Phần I
Khởi động:
Nói về một người bạn của em
Phương pháp giải:
Em nói về người bạn của mình dựa vào những gợi ý sau:
- Em muốn nói về người bạn nào? Bạn tên là gì? Bạn là bạn cũ/ bạn hàng xóm/ bạn cùng lớp...?
- Em chơi với bạn từ bao giờ?
- Em và bạn ấy thường làm gì? (học tập, chơi đồ chơi, nói chuyện,...);
- Em thích nhất điều gì ở bạn ấy?
- Khi chơi với bạn, em cảm thấy thế nào?
Lời giải chi tiết:
* Bài tham khảo 1:
Em có một người bạn tên là Bích Ngọc. Ngọc là bạn cùng khu tập thể với em. Em chơi với Ngọc từ năm học mẫu giáo. Em với bạn thường chơi đồ chơi và nói chuyện cùng với nhau. Ngọc rất dễ thương và tốt bụng. Em rất vui vì có một người bạn giống Bích Ngọc.
* Bài tham khảo 2:
Hải Nam là bạn cùng bàn của em. Em và Nam được xếp chỗ ngồi cạnh nhau từ lớp 1 cho đến giờ. Chúng em thường nhắc nhở nhau học bài. Giờ ra chơi, em thường rủ Nam ra sân chơi bắn bi. Nam là một người bạn rất tốt bụng. Em cảm thấy rất vui khi được chơi cùng với Nam.
Phần II
Bài đọc:
Gọi bạn
Tự xa xưa thuở nào
Trong rừng xanh sâu thẳm
Đôi bạn sống bên nhau
Bê vàng và dê trắng.
Một năm, trời hạn hán
Suối cạn, cỏ héo khô
Lấy gì nuôi đôi bạn
Chờ mưa đến bao giờ?
Bê vàng đi tìm cỏ
Lang thang quên đường về
Dê trắng thương bạn quá
Chạy khắp nẻo tìm bê
Đến bây giờ dê trắng
Vẫn gọi hoài: “Bê! Be!”.
(Định Hải)
Từ ngữ
Sâu thẳm: rất sâu.
Hạn hán: tình trạng thiếu nước do nắng lâu, không mưa gây ra.
Lang thang: đi hết chỗ này đến chỗ khác, không dừng lại ở nơi nào.
Phần III
Trả lời câu hỏi:
Câu 1: Câu chuyện được kể trong bài thơ diễn ra khi nào? Ở đâu?
Phương pháp giải:
Em chú ý đọc khổ thơ đầu tiên.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện được kể trong bài thơ diễn ra từ thời xa xưa, ở trong rừng xanh sâu thẳm.
Câu 2
Câu 2: Chuyện gì xảy ra khiến bê vàng phải lang thang đi tìm cỏ?
Phương pháp giải:
Em chú ý khổ thơ thứ hai.
Lời giải chi tiết:
Bê vàng phải lang thang đi tìm cỏ là do trời hạn hán, suối cạn cỏ héo khô.
Câu 3
Câu 3: Khi bê vàng quên đường về, dê trắng đã làm gì?
Phương pháp giải:
Em chú ý khổ thơ thứ ba.
Lời giải chi tiết:
Khi bê vàng quên đường về, dê trắng đã chạy khắp nẻo để tìm bê và gọi “Bê! Bê!” mãi.
Câu 4
Câu 4: Nêu cảm nghĩ của em về bê vàng và dê trắng.
Phương pháp giải:
Em nghĩ gì về tình bạn của bê vàng và dê trắng. Em chú ý chi tiết “Dê trắng đi tìm bạn và gọi mãi tên bạn.”
Lời giải chi tiết:
Bê vàng và dê trắng có một tình bạn thật đẹp và cảm động, hai bạn sống bên nhau, dê trắng đi tìm bê vàng khi bê vàng bị lạc.
Phần IV
Luyện tập theo văn bản đã học:
Câu 1: Tìm từ ngữ thể hiện tâm trạng của dê trắng khi không thấy bạn trở về.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ khổ thơ cuối cùng.
Lời giải chi tiết:
Từ ngữ thể hiện tâm trạng của dê trắng khi không thấy bạn trở về là: thương bạn quá
Câu 2
Câu 2: Đóng vai một người bạn trong rừng, nói lời an ủi dê trắng.
Phương pháp giải:
Các bước cần làm để nói lời an ủi bạn dê trắng:
- Thừa nhận cảm xúc (buồn) của bạn
- Động viên bạn vượt qua cảm xúc hiện tại
- Gợi ý người đó tới những điều tốt đẹp sắp tới
Lời giải chi tiết:
Đóng vai một người bạn trong rừng, nói lời an ủi dê trắng: Dê trắng ơi, mình biết là bạn đang rất buồn và nhớ bê vàng. Bạn đừng buồn nữa nhé! Mình tin là rồi bê vàng cũng sẽ tìm được đường về thôi.
Ghi nhớ
- Nội dung chính: Tình bạn gắn bó và thân thiết giữa bê vàng và dê trắng. - Liên hệ bản thân: Yêu quý và gắn bó với những người bạn xung quanh mình. |
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 2
Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Tiếng Việt - Cánh Diều Lớp 2
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 2
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Kết nối tri thức Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 2
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 2