Đề số 1 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 2 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 3 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 4 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 5 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 6 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 7 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 8 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 9 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề số 10 - Đề thi học kì 2 - Tiếng Việt 5
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Một vụ đắm tàu (Trang 179 - TV5/ Tập 2)
2. Con gái (Trang 189 - TV5/Tập 2)
3. Thuần phục sư tử (Trang 198 - TV5/Tập 2)
4. Tà áo dài Việt Nam (Trang 207 - TV5/Tập 2)
5. Công việc đầu tiên (Trang 215 - TV5/Tập 2)
6. Út Vịnh (Trang 232 - TV5/Tập 2)
7. Những cánh buồm (Trang 241 - TV5/Tập 2)
8. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Trang 249 -TV5/Tập 2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
CÓ NHỮNG DẤU CÂU
Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.
Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không có gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.
Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết. Anh ta đã đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.
Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.
Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy. Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.
Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn không hay, không ý nghĩa, nhưng đánh mất những dấu câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng vô vị, cũng mất ý nghĩa như vậy.
Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé !
(Theo Hồng Phương)
1. Sau khi đánh mất dấu phẩy, anh chàng trong câu chuyện trở thành một người như thế nào? (0.5 điểm)
A. Sợ những câu phức tạp, chỉ tìm những câu đơn giản.
B. Nói nhanh không ngừng nghỉ khiến mọi người khó theo dõi.
C. Bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu.
D. Nói chậm dãi, nghỉ nhiều khiến ai cũng sốt ruột khi nghe anh ta nói
2. Sau khi đánh mất dấu chấm than, anh chàng trở thành một người như thế nào? (0.5 điểm)
A. Rụt rè, nhút nhát, không dám đề nghị, nhờ cậy ai cả.
B. Trở thành một người không có cảm xúc
C. Trở thành một người kể lể dài dòng, không đi vào trọng tâm.
D. Đánh mất khả năng học hỏi.
3. Sau khi đánh mất dấu chấm hỏi, anh chàng trở thành một người như thế nào? (0.5 điểm)
A. Không có chính kiến, không dám chứng tỏ bản thân mình.
B. Không thể diễn đạt suy nghĩ của mình cho người khác hiểu.
C. Trở thành người ăn nói cộc lốc, trống không.
D. Chẳng bao giờ hỏi ai nữa, đánh mất khả năng học hỏi.
4. Sau khi đánh mất dấu hai chấm, anh chàng trở thành một người như thế nào? (0.5 điểm)
A. Trong đầu luôn tràn ngập những câu hỏi không có lời giải đáp.
B. Không liệt kê được nữa, không giải thích được hành vi của mình nữa.
C. Trở thành người trầm cảm, u uất, không thể giao tiếp với mọi người.
D. Không có chính kiến, không dám chứng tỏ bản thân mình.
5. Điều gì xảy ra với anh chàng khi anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép? (0.5 điểm)
A. Anh ta quên mất cách tư duy, chỉ biết trích dẫn lời của người khác mà không phát biểu được ý kiến của mình.
B. Trong đầu luôn tràn ngập những câu hỏi không có lời giải đáp.
C. Anh ta quên mất đi quá khứ của chính mình.
D. Anh ta không thể chia sẻ, trò chuyện với những người xung quanh được nữa.
6. Nối cột A với cột B để được hậu quả đằng sau việc đánh mất những dấu câu? (0.5điểm)
Đánh mất dấu câu | Hậu quả |
1. Đánh mất dấu phẩy | a. Thiếu quan tâm đối với mọi điều |
2. Đánh mất dấu chấm than | b. Chỉ suy nghĩ được những điều đơn giản |
3. Đánh mất dấu chấm hỏi | c. Đổ lỗi cho tất cả, trừ mình |
4. Đánh mất dấu hai chấm | d. Thờ ơ đối với mọi chuyện |
7. Theo em, câu “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” Nghĩa là anh chàng có kết thúc ra sao khi đã đánh mất các dấu câu? (1 điểm)
8. Dấu phẩy trong câu "Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu." có nhiệm vụ gì ? ( 1 điểm)
9. Các câu trong đoạn văn sau được nối với nhau bằng cách nào ? (1 điểm)
Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
ÚT VỊNH
Thấy lạ, Vịnh nhìn ra đường tàu. Thì ra hai cô bé Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đó. Vịnh lao ra như tên bắn, la lớn:
-Hoa, Lan, tàu hỏa đến!
Nghe tiếng la, bé Hoa giật mình, ngã lăn khỏi đường tàu, còn bé Lan đứng ngây người, khóc thét.
Đoàn tàu vừa réo còi vừa ầm ầm lao tới. Không chút do dự, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc.
Biết tin, ba mẹ Lan chạy đến. Cả hai cô chú ôm chầm lấy Vịnh, xúc động không nói nên lời.
Theo TÔ PHƯƠNG
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Miêu tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) A. Sợ những câu phức tạp, chỉ tìm những câu đơn giản.
2. (0.5 điểm) B. Trở thành một người không có cảm xúc
3. (0.5 điểm) D. Chẳng bao giờ hỏi ai nữa, đánh mất khả năng học hỏi.
4. (0.5 điểm) B. Không liệt kê được nữa, không giải thích được hành vi của mình nữa.
5. (0.5 điểm) A. Anh ta quên mất cách tư duy, chỉ biết trích dẫn lời của người khác mà không phát biểu được ý kiến của mình.
