ ra chơi chúng em thường lại đây chăm sóc cho những cây cỏ trong vườn, mong muốn được giữ mãi cho nơi đây một màu xanh thân thương và gần gũi ấy.
Trường học của chúng em ngày càng hiện đại và khang trang hơn là nhờ có sự quan tâm, chăm lo của thầy cô cùng với chính quyền địa phương. Đây là nơi mà em đã học tập và gắn bó trong suốt năm năm qua. Mai này dù có đi đâu xa em cũng mãi nhớ về ngôi trường thân yêu nơi có thầy cô giáo, bạn bè thân thương cùng với bảng đen, phấn trắng, sân trường, ghế đá, hàng cây,… và cả vòm trời cao xanh đã ôm ấp bao ước mơ, kỉ niệm của chúng em trong suốt 5 năm đầu đời cắp sách đến trường của chúng em.