"Tự thuật" là một trang văn thâm trầm, đậm đà và cởi mở trích trong "Vũ trung tuỳ bút", đúng là tiếng lòng của một bậc tài danh, trung hậu. Đại từ "ta" gợi lên sự gần gũi thân mật, thanh thản và ung dung làm cho người đọc tưởng như đang được trực tiếp nghe cụ Tế Đan Loan tâm tình, tâm sự.
Đoạn thứ nhất tác giả kể về gia cảnh và chí hướng của mình. Tác giả cho biết, ông sinh năm Mậu Tý (1768) niên hiệu cảnh hưng thời Lê. Xuất thân trong một gia đình quý tộc quan lại, khi ông lên năm, sáu tuổi thì đấng tiên đại phu của ông đã thăng làm Tuần phủ Sơn Tây. Tuy là con quan, sống trong cảnh phú quý "dư thừa bổng lộc” nhưng ngay từ thuở ấu thơ, ông không thích ăn chơi đua đòi, không "ham mê" những cách chơi cây, đá, hoa, chim. Ông sống có chí hướng, coi việc ''lập thần hành đạo" (đạo trung, hiếu) là phận sự của kẻ làm trai; "được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết con cháu nhà nọ, nhà kia" Biết rõ chí hướng của con, đăng tiên đại phu và bà cung nhân của ông rất hài lòng, "đều ban khen cả".
Bố mẹ sớm qua đời, gia đình ngày một sa sút, phải sống lận đận giữa thời loạn lạc, ông càng thương nhớ mẹ cha, muốn noi gương chàng Tử Lộ ngày xưa mà không được, ông càng tủi cho thân phận cô đơn của mình. Câu văn của Phạm Đình Hổ như những tiếng than cất lên nhiều ai oán:
"Thấm thoắt đã hơn 20 năm trời mà lời dạy của cha mẹ vẫn văng vẳng bên tai. Nay đến bước đường cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai! Chỉ than thử cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu!''.
Nhắc lại điển tích Tử Lộ, một học trò nghèo mà học giỏi của Khổng Tử, thuở hàn vi từng đội gạo nuôi mẹ già, Đông Dã Tiều bộc lộ một cách cảm động lòng hiếu thảo của mình lúc nào cũng muốn được đền đáp công ơn của cha mẹ mà không thể nào được nữa.
Đoạn văn thứ hai, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" chân thật nói lên một vài cái "tật" của mình mà ông vô cùng hối hận.
Thuở nhỏ, ông rất nghịch, thường hay lấy cái mũ trãi của bố ra đội và đùa bỡn, "dẫu cấm không cho chơi nghịch cũng không thể được". Một chút kỉ niệm ngây thơ hồn nhiên.
Ông cho biết thời trai trẻ "bịt tai lại không muốn nghe" khi có người rủ rê chơi đùa những trò thanh sắc, nghề cờ bạc. Tuy học vỡ được ít kinh sử mà chữ Nôm thì ông không biết hết; câu ca, bản đàn chẳng ham vì "chẳng hiểu gì cả". Năm Giáp Thìn (1784) lên 16 tuổi, người anh trưởng dạy ông đánh cờ, nhưng cờ thấp nên "hễ đánh với ai là thua". Những trò chơi cờ bạc, phán thán, ông "vốn không thích", dù có thử tập chơi, nhưng chẳng hiểu cái thuật nó ra thế nào! Thanh sắc, cờ bạc vốn là trò đam mê của nhiều người nhưng Phạm Đình Hổ tự cảm thấy "tư chất mình, trời cho có phần mờ tối, không thể cưỡng mà học được các nghề chơi" . Một cách nói hóm hỉnh, chân thành, cũng chẳng dám chê ai mà cũng chẳng hợm mình.
Ông tự trách, tự phê phán mình về chuyện "mắc phải bệnh nghiện chè tàu" từ những ngày lưu lạc. Tuy khay chén thiếu thốn, tiền không đủ mua chè mà vẫn nghiện. Các thứ chè thơm tho đều mua nếm qua cả; muốn chừa mà không chừa được. Nhớ lời răn dạy của mẹ hiền ngày trước, ông vô cùng hối hận, mong tu chí "cố gắng sửa đổi". Đọc đoạn văn sau đây, ta cảm động biết bao trước tâm lòng thành thật của Phạm Đình Hổ:
"Còn nhớ khi bà cung nhân ta hãy còn, người thương lấy những điều cờ bạc, chè rượu làm răn, mà ta nay đã ngoài ba mươi tuổi, bốn điều răn ấy đã phạm mất ba. Đêm thanh vắng suy xét, hối hận vô chừng. Ta vẫn mong cố gắng sửa đổi để khỏi phụ lời tiên huấn''.
Chúng ta tưởng như tác giả đang cởi mở lòng mình để nhắn nhủ các bạn trẻ gần xa - những đứa con trong gia đình nên lấy làm răn về những chuyện rượu, chè, cờ bạc mà tu thân và lập chí, đừng ăn chơi đua đòi, sa ngã.
Hiện nay, ở xứ ta có quá nhiều tự truyện, hồi kí, hồi ức,... Hầu như tác giả của những "tác phẩm" ấy đang tự vẽ lại bộ mặt mình, tự khoe mẽ mình một cách lố bịch. Đọc “Tự thuật" của Đông Dã Tiều, ta càng thấy rõ đức tính khiêm tốn, chân thật, chân tình,... mới có thể làm nên nhân cách văn hóa.