6. (0.5 điểm)
1 - b: Đánh mất dấu phẩy - Chỉ suy nghĩ được những điều đơn giản
2 - d: Đánh mất dấu chấm than - Thờ ơ đối với mọi chuyện.
3 - a: Đánh mất dấu chấm hỏi - Thiếu quan tâm đối với mọi điều
4 - c: Đánh mất dấu hai chấm - Đổi lỗi cho tất cả, trừ mình.
7. (1 điểm)
Câu trả lời phải nêu được ý: Anh ta trở thành một người không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.
8. (1 điểm)
Anh // bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu.
Các từ khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu đều có chung nhiệm vụ bổ sung ý nghĩa cho động từ nói.
Thế nên dấu phẩy trong câu trên có nhiệm vụ ngăn cách các bộ phận cùng giữ chức vụ bổ trợ cho động từ nói.
9. (1 điểm)
- Câu 1 và câu 2 nối bằng cách thay thế cụm từ "một người" bằng từ "anh ta".
- Câu 2 và câu 3 nối với nhau bằng cách lặp từ ngữ : "những câu đơn giản".
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung:
A. Mở bài (0.75 điểm)
- Giới thiệu được cô giáo mà em muốn tả
- Giờ học đó là giờ học nào
B. Thân bài (2.5 điểm)
1. Tả bao quát cô giáo đang say sưa giảng bài: (0.5 điểm)
2. Tả chi tiết cô giáo đang say sưa giảng bài (2 điểm)
a. Tả ngoại hình cô giáo trong giờ học đó
b. Tả lời nói, cử chỉ, hành động của cô trong giờ học đó
c. Hình ảnh cô giáo đang giảng bài đối với em có gì đặc biệt
C. Kết bài (0.75 điểm)
Nêu cảm nghĩ của em đối với hình ảnh cô giáo đang say sưa giảng bài
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
“Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con”
Giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của cô Dung ngày hôm ấy khi dạy bài tập đọc Sang năm con lên bảy lại thi thoảng lại vang lên trong tâm trí em. Cô Dung là cô giáo dạy em môn Tiếng Việt từ hồi lớp 4 cho tới bây giờ. Mỗi một bài giảng của cô đều khiến chúng em hiểu bài một cách sâu sắc và thêm yêu văn chương. Trong đó bài Sang năm con lên bảy , hình ảnh cô đang say sưa giảng bài, thực sự là một tiết học mà em không sao quên được.
Giờ học ngày hôm ấy cô Dung mặc một chiếc áo dài màu trắng tím vừa nhẹ nhàng, thanh thoát lại dịu dàng. Mái tóc dài đen mượt của cô được cô tết lại một nửa, vừa gọn gàng lại không làm mất đi nét nữ tính. Đôi dép cao gót lại càng làm tôn lên dáng người cao dáo, mảnh khảnh của cô. Cô đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, từ bục giảng xuống dưới tỉ mỉ quan sát chúng em học hành. Cô có đôi mắt to và đen, mỗi lần cô giảng bài em thích nhìn vào mắt cô, thấy long lanh lấp lánh như có cả ngàn sao trong đôi mắt. Khuôn miệng cô chúm chím, cô chỉ cần cười lên là mọi căng thẳng, áp lực vì việc học của chúng em cũng vì thế mà tan biết đi.
Tiết học ngày hôm ấy học bài thơ Sang năm con lên bảy, vẫn như mọi lần cô viết từng nét chữ to, rõ ràng trên đề bài và nội dung bài học. Một tay cô cầm quyển sách, một tay cô cầm viên phấn, giọng nói truyền cảm bắt đầu cất lên, giảng cho chúng em biết bao điều hay ở trong bài thơ. Những hình ảnh tuổi thơ trong sáng, thuần khiết hiện ra, rồi cả những đổi thay khi mỗi chúng ta đã trưởng thành tất cả đều như được hiện lên thật sinh động thông qua những lời cô giảng. Em vừa cặm cụi ghi chép, vừa muốn ghi nhớ tất cả những lời cô nói vào trong đầu. Cô say sưa giảng bài cho chúng em, mải miết đưa từng nét phấn trên bục giảng, rồi lại tới tận nơi xem bài vở của chúng em, có gì thắc mắc cần giải đáp không. Lúc này trên trán cô vài sợi tóc thấm mồ hôi, dính cả lại vào trán, nhưng dường như cô không hề chú ý tới điều đó. Trên bục giảng, từng hạt phấn rơi rơi, rơi trên tóc cô, rồi vương cả lại trên chiếc áo dài. Hình ảnh ấy khiến em thực sự rất xúc động, cô say sưa giảng bài cho chúng em mà không hề mảy may chú ý gì tới bản thân mình.
Hình ảnh cô Dung khi đang giảng bài mãi là hình ảnh xúc động và khắc sâu vào trong tâm trí em. Mai này rời xa mái trường em sẽ chẳng thể nào quên những ngày tháng miệt mài học tập, nhớ mãi hình ảnh cô Dung say sưa giảng bài cho chúng em, nhớ giọng nói trầm ấm, truyền cảm của cô, nhớ cả từng hạt phấn vương trên mái tóc, vương trên quần áo cô.
Bài 8: Hợp tác với những người xung quanh
Bài tập cuối tuần 31
PHẦN 1: HỌC KÌ 1
Chương 1. Ôn tâp và bổ sung về phân số. Giải toán liên quan đến tỉ lệ. Bảng đơn vị đo diện tích
ĐỀ THI, ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1