Đoạn văn thứ ba trong bài "Tự thuật", tác giả nói lên sở thích và nếp sống văn hóa của mình từ thời trai trẻ. Lên 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư được bốn năm; hồi cư tang bố "học hành bữa đực, bữa cái"; mãn tang mới học đến kinh. Vốn có năng khiếu văn chương và sớm có chí hướng "lấy thơ văn nổi tiếng ở đời" nên ông ham đọc sách cổ, thơ cổ, "không lúc nào rời tay". Trong nhiều năm ở lại quê nhà để hầu hạ mẹ già, ông sống với đèn sách, coi đèn sách là bầu bạn. Ngày nào cũng vậy, ăn cơm sáng xong, ông ra nhà khách đọc sách. Đêm nào cũng thức đến gà gáy (đọc sách) mới đi ngủ. Nếp tự học, tự nghiên cứu chuyên cần ấy mới tạo nên tầm vóc học vấn của tiên sinh sau này, để được tự hào nhận chiếu chỉ của vua Minh Mệnh ra làm Tế tửu Quốc tử giám.
Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, nên thuở nhỏ Phạm Đình Hổ được sống trong một môi trường lí tưởng, rất ít người thời bấy giờ được hưởng thụ. Dinh thự bao la: nhà trung đường bảy gian, nhà khách năm gian, nhà nội tẩm. Trong nhà khách, "chồng chất mấy giá sách, tuỳ ý muốn đọc quyển nào thì đọc". Vườn hoa, cây cảnh đẹp như một công viên. Chiếc ao vuông ở phía tây nhà khách thả sen hồng và sen trắng; liễu xanh và cam quýt trồng bốn xung quanh bờ. Hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn trồng năm ha cây, vài ba khóm nơi phía trong giáp sân nhà. Phía xa là cánh đồng làng, cách hàng rào tre, thấp thoáng một cái quán trơ trọi. Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời xế, tiếng hát, tiếng kèn lá của mục đồng thổi " ti toe". Tiếng hát xa xa trên đồng nội chợt đánh thức giấc ngủ ngày. Vị công tử con quan Tuần phủ cảm thấy bâng khuâng, rung động bởi "hồn Đường", bởi "tiếng ca thuyền chài" ánh ỏi ở đầu bến Nhược Gia. Những đêm trăng đẹp quê nhà như đưa tác giả vào cõi mộng. Đi tản bộ quanh bờ ao ngắm cảnh lúc trăng mọc. Ngâm nga mấy câu thơ Đường. Tựa gốc dừa, bẻ bông tước lá thử chơi khi cành hoa phơ phất trước mặt. Rồi thơ thẩn trở về nhà khách khi "bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỉ”.
Đoạn văn cuối bài "Tự thuật" đẹp như một bài thơ. Tâm hồn khách tài tử như được ướp hương hoa, như được chiếu sáng bởi ánh trăng trên đồng nội, được ru bằng làn gió máu khúc đồng dao. Chính đó là suối nguồn cho bao cảm hứng đẹp để Phạm Đình Hổ trang trải và gửi gắm trên những trang văn thơ làm say lòng người ở " Vũ trung tuỳ bút",...
Nhưng rồi cuộc sống thanh nhàn ấy đâu có được mãi giữa thời loạn lạc, khi gia cảnh ngày một sa sút khi người thân yêu lần lượt qua đời. Vị công tử con quan Tuần phủ Sơn Tây ngày nào, mỗi ngày một dấn bước vào giang hồ lưu lạc. Tất cả chỉ còn lại là kỉ niệm; kỉ niệm càng đẹp bao nhiêu thì càng buồn đau bấy nhiêu. Trang tuỳ bút của Đông Dã Tiều như rung lên bao thổn thức, như thấm đầy nước mắt:
"Cuối mùa đông năm ấy, anh thứ hai ta từ phương xa trở về, lại cùng ta sớm tối được non một năm nữa. Nay anh hai đã mất rồi, cảnh gia đình tiêu diều, ta thì lưu lạc giang hồ, đoái nhìn non sông mờ mịt, khôn cầm giọt lệ".
Bài tuỳ bút "Tự thuật" của Phạm Đình Hổ để lại trong lòng chúng ta nhiều ấn tượng và cảm xúc. Ấn tượng về một vị con quan được nuôi dưỡng và giáo dục trong một nền nếp Nho gia. Ấn tượng về một đứa con giàu lòng hiếu thảo, hễ mỗi khi nhắc đến cha mẹ là biểu lộ cả một tấm lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn sâu sắc. Ấn tượng về một con người sớm có chí hướng tu thân, gắng sức và chuyên cần học tập, quyết làm nên sự nghiệp để cho cha mẹ và gia đình được vẻ vang.
Trang tuỳ bút của Phạm Đình Hổ còn thể hiện một cốt cách sống đẹp: chan hoà với thiên nhiên, biết lấy cái đẹp của thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn mình, phát huy tài năng, trí tuệ của mình.
Sống đẹp, hướng về tầm cao nhân văn, tầm cao trí tuệ là bài học, là tấm gương của Phạm Đình Hổ để lại cho đời mà chúng ta ngưỡng mộ.
Đề thi vào 10 môn Văn Gia Lai
Đề thi vào 10 môn Văn Kon Tum
PHẦN HAI. LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NAY
Đề thi vào 10 môn Toán Nam Định
Đề thi vào 10 môn Toán Bình Phước